Ngày nay, dịch vụ phát triển nhanh chóng và đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế thị trường, thể hiện:
1. Dịch vụ là cầu nối giữa các yếu tố “đầu vào” và “đầu ra” trong quá trình sản xuất, thúc đẩy kinh tế phát triển năng động, có hiệu quả.
Quá trình sản xuất của xã hội được biểu hiện qua công thức: T – H (tư liệu sản xuất, sức lao động …) SX – T’ – H’. Dịch vụ “đầu vào” (khâu lưu thông) đáp ứng các yếu tố “đầu vào” được nhanh chóng, thuận tiện, đầy đủ cho nhu cầu sản xuất như: máy móc thiết bị, công cụ lao động, vật tư, nguyên vật liệu … và dịch vụ “đầu ra” của quá trình sản xuất đảm bảo sự vận động liên tục của dòng vật chất cho quá trình tái sản xuất.
Dịch vụ phát triển đáp ứng tốt các yếu tố cho sản xuất kinh doanh, tạo điều kiện thúc đẩy khoa học và công nghệ phát triển nhanh chóng, đưa tiến bộ khoa học và công nghệ vào sản xuất kinh doanh, do đó kích thích sự phát triển của lực lượng sản xuất.
Dịch vụ phát triển đảm bảo sự đa dạng, phong phú, thuận tiện và văn minh cho các lĩnh vực đời sống vật chất và tinh thần của xã hội ngày càng cao.
Khi nền kinh tế phát triển, thu nhập cá nhân cao, nhu cầu đòi hỏi về dịch vụ của con người cao hơn đối với nhu cầu hàng hoá vật chất.
2. Dịch vụ phát triển thúc đẩy phân công lao động xã hội, thúc đẩy chuyên môn hoá ngày càng sâu tạo điều kiện cho lĩnh vực sản xuất tăng năng suất lao động, đồng thời đáp ứng những nhu cầu ngày càng đa dạng của đời sống xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống cộng đồng.
Khi dịch vụ phát triển kém thì rất nhiều loại hoạt động trong quá trình sản xuất kinh doanh được thực hiện bởi chính các doanh nghiệp sản xuất. Điều đó làm giảm hiệu quả của hoạt động sản xuất kinh doanh. Cùng với sự phát triển của dịch vụ, các hoạt động này cũng được chuyển cho các đơn vị chuyên môn hoá thực hiện: đó là các nhà cung ứng dịch vụ như dịch vụ vận chuyển, dịch vụ xuất nhập khẩu, dịch vụ quảng cáo, tư vấn …
Mặt khác, dịch vụ phát triển làm cho đời sống dân cư được cải thiện góp phần giải phóng phụ nữ khỏi những công việc nội trợ, đồng thời đa dạng hoá đời sống vật chất, tinh thần cho người lao động.
Dịch vụ có vai trò quan trọng trong việc thu hút lao động dư thừa, tăng thu nhập, cải thiện đời sống nhân dân. Ở nước ta tiềm năng phát triển dịch vụ còn rất lớn, mặt khác, các hoạt động dịch vụ thường khó cơ khí hoá và tự động hoá, vì vậy khả năng thu hút lao động vào lĩnh vực này còn rất lớn. Hơn nữa, trong nhiều lĩnh vực dịch vụ có thể sử dụng lao động có trình độ thấp hoặc lao động không hoàn hảo về thể chất như người về hưu, người tàn tật …
Ở các nước phát triển, lĩnh vực dịch vụ, lực lượng lao động chiếm tỷ trọng rất lớn, như ở Mỹ là trên 70%, ở Nhật khoảng 60% … Còn ở các nước mới công nghiệp hoá, các nước đang phát triển và các nước chậm phát triển thì dịch vụ cũng ở trình độ thấp hơn, tỷ lệ lao động chiếm khoảng 30 – 40% tổng số lao động xã hội.
Dịch vụ phát triển làm biến đổi cơ cấu kinh tế theo hướng hiệu quả, đảm bảo sự tăng trưởng của tổng sản phẩm trong nước (GDP) và tổng sản phẩm quốc dân (GNP), góp phần làm cho nền kinh tế tăng trưởng nhanh và bền vững.
3. Dịch vụ là cầu nối giữa các vùng, các miền trong cả nước, giữa trong nước và ngoài nước.
Tạo điều kiện thực hiện quá trình hợp tác, đan xen, hội nhập trong phát triển kinh tế giữa các quốc gia, dân tộc vì mục tiêu hoà bình, độc lập dân tộc, bình đẳng, cùng phát triển và cùng có lợi.
Dịch vụ ngày càng thể hiện rõ vai trò quan trọng của nó trong phát triển kinh tế ở nước ta. Tuy nhiên, những loại dịch vụ đã và đang phát triển nền kinh tế dịch vụ. Còn nhiều dịch vụ chưa đáp ứng được yêu cầu của sự phát triển, chưa tương xứng với tiềm năng, đặc biệt là những loại dịch vụ mới có liên quan tới quốc tế như: dịch vụ viễn thông quốc tế, dịch vụ hoa tiêu dẫn dắt tàu nước ngoài, dịch vụ du lịch quốc tế … Vì vậy, cần thiết phải chuẩn bị những điều kiện tốt cho lĩnh vực này.
Xem thêm: Dịch vụ là gì? Khái niệm, đặc điểm và phân loại dịch vụ
(Nguồn tài liệu: Giáo trình Kinh tế phát triển, Trường cao đẳng nghề Nam Định)