Trang chủ Văn hóa học Bản sắc (identity) là gì?

Bản sắc (identity) là gì?

by Ngo Thinh
Published: Last Updated on 314 views

Bản sắc chính là văn hóa, song không phải bất cứ yếu tố văn hóa nào cũng được xếp vào bản sắc. Người ta chỉ coi những yếu tố văn hóa nào giúp phân biệt một cộng đồng văn hóa này với một cộng đồng văn hóa khác là bản sắc.

Tùy từng đối tượng nghiên cứu cụ thể mà bản sắc được gắn với các cộng đồng ở những quy mô khác nhau; cụ thể như: người ta có thể nói đến bản sắc phương Đông hay phương Tây (cộng đồng văn hóa khu vực), cũng có thể nói đến bản sắc của một dân tộc, một tộc người hay một nhóm người trong xã hội.

Khái niệm Bản sắc văn hóa

Bản sắc là những yếu tố văn hóa đặc trưng cho từng cấp độ chủ thể văn hóa được xét đến. Bản sắc giúp khu biệt cộng đồng văn hóa này với cộng đồng văn hóa khác.

Trong hoạt động kinh tế, con người không chỉ dựa trên các chuẩn mực pháp lý, tri thức, sự hiểu biết của họ về lĩnh vực họ đang làm, mà còn bị dẫn dắt và chi phối bởi các giá trị văn hóa như: đạo đức, thẩm mỹ, truyền thống, triết lý mà họ được thừa hưởng từ giáo dục và từ môi trường sống, tóm lại là – từ bản sắc văn hóa. Chính vì vậy, bản sắc văn hóa là cốt lõi của triết lý phát triển ở mỗi dân tộc.

Nhận thức được tầm quan trọng của bản sắc văn hóa và nghiên cứu cách thức phát huy nó cho sự phát triển của đất nước, của địa phương mình, hiện đang là vấn đề thời sự, thu hút sự quan tâm hàng đầu của tất cả các nước trong thời đại toàn cầu hóa.

Để thực hiện thành công mục tiêu đó, trước hết các dân tộc cần xác định cho được đâu là bản sắc văn hóa truyền thống của mình. Thứ nữa, cũng cần lưu ý rằng: cho dù bản sắc văn hóa truyền thống có mạnh đến đâu đi chăng nữa thì nó cũng không phải là cái “nhất thành bất biến”. Điều này đang trở nên đặc biệt đúng trong điều kiện toàn cầu hóa như hiện nay.

Đứng trước những đòi hỏi như vậy, có thể nhận thấy rằng, văn hóa Việt Nam đang ở vào vị thế thuận lợi hơn so với nhiều nền văn hóa khác, bởi tính dung chấp và tính tổng hợp vốn là bản sắc văn hóa cố hữu của nó.

Một đặc tính nổi trội trong văn hóa Việt Nam là tính dung chấp rất cao. Đã có nhiều nhà nghiên cứu văn hóa nhìn nhận tính dung chấp ấy như một thứ chủ nghĩa thực dụng của người Việt: sẵn sàng tiếp thu các yếu tố văn hóa ngoại sinh, miễn là có lợi. Với cái nhìn đó, văn hóa Việt Nam dễ bị hình dung như một tổng cơ học của những “mảnh vụn văn hóa” được đặt cạnh nhau.

Thật ra, tính dung chấp văn hóa không đồng nghĩa với tính hỗn tạp và lai căng văn hóa. Trái lại, nó có tác dụng điều tiết quá trình lựa chọn và kết hợp một cách sáng tạo giữa các yếu tố văn hóa ngoại sinh với văn hóa bản địa, sao cho bản sắc văn hóa dân tộc vẫn được bảo tồn và duy trì.

Nhờ tính dung chấp mà quá trình tiếp xúc và giao lưu văn hóa không những không làm tổn hại đến nền văn hóa bản địa, mà trái lại còn làm cho nền văn hóa ấy càng trở nên giàu có và phong phú hơn.

Biết cách loại bỏ những yếu tố văn hóa lạc hậu, kìm hãm sự phát triển của dân tộc, và biết chấp nhận những giá trị tiến bộ bên ngoài để đưa dân tộc tiến lên – là một phẩm hạnh mà không phải nền văn hóa nào cũng có được. Bởi lẽ, phẩm hạnh này chỉ xuất hiện ở những dân tộc giàu lòng vị tha và dung chấp. Lịch sử đã minh chứng rằng, đã có nhiều nền văn hóa tự khép kín bản thân để rồi dẫn đến diệt vong do không kịp thích nghi với những biến động trong đời sống nhân loại; hoặc đi đến những phản ứng bài ngoại hết sức cực đoan và thiếu nhân tính, gây ra nhiều thảm họa nhân đạo.

Một mặt, tính dung chấp văn hóa của người Việt Nam bắt nguồn từ quá trình hình thành dân tộc Việt: Đây là dân tộc được hình thành từ sự hoà huyết về chủng, từ sự tổng hợp về mặt ngôn ngữ và từ sự giao thoa của nhiều nền văn hóa trong khu vực. Chính quá trình hình thành như vậy đã quy định rằng: nền văn hóa của người Việt phải là một hệ thống tổng hợp và phải là một hệ thống mở, và do đó – phải có tính dung chấp.

Mặt khác, kinh nghiệm dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam đã góp phần định hình tính dung chấp văn hóa của dân tộc này: đứng trước một cường quốc hùng mạnh tại khu vực lại luôn có dã tâm xâm chiếm và đồng hóa, việc phải mở cửa nền văn hóa và chấp nhận những giá trị văn hóa bên ngoài tràn vào – là một tất yếu. Bởi vậy, dân tộc Việt Nam không đứng trước những vấn đề mà nhiều dân tộc khác gặp phải là sự lựa chọn giữa “đóng” hay “mở cửa” nền văn hóa dân tộc. Vấn đề đặt ra đối với người Việt luôn là: nên hấp thụ những yếu tố văn hóa nào, và cải biến chúng ra sao cho phù hợp với nhu cầu phát triển của dân tộc.

Nếu biết vận dụng tính dung chấp văn hóa, thì đó sẽ là một lợi thế lớn của dân tộc trong công cuộc hội nhập vào đời sống quốc tế hiện nay.

Những phẩm hạnh này, cho phép Việt Nam xây dựng chiến lược và sách lược nhằm định hình một bản sắc văn hóa mới, phù hợp với nhu cầu phát triển của đất nước,

 

đáp ứng được các đòi hỏi của thời đại, mà với nó, dân tộc vẫn không đánh mất đi diện mạo độc đáo của mình.

5/5 - (2 bình chọn)

Có thể bạn quan tâm

Lytuong.net – Contact: admin@lytuong.net