Trang chủ Triết học Hình thái kinh tế – xã hội là gì?

Hình thái kinh tế – xã hội là gì?

by Ngo Thinh
Published: Last Updated on 418 views

Hình thái kinh tế – xã hội là gì? Sự phát triển các hình thái kinh tế – xã hội là một quá trình lịch sử tự nhiên?

Hình thái kinh tế – xã hội là gì?

Giữa các mặt trong đời sống xã hội thống nhất biện chứng với nhau tạo thành các xã hội cụ thể tồn tại trong từng giai đoạn lịch sử nhất định. Các xã hội cụ thể đó được chủ nghĩa duy vật lịch sử khái quát thành phạm trù hình thái kinh tế – xã hội. Hình thái kinh tế – xã hội là một phạm trù của chủ nghĩa duy vật lịch sử dùng để chỉ xã hội ở từng giai đoạn lịch sử nhất định, với một kiểu quan hệ sản xuất đặc trưng cho xã hội đó, phù hợp với một trình độ nhất định của lực lượng sản xuất, và với một kiến trúc thượng  tầng tương ứng được xây dựng trên những quan hệ sản xuất ấy.

Hình thái kinh tế – xã hội là một hệ thống hoàn chỉnh, có cấu trúc phức tạp, trong đó có các mặt cơ bản là lực lượng sản xuất, quan hệ sản xuất và kiến trúc thượng tầng. Mỗi mặt của hình thái kinh tế – xã hội có vị trí riêng và tác động qua lại lẫn nhau, thống nhất với nhau.

Lực lượng sản xuất là nền tảng vật chất – kỹ thuật của mỗi hình thái kinh tế – xã hội. Hình thái kinh tế – xã hội khác nhau có lực lượng sản xuất khác nhau. Suy đến cùng, sự phát triển của lực lượng sản xuất quyết định sự hình thành, phát triển và thay thế lẫn nhau của các hình thái kinh tế – xã hội.

Các quan hệ sản xuất tạo thành cơ sở hạ tầng của xã hội và quyết định tất cả mọi quan hệ xã hội khác. Mỗi hình thái kinh tế – xã hội có một kiểu quan hệ sản xuất đặc trưng cho nó. Quan hệ sản xuất là tiêu chuẩn khách quan để phân biệt các chế độ xã hội. .

Kiến trúc thượng tầng được hình thành và phát triển phù hợp với cơ sở hạ tầng, nhưng nó lại là công cụ để bảo vệ, duy trì và phát triển cơ sở hạ tầng đã sinh ra nó.

Ngoài các mặt cơ bản đã nêu trên, các hình thái kinh tế – xã hội còn có quan hệ về gia đình, dân tộc và các quan hệ xã hội khác. Các quan hệ đó đều gắn bó chặt chẽ với quan hệ sản xuất, biến đổi cùng với sự biến đổi của quan hệ sản xuất.

Sự phát triển các hình thái kinh tế – xã hội là một quá trình lịch sử tự nhiên

Lịch sử phát triển của xã hội đã trải qua nhiều giai đoạn nối tiếp nhau từ thấp đến cao. Tương ứng với quá trình đó là lịch sử của các hình thái kinh tế – xã hội theo những quy luật, đó là quá trình lịch sử tự nhiên của xã hội. Mác khẳng định rằng “Tôi coi sự phát triển của các hình thái kinh tế – xã hội là một quá trình lịch sử tự nhiên”.

Lực lượng sản xuất, quan hệ sản xuất, kiến trúc thượng tầng. Mối liên hệ tác động qua lại của các nhân tố này thể hiện sự tác động của các quy luật chung vào trong các giai đoạn của sự phát triển của lịch sử làm cho các hình thái kinh tế – xã hội phát triển như một tiến trình lịch sử tự nhiên.

Quá trình phát triển lịch sử tự nhiên của xã hội có nguồn gốc sâu xa từ sự phát triển của lực lượng sản xuất. Chính tính chất và trình độ của lực lượng sản xuất đã quy định một cách khách quan tính chất và trình độ của quan hệ sản xuất. Do đó xét đến cùng lực lượng sản xuất quyết định quá trình vận động và phát triển của hình thái kinh tế – xã hội như quá trình lịch sử tự nhiên.

Trong hệ thống các quy luật khách quan chi phối sự vận động và phát triển của các hình thái kinh tế xã hội, thì quy luật về sự phù hợp của quan hệ sản xuất với tính chất và trình độ của lực lượng sản xuất có vai trò quyết định nhất. Mặt khác, sự tác động đến quá trình phát triển của các hình thái kinh tế – xã hội như một quá trình lịch sử tự nhiên còn thể hiện sự tác động trực tiếp, quan trọng của quy luật về mối quan hệ biện chứng giữa cơ sở hạ tầng và kiến trúc thượng tầng, v.v…

Có nhiều nguyên nhân tác động dẫn đến quá trình thay đổi các hình thái kinh tế – xã hội khác nhau trong sự phát triển của lịch sử. Trong đó điều kiện của môi trường địa lý, tính độc đáo của các nền văn hóa, của truyền thống, tư tưởng, tâm lý xã hội và vấn đề dân tộc v.v… đều có ý nghĩa quan trọng nhất định. Tính chất của tác động lẫn nhau giữa các dân tộc tồn tại ở các giai đoạn khác nhau đều phụ thuộc vào tính chất của chế độ xã hội. Để xác định tính đặc trưng và phân biệt sự khác nhau giữa các giai đoạn, phù hợp với khuynh hướng chủ đạo đó, người ta dùng khái niệm thời đại.

Xem thêm: Giá trị khoa học của học thuyết hình thái kinh tế – xã hội

Ý nghĩa

Lần đầu tiên trong lịch sử, Mác là người đầu tiên nêu lên và giải quyết một cách khoa học những vấn đề duy vật biện chứng về lịch sử. Học thuyết hình thái kinh tế – xã hội chỉ ra nguồn gốc, động lực bên trong của sự tồn tại, vận động và phát triển của xã hội thông qua hệ thống các quy luật khách quan của xã hội. Học thuyết hình thái kinh tế – xã hội đã phê phán những quan điểm duy tâm, siêu hình về lịch sử.

Cơ cấu và quy luật phổ biến tác động trong mọi hình thái kinh tế – xã hội nhất định lại có tính đặc thù riêng biệt thông qua những điều kiện lịch sử xã hội khác nhau. Vận dụng học thuyết hình thái kinh tế – xã hội vào nước ta có lúc đã mắc phải những sai lầm nghiêm trọng như sau năm 1976 khi nóng vội đẩy nhanh tốc độ công nghiệp hóa, nhưng chưa có những tiền đề cần thiết, xóa bỏ những thành phần kinh tế tư nhân, coi nhẹ quan hệ sản xuất hàng hóa, cơ chế tập trung quan liêu bao cấp v.v…

Từ Đại hội Đảng lần thứ VI, Đảng ta đã thực hiện công cuộc đổi mới và từ đó đến nay đường lối đổi mới đó đã từng bước đi vào hiện thực và đạt được nhiều kết quả to lớn nhất định.

+ Xây dựng phát triển kinh tế hàng hóa nhiều thành phần, theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Cho nên xây dựng và phát triển kinh tế hàng hóa nhiều thành phần, nhưng có sự quản lý của nhà nước và kinh tế quốc doanh luôn giữ vai trò chủ đạo.

+ Xây dựng hệ thống chính trị theo nguyên tắc nhân dân làm chủ, bảo vệ quyền dân chủ của mọi thành viên trong xã hội. Cho nên nhà nước là nhà nước của dân, do dân và vì dân, hoặc dân biết, dân bàn, dân kiểm tra, v.v…

+ Mở rộng giao lưu quốc tế, tiếp cận và vận dụng những giá trị mới của văn minh nhân loại. Tạo môi trường cho hoạt động tự do sáng tạo của mọi con người vì mục tiêu dân giàu nước mạnh xã hội công bằng văn minh

5/5 - (1 bình chọn)

Có thể bạn quan tâm

123123

Lytuong.net – Contact: admin@lytuong.net