Trang chủ Nông nghiệp Phân loại cây trồng

Phân loại cây trồng

by Ngo Thinh
Published: Last Updated on 491 views

Trong nông học, cây trồng được phân loại theo nhiều cách hoặc là dựa trên phương pháp canh tác (cây trồng nông học hay cây trồng nghề vườn), dựa trên công dụng (làm lương thực, cho sợi, dầu, làm thuốc), dựa trên yêu cầu về điều kiện khí hậu (cây ôn đới, cây á nhiệt đới, cây nhiệt đới), hoặc dựa trên thời gian của chu kỳ sinh trưởng (cây hàng niên, cây đa niên)

Một trong những cách phân loại phổ biến trên thế giới hiện nay là dựa trên phương pháp canh tác.

1.  Cây trồng nông học hay đồng ruộng (Agronomic/ field crops)

Là những cây hàng niên được trồng trong nông trại bằng một hệ thống quảng canh (extensive) hoặc ở diện tích rộng. Nói cách khác dễ hiểu hơn, đó là các loại cây trồng được canh tác tại đồng hoặc ruộng. Thí dụ như ruộng lúa, ruộng /đồng bắp.

Các cây trồng đồng ruộng có thể được phân thành các nhóm như sau :

  1. Nhóm cây hạt ngũ cốc (cereal) thuộc họ Hòa Bản (Poaceae): lúa, bắp, cao lương, kê, lúa mì, lúa mạch.
  2. Nhóm cây đậu cho hạt thuộc họ cánh bướm (leguminoseae): đậu nành, đậu xanh, đậu phộng, đậu trắng.
  3. Nhóm cây cho sợi: bông vải, đay
  4. Nhóm cây lấy củ: khoai mì, khoai lang, khoai môn, khoai từ, khoai mỡ.
  5. Nhóm cây công nghiệp (lấy đường, dầu, sơn ): mía, thuốc lá, thầu dầu, điều lộn hột.
  6. Nhóm cây đồng cỏ và thức ăn gia súc: cỏ lông tây, cỏ voi, cỏ alfafa.

2.  Cây trồng nghề vườn (horticultural crops)

Từ nghề vườn (horticulture) xuất phát từ chữ latin “Hortus“ có nghĩa là vườn và “Colere “ có nghĩa là canh tác. Như vậy các cây trồng nghề vườn là các cây trồng hàng niên và đa niên được trồng bằng một hệ thống “thâm canh“ (intensive) hoặc trong các diện tích tương đối nhỏ hơn. Nói cách khác, đó là các loại cây trồng được canh tác trong “vườn“ thí dụ như: vườn rau, vườn cà phê, vườn cao su, vườn cây ăn trái, vườn hoa.

Cây trồng nghề vườn có thể được phân thành các nhóm sau:

1/ Nhóm rau: bao gồm các loại rau ăn lá (rau muống, bắp cải), rau ăn quả, (cà chua, cà tím, dưa leo, dưa hấu), rau ăn bông (bông cải ), và rau ăn củ (hành tỏi, khoai lang, …), rau gia vị ( hành, ngò, thì là… )

2/ Nhóm cây ăn trái: bao gồm nhiều loại cây ăn trái khác nhau (ăn tươi hay qua chế biến). Một số ở giai đoạn còn non hoặc chưa chín có thể được dùng làm rau như mít, đu đủ.

3/ Nhóm hoa kiểng: bao gồm tất cả các thực vật được trồng cho mục đích trang trí hay thẩm mỹ như hoa cắt cành (lan, hồng, lay – ơn) hoa trong chậu, cây kiểng, cây trang trí, cỏ nền (sân golf, sân bóng đá)

4/ Nhóm cây đồn điền/cây công nghiệp: thường là cây đa niên và yêu cầu qua sơ chế hoặc chế biến trước khi sử dụng gồm có cây lấy dầu (dừa, cọ dầu) cây làm thuốc chửa bệnh (cây qui nin, thanh háo hoa vàng) cây làm thuốc trừ sâu (cây thuốc cá) cây gia vị (tiêu, cây vani) cây lấy nhựa (cao su) cây làm thức uống (trà, cà phê, ca cao)

– Cần chú ý đến ý nghĩa của từ “quảng canh “ và “thâm canh ở đây không dựa vào diện tích canh tác. Thâm canh có nghĩa là đầu tư cao cho chi phí đầu vào như vốn, lao động và kỹ thuật trên một đơn vị diện tích.Trong khi đó quảng canh thì ít chú ý đến chi phí đầu vào.

– Công dụng của cây trồng là một cơ sở quan trọng để phân nhóm. Thí dụ như khi cây bắp trồng để lấy hạt thì nó được xếp vào nhóm cây đồng ruộng, nhưng trồng cây bắp non (baby corn) thì được xếp vào nhóm rau thuộc cây trồng nghề vườn.

– Sự khác biệt giữa cây trồng đồng ruộng và cây trồng nghề vườn tùy theo mục đích sử dụng của các loại cây đó khi được trồng, kiểu canh tác, truyền thống và tập quán của từng quốc gia.

Bảng: Tóm tắt sự khác biệt giữa hai nhóm cây đồng ruộng và cây trồng nghề vườn

Tiêu chíCây trồng đồng ruộngCây trồng nghề vườn
Sản phẩmHạt cốc, đậu hạt, mía, đồng cỏRau, quả, hoa kiểng, cây công nghiệp
Kiểu sản xuấtQuảng canhThâm canh
Thu nhập/ đơn vị diện tíchThấpCao
Tiêu thụKhi đã chínDạng tươi, hay bất cứ giai đoạn nào tuỳ mục đích
Giá trị thẩm mỹThấpCao
Giá trị dinh dưỡngBột đường, đạm, béoCác vitamin quan trọng, muối khoáng, ít bột đường, đạm
Chu kỳ sinh trưởngHàng niênĐa niên, hàng niên
Độ ẩm của sản phẩm khi thu hoạchThấpcao

3. Sự quan trọng của cây trồng

  • Là nguồn cung cấp lương thực chủ yếu cho con người
  • Là nguồn dinh dưỡng: cây trồng cung cấp năng lượng, chất đạm, vitamin và muối khoáng. Các loại rau đậu giàu chất đạm có thể thay thế cho nguồn đạm động vật chẳng hạn như đậu nành. Các loại rau quả giàu vitamin, muối khoáng … không chỉ có ít trong việc cung cấp chất dinh dưỡng mà còn bảo vệ cho con người chống lại bệnh tật.
  • Là nguồn cung cấp thức ăn cho gia súc gia cầm
  • Là nguồn cung cấp sợi thiên nhiên cho dệt vải may mặc
  • Là nguồn cung cấp nguyên liệu cho các ngành công nghiệp nhẹ và chế biến như: đường bột, cellulose, dầu thực vật, cao su, các acid thực vật (acid citric, acid ascorbic), các chất nhuộm thiên nhiên, các tinh dầu thực vật, các alkaloid (cafein, morphin, quinine, nicotine.)
  • Là nguồn cung cấp chất đốt và năng lượng như: trấu, bã mía, các phụ phẩm khác.
  • Đem lại ngoại tệ qua xuất khẩu (lúa gạo, cafe, chè, đậu phộng, cơm dừa)
  • Là nguồn thu hút lao động tại nông thôn.

(Tài liệu tham khảo: Giáo trình trồng trọt đại cương)

5/5 - (1 bình chọn)

Có thể bạn quan tâm

Lytuong.net – Contact: admin@lytuong.net