1. Triều Tiên dưới ách nô dịch của Nhật Bản
Nhật Bản đã đánh bại nhà Thanh trong cuộc chiến tranh Giáp Ngọ. Hòa ước Shimonoseki quy định Triều Tiên là “một quốc gia độc lập”. Điều này có nghĩa là Nhật buộc Trung Quốc phải từ bỏ quyền khống chế Triều
Tiên. Từ đây Nhật có thể nô dịch Triều Tiên và đi sâu vào lãnh thổ Trung Quốc. Nhật sẽ vấp phải đế quốc Nga cũng đang muốn chi phối số phận nhân dân và nền chính trị Triều Tiên.
Tháng 10-1895, Nhật cho tay chân giết Mẫn Phi. Nhân dân Triều Tiên ngày càng căm thù Nhật. Giới sĩ phu đã kích thích tinh thần dân tộc, phát động một phong trào chống Nhật.
Phong trào lan ra Toàn La, Giang Nguyên, Trung Thanh, Kinh Kí, Khánh Thượng.
Cuối năm 1895 Nhật Bản lại ra lệnh cho đàn ông phải cạo trọc đầu. Nhiều sĩ phu Triều Tiên bất mãn đã tham gia nghĩa quân đánh chiếm Bình Dương, tiêu diệt quân Nhật.
Mùa xuân 1896 đế quốc Nga đã dựng lên Chính phủ thân Nga, phế bỏ nội các thân Nhật. Mâu thuẫn Nga-Nhật ngày càng gay gắt. Mỹ xúi giục Nhật Bản xâm lược Triều Tiên, giúp Nhật chống Triều. Từ 1896-1898 lực lượng Nga-Nhật ở thế quân bình trên bán đảo Triều Tiên. Cuộc tranh giành quyền lợi giữa các đế quốc đã trở nên ráo riết trong cuộc cạnh tranh về kinh tế. Đế quốc Mỹ giành quyền làm đường sắt Kinh Đô-Nhân Xuyên, khai mỏ vàng ở Vân Sơn; Pháp cũng xây dựng đường sắt; Nga khai thác mỏ ở Trung Thanh, khai thác gỗ ven sông Áp Lục v.v… Phong trào nhân dân nêu cao khẩu hiệu “Cấm người nước ngoài khai mỏ”, “không cho người nước ngoài làm đường sắt”.
Sang thế kỷ XX, trên phạm vi thế giới, mâu thuẫn giữa các đế quốc Anh và Đức ngày càng gay gắt. Cuộc đấu tranh đòi chia lại thị trường đang đẩy dần đến cuộc chiến tranh thế giới. Anh gia nhập các liên minh đế quốc, năm 1902, Anh liên minh với Nhật. Anh và Mỹ ra sức xúi giục Nhật gây chiến với Nga để tranh giành quyền lợi ở vùng Đông Bắc Trung Quốc.
Tháng 2 năm 1904 Nhật buộc Triều Tiên ký điều ước Nhật-Hàn lần thứ hai.
Nội dung điều ước :
- Chính phủ Nhật Bản có quyền quyết định các công việc ngoại giao của Triều Tiên và cử một Khâm sứ sang giám sát điều hành ngoại giao.
- Quan Khâm sứ (Thống Giám) người Nhật trực tiếp điều khiển quân đội và quan lại.
Tháng 3 năm 1906 Ito Hirobumi được cử làm Khâm sứ đầu tiên ở Triều Tiên.
Nhật Bản được quyền đánh cá voi, khai mỏ vàng Tác Sơn và Thủy Nguyên, chiếm khu khai thác nhân sâm ở Khai Thành, khống chế cả ngành đường sắt và nội ngoại thương (Nhật nắm 80% hàng xuất nhập khẩu của Triều Tiên). Ngân hàng số 1 của Nhật Bản là ngân hàng Trung ương của Triều Tiên và từ tháng 1-1906 Nhật Bản đã đưa đồng tiền Nhật vào hệ thống tiền tệ chi phối Triều Tiên. Nhật chú ý khai thác thuộc địa, di dân Nhật sang Triều Tiên, chiếm ruộng đất, làm cho nông dân phá sản phải lưu lạc nơi khác. Bọn chủ tư bản Nhật bóc lột sức lao động làm thuê rẻ mạt của Triều Tiên.
Giai cấp tư sản dân tộc Triều Tiên vừa ra đời đã bị chèn ép, nhiều người bị phá sản. Mặt khác giai cấp vô sản của Triều Tiền chiu sự bóc lột của tư bản công nghiệp và tài phiệt quốc tế. Giai cấp vô sản Triều Tiên xuất thân từ nô lệ, và một phần từ nông dân bị phá sản, đã nhanh chóng hội nhập với phong trào dân tộc trong cuộc đấu tranh giải phóng Tổ quốc!
2. Cuộc đấu tranh chống Nhật
Đầu thế kỷ XX do ảnh hưởng làn sóng thức tỉnh dân tộc và ảnh hưởng phong trào đấu tranh quốc tế (Cách mạng Nga 1905, cuộc Cách mạng Tân Hợi 1911), phong trào đấu tranh chống Nhật của nhân dân
Triều Tiên phát triển mạnh. Sau khi bị biến thành thuộc địa của Nhật Bản với chế độ “bảo hộ” nhân dân hết sức bất bình. Các quan lại, viên chức thành lập “Hiệp hội vì độc lập”. Trí thức, tầng lớp tiểu tư sản lập ra những tổ chức đấu tranh chống lại bộ máy nô dịch của Nhật. Những nhà hoạt động tiêu biểu, như: Chu Thời Kinh, Phác Anh Trực, đã có những đóng góp đáng kể vào thời kỳ đấu tranh dân tộc đầu tiên.
Cuộc nổi dậy của nghĩa binh, cuộc đấu tranh bắt nguồn từ phong trào nông dân cuối thế kỷ XIX chìm đi trong chiến tranh Nga-Nhật 1904-1905 nay lại bùng lên. Hồng Sơn và Mẫu Tòng Trực lãnh đạo nghĩa binh ở đạo Trung Thành đã trực tiếp đánh nhau với quân Nhật, ở Toàn La, Thôi Ích Nguyên chiếm Thuật Dương và Đàm Dương. Ở Giang Nguyên có phong trào nghĩa binh do Lý Lân Vinh chỉ huy. Vào mùa xuân năm 1906 quân khởi nghĩa đã dấy lên ở 40 quận của 5 đạo miền Trung Triều Tiên. Đến tháng 10-1906 phong trào lan rộng ra 58 quận đến đạo Hoàng Hải.
Tháng 6 năm 1907 vua Triều Tiên là Cao Tông đã lên tiếng đòi xóa bỏ hiệp ước bất bình đẳng nhưng không được. Nhật nhận ra Cao Tông khó trị, nên buộc Cao Tông thoái vị nhường ngôi cho con ngày 19-7-1907.
Việc thoái vị của Cao Tông gây nên sự căm phẫn của nhân dân kinh thành. Nhân dân đã xuống đường thị uy và dẫn đến cuộc xung đột với quân Nhật. Ngày 24-7-1907, Nhật bắt Triều Tiên ký hiệp ước trao cho Nhật toàn bộ quyền lực. Như vậy, Triều Tiên phụ thuộc hoàn toàn vào Nhật. Nhật Bản đưa thêm 3000 quan chức người Nhật vào để thực hiện việc cai trị. Quân đội Triều Tiên bị giải tán chỉ để lại một đội bảo vệ nhà vua. Thực chất đó là sự giải giáp quân đội Triều Tiên để dễ bề thống trị. Binh lính Triều Tiên vô cùng căm phẫn đã nổi dậy chống đối. Họ tham gia nghĩa quân chiến đấu. Nghĩa quân ngày càng được tăng cường, diện hoạt động được mở rộng. Tháng 10, tháng 11 đã phát triển lên các đạo Bình An, Hàm Kính và Áp Lục Giang. Cuối năm 1907 các đội nghĩa binh đã thống nhất lực lượng ở Dương Châu. Nghĩa quân có kế hoạch tấn công Hán Thành để lật đổ chính phủ bảo hộ của Nhật nhưng không thực hiện được.
Năm 1907 số nghĩa quân lên tới 5 vạn, năm 1908 nghĩa quân lên tới 7 vạn, có tới hơn 1000 cuộc chiến đã xảy ra. Cuối năm 1908 cánh quân của Hồng Phạm Đồ hoạt động du kích mạnh ở vùng Giáp Sơn đạo Hàm Kính. Khắp trong 240 quận, nghĩa quân đều nổi dậy đánh Nhật. Nhiều sĩ quan Nhật bị giết, quan lại bỏ trốn, giao thông ngưng trệ. Nhật Bản đã phải dùng quân đội đàn áp. Với chính sách đốt sạch, giết sạch, phá sạch, các đội thảo phạt đã bắt giết nhiều người dân vô tội, đốt phá hàng ngàn nóc nhà, cướp phá của cải làm cho nhiều người lâm vào cảnh khốn cùng.
Nhật Bản đã dùng người Nhật làm lực lượng cảnh sát, quân đội để trấn áp kiềm chế nhân dân, đàn áp nghĩa binh.
Từ năm 1907-1911 có tới khoảng 15 vạn người tham gia nghĩa binh và đã chiến đấu tới 2906 trận.
Cuộc khởi nghĩa đã tấn công vào nền thống trị tàn bạo của Nhật, truyền bá tư tưởng yêu nước và phát huy truyền thống bất khuất của dân tộc.
3. Nhật Bản thôn tính Triều Tiên và phong trào dân tộc đầu thế kỷ XX
Nhật Bản đã tính tới việc chiếm hoàn toàn đất Triều Tiên. Nội các Nhật Bản và Yto
Hirobumi đã thông qua nghị quyết sáp nhập Triều Tiên vào Nhật Bản ngày 6 tháng 7 năm 1909.
Tháng 10-1909 Yto sang Đông Bắc Trung Quốc để hội đàm với đại biểu Nga và bị đội cảm tử của An Trọng Căn bắn chết ở ga Cáp Nhĩ Tân. Đối với Triều Tiên, hành động phản kháng này càng thôi thúc cuộc đấu tranh giành độc lập. Nhưng về phía Nhật Bản, đây là cớ để Nhật đòi Triều Tiên sáp nhập nhằm xác lập nền thống trị tuyệt đối của Nhật.
Ngày 30-5-1910 Nhật Bản cử Khâm sứ mới và đưa thêm 2000 quân sang Triều Tiên để chiếm giữ lấy những nơi trọng yếu. Tàu chiến Nhật cũng nằm trong tình trạng chờ lệnh xuất phát. Bọn Kempetai mật thám Nhật tăng cường trấn áp những người yêu nước. Báo chí, các đoàn thể đều bị cấm hoạt động.
Bằng biện pháp tàn bạo, ngày 22-8-1910, Nhật bắt Vua Triều Tiên tiếp nhận hiệp ước sáp nhập do Nhật Bản đưa ra. Nhân dân Triều Tiên phải sống dưới ách kìm kẹp của Nhật Bản, chúng khống chế hết sức chặt chẽ các bộ máy chính quyền và lực lượng quân sự. Nhật Bản tổ chức một đội cảnh sát mạnh và đội quân mật vụ ngầm lớn. Thậm chí Nhật Bản đã hạn chế việc dùng đồ sắt trong nhân dân, đến nỗi quy định 4 nhà mới được dùng một con dao, một cái bừa, cả thôn chỉ có một cái búa.
Chính sách của Nhật Bản như muốn biến Triều Tiên thành đất Nhật. Chúng bắt người Triều Tiên học tiếng Nhật, theo phong tục Nhật, treo cờ Nhật và treo ảnh Nhật Hoàng.
Mâu thuẫn giữa Triều Tiên và Nhật càng gay gắt, nhân dân Triều Tiên nêu cao tinh thần đấu tranh bất khuất. Từ tháng 9-1910 đến tháng 8-1912 nghĩa binh bất chấp chính sách đàn áp nguy hiểm đã chiến đấu tới 70 trận. Đến năm 1915, nhiều đội nghĩa binh, chuyển thành đội du kích, những đội quân “cứu nước” hoạt động ở trong và ngoài nước. Phong trào đấu tranh dân tộc ở Triều Tiên ngày càng phát triển mạnh mẽ.
Nguồn: Lịch sử thế giới cận đại, Vũ Dương Ninh – Nguyễn Văn Hồng, Nhà xuất bản Giáo dục