Trang chủ Lịch sử Đấu tranh của nhân dân Triều Tiên cuối thế kỷ XIX

Đấu tranh của nhân dân Triều Tiên cuối thế kỷ XIX

by Ngo Thinh
117 views

1. Cuộc khởi nghĩa Hán Thành

Cuộc đấu tranh của nhân dân Triều Tiên không chỉ có tính chất phản phong mà đồng thời có ý nghĩa chống đế quốc, giải phóng dân tộc. Cuộc xâm nhập của thế lực Nhật ngày càng sâu. Các “cố vấn” quân sự Nhật bắt

Triều Tiên xây dựng quân đội theo mẫu Nhật, biến họ thành những người lính nô lệ, luôn bị đày đọa về tinh thần và thể xác. Do vậy cuộc phản kháng của binh lính đã bùng nổ vào ngày 23-7-1882 chống chế độ nuôi quân và đối xử tàn tệ đối với binh lính Triều Tiên. Người lãnh đạo là Tôn Thuận Cát. Họ đã đánh chiếm Đại sứ quán của Nhật ở Triều Tiên, giết chết lính cảnh vệ, bao vây Hoàng cung, đốt phá nhiều cung điện, yêu cầu nhà vua nộp những viên đại thần tham nhũng, có nhiều tội ác.

Đại viện quân lợi dụng tình hình đánh đổ tập đoàn Mẫn Phi, giành toàn quyền về mình. Nhưng thực ra chính quyền của Đại viện quân không vững vàng, chỉ là tạm thời.

Quân xâm lược Nhật Bản đã lợi dụng điểm này để buộc chính quyền Triều Tiên chấp nhận thêm những yêu cầu mới. Chiến hạm của Nhật vào Triều Tiên ngày 16 tháng 8 uy hiếp và đề ra yêu sách. Đại viện quân đã chấp nhận tất cả những yêu sách đó và ký hiệp ước mới với Nhật với những điều kiện khắt khe.

Chính phủ Đại viện quân ngoài khoản bồi thường 50 vạn đôla còn phải trừng trị những kẻ tham gia vào đề xướng khởi nghĩa ngày 23 tháng 7, phải xây lại những nhà sứ quán Nhật bị hư hại, bồi thường cho người bị chết. Nhật Bản được quyền đưa quân vào đóng tại Hán Thành. Đại viện quân nhanh chóng thi hành những yêu cầu của Nhật, xử tử Tôn Thuận Cát và 10 người lãnh đạo.

Mẫn Phi và quần thần muốn nắm thực quyền về tay mình liền cầu cứu Mãn Thanh. Nhà Thanh muốn thực thi quyền lực đã phái một đạo quân 3000 người đến Hán Thành. Đạo quân này đã khống chế Đại viện quân và bắt Mẫn Phi. Hành động này của nhà Thanh đã làm tăng thế lực của Trung Quốc ở Triều Tiên.

Lúc này, Nhật Bản lo ngại ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc, định dùng “Đảng khai hóa” và đảng này cũng muốn lợi dụng thế lực Nhật để giành lấy chính quyền. Đầu tháng 12 năm 1884, Đảng khai hóa âm mưu lợi dụng bữa tiệc khánh thành trạm Bưu điện để sát hại toàn bộ những người đứng đầu chính phủ đến dự tiệc. Trong buổi đó, một số nhà hoạt động nổi tiếng bị giết. Nhưng chính phủ của Đảng khai hóa chỉ tồn tại có 2 đêm.

2. Cuộc khởi nghĩa nông dân năm 1894 (Giáp Ngọ)

Nhật Bản ngày càng muốn khống chế Triều Tiên một cách toàn diện, đe dọa Triều Tiên bằng vũ lực đồng thời dùng kinh tế nô dịch Triều Tiên. Vào các năm 1878-1882 giá trị hàng hóa của Nhật nhập vào Triều Tiên là

70 vạn đồng, đến năm 1892 tăng lên 2 triệu 50 vạn. Nhật mua của Triều Tiên những hàng nông phẩm như đậu, gạo, bông, da và bán hàng công nghiệp, trong đó hàng dệt chiếm tới 50% tổng số hàng vào Triều Tiên. Nhật Bản còn xây dựng mạng lưới giao thông và thiết lập hệ thống ngân hàng.

Các khoản bồi thường chiến tranh cho các nước đế quốc và tiền chi phí cho cuộc sống xa xỉ của các vua chúa, quan lại đều đổ lên đầu quần chúng làm cho nền kinh tế Triều Tiên ngày càng kiệt quệ. Thuế má nặng nề, quan lại tham nhũng, thiên tai mất mùa làm cho nông dân Triều Tiên không thể nào sống được, đã đứng lên chống lại.

Ngày 15-1-1894 tín đồ Đông học đạo là Toàn Phụng Chuẩn lãnh đạo nông dân khởi nghĩa. Nghĩa quân tấn công, phá kho thóc, cướp kho vũ khí, đốt văn tự về ruộng đất, tấn công huyện lị. Khẩu hiệu của nông dân là: “không giết người, không cướp phá của cải, trung hiếu vẹn toàn, cứu dân độ thế, giữ lấy đạo thánh, đuổi hết Nhật Tây, diệt bọn quyền quý”. Tín đồ Đông học đạo chiếm địa vị quan trọng trong lực lượng lãnh đạo. Tháng 3, tháng 4 phong trào phát triển mạnh thành phong trào quần chúng rộng lớn. Cuộc khởi nghĩa đã bỏ cái vỏ tôn giáo và gần như công khai nêu lên mục đích đấu tranh vì độc lập dân tộc chống đế quốc phong kiến, chống thế lực Nhật và đế quốc Âu Mỹ.

Ngày 3-4-1894 hàng ngàn nông dân tập hợp ở Cổ Phụ, quyết định khởi nghĩa. Đêm hôm đó, nông dân chiếm các cơ quan quận, thành, đã đốt cháy kho lưu trữ, chiếm kho vũ khí, sau đó tiến về Bạch Sơn. Ở đó những người khởi nghĩa không chỉ chiếm lương thực cứu tế nhân dân mà còn xây dựng đại bản doanh.

Trong truyền đơn quân khởi nghĩa viết :

“Chúng tôi khởi nghĩa không ngoài mục đích cứu nhân dân khỏi lầm than đói khổ, ổn định nền tảng của quốc gia. Trừng trị quan lại tham ô, đuổi giặc ngoại xâm cường bạo. Hỡi nhân dân chúng ta cùng một mong muốn. Xin đừng do dự, đừng mất thời cơ. Hãy đứng lên! đừng để mất cơ may. Hối hận sẽ không kịp”. Quân khởi nghĩa tập hợp hàng ngàn người ở Bạch Sơn đã xây dựng một đạo quân mạnh do Toàn Phụng Chuẩn chỉ huy.

Chính quyền Triều Tiên đã tiến hành những cuộc trấn áp, điều đến mấy ngàn quân từ Toàn Châu đến. Nhưng bất ngờ đạo quân nông dân ban đêm tập kích, quân triều đình bị thua, tan tác chạy trốn. Nông dân đã lấy được đại pháo, 600 súng và nhiều vũ khí khác cùng lương thực. Quân khởi nghĩa đem lương thực phát chẩn cho dân nghèo. Nghĩa quân khống chế toàn bộ vùng Cổ Phụ. Thắng lợi to lớn của nông dân làm cho triều đình lo lắng và đế quốc bên ngoài cũng không yên tâm.

Quân khởi nghĩa kéo về đến gần Hán Thành, quân Chính phủ bị bao vây ở khu Nguyên Sơn. Chính phủ đề nghị ký hòa ước và đã được quân khởi nghĩa chấp nhận với những điều ưởc sau :

  1. Đình chỉ việc bức hại những người khởi nghĩa và tín đồ Đảng Đônghọc. Chính phủ và những người khởi nghĩa hợp sức duy trì trật tự xã hội.
  2. Điều tra và trừng trị bọn quan lại tham ô
  3. Trừng trị nghiêm khắc bọn nhà giàu
  4. Nghiêm trị bọn Lưỡng ban bất lương
  5. Thiêu hủy giấy bán thân nô tì
  6. Cải thiện đối đãi với 7 loại tiện dân
  7. Cho phép quả phụ trẻ tái giá
  8. Bỏ quyền góp, thuế má hà khắc
  9. Dùng nhân tài bỏ giới hạn giai cấp
  10. Cấm tư thông với Nhật Bản
  11. Xóa nợ nần chung và cá nhân
  12. Đất ruộng phân phối bình đẳng.

Nhật Bản lấy cớ rối loạn ở Triều Tiên để nhảy vào; còn Trung Quốc muốn khống chế bán đảo này. Vì thế, ngày 25-7, cuộc chiến tranh Trung Nhật bùng nổ. Lợi dụng tình hình đó, tháng 10-1894 quân nông dân của Toàn Phụng Chuẩn tấn công quân Nhật. Tháng 11 cuộc chiến đấu chống Nhật diễn ra ở vùng Luân Sơn, kéo dài 11 ngày. Địa thế bất lợi, lực lượng lại chênh lệch, nghĩa quân tổn thất nặng. Toàn Phụng Chuẩn phải lui quân về phía Nam, giữa đường bị địch bắt. Ngày 11-3-1895 ông hy sinh, phong trào khởi nghĩa bị thất bại.

Cuộc khởi nghĩa đã để lại trong lịch sử đấu tranh của nhân dân Triều Tiên truyền thống bất khuất và phơi trần âm mưu nô dịch của Nhật Bản và các đế quốc phương Tây.

Nguồn: Lịch sử thế giới cận đại, Vũ Dương Ninh – Nguyễn Văn Hồng, Nhà xuất bản Giáo dục

5/5 - (1 bình chọn)

Có thể bạn quan tâm

123123

Lytuong.net – Contact: admin@lytuong.net