Trang chủ Kinh tế và Kinh doanh Quan điểm của chủ nghĩa trọng thương về thương mại  

Quan điểm của chủ nghĩa trọng thương về thương mại  

by Ngo Thinh
729 views

Kinh tế học chỉ được biết đến như một môn khoa học sau sự ra đời của cuốn sách Của cải của các dân tộc (The Weath of Nations) do Adam Smith xuất bản năm 1776. Tuy nhiên, các bài viết về thương mại quốc tế đã ra đời trước đó ở các quốc gia phát triển như Anh, Tây Ban Nha, Pháp, Bồ Đào Nha và Hà Lan.

Đặc biệt, trong thế kỷ XVII và XVIII, một nhóm người (thương gia, viên chức ngân hàng, công chức và thậm chí các nhà triết học) đã viết các bài luận và một vài cuốn sách về thương mại quốc tế. Tất cả những tư tưởng này được biết đến với tên gọi là chủ nghĩa trọng thương. Chủ nghĩa trọng thương chỉ ra con đường trở thành một quốc gia giàu có và hùng mạnh chính là thông qua xuất khẩu hàng hóa chứ không phải nhập khẩu hàng hóa. Kết quả của xuất khẩu sẽ tạo ra nhiều vàng bạc cho các quốc gia. Quốc gia càng có nhiều vàng bạc thì càng giàu có và hùng mạnh. Chính vì thế, một chính phủ cần làm tất cả những gì có thể để kích thích xuất khẩu và ngăn chặn nhập khẩu (đặc biệt là việc nhập khẩu hàng hóa tiêu dùng xa xỉ). Tuy nhiên, vì không phải tất cả các quốc gia đều có thể tạo ra thặng dư xuất khẩu và số lượng vàng bạc là có hạn nên nếu một quốc gia có lợi thì quốc gia khác sẽ bị thiệt.

Lưu ý rằng các nhà trọng thương đo lường sự giàu có của một quốc gia chỉ dựa trên cơ sở khối lượng kim loại quý mà quốc gia đó tích lũy được. Trong khi đó, ngày nay chúng ta đo lường của cải của một quốc gia bằng nguồn nhân lực, các nguồn lực tự nhiên và khả năng của con người để có thể sản xuất ra hàng hóa và dịch vụ. Các nguồn lực này càng lớn thì khả năng sản xuất hàng hóa và dịch vụ để đáp ứng nhu cầu của con người càng cao và mức sống của người dân cũng sẽ được cải thiện.

Ở mức độ phân tích phức tạp hơn, có nhiều nguyên nhân dễ thuyết phục hơn để giải thích lý do tích lũy vàng bạc của chủ nghĩa trọng thương. Chúng ta cần hiểu rằng lý thuyết trọng thương chủ yếu phục vụ tầng lớp lãnh đạo quốc gia và vàng bạc gắn liền với sức mạnh của quốc gia. Có được nhiều vàng bạc hơn, các nhà lãnh đạo quốc gia sẽ có quân đội tốt hơn, thể hiện được sức mạnh của quốc gia và có thể nâng cấp được thủy quân để xâm chiếm thêm nhiều thuộc địa. Hơn nữa, nhiều vàng bạc nghĩa là có thêm nhiều tiền trong lưu thông và giúp hoạt động kinh doanh tốt hơn. Ngoài ra, bằng cách khuyến khích xuất khẩu và hạn chế nhập khẩu, chính phủ sẽ kích thích được sản xuất trong nước và giải quyết thất nghiệp.

Trong bất kỳ trường hợp nào, các nhà trọng thương luôn chủ trương ủng hộ việc chính phủ kiểm soát các hoạt động kinh tế và ủng hộ chủ nghĩa kinh tế quốc gia vì họ tin rằng một quốc gia chỉ có lợi ích từ thương mại trên cơ sở chi tiêu của quốc gia nhập khẩu (nói cách khác, thương mại quốc tế là một trò chơi có tổng lợi ích bằng không). Chính các quan điểm của Adam Smith, David Ricardo và các nhà kinh tế học cổ điển khác đều được xây dựng dựa trên quan điểm về thương mại quốc tế của các nhà kinh tế trọng thương và phục vụ cho tầng lớp lãnh đạo. Ngoài ra, ngày nay dường như chúng ta đang thấy có sự nổi lên của chủ nghĩa tân trọng thương. Lý do là khi quốc gia có mức thất nghiệp cao thì chúng ta cần hạn chế nhập khẩu để kích thích sản xuất trong nước và giảm thất nghiệp. Thực tế, trong giai đoạn 1815-1914, ngoại trừ nước Anh, không một quốc gia nào ở châu Âu thực hiện đầy đủ các quan điểm của chủ nghĩa trọng thương.

Có thể tóm tắt những quan điểm của chủ nghĩa trọng thương như sau:

+ Thứ nhất, mỗi nước muốn đạt được sự thịnh vượng trong phát triển kinh tế thì phải gia tăng khối lượng tiền tệ, coi tiền tệ là của cải (đánh giá cao vai trò của tiền tệ). Quốc gia nào có càng nhiều vàng bạc thì càng giàu có.

+ Thứ hai, muốn gia tăng khối lượng tiền tệ của một nước, con đường chủ yếu là phải phát triển ngoại thương, tức là phát triển buôn bán với nước ngoài.

+ Thứ ba, đề cao vai trò của nhà nước trong việc điều tiết nền kinh tế thông qua bảo hộ (tăng thương mại nhưng lại hạn chế nhập khẩu).

Chính sách thương mại của một số nước ở châu Âu thời kỳ chủ nghĩa trọng thương

Tại Anh, nhằm tích lũy tiền tệ, các nhà kinh tế học như Thomas Mun chủ trương khuyến khích phát triển công nghiệp và nông nghiệp để có nhiều trao đổi với nước ngoài, sử dụng đội thương thuyền mạnh nhất để mua đi bán lại nhiều vùng trên thế giới, đẩy mạnh giao lưu hàng hóa giữa các nước, lợi nhuận thu được tái đầu tư vào sản xuất để phát triển kinh tế dân tộc.

Tại Tây Ban Nha, các nhà kinh tế học đề xuất nhà cầm quyền áp dụng các biện pháp để giữ gìn khối lượng vàng chuyển từ châu Mỹ về. Nhà nước nghiêm cấm việc  xuất khẩu vàng, can thiệp vào hoạt động thương mại.

Tại Hà Lan, các nhà tư tưởng chủ trương dựa vào lợi thế vị trí của đất nước, sử dụng đội thương thuyền mạnh nhất thế giới lúc bấy giờ để buôn bán với tất cả các nước trên thế giới, nhờ đó mang về cho nước này nguồn ngoại tệ đáng kể, đưa Hà Lan trở thành một trong những cường quốc.

– Ưu điểm

Các quan điểm của trường phái trọng thương cho đến nay vẫn còn giá trị. Chẳng hạn, khi năng lực sản xuất trong nước vượt quá mức cầu thì lúc đó việc khuyến khích xuất khẩu và hạn chế bớt nhập khẩu là điều mà một quốc gia cần theo đuổi. Khi quốc gia gặp phải tình trạng thâm hụt trong cán cân thanh toán với nước ngoài thì việc tạo ra mức thặng dư trong hoạt động ngoại thương là biện pháp cần được ưu tiên để bù đắp thâm hụt đó. Thậm chí ngay cả khi chưa có nhu cầu tức thời về ngoại tệ nhưng quốc gia vẫn có thể mong muốn tích lũy càng nhiều ngoại tệ càng tốt để đề phòng rủi ro trong tương lai.

Việc tích lũy nhiều vàng bạc còn giúp các quốc gia có được nguồn lực cần thiết để tiến hành các cuộc chiến tranh trong giai đoạn từ thế kỷ XVI đến thế kỷ XVIII. Trong bối cảnh đó, việc bảo hộ các ngành công nghiệp có tầm quan trọng chiến lược là điều hợp lý. Các nhà trọng thương cũng có lý khi cho rằng sự gia tăng lượng vàng bạc (tức là tăng mức cung tiền tệ) trong nền kinh tế sẽ có tác dụng kích thích sản xuất trong nước. Ngoài ra, họ đã sớm nhận thức được vai trò quan trọng của nhà nước trong việc điều tiết hoạt động kinh tế thông qua các công cụ như thuế quan, lãi suất đầu tư, hạn chế nhập khẩu… Như vậy, lần đầu tiên trong lịch sử lý thuyết về thương mại quốc tế được nâng lên như là một lý thuyết khoa học, là cơ sở nền móng cho các lý thuyết khác.

– Hạn chế

Các quan điểm của chủ nghĩa trọng thương còn đơn giản, chưa giải thích được bản chất bên trong của các hiện tượng kinh tế. Ví dụ, các học giả trường phái coi vàng bạc là hình thức của cải duy nhất  của các  quốc  gia, đánh đồng mức  cung ứng tiền tệ cao với sự thịnh vượng của quốc  gia, nhìn nhận thương mại quốc tế như một  “trò   chơi” với tổng lợi ích bằng không (nghĩa là một quốc gia có lợi, một quốc gia bị thiệt) hay cho rằng của cải gia tăng trong lưu thông chứ không phải trong sản xuất. Ngoài ra, họ chưa giải thích được cơ cấu hàng hóa trong thương mại quốc tế được xác định như  thế nào, chưa thấy được tính hiệu quả và lợi ích từ quá trình chuyên môn hóa sản xuất   và trao đổi, đặc biệt chưa  nhận thức được  rằng các kết  luận của họ có thể đúng với thực tiễn buôn bán lúc bấy giờ của một số nước như Anh, Pháp, chứ không phải với tất cả các quốc gia khác. Do vậy, đòi hỏi một lý thuyết khác có khả năng giải thích đúng hơn về thương mại giữa các nước.

5/5 - (1 bình chọn)

Có thể bạn quan tâm

123123

Lytuong.net – Contact: [email protected]