Trang chủ Khoa học Chính trị Dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam

Dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam

by Ngo Thinh
931 views

1. Sự ra đời, phát triển của nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam

Chế độ dân chủ nhân dân ở nước ta được xác lập sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945. Đến năm 1976, tên nước được đổi thành Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, nhưng trong các Văn kiện Đảng hầu như chưa sử dụng cụm từ “dân chủ XHCN” mà thường nêu quan điểm “xây dựng chế độ làm chủ tập thể xã hội chủ nghĩa” gắn với “nắm vững chuyên chính vô sản”. Bản chất của dân chủ xã hội chủ nghĩa, mối quan hệ giữa dân chủ xã hội chủ nghĩa và nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, cũng chưa được xác định rõ ràng. Việc xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, đặc biệt là thực hiện dân chủ trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam như thế nào cho phù hợp với đặc điểm kinh tế, xã hội, văn hóa, đạo đức của xã hội Việt Nam, gắn với hoàn thiện hệ thống pháp luật, kỷ cương cũng chưa được đặt ra một cách cụ thể, thiết thực. Nhiều lĩnh vực liên quan mật thiết đến dân chủ xã hội chủ nghĩa như dân sinh, dân trí, dân quyền… chưa được đặt đúng vị trí và giải quyết đúng để thúc đẩy việc xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa.

Đại hội VI của Đảng (năm 1986) đã đề ra đường lối đổi mới toàn diện đất nước đã nhấn mạnh phát huy dân chủ để tạo ra một động lực mạnh mẽ cho phát triển đất nước. Đại hội khẳng định “trong toàn bộ hoạt động của mình, Đảng phải quán triệt tư tưởng “lấy dân làm gốc, xây dựng và phát huy quyền làm chủ của nhân dân lao động”[1]; Bài học “cách mạng là sự nghiệp của quần chúng” bao giờ cũng quan trọng. Thực tiễn cách mạng chứng minh rằng: ở đâu, nhân dân lao động có ý thức làm chủ và được làm chủ thật sự, thì ở đấy xuất hiện phong trào cách mạng”[2].

Hơn 30 năm đổi mới, nhận thức về dân chủ xã hội chủ nghĩa, vị trí, vai trò của dân chủ ở nước ta đã có nhiều điểm mới. Qua mỗi kỳ đại hội của Đảng thời kỳ đổi mới, dân chủ ngày càng được nhận thức, phát triển và hoàn thiện đúng đắn, phù hợp hơn với điều kiện cụ thể của nước ta.

Trước hết, Đảng ta khẳng định một trong những đặc trưng của chủ nghĩa xã hội Việt Nam là do nhân dân làm chủ. Dân chủ đã được đưa vào mục tiêu tổng quát của cách mạng Việt Nam: Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Đồng thời khẳng định: “Dân chủ xã hội chủ nghĩa là bản chất của chế độ ta, vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự phát triển đất nước. Xây dựng và từng bước hoàn thiện nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, bảo đảm dân chủ được thực hiện trong thực tế cuộc sống ở mỗi cấp, trên tất cả các lĩnh vực. Dân chủ gắn liền với kỷ luật, kỷ cương và phải được thể chế hóa bằng pháp luật, được pháp luật bảo đảm…”[3].

2. Bản chất của nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt nam

Cũng như bản chất của nền dân chủ xã hội chủ nghĩa nói chung, ở Việt Nam, bản chất dân chủ xã hội chủ nghĩa là dựa vào Nhà nước xã hội chủ nghĩa và sự ủng hộ, giúp đỡ của nhân dân. Đây là nền dân chủ mà con người là thành viên trong xã hội với tư cách công dân, tư cách của người làm chủ. Quyền làm chủ của nhân dân là tất cả quyền lực đều thuộc về nhân dân, dân là gốc, là chủ, dân làm chủ. Điều này đã được Hồ Chí Minh khẳng định:

“Nước ta là nước dân chủ.
Bao nhiêu lợi ích đều vì dân.
Bao nhiêu quyền hạn đều là của dân.
Công cuộc đổi mới, xây dựng là trách nhiệm của dân.
Sự nghiệp kháng chiến, kiến quốc là công việc của dân.
Chính quyền từ xã đến Chính phủ Trung ương do dân cử ra.
Đoàn thể từ Trung ương đến xã do dân tổ chức nên.
Nói tóm lại, quyền hành và lực lượng đều ở dân[4].

Kế thừa tư tưởng dân chủ trong lịch sử và trực tiếp là tư tưởng dân chủ của Hồ Chí Minh, từ khi ra đời cho đến nay, nhất là trong thời kỳ đổi mới, Đảng luôn xác định xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa vừa là mục tiêu, vừa là động lực phát triển xã hội, là bản chất của chế độ xã hội chủ nghĩa. Dân chủ gắn liền với kỷ cương và phải thể chế hóa bằng pháp luật, được pháp luật bảo đảm… Nội dung này được được hiểu là:

  • Dân chủ là mục tiêu của chế độ xã hội chủ nghĩa (dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh).
  • Dân chủ là bản chất của chế độ xã hội chủ nghĩa (do nhân dân làm chủ, quyền lực thuộc về nhân dân).
  • Dân chủ là động lực để xây dựng chủ nghĩa xã hội (phát huy sức mạnh của nhân dân, của toàn dân tộc).
  • Dân chủ gắn với pháp luật (phải đi đổi với kỷ luật, kỷ cương).
  • Dân chủ phải được thực hiện trong đời sống thực tiễn ở tất cả các cấp, mọi lĩnh vực của đời sống xã hội về lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội.

Bản chất dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt nam được thực hiện thông qua các hình thức dân chủ gián tiếp và dân chủ trực tiếp.

Hình thức dân chủ gián tiếp là hình thức dân chủ đại diện, được thực hiện do nhân dân “ủy quyền”, giao quyền lực của mình cho tổ chức mà nhân dân trực tiếp bầu ra. Những con người và tổ chức ấy đại diện cho nhân dân, thực hiện quyền làm chủ cho nhân dân. Nhân dân bầu ra Quốc hội. Quốc hội là cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất hoạt động theo nhiệm kỳ 5 năm. Quyền lực nhà nước ta là thống nhất, có sự phân công, phối hợp và kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp.

Hình thức dân chủ trực tiếp là hình thức thông qua đó, nhân dân bằng hành động trực tiếp của mình thực hiện quyền làm chủ nhà nước và xã hội. Hình thức đó thể hiện ở các quyền được thông tin về hoạt động của nhà nước, được bàn bạc về công việc của nhà nước và cộng đồng dân cư; được bàn đến những quyết định về dân chủ cơ sở, nhân dân kiểm tra, giám sát hoạt động của cơ quan nhà nước từ Trung ương cho đến cơ sở. Dân chủ ngày càng được thể hiện trong tất cả các mối quan hệ xã hội, trở thành quy chế, cách thức làm việc của mọi tổ chức trong xã hội.

Trong quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta, một yêu cầu tất yếu là không ngừng củng cố, hoàn thiện những điều kiện đảm bảo quyền làm chủ của nhân dân và chăm lo đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân. Thực tiễn xây dựng đất nước cho thấy dân chủ xã hội chủ nghĩa được thể hiện ở việc bảo đảm và phát huy quyền làm chủ của nhân dân theo hướng ngày càng mở rộng và hoạt động có hiệu quả. Ý thức làm chủ của nhân dân, trách nhiệm công dân của người dân trong xã hội ngày càng được đề cao trong pháp luật và cuộc sống. Mọi công dân đều có quyền tham gia quản lý xã hội bằng nhiều cách khác nhau, tùy theo trách nhiệm và nghĩa vụ của mình. Dân chủ công dân gắn liền với kỷ cương của đất nước, được thể chế hóa bằng luật của nhà nước pháp quyền, trong các nguyên tắc hoạt động của các cơ quan, tổ chức. Các quy chế dân chủ từ cơ sở cho đến Trung ương và trong các tổ chức chính trị – xã hội đều thực hiện phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”. Đảng ta khẳng định: “Mọi đường lối, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước đều vì lợi ích của nhân dân, có sự tham gia ý kiến của nhân dân”[5].

Bên cạnh đó, việc xây dựng dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam diễn ra trong điều kiện xuất phát từ một nền kinh tế kém phát triển, lại chịu hậu quả chiến tranh tàn phá nặng nề. Cùng với đó là những tiêu cực trong đời sống xã hội chưa được khắc phuc triệt để… làm ảnh hưởng đến bản chất tốt đẹp của chế độ dân chủ nước ta, làm suy giảm động lực phát triển của đất nước. Mặt khác, âm mưu “diễn biến hòa bình”, gây bạo loạn, lật đổ, sử dụng chiêu bài “dân chủ”, “nhân quyền” của các thế lực thù địch, vấn đề tự diễn biến, tự chuyển hóa nảy sinh và diễn biến hết sức phức tạp đang là trở ngại đối với quá trình thực hiện dân chủ ở nước ta trong giai đoạn hiện nay.

Thực tiễn cho thấy, bản chất tốt đẹp và tính ưu việt của nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam càng ngày càng thể hiện giá trị lấy dân làm gốc. Kể từ khi khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa cho đến nay, nhân dân thực sự trở thành người làm chủ, tự xây dựng, tổ chức quản lý xã hội. Đây là chế độ bảo đảm quyền làm chủ trong đời sống của nhân dân từ chính trị, kinh tế cho đến văn hóa, xã hội; đồng thời phát huy tính tích cực, sáng tạo của nhân dân trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa.

  • [1] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội Đảng thời kỳ đổi mới, Nxb. CTQG, H 2005, tr.28.
  • [2] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội Đảng thời kỳ đổi mới, Nxb. CTQG, H 2005, tr.115.
  • [3] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội Đảng thời kỳ đổi mới, Nxb. CTQG, H 2005, tr. 84-85.
  • [4] Hồ Chí Minh Toàn tập, Nxb. CTQG, H.2011, tập 6, tr. 232.
  • [5] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X. Nxb. CTQG, H.2006, tr.125.
5/5 - (1 bình chọn)

Có thể bạn quan tâm

123123

Lytuong.net – Contact: [email protected]