Trang chủ Xã hội học Phân tầng xã hội là gì?

Phân tầng xã hội là gì?

by Ngo Thinh
Published: Last Updated on 524 views

Phân tầng xã hội là gì? Đâu là nguyên nhân dẫn đến phân tầng xã hội. Tìm hiểu về hệ thống phân tầng xã hội

1. Khái niệm

Tầng xã hội (stratum of society): là tổng thể của mọi cá nhân trong cùng một hoàn cảnh xã hội. Họ giống nhau hoặc bằng nhau về tài sản hay thu nhập (địa vị kinh tế), về quyền lực (địa vị chính trị), về uy tín (địa vị xã hội), về trình độ học vấn, về khả năng thăng tiến trong thang bậc xã hội.

Phân tầng xã hội (social stratification): là sự phân chia nhỏ xã hội, là sự phân chia xã hội thành các tầng xã hội khác nhau về địa vị chính trị, kinh tế và xã hội, cũng như những sự khác nhau về trình độ học vấn, nghề nghiệp, phong cách sinh hoạt, kiểu ăn mặc, nơi cư trú, cách ứng xử, thị hiếu nghệ thuật, mức độ tiêu dùng…

Phân tầng xã hội là biểu hiện cụ thể của bất bình đẳng xã hội, là một yếu tố cơ bản cho việc hình thành nên sự phát triển xã hội.

Phân tầng xã hội liên quan đến những cách thức trong đó bất bình đẳng dường như là từ thế này truyền qua thế hệ khác, tạo nên vị trí hoặc đẳng cấp xã hội.

Các nhà Xã hội học thường phân tầng xã hội theo bốn dạng:

  • Phân tầng xã hội theo địa vị chính trị;
  • Phân tầng xã hội theo địa vị kinh tế;
  • Phân tầng xã hội theo địa vị xã hội;
  • Phân tầng xã hội theo trình độ học vấn.

2. Nguyên nhân dẫn đến sự phân tầng xã hội

Thứ nhất, sự xuất hiện của chế độ tư hữu tư nhân về tư liệu sản xuất, hình thành các giai cấp và xung đột giai cấp đã làm xuất hiện và đẩy nhanh quá trình phân tầng xã hội.

Thứ hai, quá trình phân công lao động xã hội đưa đến sự phân tầng xã hội một cách tự nhiên; còn bản thân sự phân công lao động xã hội không phải là bất bình đẳng xã hội mà nó là cơ sở tạo nên các dạng hoạt động xã hội không được coi trọng như

Ngoài ra, còn có những yếu tố chủ quan cá nhân tác động vào quá trình phân tầng xã hội.

Có thể nói, phân tầng xã hội là một hiện tượng tự nhiên, phổ biến, khách quan. Tuy nhiên mức độ phân tầng khác nhau trong những xã hội khác nhau, vào những thời kỳ khác nhau.

Khi xét đến hậu quả của phân tầng ta có thể phân chia phân tầng thành hai loại:

+ Phân tầng xã hội hợp thức: dựa trên cơ sở đạo đức, tài năng, mức độ đóng góp trong thức tế cho xã hội. Sự phân tầng này đưa đến công bằng xã hội, là động lực thúc đẩy sự phát triển của xa hội, góp phần tạo nên trật tự và ổn định xã hội.

+ Phân tầng xã hội không hợp thức: dựa trên cơ sở sự tham nhũng, làm ăn phi pháp, lười biếng, thủ đoạn, trộm cướp. Nó đưa đến bất công xã hội, kìm hãm, cản trở sự phát triển xã hội, tạo ra sự bất bình đẳng xã hội, đưa đến xung đột, mâu thuẫn và mất ổn định xã hội.

3. Bản chất của sự phân tầng xã hội

Phần tầng xã hội sẽ là động lực để xã hội phát triển nếu nó dựa trên sự công bằng xã hội, tự nhiên, dựa vào cái tài, đức, khả năng, năng lực cống hiến thực tế của cá nhân trong xã hội. Lúc này nó góp phần tạo sự ổn định của xã hội. Nếu cá nhân thấy được nỗ lực sẽ được đền đáp tương xứng, thì cá nhân đó sẽ cố gắng nhiều hơn, xã hội sẽ đánh bật sự kèn cựa, đố kị, xã hội phát triển và ổn định.

Ngược lại, phân tầng xã hội sẽ là lực cản nếu sự phần tầng này không xuất phát từ sự tự nhiên khách quan, do thủ đoạn, mánh khóe, tham nhũng phạm pháp. Sự phân tầng này dựa trên sự bất bình đẳng của xã hội thì nó sẽ là lực cản, thủ tiêu động lực, đánh vào tư tưởng ý thức của nhiều người làm cho mọi người trong xã hội bất mãn, nản lòng dẫn đến mất niềm tin xã hội.

4. Đặc điểm của phân tầng xã hội

  • Phân tầng xã hội có tính phổ quát trên phạm vi toàn cầu;
  • Phân tầng xã hội tồn tại dai dẳng theo thời gian năm tháng;
  • Phân tầng xã hội tồn tại trong tất cả các nhóm dân cư, các giai cấp, các tầng lớp xã hội;
  • Phân tầng xã hội được duy trì một cách bền vững do điều kiện vật chất và thể chế chính trị.

5. Hệ thống phân tầng xã hội

Theo các nhà xã hội học, có bốn kiểu chủ yếu về hệ thống phân tầng xã hội là: nô lệ, đẳng cấp, phong kiến và các giai cấp xã hội. Khái quát lại, người ta thường đề cập đến các kiểu phân tầng xã hội sau:

  • Phân tầng xã hội theo tuổi: là hiện tượng phổ biến trong xã hội cộng sản nguyên thuỷ (thời kỳ tiền giai cấp).
  • Phân tầng đóng: Tồn tại trong xã hội có sự phân chia đẳng cấp.
  • Phân tầng mở: Đó là hệ thống phân tầng trong xã hội có giai cấp.
  • Phân tầng dựa theo trình độ phát triển xã hội gồm có:

+ Phân tầng xã hội hình chóp: Phản ánh xã hội có sự bất bình đẳng ở mức cao, dù cho kinh tế rất phát triển hay lạc hậu.

+ Phân tầng xã hội hình thoi: Hai nhóm xã hội giàu và nghèo đều chiếm tỷ lệ nhỏ, nhóm trung lưu ở giữa chiếm đại đa số.

+ Phân tầng xã hội hình quả trứng: Trung lưu chiếm đa số, bất bình đẳng vẫn còn cao song không còn những người quá nghèo hoặc tình trạng một số ít nắm tuyệt đại bộ phận tài sản của xã hội.

+ Phân tầng hình giọt nước: Khoảng cách giàu nghèo vẫn còn nhưng không đáng kể. Đại bộ phận nhân dân có mức sống trung bình và khá.

Ngoài ra, khi nghiên cứu phân tầng xã hội có nhà xã hội học còn đề cập đến phân tầng xã hội hợp thức và phân tầng xã hội không hợp thức.

6. Phân biệt phân tầng xã hội với các khái niệm khác

Phân tầng xã hội với phân chia giai cấp

Theo cách hiểu chung nhất, giai cấp là một nhóm xã hội tập hợp những người giống nhau về vị thế kinh tế (tài sản), vị thế chính trị (quyền lực) và vị thế xã hội (địa vị).

Theo K. Marx, những chuẩn mực chủ yếu để phân chia giai cấp đó là những chuẩn mực về kinh tế. Đặc trưng hàng đầu để phân chia giai cấp là dấu hiệu khác nhau về quan hệ sở hữu đối với tư liệu sản xuất. Tiếp đó là các yếu tố như quản lý, phân phối sản phẩm, quyền thống trị hay bị trị, sự chiếm đoạt tài sản hay bị chiếm đoạt tài sản.

Theo các nhà Xã hội học, phân tầng xã hội có phạm vị rộng rãi hơn, nhiều chiều hơn, uyển chuyển hơn. Phân tầng xã hội không chỉ tính đến quan hệ sở hữu về tư liệu sản xuất mà còn tính đến địa vị kinh tế hay những yếu tố khác như thu nhập, tài sản, mức độ tiêu dùng, quyền lực chính trị xã hội…

Như vậy, khái niệm phân tầng xã hội cho ta thấy rằng ngay trong một giai cấp cũng có thể khác nhau về địa vị kinh tế, quyền lực hay uy tín xã hội. Mặt khác, cũng có thể tìm thấy những điểm chung về hoàn cảnh ở những người không cùng giai cấp với nhau.

Phân tầng xã hội với phân hóa xã hội

Có thể nói phân tầng xã hội thể hiện cả mặt “tĩnh” lẫn mặt “động” của sự bất bình đẳng xã hội.

Phân hóa xã hội thể hiện trạng thái “động”, đó là quá trình mà một nhóm xã hội từ chỗ thuần nhất, đang bị phân chia thành những tầng lớp khác nhau (và có thể dẫn đến trái ngược nhau về mục tiêu, lợi ích, mức sống, các định hướng giá trị).

Sự phân hóa xã hội có mặt tích cực là thúc đẩy tính năng động và chủ quan của cá nhân và nhóm xã hội nhỏ. Mặt khác, có thể có những hậu quả tiêu cực gây ra sự bất bình đẳng xã hội và những căng thẳng xã hội mới.

Phân tầng xã hội và phân cực xã hội

Phân cực xã hội là quá trình dẫn đến chỗ cá nhân hay nhóm xã hội phải đứng hẳn về cực này hay cực kia trong hoàn cảnh xung đột xã hội (có thể công khai hay ngấm ngầm).

Phân cực xã hội chủ yếu diễn ra trong lĩnh vực tâm lý xã hội hay chính trị, tư tưởng.

Trong khi đó phân tầng xã hội là trạng thái biểu hiện của sự bất bình đẳng xã hội vốn có và là diễn tiến bình thường của cơ cấu xã hội.

Tóm lại, sự phân tầng xã hội có liên quan nhưng không đồng nhất với các khái niệm phân chia giai cấp, phân hóa xã hội và phân cực xã hội.

7. Mối quan hệ giữa bất bình đẳng và phân tầng xã hội

Phân tầng xã hội và bất bình đẳng xã hội có mối quan hệ mật thiết.

Bất bình đẳng là nguyên nhân, phân tầng xã hội là kết quả. Sự không ngang nhau về mọi lĩnh vực giữa các cá nhân trong xã hội dẫn đến cơ hội và lợi ích của các các nhân là không như nhau, từ đó dẫn đến việc các cá nhân hay các nhóm xã hội có cùng chung lợi ích sẽ tập hợp lại thành một nhóm. Nhiều nhóm có cơ hội và lợi ích khác nhau ra đời. Có nhóm lợi ích và cơ hội nhiều, có nhóm thì ít, từ đó dẫn đến phân tầng xã hội.

5/5 - (1 bình chọn)

Có thể bạn quan tâm

123123

Lytuong.net – Contact: [email protected]