Trang chủ Khoa học Công nghệ Phát triển nông nghiệp bền vững là gì? Đặc trưng & tiêu chí đánh giá

Phát triển nông nghiệp bền vững là gì? Đặc trưng & tiêu chí đánh giá

by Ngo Thinh
Published: Last Updated on 463 views

1. Khái niệm

Chính sách phát triển nông nghiệp bền vững là chính sách bao gồm một hệ thống các nguyên tắc, công cụ và biện pháp thích hợp mà nhà nước áp dụng để điều chính các hoạt động nông nghiệp của một quốc gia nhằm đạt được sự phát triển nông nghiệp bền vững.

Mục tiêu chính sách phát triển nông nghiệp bền vững là tập trung vào tăng trưởng sản xuất nông nghiệp thông qua cải thiện năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh; phát triển cơ sở hạ tầng; nâng cao mức sống của dân cư nông thôn; tăng cường hội nhập quốc tế ngành; sử dụng và bảo vệ tài nguyên thiên nhiên và môi trường một cách bền vững và hiệu quả.

Phát triển nông nghiệp bền vững là quá trình sử dụng hợp lý các nguồn tài nguyên thiên nhiên, giải quyết tốt các vấn đề xã hội gắn với bảo vệ môi trường sinh thái trên cơ sở bảo đảm thỏa mãn các nhu cầu của con người trong hiện tại và tương lai và được xã hội chấp nhận.

Phát triển nông nghiệp bền vững là gì?

Phát triển nông nghiệp bền vững là gì?

Phát triển nông nghiệp bền vững đang trở thành mối quan tâm toàn cầu khi thế giới cần phải đối mặt với thách thức trong 50 năm sản xuất ra lượng lương thực bằng 10 nghìn năm trước đây cộng lại nhằm nuôi sống dân số dự kiến vượt mốc 9,8 tỷ người vào năm 2050, trong khi tình trạng biến đổi khí hậu ngày càng thể hiện rõ rệt.

Phát triển nông nghiệp bền vững còn được hiểu một cách khái quát là: nâng cao chất lượng môi trường và nguồn lực được dùng trong nông nghiệp nhằm thoả mãn nhu cầu nông sản cho con người và nhu cầu nguyên liệu cho công nghiệp, đảm bảo khả thi về kinh tế đi đôi với nâng cao chất lượng cuộc sống cho nông dân.

Theo FAO (1992), phát triển nông nghiệp bền vững là quá trình quản lý và duy trì sự thay đổi về tổ chức, kỹ thuật và thể chế cho nông nghiệp phát triển nhằm đảm bảo nhu cầu ngày càng tăng của con người về nông phẩm và dịch vụ, vừa đáp ứng nhu cầu của tương lai.

Theo Đỗ Kim Chung và cộng sự (2009), phát triển nông nghiệp bền vững là quá trình đảm bảo hài hòa ba nhóm mục tiêu kinh tế, xã hội và môi trường, thỏa mãn nhu cầu về nông nghiệp hiện tại mà không tổn hại đến khả năng đáp ứng nhu cầu của tương lai. Tác giả Phạm Doãn (2005) cho rằng, phát triển nông nghiệp bền vững là quá trình đa chiều, bao gồm: 1) tính bền vững của chuỗi lương thực (từ người sản xuất đến tiêu thụ, liên quan trực tiếp đến cung cấp đầu vào, chế biến và thị trường); 2) tính bền vững trong sử dụng tài nguyên đất và nước về không gian và thời gian; 3) khả năng tương tác thương mại trong tiến trình phát triển nông nghiệp và nông thôn để đảm bảo cuộc sống đủ, an ninh lương thực trong vùng và giữa các vùng.

Theo đánh giá của nhóm tác giả (2011) Behnassi M; Shabbir A và D’Silva J (2011) thì phát triển nông nghiệp bền vững, không chỉ đem đến những vấn đề đạo đức, xã hội và tiềm ẩn trong đó cả những vấn đề về môi trường, mà còn nhằm mục đích chỉ ra những kinh nghiệm thành công từ khắp nơi trên thế giới, những thành công liên quan đến nông nghiệp bền vững, đến quản lý nguồn tài nguyên nước và đất bền vững, và cả các quá trình sáng tạo trong chăn nuôi, sản xuất. Phát triển nông nghiệp bền vững cũng nhằm cung cấp đầu vào cho quá trình ra quyết định, khuyến khích việc chuyển giao kiến thức, công nghệ và những kỹ năng liên quan cho các quốc gia khác nhau, nơi có điều kiện khí hậu nông nghiệp tương tự có thể áp dụng; do đó tiết kiệm nguồn tài nguyên quý giá. Thúc đẩy phát triển nông nghiệp bền vững là một cách tiếp cận phù hợp để giải quyết các thách thức an ninh lương thực hiện nay.

Quan điểm của Chương trình môi trường Liên Hợp Quốc-UNEP (United Nations Environment Programme) cho rằng, để tạo điều kiện cho phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững (SARD), cần có sự điều chỉnh căn bản trong chính sách nông nghiệp, chính sách môi trường và chính sách kinh tế vĩ mô, ở cả cấp độ quốc gia và quốc tế, ở cả các nước phát triển cũng như các nước đang phát triển. Mục tiêu chính của SARD là để tăng sản lượng lương thực một cách bền vững và tăng cường an ninh lương thực. Điều này có liên quan đến các sáng kiến giáo dục, sử dụng các biện pháp khuyến khích kinh tế và sự phát triển của các công nghệ mới, thích hợp, do đó đảm bảo nguồn cung cấp lương thực thực phẩm ổn định, đầy đủ dinh dưỡng, tiếp cận được với các nhóm dễ bị tổn thương, và đáp ứng đủ sản xuất cho thị trường; đáp ứng đủ việc làm và tạo thu nhập cho thế hệ tương lai để giảm nghèo; quản lý tốt nguồn tài nguyên thiên nhiên và bảo vệ môi trường.

Ngoài việc đảm bảo thu nhập nông dân tăng, trong nền nông nghiệp bền vững thì vấn đề môi trường cần luôn được quan tâm. Trên thế giới hiện đã có nhiều trang trại lớn thực hiện canh tác thân thiện với môi trường, trong đó có quản lý sâu bệnh hại tổng hợp, bảo vệ và dự trữ nguồn nước, tạo ra những công việc có thu nhập cao, giảm thiểu công việc nặng nhọc, công việc dễ gây tai nạn lao động, sử dụng máy móc tiết kiệm năng lượng v.v… Tuy nhiên, vẫn tiềm ẩn những mối nguy lớn về sự đi lệch quỹ đạo của một nền nông nghiệp bền vững. Ví dụ, việc dân số thế giới tăng cho thấy sự không bền vững. Nông nghiệp thế giới có bền vững hay không phụ thuộc vào sự bền vững của việc tăng dân số. Để nuôi số dân thế giới ngày càng tăng, buộc phải khai thác tài nguyên nhằm sản xuất ra phân hoá học, thuốc trừ sâu và lấy nước ngầm một cách quá mức. Điều này rõ ràng đã tạo ra sự không bền vững.

Mục tiêu của phát triển nông nghiệp bền vững (NNBV): Theo xu hướng chung trên thế giới, các chủ trương và biện pháp nhằm phát triển NNBV cần phải đồng thời hướng đến ba mục tiêu chính:

  • (1) Phát triển bền vững về kinh tế;
  • (2) Phát triển bền vững về mặt xã hội
  • (3) Phát triển bền vững về tài nguyên và môi trường.

Những công nghệ, kỹ thuật canh tác có tiềm năng lớn cho NNBV là trồng xen, luân canh cây trồng, nông lâm kết hợp, sử dụng phân hữu cơ, kiểm soát dịch bệnh bằng công nghệ sinh học và quản lý dịch hại tổng hợp.

Phát triển Nông Nghiệp Bền Vững và Thân Thiện Với Môi Trường

Phát triển Nông Nghiệp Bền Vững và Thân Thiện Với Môi Trường

2. Đặc trưng của phát triển nông nghiệp bền vững

Phát triển NNBV luôn có những đặc trưng cơ bản sau:

– Thứ nhất, nền NNBV là nền nông nghiệp trong đó hoạt động của con người phù hợp với quy luật phát triển của tự nhiên, khai thác và phục hồi được thực hiện trong cùng một quá trình, nhờ đó duy trì được môi trường tự nhiên cho đời sống trường tồn của mọi thế hệ.

– Thứ hai, phát triển NNBV là nền sản xuất nông nghiệp đảm bảo tăng trưởng kinh tế cao, ổn định, dựa trên cơ sở ứng dụng thành tựu khoa học công nghệ hiện đại sản xuất.

– Thứ ba, phát triển NNBV là nền nông nghiệp sử dụng tiết kiệm, có hiệu quả các nguồn lực, nhưng vẫn đảm bảo sự tăng trưởng.

– Thứ tư, phát triển NNBV là nền sản xuất nông nghiệp có cơ cấu kinh tế hợp lý. Nói đến cơ cấu kinh tế trong nông nghiệp là nói đến cơ cấu giữa chăn nuôi và trồng trọt.

– Thứ năm, phát triển NNBV là nền sản xuất nông nghiệp bảo đảm được công ăn việc làm cho người lao động, tăng thu nhập, bảo đảm được cơ sở vật chất cho phát triển nông thôn mới.

– Thứ sáu, phát triển NNBV là nền nông nghiệp, trong đó đòi hỏi trình độ của người lao động ngày càng cao.

3. Tiêu chí đánh giá tính bền vững

3.1. Tiêu chí đánh giá phát triển bền vững

Tiêu chí về phát triển bền vững được đưa ra với sự đồng thuận cao của các quốc gia trên thế giới, đó là: “Phát triển bền vững là quá trình có sự kết hợp chặt chẽ, hợp lý và hai hoà giữa 3 mặt của sự phát triển là: phát triển bền vững về kinh tế, phát triển bền vững về xã hội và phát triển bền vững về môi trường”.

Thứ nhất, phát triển kinh tế bền vững là phát triển nhanh và an toàn, chất lượng;

Đây là lĩnh vực không thể thiếu trong phát triển bền vững. Phát triển bền vững về kinh tế đòi hỏi sự phát triển của hệ thống kinh tế, trong đó cơ hội để tiếp xúc với những nguồn tài nguyên được tạo điều kiện thuận lợi và quyền sử dụng những nguồn tài nguyên thiên nhiên cho các hoạt động kinh tế được chia sẻ một cách bình đẳng. Yếu tố được chú trọng ở đây là tạo ra sự thịnh vượng chung cho tất cả mọi người, không chỉ tập trung mang lại lợi nhuận cho một số ít đối tượng cũng như không xâm phạm những quyền cơ bản của con người.

Khía cạnh phát triển bền vững về kinh tế gồm một số nội dung cơ bản:

  • Một là, giảm dần mức tiêu phí năng lượng và các tài nguyên khác thông qua công nghệ tiết kiệm và thay đổi lối sống;
  • Hai là, thay đổi nhu cầu tiêu thụ không gây hại đến đa dạng sinh học và môi trường;
  • Ba là, bình đẳng cùng thế hệ trong tiếp cận các nguồn tài nguyên, mức sống, dịch vụ y tế và giáo dục;
  • Bốn là, xóa đói, giảm nghèo tuyệt đối;
  • Năm là, công nghệ sạch và sinh thái hóa công nghiệp (tái chế, tái sử dụng, giảm thải, tái tạo năng lượng đã sử dụng).

Thứ hai, phát triển bền vững về xã hội.

Tính bền vững về phát triển xã hội được đánh giá bằng các tiêu chí, như chỉ số phát triển con người (HDI), hệ số bình đẳng thu nhập, các chỉ tiêu về giáo dục, y tế, phúc lợi xã hội, hưởng thụ văn hóa. Ngoài ra, bền vững về xã hội là sự bảo đảm đời sống xã hội hài hòa; có sự bình đẳng giữa các giai tầng trong xã hội, bình đẳng giới; mức độ chênh lệch giàu nghèo không cao quá và có xu hướng thu hẹp lại; chênh lệch đời sống giữa các vùng miền không lớn.

Chỉ số phát triển con người là tiêu chí cao nhất về phát triển xã hội, bao gồm: thu nhập bình quân đầu người; trình độ dân trí, giáo dục, sức khỏe, tuổi thọ, mức hưởng thụ về văn hóa, văn minh;

Xã hội của phát triển bền vững cần được chú trọng vào sự phát triển sự công bằng và cố gắng cho tất cả mọi người cơ hội phát triển tiềm năng bản thân, có điều kiện sống chấp nhận được.

Phát triển bền vững về xã hội gồm một số nội dung chính:

  • Một là, ổn định dân số, phát triển nông thôn để giảm sức ép di dân vào đô thị;
  • Hai là, giảm thiểu tác động xấu của môi trường đến đô thị hóa;
  • Ba là, nâng cao học vấn, xóa mù chữ;
  • Bốn là, bảo vệ đa dạng văn hóa;
  • Năm là, bình đẳng giới, quan tâm tới nhu cầu và lợi ích giới;
  • Sáu là, tăng cường sự tham gia của công chúng vào các quá trình ra quyết định.

Thứ ba, phát triển bền vững về môi trường.

Quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phát triển nông nghiệp, du lịch; quá trình đô thị hóa, xây dựng nông thôn mới,… đều tác động đến môi trường và gây ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường, điều kiện tự nhiên. Bền vững về môi trường là khi sử dụng các yếu tố tự nhiên đó, chất lượng môi trường sống của con người phải được bảo đảm. Đó là bảo đảm sự trong sạch về không khí, nước, đất, không gian địa lý, cảnh quan. Chất lượng của các yếu tố trên luôn cần được coi trọng và thường xuyên được đánh giá kiểm định theo những tiêu chuẩn quốc gia hoặc quốc tế.

Khai thác và sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường và cải thiện chất lượng môi trường sống. Phát triển bền vững môi trường đòi hỏi phải duy trì sự cân bằng giữa bảo vệ môi trường tự nhiên với khai thác nguồn tài nguyên thiên nhiên phục vụ lợi ích con người.

Phát triển bền vững về môi trường gồm những nội dung cơ bản:

  • Một là, sử dụng có hiệu quả tài nguyên, đặc biệt là tài nguyên không tái tạo;
  • Hai là, phát triển không vượt quá ngưỡng chịu tải của hệ sinh thái;
  • Ba là, bảo vệ đa dạng sinh học, bảo vệ tầng ôzôn;
  • Bốn là, kiểm soát và giảm thiểu phát thải khí nhà kính;
  • Năm là, bảo vệ chặt chẽ các hệ sinh thái nhạy cảm;
  • Sáu là, giảm thiểu xả thải, khắc phục ô nhiễm (nước, khí, đất, lương thực thực phẩm), cải thiện và khôi phục môi trường những khu vực ô nhiễm….

3.2. Tiêu chí đánh giá phát triển bền vững nông nghiệp

Khi nghiên cứu về chỉ tiêu đánh giá phát triển NNBV, các nhà nghiên cứu đều có quan điểm chung là sử dụng đồng thời các chỉ tiêu thể hiện tính bền vững về kinh tế, xã hội và môi trường.

Về chỉ tiêu kinh tế, Markus và Werner (2008) cho rằng, tính bền vững kinh tế của phát triển nông nghiệp bao hàm khả năng sinh lời, tính thanh khoản, sự ổn định và giá trị gia tăng. Các chỉ tiêu được sử dụng là: mức thu nhập, tỷ lệ lợi nhuận, tỷ suất lợi nhuận trên tổng vốn đầu tư hay trên vốn chủ sở hữu, luồng tiền mặt, sự thay đổi của vốn chủ sở hữu và giá trị tăng thêm. Nguyễn Thị Mai (2011) đã sử dụng các chỉ tiêu như tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất nông nghiệp, tỷ lệ GDP nông nghiệp/GDP, thu nhập bình quân đầu người và tốc độ tăng thu nhập bình quân đầu người, diện tích đất nông nghiệp bình quân đầu người, tỷ lệ diện tích được cơ giới hóa trên tổng diện tích canh tác. Granz và cộng sự (2009) đề cập tới 3 nhóm chỉ tiêu kinh tế: 1) tính ổn định về kinh tế: mức nợ trên vốn chủ sở hữu, điều kiện trang thiết bị máy móc, nhà cửa, vườn cây lâu năm; 2) hiệu quả kinh tế: tổng thu nhập, năng suất, tỷ suất sinh lời của tài sản và vốn; 3) kinh tế địa phương: tỷ lệ lao động, tiền lương của địa phương trong tổng lao động, tiền lương của vùng, mức thu nhập thấp nhất của nông trại so với mức lương của vùng.

Về chỉ tiêu xã hội, theo Markus và Werner (2008), tiêu chí bền vững xã hội bao hàm các lĩnh vực liên quan đến đầu vào lao động, cấu trúc nông trại, các chỉ tiêu về việc làm (mức cung địa điểm làm việc, phân bố về độ tuổi làm việc, tỷ lệ nữ giới tham gia lao động, đào tạo), mức độ tham gia các hoạt động xã hội (tỷ lệ lao động là chủ cơ sở sản xuất kinh doanh). Granz và cộng sự (2009) cho rằng các chỉ tiêu xã hội cần xem xét là điều kiện làm việc (phương tiện vệ sinh và nhà ở, số giờ làm việc, khoảng cách về thu nhập, cơ hội đào tạo phát triển, phân biệt giới tính), an ninh xã hội (mức lương có khả năng chi trả tiềm năng, luật pháp và thủ tục về việc làm). Trong khi Nguyễn Thị Mai (2011) lại sử dụng các chỉ tiêu xã hội nhu tỷ lệ dân số nông thôn trên tổng dân số, tỷ lệ hộ nghèo, tỷ lệ lao động thiếu việc làm, tỷ lệ dân số được sử dụng nước sạch và dùng điện, tỷ lệ hộ có điện thoại.

Về chỉ tiêu môi trường sinh thái, Nguyễn Thị Mai (2011) cho rằng, các chi tiêu cần tính toán là tỷ lệ diện tích được tuới tiêu trên tổng diện tích được canh tác, mức phân bón trên 1 hecta đất canh tác, thuốc trừ sâu nhập khẩu trên 1 hecta đất canh tác, tỷ lệ che phủ rừng. Trong khi đó, Markus và Werner (2008) đề cập đến nhiều khía cạnh môi trường. Đó là tính cân bằng về khoáng chất (mức cân bằng đạm, lân, kali và vôi trong đất, cân bằng về mùn), sử dụng thuốc trừ sâu bệnh (tần suất sử dụng thuốc trừ sâu bệnh, mức giảm rủi ro do sử dụng thuốc), bảo vệ đất (tiềm năng sói mòn đất, nguy hại của chai cứng đất), đa dạng sinh học (qui mô thửa ruộng, tỷ lệ diện tích các khu vực sinh thái có giá trị lớn và sự đa dạng của cây trồng), cân bằng năng lượng (mức sử dụng năng lượng trong sản xuất nông nghiệp). Grenz và cộng sự (2009) đưa ra các chỉ tiêu liên quan tới nước, đất, năng lượng, đa dạng sinh học, tiềm năng thất thoát đạm, lân và bảo vệ cây trồng và chất thải.

NNBV đang ngày càng giành được nhiều sự ủng hộ trong nông nghiệp chủ đạo. Đó là vì NNBV mang đến những cơ hội khả thi, mang tính sáng tạo và có hiệu quả kinh tế cho người nông dân, người tiêu dùng, các nhà hoạch định chính sách và rất nhiều thành phần khác của hệ thống sản xuất lương thực.

Tóm lại, chính sách phát triển NNBV phải đảm bảo được mục đích là kiến tạo một hệ thống bền vững về mặt kinh tế, xã hội và môi trường. Về kinh tế, sản xuất nông nghiệp phải đạt hiệu quả cao, làm ra nhiều sản phẩm, không những đáp ứng nhu cầu tiêu dùng, thức ăn chăn nuôi, dự trữ lương thực mà còn xuất khẩu ra thị trường quốc tế. Về xã hội, một nền NNBV phải đảm bảo cho người nông dân có đầy đủ công ăn việc làm, có thu nhập ổn định, đời sống vật chất và tinh thần ngày càng được nâng cao. Về môi trường, phát triển NNBV là không hủy hoại nguồn tài nguyên thiên nhiên, giữ nguồn nước ngầm trong sạch và không gây ô nhiễm môi trường.

Tuy nhiên, tùy từng vùng, quốc gia và điều kiện nghiên cứu, các chỉ tiêu được sử dụng để đánh giá chính sách phát triển NNBV có thể khác nhau. Nhưng các chỉ tiêu chung sử dụng để đánh giá chính sách phát triển NNBV đều được nhìn nhận chung theo 3 nhóm: Kinh tế, Xã hội và Môi trường.

4. Thực tiễn ở Việt Nam

Việt Nam đã có những thành công nhất định trong phát triển nông nghiệp bền vững. Nền nông nghiệp Việt Nam được phát triển dựa trên cơ sở quy hoạch cụ thể cho từng vùng theo hướng mở nhằm khai thác triệt để những lợi thế so sánh và khắc phục những hạn chế của vùng.

Về kinh tế, thực hiện đầu tư công, chính sách tài chính ưu đãi và thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài vào lĩnh vực nông nghiệp đã tạo điều kiện thuận lợi, hỗ trợ sản xuất nông nghiệp phát triển một cách bền vững (Đỗ Kim Chung, 2009; Hoàng Thị Chỉnh, 2010). Hơn nữa, để khắc phục tình trạng sản xuất nhỏ lẻ, manh mún và phát triển công nghiệp chế biến, Việt Nam đã thực hiện tốt chính sách hỗ trợ đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, áp dụng tiến bộ công nghệ kỹ thuật tiên tiến trong sản xuất và thực hiện liên kết mô hình “4 nhà” (Nhà nước, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp và nhà nông).

Về xã hội, nông dân Việt Nam được khuyến khích tham gia vào các tổ, hội và hợp tác xã để cùng hỗ trợ, giúp đỡ nhau trong quá trình sản xuất. Nhận thức của người nông dân về kỹ thuật sản xuất, kiến thức thị trường được nâng cao thông qua các chương trình đào tạo nghề, tập huấn kỹ thuật do trung tâm khuyến nông và các hội, đoàn thể khác tổ chức. Chính sách duy trì và phát triển các làng nghề tiểu thủ công nghiệp của Việt Nam nhằm tạo thêm việc làm và tăng thu nhập cho nông dân cũng góp phần giúp nông nghiệp phát triển bền vững, hạn chế tình trạng di cư đến vùng đô thị.

Về môi trường, nông dân Việt Nam được trang bị kiến thức về những tác hại của ô nhiễm môi trường, cách bảo vệ môi trường và vận động nông dân thay đổi những tập quán, thói quen gây ô nhiễm môi trường. Quản lý dịch hại tổng hợp (IPM) được giới thiệu tới người dân bằng nhiều con đường: khuyến nông, thi tìm hiểu về IPM… Điều này đã giúp nông dân tiếp cận được với phương pháp canh tác mới, ít tổn hại tới môi trường. Trong chăn nuôi, các nông hộ có qui mô đàn tương đối lớn được khuyến khích, hỗ trợ lắp đặt biogas nhằm giảm chất thải khí đốt, hạn chế chặt phá cây xanh làm củi.

(Lytuong.net – Nguồn tham khảo: vista.gov.vn)

5/5 - (1 bình chọn)

Có thể bạn quan tâm

123123

Lytuong.net – Contact: admin@lytuong.net