Các biện pháp kỹ thuật trong sản xuất lúa: mô hình “3 giảm, 3 tăng”, “1 phải, 5 giảm”
1. Chương trình ba giảm, ba tăng
a/ 3 giảm 3 tăng là gì?
Trên các phương tiện thông tin đại chúng đều nói về chương trình 3 giảm 3 tăng trong sản xuất nông nghiệp, chương trình này được áp dụng rộng rãi đối với cây lúa và một số cây màu khác. Vậy 3 giảm 3 tăng là gì?
– Ba giảm: Gồm có 1) Giảm lượng giống: Bằng cách sạ thưa hoặc sạ theo hàng; 2) Giảm lượng phân bón: Bón phân theo khuyến cáo và sử dụng bảng so màu lá; 3) Giảm thuốc trừ sâu bệnh: Thực hiện quản lý dịch hại tổng hợp
– Ba tăng: Gồm có 1) Tăng năng suất; 2) Tăng chất lượng; 3) Tăng thu nhập
Áp dụng mô hình 3 giảm, 3 tăng nhằm giảm giá thành, tăng thu nhập cho người trồng lúa, bảo vệ môi trường sinh thái và thiên địch có ích, hướng đến một nền nông nghiệp bền vững trong tương lai.
b/ Quy trình thâm canh trong sản xuất lúa theo kỹ thuật 3 giảm, 3 tăng
Bước 1: Chọn giống thích hợp và có chất lượng tốt
– Giống lúa thích hợp với điều kiện sinh thái của địa phương
– Giống lúa đáp ứng nhu cầu gạo tiêu thụ cho thị trường trong nước và đáp ứng nhu cầu gạo xuất khẩu cho thị trường ngoài nước.
– Sử dụng giống có chất lượng hạt giống tốt, tỷ lệ nẩy mầm cao, không mang mầm bệnh, không bị mọt hoặc lẫn tạp, màu sáng đẹp và có nguồn gốc rõ ràng.
Bước 2: Chuẩn bị đất
– Làm đất kỹ: Sửa soạn ruộng trước khi sạ để cho rễ mầm dễ bám vào đất, cây lúa phát triển đồng đều, giảm bớt công tỉa dặm, đồng thời hạn chế được cỏ dại và mầm mống sâu bệnh hại.
– Vụ Đông – Xuân: Xới, trục kỹ và trang phẳng mặt ruộng, đánh đường nước để dễ tưới tiêu
– Vụ Hè – Thu: Nên tiến hành cày ải tạo điều kiện thuận lợi cho các vi sinh vật trong đất hoạt động làm đất thoáng khí, giảm bớt chất độc trong đất, tăng cường các chất dinh dưỡng giúp cho cây phát triển tốt
Bước 3: Hạn chế mật độ sạ bằng cách sạ thưa hay dùng dụng cụ sạ hàng
– Nếu sạ lan nên sạ thưa, cây lúa sinh trưởng cứng cáp, khỏe mạnh hơn so với sạ dày, hạn chế sâu bệnh hại và tránh đổ ngã ở cuối vụ. Mật độ sạ từ 120 ÷ 150 kg lúa giống/ha.
– Nếu áp dụng máy sạ hàng, đây là biện pháp tiết kiệm giống tốt nhất, mỗi ha chỉ cần dùng từ 75 ÷ 100 kg lúa giống là đủ, tiết kiệm được lượng lúa giống đáng kể so với sạ lan, dễ chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh hại.
Bước 4: Điều tiết nước hợp lý
– Trong điều kiện quản lý được ốc bươu vàng, nên đưa nước vào ruộng sau khi sạ từ 3 ÷5 ngày, độ sâu khoảng từ 2 ÷ 4 cm tùy theo độ cao của cây lúa, và giữ nước liên tục tại ruộng sẽ hạn chế được nhiều loài cỏ dại.
– Trước khi bón phân nên điều chỉnh để nước láng mặt ruộng là đủ, sau khi bón phân hai ngày tiếp tục đưa nước vào từ từ và duy trì ở mức
– Không nên để ruộng lúa bị khô, ngập xen kẽ, vì như vậy sẽ mất đi một lượng lớn dinh dưỡng đặc biệt là phân đạm.
Bước 5: Bón phân cân đối theo bảng so màu lá
– Bón phân cân đối là khâu quan trọng để có năng suất cao, phẩm chất tốt và tăng hiệu quả kinh tế. Bón như thế nào là cân đối? Bón cho cây lúa đủ yêu cầu dinh dưỡng, không quá nhiều, quá ít hoặc thiếu một loại dưỡng chất nào đó.
– Bón phân có thể coi là nghệ thuật trong khâu chăm sóc lúa, phải kết hợp giữa kiến thức khoa học và kinh nghiệm thực tế.
– Bón phân theo bảng so màu lá để quyết định việc bón phân đạm (N) cho cây sẽ tiết kiệm được khoảng 30% lượng phân và đem lại hiệu quả kinh tế.
Bước 6: Phòng trừ sâu bệnh, cỏ dại theo quy trình phòng trừ tổng hợp
– Áp dụng quy trình phòng trừ tổng hợp, hạn chế tối đa việc sử dụng các loại thuốc hóa học, đặc biệt là các loại thuốc có độ độc tính cao để trừ sâu bệnh trong vòng 40 ngày từ khi sạ, mục đích để bảo vệ thiên địch trên đồng ruộng, ưu tiên sử dụng các thuốc thảo mộc hoặc thuốc sinh học để bảo vệ môi trường. Chỉ áp dụng thuốc hoá học khi sâu, bệnh tấn công nghiêm trọng có thể làm giảm năng suất lúa.
– Đối với cỏ dại: Cần áp dụng các biện pháp phòng trừ tổng hợp từ khâu giống sạch, làm đất kỹ, không tháo nước từ các ruộng có nhiều mầm mống của cỏ dại ở vụ trước sang những ruộng sắp canh tác, quản lý nước tốt ngay từ thời gian đầu. Quan sát và ghi nhận các loại cỏ hiện diện trên ruộng từ vụ trước để áp dụng các biện pháp phòng trừ. Nếu ruộng có nhiều cỏ lồng vực hoặc cỏ đuôi phụng nên đưa nước vào ruộng sớm từ 3 ÷ 5 ngày sau sạ, hoặc sử dụng thuốc trừ cỏ chuyên biệt.
+ Sử dụng thuốc diệt cỏ tiền nảy mầm: Trường hợp làm đất kỹ, mặt ruộng bằng phẳng chỉ cần áp dụng thuốc diệt cỏ tiền nảy mầm như Sofit 300EC là đủ, với nồng độ 50 ÷ 60 ml thuốc/bình 16 lít, xịt (phun) 2 bình/1000m2. Nhóm thuốc diệt cỏ tiền nảy mầm chỉ có tác dụng ức chế sự nảy mầm của hạt cỏ nhưng khi hạt cỏ đã nẩy mầm thì thuốc không có tác dụng. Do đó, nên áp dụng sớm từ 1 ÷ 3 ngày sau sạ (hoặc cấy), khi xịt thuốc cỏ yêu cầu mặt ruộng phải cạn nước, sau khi xịt 2 ÷ 3 ngày phải đưa nước ngay vào ruộng.
+ Nhóm thuốc diệt cỏ hậu nảy mầm: Thời gian áp dụng từ 5 ÷ 15 ngày sau sạ, khi cây cỏ được 3 ÷ 5 lá mầm. Trong trường hợp xử lý thuốc cỏ tiền nảy mầm, nếu ruộng không bằng phẳng, sau khi xịt thuốc cỏ tiền nảy mầm, các gò cao cỏ vẫn còn mọc, có thể sử dụng bổ sung bằng một số thuốc diệt cỏ hậu nảy mầm như: Nominee 100SC, Satanil 60ND, Cantanil 55EC, Tiller, … Thời gian sử dụng thuốc là sau sạ từ 7 ÷ 20 ngày, theo liều lượng hướng dẫn.
Bước 7. Thu hoạch
Sau khi lúa trỗ 30 ngày là thu hoạch được, thu xong, tách hạt phơi khô hoặc sấy rồi cất trữ, bảo quản. Tránh gây thất thoát sau thu hoạch như bị nảy mầm, ẩm mốc, mối, mọt, …
2. Một phải, năm giảm trong sản xuất lúa
Gần đây phát triển từ chương trình 3 giảm, 3 tăng. Trong sản xuất lúa lại áp dụng một phải, năm giảm. “Một phải” là phải chọn các giống lúa xác nhận hoặc nguyên chủng; “5 giảm” là: giảm lượng giống, giảm phân bón, giảm thuốc bảo vệ thực vật, giảm nước tưới và giảm thất thoát sau thu hoạch (bằng cách đưa cơ giới vào thu hoạch đúng độ chín).
a. Một phải: Phải dùng giống lúa có nguồn gốc rõ ràng, đạt từ cấp xác nhận trở lên.
b. Năm giảm: Giảm lúa giống; Giảm phân bón; Giảm thuốc trừ sâu; Giảm nước tưới; Giảm thất thoát sau thu hoạch.
Một phải, năm giảm trong sản xuất lúa đã và đang được áp dụng rộng rãi trong sản xuất lúa.
(Nguồn tài liệu: Giáo trình Cây lương thực)