Trang chủ Tài chính Tiền tệ Vốn lưu động là gì? Đặc điểm và phân loại

Vốn lưu động là gì? Đặc điểm và phân loại

by Ngo Thinh
Published: Last Updated on 194 views

1. Khái niệm vốn lưu động

Để tiến hành hoạt động SXKD, ngoài sức lao động và tư liệu lao động, doanh nghiệp còn cần phải có đối tượng lao động.

Khác với tư liệu lao động, đối tượng lao động (nguyên vật liệu, nhiên liệu, bán thành phẩm…) chỉ tham gia vào một chu kỳ sản xuất, đến chu kỳ sản xuất sau lại phải sử dụng các đối tượng lao động khác. Phần lớn các đối tượng lao động thông qua quá trình chế biến để hợp thành thực thể của sản phẩm (như bông thành sợi, cát thành thủy tinh, một số khác lại bị mất đi như các loại nhiên liệu…) nên không giữ nguyên hình thái vật chất ban đầu, giá trị của nó được dịch chuyển toàn bộ một lần vào giá trị sản phẩm. Những đối tượng lao động nói trên nếu xét về hình thái hiện vật được gọi là tài sản ngắn hạn (TSNH), còn hình thái giá trị được gọi là vốn lưu động của doanh nghiệp.

TSNH là những tài sản thường xuyên luân chuyển trong quá trình kinh doanh của doanh nghiệp. Trong bảng cân đối kế toán, TSNH gồm tiền mặt, tiền gửi ngân hàng, các khoản phải thu ngắn hạn, các khoản đầu tư ngắn hạn, hàng tồn kho… Ngoài ra, do tính chất có thể chuyển hóa thành tiền nhanh chóng, một số tư liệu lao động như công cụ, dụng cụ, bao bì, vật đóng gói… cũng được liệt kê và TSNH của doanh nghiệp.

Để quá trình SXKD của doanh nghiệp được tiến hành thường xuyên và liên tục, doanh nghiệp phải có TSNH. Để hình thành TSNH, doanh nghiệp phải ứng trước một số vốn tiền tệ nhất định để đầu tư mua sắm và số vốn đầu tư này được gọi là vốn lưu động của doanh nghiệp.

Vì vậy có thể khái quát vốn lưu động trong doanh nghiệp theo quan điểm sau: Vốn lưu động của doanh nghiệp là số tiền tệ ứng trước để đầu tư, mua sắm TSNH nhằm đảm bảo cho quá trình SXKD của doanh nghiệp được tiến hành thường xuyên và liên tục.

2.  Đặc điểm vốn lưu động

Nếu như vốn lưu động cần thiết đối với doanh nghiệp sản xuất để mua vật tư cho sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, thì đối với các doanh nghiệp thương mại, vốn lưu động cần thiết để dự trữ hàng hóa phục vụ kinh doanh để tổ chức công tác mua bán hàng hóa. Vốn lưu động trong doanh nghiệp bao gồm các đặc điểm sau:

– Trong quá trình tham gia vào hoạt động kinh doanh, vốn lưu động thường xuyên vận động và luôn luôn thay đổi hình thái biểu hiện qua các khâu của quá trình kinh doanh.

+ Sự vận động của vốn lưu động trong doanh nghiệp sản xuất thông qua ba giai đoạn theo trình tự sau:

  • Giai đoạn 1 (T – H): Vốn lưu động từ hình thái tiền tệ chuyển sang hình thái vật chất là nguyên nhiên vật liệu. Giai đoạn này còn gọi là giai đoạn mua nguyên nhiên vật liệu.
  • Giai đoạn 2 (H – H’): Vốn lưu động từ hình thái là nguyên nhiên vật liệu chuyển sang hình thái là sản phẩm sản xuất ra. Giai đoạn này còn gọi là giai đoạn sản xuất, chế biến.
  • Giai đoạn 3 (H’ – T’): Vốn lưu động từ hình thái hiện vật là sản phẩm sản xuất ra chuyển sang hình thái là tiền tệ ban đầu. Giai đoạn này gọi là giai đoạn tiêu thụ sản phẩm.

+ Sự vận động của vốn lưu động trong doanh nghiệp thương mại thông qua hai giai đoạn, theo trình tự sau:

  • Giai đoạn 1 (T- H): Vốn lưu động từ hình thái tiền tệ chuyển sang hình thái vật chất (hàng hoá). Giai đoạn này còn gọi là giai đoạn mua hàng.
  • Giai đoạn 2 (H – T’): Vốn lưu động chuyển hoá từ hình thái hàng hoá sang hình thái tiền tệ ban đầu và kết thúc một vòng tuần hoàn của vốn lưu động. Giai đoạn này còn gọi là giai đoạn bán hàng.

– Khi tham gia vào hoạt động kinh doanh, giá trị của vốn lưu động dịch chuyển toàn bộ một lần vào giá trị sản phẩm, hàng hoá và hoàn thành một vòng tuần hoàn sau mỗi chu kỳ SXKD của doanh nghiệp.

3.   Phân loại vốn lưu động

Để quản lý, sử dụng vốn lưu động có hiệu quả, cần thiết phải phân loại vốn lưu động. Phân loại vốn lưu động là việc phân chia vốn lưu động ra thành từng loại theo những tiêu thức nhất định. Thông thường vốn lưu động được phân loại như sau:

3.1.   Phân loại theo vai trò của vốn lưu động trong quá trình sản xuất kinh doanh

3.1.1.  Vốn lưu động trong khâu dự trữ

a. Đối với doanh nghiệp sản xuất

Vốn lưu động trong khâu dự trữ là biểu hiện bằng tiền của các loại vật tư bảo đảm cho hoạt động sản xuất của doanh nghiệp được tiến hành liên tục, bao gồm:

  • Vốn nguyên vật liệu chính (bao gồm cả bán thành phẩm mua ngoài): NVLC là loại NVL khi tham gia sản xuất tạo thành thực thể chính của sản phẩm. Vốn NVLC là số vốn cần thiết để dự trữ các loại nguyên vật liệu, bán thành phẩm… phục vụ cho sản xuất như xi măng, sắt, thép, gạch trong xây dựng; bán thành phẩm mua ngoài như khung cửa, song cửa trong xây dựng; sợi mua ngoài trong doanh nghiệp dệt…
  • Vốn nguyên vật liệu phụ: NVLP có tác dụng giúp cho việc hình thành sản phẩm hoặc làm cho sản phẩm bền và đẹp hơn nhưng không hợp thành thực thể chính của sản phẩm. Vốn NVLP là số vốn cần thiết để dự trữ các loại vật liệu phụ phục vụ cho SXKD như thuốc nhuộn, sơn, vôi…
  • Vốn nhiên liệu: Nhiên liệu thực chất cũng là một loại NVLP, nhưng do số lượng tiêu hao trong sản xuất lớn và khó bảo quản cho nên tách riêng thành một khoản nhằm tăng cường quản lý đối với loại vật tư này. Vốn nhiên liệu là giá trị của những loại nhiên liệu dự trữ cho sản xuất như than, củi, xăng, dầu, gas, hơi đốt…
  • Vốn phụ tùng thay thế: Là giá trị của những chi tiết, phụ tùng, linh kiện dự trữ để thay thế mỗi khi sửa chữa TSCĐ.
  • Vốn vật đóng gói: Là giá trị của những vật liệu, bao bì dùng để đóng gói trong quá trình sản xuất sản phẩm như bao PE, giấy, hộp nhựa, hòm gỗ, bình sứ…
  • Vốn công cụ dụng cụ: Là giá trị của các tư liệu lao động không đủ điều kiện để trở thành TSCĐ đang dự trữ cho sản xuất như bàn, ghế, quạt, quần áo bảo hộ lao động, cân, rổ…

b. Đối với doanh nghiệp thương mại

Trong vốn lưu động của doanh nghiệp thương mại, vốn lưu động trong khâu dự trữ hàng hóa chiếm tỷ trọng cao nhất.

Vốn lưu động trong khâu dự trữ là biểu hiện bằng tiền của toàn bộ hàng tồn kho tại doanh nghiệp, nhằm đảm bảo cho hoạt động SXKD của doanh nghiệp được tiến hành thường xuyên và liên tục.

Hàng tồn kho của doanh nghiệp bao gồm:

  • Nguyên nhiên vật liệu, công cụ dụng cụ, phụ tùng thay thế, bao bì vật đóng gói, sản phẩm dở dang;
  • Sản phẩm, hàng hóa;
  • Hàng mua, hàng bán đang đi đường;
  • Sản phẩm, hàng hóa gởi bán;
  • Sản phẩm, hàng hóa gởi bán bị trả lại nhờ người mua giữ hộ;
  • Chi phí mua hàng phân bổ cho hàng tồn kho;

3.1.2.  Vốn lưu động trong khâu sản xuất

a. Đối với doanh nghiệp sản xuất

Vốn lưu động trong khâu sản xuất là biểu hiện bằng tiền của các loại sản phẩm đang chế tạo, bán thành phẩm tự chế, các khoản chi phí trả trước… nhằm đảm bảo cho quá trình sản xuất được liên tục, bao gồm:

  • Vốn sản phẩm đang chế tạo: Là giá trị của những sản phẩm dở đang trong quá trình chế tạo như sợi trên máy dệt, chi tiết máy đang gia công, vải đang nằm trong khâu ..
  • Vốn bán thành phẩm tự chế: Là giá trị những sản phẩm dở dang nhưng khác với sản phẩm đang chế tạo là, bán thành phẩm tự chế đã hoàn thành những giai đoạn chế biến nhất định và có thể tiêu thụ được trên thị trường hoặc có thể tiếp tục sản xuất để hoàn chỉnh một sản phẩm như sợi của nhà máy dệt, các linh kiện phụ tùng của nhà máy cơ khí…
  • Vốn chi phí trả trước: Là những khoản chi phí lớn thực tế đã phát sinh có liên quan đến nhiều chu kỳ kinh doanh nên chưa tính hết vào giá thành sản phẩm kỳ này (nhằm làm cho giá thành ổn định) mà chờ phân bổ dần vào các kỳ sau như chi phí bảo dưỡng máy móc thiết bị, chi phí sữa chữa lớn TSCĐ, chi phí thuê tài sản, chi phí chế thử sản phẩm mới, chi phí nghiên cứu thí nghiệm, cải tiến kỹ thuật…

b. Đối với doanh nghiệp thương mại

Đối với doanh nghiệp thương mại thuần túy thì không có bộ phận vốn ở khâu này.

3.1.3.  Vốn lưu động trong khâu lưu thông

a. Đối với doanh nghiệp sản xuất

Vốn lưu động trong khâu lưu thông là biểu hiện bằng tiền của các loại thành phẩm chờ tiêu thụ, hàng hoá mua ngoài, vốn bằng tiền, vốn trong thanh toán, các khoản vốn đầu tư ngắn hạn, các khoản tạm ứng… nhằm đảm bảo cho quá trình tiêu thụ sản phẩm, hàng hóa thường xuyên, liên tục.

  • Vốn thành phẩm: Là giá trị của số sản phẩm đã hoàn thành (bao gồm cả công việc chọn lọc, đóng gói…) nhập kho chờ tiêu thụ.
  • Vốn hàng hóa mua ngoài: Là giá trị những hàng hóa mà do yêu cầu của việc tiêu thụ, doanh nghiệp phải mua từ bên ngoài để bán cùng với sản phẩm do doanh nghiệp sản xuất.
  • Vốn bằng tiền: Là khoản tiền mặt tồn quỹ, tiền gởi ngân hàng, tiền đang chuyển, kể cả kim loại quý (vàng, bạc, đá quý…).
  • Các khoản vốn trong thanh toán: Là những khoản phải thu, phải trả, tạm ứng phát sinh trong quá trình mua bán hàng hóa hoặc thanh toán nội bộ.
  • Các khoản đầu tư ngắn hạn: Là các khoản đầu tư tài chính ngắn hạn ra ngoài doanh nghiệp như đầu tư trái phiếu kho bạc, cổ phiếu, cho vay ngắn hạn …

b. Đối với doanh nghiệp thương mại

Vốn lưu động trong khâu này được gọi là vốn lưu động trong khâu thanh toán và đầu tư, nhằm đảm bảo cho việc tiêu thụ hàng hóa được thường xuyên và liên tục; bao gồm: Giá trị hàng hóa, vốn bằng tiền, các khoản vốn trong thanh toán và các khoản đầu tư ngắn hạn.

Việc phân loại theo vai trò của vốn lưu động giúp cho việc xem xét, đánh giá tình hình phân bổ vốn lưu động trong từng khâu của quá trình chu chuyển vốn lưu động. Từ đó có các biện pháp tổ chức, quản lý thích hợp nhằm tạo ra một kết cấu vốn lưu động hợp lý và tăng được tốc độ chu chuyển vốn lưu động.

3.2.  Phân loại vốn lưu động theo hình thái biểu hiện vốn lưu động

Theo cách phân loại này vốn lưu động trong doanh nghiệp được chia thành hai loại: Vốn vật tư hàng hóa và vốn tiền tệ.

3.2.1.  Vốn vật tư hàng hóa

Vốn vật tư hàng hóa là các khoản vốn lưu động có hình thái biểu hiện bằng hiện vật cụ thể như vốn nguyên, nhiên vật liệu, phụ tùng thay thế, công cụ dụng cụ, sản phẩm dở dang, thành phẩm và hàng hóa.

3.2.2.  Vốn tiền tệ

Vốn tiền tệ bao gồm vốn bằng tiền và các khoản đầu tư ngắn hạn, các khoản phải thu ngắn hạn.

  • Vốn bằng tiền và các khoản đầu tư ngắn hạn: Bao gồm tiền mặt tại quỹ, tiền gởi ngân hàng, tiền đang chuyển và các khoản đầu tư chứng khoản ngắn hạn. Tiền và các chứng khoán ngắn hạn là một loại tài sản của doanh nghiệp mà có thể dễ dàng chuyển đổi thành các loại tài sản khác hoặc để trả nợ.
  • Các khoản phải thu ngắn hạn: Chủ yếu là các khoản phải thu từ khách hàng, thể hiện số tiền mà khách hàng nợ doanh nghiệp phát sinh trong quá trình bán sản phẩm, hàng hoá, dịch vụ dưới hình thức bán trước thu tiền Ngoài ra, trong một số trường hợp mua sắm vật tư, doanh nghiệp còn phải ứng trước tiền cho người cung cấp từ đó hình thành khoản phải thu.

Việc phân loại theo hình thái biểu hiện tạo điều kiện thuận lợi cho việc xem xét, đánh giá khả năng thanh toán của doanh nghiệp.

3.3.  Phân loại theo nguồn hình thành vốn lưu động

Theo cách phân loại này, vốn lưu động được chia làm hai loại:

3.3.1.  Vốn chủ sở hữu

Vốn chủ sở hữu là số vốn lưu động thuộc quyền sở hữu của doanh nghiệp; doanh nghiệp có đầy đủ các quyền chiếm hữu, quyền sử dụng, quyền chi phối và định đoạt. Vốn chủ sở hữu phụ thuộc vào loại hình doanh nghiệp. Đối với doanh nghiệp nhà nước (chủ yếu hiện nay là các Tổng công ty nhà nước), vốn lưu động do ngân sách nhà nước cấp; đối với công ty trách nhiệm hữu hạn và công ty cổ phần, số vốn này do các cá nhân (đồng chủ sở hữu) đóng góp; đối với doanh nghiệp tư nhân, số vốn này do chủ tư nhân tự bỏ ra khi thành lập doanh nghiệp cũng như tự bổ sung sau này.

Vốn lưu động doanh nghiệp tự bổ sung là số vốn được bổ sung hàng năm từ lợi nhuận hoặc từ các quỹ của doanh nghiệp. Ngoài ra, còn phải kể đến số vốn do các chủ sở hữu bổ sung để mở rộng quy mô, nâng cao hiệu quả hoạt động SXKD của doanh nghiệp.

3.3.2.  Nợ phải trả

Nợ phải trả bao gồm nguồn vốn đi vay và nguồn vốn trong thanh toán.

  • Nguồn vốn đi vay: Là các khoản vốn lưu động được hình thành từ vốn vay các ngân hàng thương mại hoặc các tổ chức tài chính khác, vốn vay thông qua phát hành trái phiếu.
  • Nguồn vốn trong thanh toán: Các khoản nợ khách hàng mà doanh nghiệp chưa thanh toán được.

Cách phân loại này cho thấy kết cấu vốn lưu động của doanh nghiệp được hình thành bằng vốn của bản thân doanh nghiệp hay từ các khoản nợ. Từ đó có các quy định trong huy động, quản lý và sử dụng vốn lưu động hợp lý, hiệu quả hơn.

(Nguồn tài liệu: ThS. Trần Thị Hòa và CN. Nguyễn Hữu Cúc, Giáo trình tài chính doanh nghiệp, 2014)

5/5 - (1 bình chọn)

Có thể bạn quan tâm

123123

Lytuong.net – Contact: admin@lytuong.net