Nhân ái là gì? Tìm hiểu các quan điểm về lòng nhân ái, các yếu tố cấu thành lòng nhân ái.
Khái niệm lòng nhân ái
Có rất nhiều quan niệm về lòng nhân ái (LNA)
Quan niệm LNA là thuộc tính tình cảm, là tình thương, tình yêu của con người.
Theo Khổng Tử, Nhân là thương người, người nào thật lòng thương người khác thì có thể làm tròn bổn phận mình trong xã hội. Khổng Tử cũng nói tình yêu của con người là gốc rễ của mọi cách hành xử của con người. Ông quan niệm LNA ở đây không phải là thứ tình cảm mơ hồ mà còn được thể hiện qua những tương tác cụ thể và khởi đầu với những người xung quanh mình, ở trong nhà thì hiếu với cha mẹ, ra ngoài kính nhường người hơn tuổi, thận trọng giữ chữ tín, yêu thương mọi người và học hỏi người nhân đức. Theo Mạnh Tử thì Nhân là “lòng thương xót con người” và đó là “đầu mối của mọi đức nhân”. Mạnh Tử cũng nói nhiều đến Đức của con người, đó là nhân nghĩa và được hiểu là “kiêm ái – thương yêu tất cả mọi người”.
Như vậy, quan điểm Nho giáo coi bản chất đạo đức khái quát chung nhất là ở nhân ái, nhân luân, nhân nghĩa. Đó chính là lòng thương người “thương người như thể thương thân”.
Rubinstein quan niệm LNA là tình yêu đối với con người, với bản thân cũng như đối với mọi thực thể sống. Ông cho rằng, người có LNA trước hết phải biết yêu bản thân, yêu thương mọi người gần gũi xung quanh và tất cả mọi thứ gắn bó đến cuộc sống của họ.
Theo Sue Patton Thoele thì “LNA xuất phát từ trái tim chan chứa tình yêu thương, là cái cảm xúc mãnh liệt, sự trắc ẩn và thấu hiểu trong đôi mắt…”.
Saron Salzberg cho rằng: LNA là sự bao dung, quan tâm đến người khác mà không làm tổn thương đến họ.
Theo Khuất Thu Hồng, nhân ái là ưu ái con người, yêu thương con người”. Từ tình yêu thương con người dẫn đến sự cảm thông, chia sẻ, giúp đỡ, hỗ trợ…
Quan niệm LNA là phẩm chất đạo đức, thể hiện tính người
Daparogiet quan niệm LNA như phẩm chất đạo đức gồm 3 yếu tố cơ bản: tình cảm đạo đức, hành vi đạo đức và ý niệm đạo đức về tốt, xấu, về các hiện tượng trong đời sống xã hội.
Theo Lê Minh Thuận, LNA là tình yêu thương con người, là một phẩm chất đạo đức thuộc cấu trúc nhân cách, vì vậy muốn giáo dục LNA cho trẻ cần tác động vào những thuộc tính của nhân cách.
Theo quan điểm triết học, LNA là giá trị nhân văn căn bản, phân biệt con người – ý thức và có đạo đức với con vật, bản năng và thú tính. Người có LNA giàu cảm xúc, dễ động lòng trắc ẩn trước những sự bất hạnh của người khác: ân cần, chu đáo, quan tâm giúp đỡ mọi người, có thể hy sinh vì người khác; giàu lòng vị tha, khoan dung, độ lượng, không chỉ biết suy nghĩ tốt đẹp về người khác mà còn làm những điều tốt đẹp cho người khác một cách vô tư, trong sáng như một sự thôi thúc, tự nguyện bởi sức mạnh nội tâm, xuất phát từ những rung động sâu xa và tinh tế của một tâm hồn luôn có nhu cầu cảm thông và chia sẻ, từ một tấm lòng và trái tim nhân hậu.
Đặng Thành Hưng, Trần Thị Tố Oanh đã nhấn mạnh tính người trong quan niệm LNA. Không phải mọi biểu hiện của nhân tính đều là nhân ái, nhưng nhân ái là một biểu hiện cao đẹp của nhân tính. Đó là tình yêu trong đó có quan tâm, ân cần, trân trọng, thân thiết, vị tha, bao dung, tự nguyện, đằm thắm…
Quan niệm LNA như một năng lực
Hartman [109] xem xét LNA như là năng lực. Ông cho rằng con người có năng lực xác định giá trị, trong đó đồng cảm là năng lực thấy và đánh giá được đúng giá trị bên trong của người khác, tức là nhận thấy và chấp nhận người khác, có khả năng đặt mình vào vị trí của người khác. Ông đã đưa ra 5 phạm trù để đo giá trị như: Biết làm gì; Biết làm bằng cách nào; Khả năng kế hoạch và tổ chức thực hiện; Đo năng lực và kết quả, khả năng hợp tác với người khác một cách tốt đẹp, tích cực, biết đánh giá người khác (đồng cảm).
Theo Hoàng Thị Phương [66] quan niệm LNA là năng lực cảm thông với nỗi đau của người khác và nó thể hiện ở các tầng bậc xúc cảm, tình cảm, nhận thức và hành động khác nhau.
Quan niệm LNA như một giá trị
Tsunesaburo Makiguchi xem xét LNA như là một giá trị phù hợp với những chuẩn mực của xã hội.
Nguyễn Quang Uẩn quan niệm LNA là giá trị, luôn mang tính khách quan, có liên quan đến nhu cầu được con người thừa nhận. Giá trị LNA chứa đựng yếu tố nhận thức, tình cảm và hành vi của chủ thể trong mối quan hệ với sự vật, hiện tượng, thể hiện sự lựa chọn đánh giá của chủ thể. Tác giả quan niệm giá trị là thuộc tính phản ánh ý nghĩa của sự vật hay người trong quan hệ so sánh với sự vật hay người khác, nảy sinh từ sự kết hợp hay gặp gỡ giữa thuộc tính khách quan của sự vật (hay người) và nhu cầu, nhận thức, tình cảm, mong muốn nhất định chủ quan của người khác (hay những người khác). Như vậy có thể thấy, các tác giả hiểu LNA ở các góc độ khác nhau.
LNA là thuộc tính tình cảm bên trong của con người và là một phẩm chất đạo đức thể hiện tính người, đồng thời LNA cũng là một giá trị, một năng lực. Vậy có thể định nghĩa về LNA như sau:
Lòng nhân ái là giá trị nhân văn, là tình thương yêu của con người, thể hiện sự đồng cảm, quan tâm, chia sẻ, giúp đỡ, bảo vệ và khoan dung đối với bản thân, mọi người và sự vật xung quanh không chỉ bằng nhận thức mà còn bằng thái độ, hành vi tích cực của họ.
Có thể thấy, trong nội hàm khái niệm LNA nổi bật lên ba điểm quan trọng sau đây:
Thứ nhất, LNA là một giá trị – giá trị quan trọng nhất trong các giá trị của con người – giá trị nhân văn, là nấc thang cao nhất của sự hoàn thiện nhân tính người, được thể hiện ở sự đồng cảm, quan tâm, chia sẻ, giúp đỡ, bảo vệ và khoan dung.
Thứ hai, LNA là một giá trị, với cấu trúc gồm ba thành phần có liên quan mật thiết với nhau là nhận thức, thái độ, hành vi. Điều này có nghĩa là việc giáo dục LNA cần tác động đồng bộ đến cả ba thành phần của nó thì mới đem lại hiệu quả thực tế. Nói cách khác là cần hình thành năng lực thực sự ở con người.
Thứ ba, xét về khía cách đối tượng để con người thể hiện LNA là bản thân, mọi người và sự vật xung quanh. Một người không biết yêu thương, khoan dung với chính mình thì cũng khó có thể yêu thương, khoan dung với người khác và càng không thể quan tâm, bảo vệ mọi thứ xung quanh. Tuy nhiên, nêu chỉ biết lo cho bản thân mà không nghĩ đến mọi người và môi trường xung quanh thì không bao giờ là người có LNA, mà là ích kỉ, vô cảm cần phải lên án.
Các yếu tố cấu thành lòng nhân ái
Về các thành phần cấu trúc của lòng nhân ái
LNA là một trong những giá trị quan trọng của con người nói chung, của người Việt Nam nói riêng. Hartman, Daparogiet… quan niệm các yếu tố cấu thành giá trị cụ thể là LNA gồm nhận thức, tình cảm và hành vi, điều này được thể hiện cụ thể qua sơ đồ sau:
Yếu tố tình cảm: Là sự hứng thú, vui thích khi thể hiện LNA với bản thân và mọi người xung quanh, sự thể hiện xúc cảm, tình cảm ra bên ngoài qua nét mặt, cử chỉ, điệu bộ phù hợp tình huống và hoàn cảnh.
Yếu tố nhận thức: Là hiểu biết của con người về LNA, biết được nhân ái là đồng cảm, quan tâm, chia sẻ, giúp đỡ, tha thứ và bảo vệ bản thân, mọi người, sự vật xung quanh. Nhận biết được các hành vi/xúc cảm nhân ái- nhận xét các biểu hiện nhân ái/. Nhận thức các tình huống/hoàn cảnh cần đồng cảm…
Yếu tố hành vi: Là những hành động nhân ái được thể hiện ra bên ngoài bằng ngôn ngữ và những hành vi phi ngôn ngữ (cử chỉ, điệu bộ, nét mặt…) trong mối quan hệ với bản thân và mọi người, với sự vật xung quanh. Đó là những hành động thể hiện sự đồng cảm, quan tâm, chia sẻ, giúp đỡ, bảo vệ và khoan dung. Hành vi nhân ái của con người đối với bản thân, mọi người và sự vật xung quanh được thể hiện bằng hành động cụ thể dựa trên thống nhất giữa nhận thức đúng đắn và tình cảm tích cực của con người trong các tình huống cụ thể của cuộc sống.
Các yếu tố cấu thành LNA có liên quan mật thiết với nhau:
Yếu tố TÌNH CẢM đóng vai trò chủ đạo, có tác dụng như động lực thúc đẩy con người tích cực lĩnh hội kiến thức để có hiểu biết đúng về LNA và thể hiện hành vi nhân ái với mọi người và sự vật xung quanh. Điều này, đặc biệt quan trọng đối với trẻ, khi nhận thức, kinh nghiệm về LNA của trẻ còn hạn chế, sự tự ý thức của trẻ còn chưa phát triển tốt. Mọi hành động của trẻ thường bắt đầu từ cảm xúc yêu ghét trong quan hệ với mọi người và sự vật xung quanh.
Yếu tố NHẬN THỨC đảm bảo nội dung, nghĩa là nhờ có nhận thức đúng mà con người có hiểu biết LNA là đồng cảm, quan tâm chia sẻ, giúp đỡ, bảo vệ và khoan dung với bản thân, mọi người và sự vật xung quanh, ý nghĩa của nhân ái. Từ đó, sẽ cố gắng thể hiện hành vi nhân ái ở mọi nơi, mọi lúc với mọi đối tượng, tình huống và hoàn cảnh khác nhau.
Yếu tố HÀNH VI giữ vai trò điều chỉnh và kiểm tra. Điều này có nghĩa là chỉ thông qua hành động cụ thể của con người được thể hiện trong các mối quan hệ với con người và sự vật xung quanh mới hiểu được thái độ tình cảm thực sự của họ, nhận thức của họ.
Trong thực tế cuộc sống, các yếu tố cấu thành LNA không tồn tại riêng biệt, rời rạc mà gắn kết, thống nhất với nhau, tạo thành một kết cấu vững chắc, thể hiện năng lực thực sự của con người trong ứng xử với bản thân, mọi người và sự vật xung quanh.
Về các giá trị cụ thể hợp thành LNA
Lòng nhân ái là một giá trị lớn, trong đó bao hàm các giá trị cụ thể sau đây:
- Đồng cảm: Là thể hiện cảm xúc của bản thân cho phù hợp với tâm trạng, trạng thái, cảm xúc của người khác, hoặc sự vật, hiện tượng trong các tình huống, hoàn cảnh cụ thể. Trong thực tiễn cuộc sống, mọi người cần có năng lực đồng cảm, biết thể hiện niềm vui trong các tình huống, hoàn cảnh khi thấy người khác vui. Khi thấy người khác buồn, mệt mỏi, đau đớn… biết cảm thông với họ, cảm nhận được nỗi buồn đau của người khác, có cảm giác buồn, đau như chính mình đang ở trạng thái, tâm trạng của họ.
- Quan tâm: Đối với bản thân là chú ý đến sức khỏe, diện mạo bên ngoài, nhận biết được tâm trạng, mong muốn, cảm xúc của bản thân. Đối với mọi người xung quanh, nhận biết và chú ý đến sự thay đổi về diện mạo, cảm xúc của mọi người xung quanh, biết được sở thích, nhu cầu của bạn bè, người thân trong sinh hoạt hàng ngày. Đối với các sự vật, hiện tượng là nhận ra sự thay đổi trạng thái của nó, nhất là trạng thái không tốt.
- Chia sẻ: Là cho đi và nhận lại về cả vật chất và tinh thần. Về tinh thần, khi san sẻ niềm vui thì niềm vui sẽ được nhân lên, khi san sẻ nỗi buồn thì nỗi buồn sẽ vơi đi, sẽ đỡ buồn hơn. Về vật chất, khi chia sẻ là cho đi, nhưng đổi lại con người sẽ cảm thấy hạnh phúc hơn, vui hơn, thoải mái hơn về tinh thần vì thấy mọi người cũng vui và hạnh phúc như mình.
- Giúp đỡ: Động viên khích lệ người khác, sẵn sàng hỗ trợ người khác khi thấy họ gặp khó khăn hoặc họ đề nghị được giúp đỡ, yêu cầu. Sử dụng các hình thức hỗ trợ phù hợp với hoàn cảnh và khả năng của bản thân, hỗ trợ về vật chất và tinh thần như: tặng quà, góp công sức lao động, đưa ra ý kiến đóng góp, đưa ra lời khuyên chân thành…
- Bảo vệ: Chống lại mọi sự xâm phạm về thể chất, tinh thần, vật chất đến bản thân, mọi người và sự vật xung quanh. Bênh vực những điều đúng, tốt bằng lý lẽ và hành động phù hợp với khả năng và đối tượng trong các tình huống cụ thể của cuộc sống.
- Khoan dung: Biết chấp nhận ngay cả khi bản thân và người khác mắc lỗi hoặc làm những điều chưa đúng, chưa tốt. Chấp nhận sự khác biệt của người khác về diện mạo bên ngoài, nhu cầu, cảm xúc, suy nghĩ. Sử dụng các phương tiện ngôn ngữ và phi ngôn ngữ để an ủi, động viên bản thân hoặc người khác lần sau làm tốt hơn, đúng hơn với thái độ chân thành.
Việc giáo dục LNA phụ thuộc rất nhiều vào đặc điểm lứa tuổi, môi trường giáo dục và các tác động giáo dục tự phía người lớn. Do vậy, quá trình giáo dục LNA luôn đòi hỏi các nhà giáo dục cần tìm hiểu kĩ lưỡng đặc điểm nhận thức, tình cảm, khả năng, kinh nghiệm cũng như mong muốn và môi trường giáo dục của gia đình, xã hội… của người được giáo dục.
(Nguồn tham khảo: Chu Thị Hồng Nhung, Luận án “Giáo dục lòng nhân ái cho trẻ 5-6 tuổi qua trải nghiệm ở trường mầm non” tại Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam)