Trong quá trình hình thành thế giới quan và những quan điểm chính trị, đạo đức ở trong một hoàn cảnh xã hội nhất định, lí tưởng của con người cũng được hình thành. Đó là một trong những động cơ căn bản thúc đẩy sự tu dưỡng của cá nhân.
1. Khái niệm
Một số quan niệm về lí tưởng
Vấn đề lí tưởng luôn luôn kích thích sự suy nghĩ của các nhà triết học, giáo dục học và tâm lí học.
Những nhà duy tâm chủ nghĩa không những tách rời lí tưởng với cuộc sống mà còn đem lí tưởng đối lập với cuộc sống. Lí tưởng được coi như là những tư tưởng tuyệt đối, hoặc là một biểu tượng được con người xây dựng nên không dựa trên cơ sở nào, ngoài sở thích và xúc cảm riêng của người đó. Lí tưởng như vậy thường sinh ra chủ nghĩa bi quan không tin tưởng vào khả năng có thể biến lí tưởng thành hiện thực. Nếu khái niệm lí tưởng của chủ nghĩa duy tâm cổ điển và tôn giáo còn được che dấu trong bức màn huyền bí và còn những nét “cao thượng” thì trong thời kì của chủ nghĩa tư bản hiện đại, lí tưởng đã được giai cấp tư sản bóc trần và hạ thấp đến mức trở thành biểu tượng về một con người kinh doanh hoàn hảo, biết làm tiền, biết giành quyền lực cho mình và biết “sống vui vẻ”.
Chủ nghĩa Mác – Lênin xem lí tưởng là hình ảnh của hiện thực, là sự phản ánh hiện thực – là biểu tượng của sự hoàn hảo mà cá nhân cần phải vươn tới nó và theo mẫu mực của nó để tu sửa mình và tu sửa người khác. Lí tưởng là hình ảnh về con người hoàn hảo, mẫu mực cho những người khác. Ví dụ: lí tưởng về một con người có đạo đức, một nhà bác học, một xã hội tốt đẹp… Khi nói đến lí tưởng thường người ta nói đến lí tưởng của cá nhân, có những đặc điểm riêng biệt phụ thuộc vào bộ mặt tâm lí của cá nhân đó.
Khái niệm lí tưởng:
Lí tưởng là mục tiêu cao đẹp, một hình ảnh mẫu mực tương đối hoàn chỉnh có sức lôi cuốn con người vươn tới nó.
Niềm tin và nhân sinh quan của con người tựa hồ như được cô đọng trong lí tưởng đạo đức của người đó. Lí tưởng cuộc sống là động cơ chủ yếu và cao nhất, chỉ đạo con người trong hiện tại và quyết định kế hoạch đường đời tương lai của người đó.
Trong cuộc sống thường thấy 2 loại thái độ đối với lí tưởng:
+ Chiêm ngưỡng, khâm phục: Con người chỉ dừng lại trong sự chiêm ngưỡng lí tưởng. Họ nghĩ rằng không thể đạt đến lí tưởng nên chỉ sống theo cái gọi là tương lai “cứ sống như hiện tại đang sống thôi”, hoặc “cứ sống như người khác cạnh mình đang sống”.
+ Ham mê hoạt động: lí tưởng sinh ra một nghị lực to làm trở thành những nét hiện thực của tính cách con người. Trong trường hợp này, lí tưởng trở thành một kế hoạch tự giáo dục mà cá nhân thực hiện nó trong quá trình tu dưỡng bản thân. Lí tưởng giống như ngôi sao dẫn đường chỉ hướng cho hành động, nhưng lúc nào cũng còn xa chưa đạt đến.
– Tâm lí học phân biệt lí tưởng của cá nhân và lí tưởng của nhóm (giai cấp).
+ Lí tưởng của cá nhân (lí tưởng riêng) bao giờ cũng chịu ảnh hưởng sâu sắc lí tưởng của nhóm (lí tưởng giai cấp, xã hội, thời đại) mà trong đó con người là thành viên tích cực. Lí tưởng chung có ảnh hưởng sâu sắc đến lí tưởng riêng của mỗi người. Tuy nhiên, tùy theo trình độ phát triển nhận thức, tình cảm, ý chí mà lí tưởng này trong mỗi cá nhân phải có sắc thái riêng biệt.
+ Lí tưởng nghề nghiệp, mỗi người phấn đấu cho lí tưởng cộng sản của mình thông qua từng việc làm cụ thể trong nghề nghiệp của mình. Có thể nói, lí tưởng nghề nghiệp là nơi cụ thể hoá lí tưởng xã hội, giai cấp của mỗi người. Lí tưởng nghề nghiệp được hiện thực hoá đần dần trong từng công việc cụ thể.
Ước mơ và lí tưởng Ước mơ là hình ảnh tốt đẹp về tương lai, có sức hấp dẫn đặc biệt, giúp cho con người tăng thêm sức mạnh trong hoạt động. Đây là loại tưởng tượng sáng tạo nhưng không trực tiếp hướng vào hoạt động trong hiện tại. Lí tưởng là loại tưởng tượng tích cực có tính hiện thực cao hơn ước mơ. Đó là một hình ảnh chói lọi, rực sáng, cụ thể, hấp dẫn của sự mong muốn trong tương lai. Nó là một động cơ mạnh mẽ thúc đẩy con người vươn tới tương lai tươi sáng, đẹp đẽ. |
2. Tính chất của lý tưởng
Lý tưởng vừa mang tính hiện thực vừa mang tính lãng mạn.
– Tính hiện thực: Mục tiêu của lý tưởng được nhào nặn từ những chất liệu có trong hiện thực cuộc sống. Khi xây dựng lý tưởng, cá nhân đều căn cứ vào những điều kiện chủ quan và khách quan. Lý tưởng là hình ảnh của hiện thực.
– Tính lãng mạn: Mục tiêu của lý tưởng bao giờ cũng thuộc về ngày mai, thuộc về tương lai. Lý tưởng thể hiện ý muốn của con người vươn tới một cái gì đó hoàn chỉnh và mẫu mực nhưng chưa đạt tới được. Cái mà cá nhân đạt được trong hành động thì cái đó không còn là lý tưởng nữa mà là hiện thực. Từ hiện thực đó cá nhân lại muốn đạt tới cái tốt đẹp, cái hoàn chỉnh, mẫu mực hơn. Có thể nói, con người không bao giờ đạt được lý tưởng một cách tuyệt đối cả.
Trong lý tưởng, người ta tước bỏ đi những gì là không cốt yếu chưa hoàn thiện, nhấn mạnh cái đẹp, cái hoàn thiện.
Lý tưởng luôn được người mang nó tô điểm bằng những màu sắc tươi sáng, rực rỡ nhất.
Tuy nhiên, thiếu chất lãng mạn, lý tưởng chỉ còn là những ước muốn tầm thường nhưng nếu lý tưởng không xuất phát từ hiện thực cuộc sống, thiếu cơ sở hiện thực, xa vời, bay bổng quá mức thì đến một lúc nào đó sẽ chỉ còn là những ước muốn viển vông mà thôi.
Để xây dựng lý tưởng và vươn tới lý tưởng cần có sự thống nhất hài hoà giữa ba yếu tố: nhận thức sâu, tình cảm nồng cháy và ý chí kiên cường.
– Lý tưởng mang tính xã hội, lịch sử, giai cấp: Tuỳ theo trình độ phát triển của nền văn minh (cốt lõi là trình độ phát triển của phương thức sản xuất) mà mỗi xã hội có một hệ thống quan điểm riêng về thế giới. Do vậy, trong một tiến trình lịch sử có thể song song tồn tại nhiều hệ thống quan điểm khác nhau về những hiện tượng xảy ra trong thế giới xung quanh. Trong đó, giai cấp nào đại diện cho phương thức sản xuất tiên tiến sẽ có hệ thống quan điểm tiến bộ nhất (khoa học nhất) chi phối lí tưởng của con người trong giai đoạn lịch sử ấy. Vì vậy, ở mỗi thời đại, xã hội, mỗi giai cấp, con người sẽ có hình ảnh lí tưởng của mình.
3. Vai trò, Chức năng của lý tưởng
+ Lí tưởng là mặt biểu hiện tập trung nhất của xu hướng nhân cách. Nó có ảnh hưởng quyết định đến việc hình thành và phát triển của nhu cầu, hứng thú, niềm tin… để vươn tới lí tưởng cao đẹp của đời mình. Người ta có thể tự điều chỉnh hoặc hủy bỏ một số nhu cầu và hứng thú, cũng như hình thành ở mình những nhu cầu, hứng thú mới cho phù hợp với lí tưởng ấy. Mặt khác, lí tưởng được hình thành và phát triển trong sự phụ thuộc trực tiếp vào thế giới quan và niềm tin, động cơ của cá nhân. Lí tưởng là sự kết hợp hài hoà, sâu sắc giữa các mặt nhận thức, tình cảm và hành đồng ý chí.
+ Lí tưởng là động lực thúc đẩy, điều khiển toàn bộ hoạt động của con người. Nó xác định mục đích và chiều hướng phát triển của cá nhân, vì thế nhà tâm lí học Liên Xô Ivanov cho rằng: lí tưởng mà cái vì nó mà ta sống và dưới ánh sáng của nó người ta hiểu được ý nghĩa của cuộc đời.
+ Lí tưởng trực tiếp chi phối sự hình thành và phát triển các thuộc tính tâm lí cá nhân: tình cảm, ý chí, năng lực, tính cách…
+ Lí tưởng là căn cứ để cá nhân xác định những tiêu chuẩn để đánh giá mình, đánh giá người khác và mọi hiện tượng xã hội.
+ Lí tưởng giữ vai trò lớn trong quá trình tự giáo dục – một người sống có lí tưởng cao đẹp chứng tỏ nhân cách người đó phát triển cao. Bởi vì, lí tưởng được con người nhận thức và rung cảm. Cá nhân hiểu lí tưởng và kiểu mẫu của mình cần phải xây dựng cuộc sống và hành vi của mình theo kiểu mẫu ấy. Lí tưởng thường kêu gọi sự ngạc nhiên, sự khâm phục, ngưỡng mộ. Ngoài ra, lí tưởng còn tạo nên sự thiết tha mong muốn tu dưỡng để thực hiện lí tưởng.
|