Trang chủ Lịch sử Thực dân Pháp mở rộng đánh chiếm ra Bắc – Sự sụp đổ hoàn toàn của nhà nước phong kiến triều Nguyễn

Thực dân Pháp mở rộng đánh chiếm ra Bắc – Sự sụp đổ hoàn toàn của nhà nước phong kiến triều Nguyễn

by Ngo Thinh
117 views

Thực dân Pháp mở rộng đánh chiếm ra Bắc – Sự sụp đổ hoàn toàn của nhà nước phong kiến triều Nguyễn.

1. Thực dân Pháp mở rộng đánh chiếm ra Bắc. Nhân dân Bắc Hà đứng lên kháng chiến lần thứ nhất

Triều đình Huế để mất Nam kỳ là một sai lầm lớn. Tuy vậy triều đình vẫn không có biện pháp hữu hiệu để giữ các phần đất còn lại, mà chỉ lo chuộc đất dấy nghiệp ở Gia Định. Triều chính không được sửa sang, chính sách kinh tế – xã hội không hề được thay đổi, việc đối nội đối ngoại cũng chưa có chuyển biến nào đáng kể. Tình hình đất nước vẫn trì trệ, mâu thuẫn xã hội vẫn ngày càng tăng lên, quốc gia không còn khả năng tự vệ trước họa xâm lăng.

Đứng trước tình hình đất nước như vậy, ngay trong triều đình ở Huế cũng có nhiều người đưa ra những bản “Điều trần” và sáng kiến để canh tân đất nước, tự cường dân tộc, bảo vệ chủ quyền quốc gia. Trần Đình Túc, Nguyễn Huy Tế, Đinh Văn Điền, Nguyễn Trường Tộ và cả Viện Thương Bạc, ai ai cũng tâm huyết với vận mệnh nước nhà.

Nguyễn Trường Tộ có 14 tập điều trần, đó là một hệ thống những sáng kiến, cải cách trên nhiều lĩnh vực kinh tế – xã hội. Song triều Huế và bản thân vua Tự Đức bảo thủ đến mức phản động, khi họ ra các chiếu, dụ khiển trách mọi điều trần và cải cách.

Trong lúc đó quân Pháp chuẩn bị ráo riết đánh chiếm Bắc Hà, cố giành trước “Vấn đế sông Hồng” trong cuộc chạy đua thị trường miền Viễn Đông với các đế quốc khác. Chúng củng cố Nam kỳ, khai thác sức người sức của ở đây phục vụ cho đạo quân chiếm đóng. Chúng tăng thêm viện binh và thiết lập căn cứ hải quân, xây dựng quân đội tay sai người bản xứ, đàn áp các phong trào khởi nghĩa của nhân dân. Chúng gây sức ép với triều đình Huế, can thiệp vào công việc nội bộ của triều đình, tìm mọi cách để buộc triều đình Tự Đức chấp nhận sự bảo hộ của chúng ở các phần đất còn lại.

Bước sang năm 1872, Pháp không thể kiên trì tìm cách ra Bắc bằng một “Hiệp ước” được nữa, chúng đã sử dụng con bài thương nhân là Jean Duipuis để mở đường cho việc đưa quân đi đánh chiếm. Những cuộc khiêu khích của lực lượng thương nhân Pháp ở Hà Nội diễn ra liên tục từ cuối năm 1872 đến giữa năm 1873, khiến nhân dân rất căm phẫn, chỉ đợi lệnh của Tổng đốc Nguyễn Tri Phương là họ thẳng tay trừng trị, quét sạch bọn chúng ra khỏi bờ cõi. Nhưng Nguyễn Tri Phương đã không dám quyết đoán, còn triều đình Huế thì mắc bẫy khi yêu cầu Pháp ở Nam kỳ cho người ra Bắc “giải quyết vụ J. Duipuis”.

Ngày 5/11/1873 lực lượng Pháp do Francis Garnier dẫn đầu đã tới Hà Nội, chúng hợp quân với lực lượng nội gián của J.Duipuis. F.Garnier còn được giao toàn quyền hành động và tùy tình hình mà thiết lập chế độ chính trị ở Bắc Hà. Chúng ngang ngược đưa yêu sách đòi tước bỏ chủ quyền của quan quân Nguyễn Tri Phương ở Hà Nội. Ngày 20/11/1873 chúng bất ngờ tấn công thành Hà Nội, buộc quân dân Bắc Hà phải đứng lên kháng chiến.

Dưới sự lãnh đạo của Nguyễn Tri Phương, quân dân Hà Nội tổ chức cuộc chiến đấu anh dũng ngoan cường trên 5 cửa ô Hà Nội. Tại Ô Thanh Hà (Ô Quan Chưởng) nhân dân đã phối hợp với đội quân hơn 100 người của triều đình kiên quyết giữ thành. Cánh quân của Nguyễn Lâm, con trai Nguyễn Tri Phương đã chiến đấu đến người cuối cùng để cản giặc… Nhưng 7.000 quân triều đình trước đó không được tập luyện, lại thiếu chủ động chiến đấu, nên khi nghe tin Nguyễn Tri Phương bị thương, họ đã thiếu quyết tâm giữ thành. Chiều ngày 20/11/1873 thành Hà Nội thất thủ. Quân Pháp thừa thắng, từ Hà Nội chúng nhanh chóng đánh chiếm các tỉnh vùng châu thổ sông Hồng. Ngày 25/11/1873 Pháp chiếm Hưng Yên, Phủ Lý.

Ngày 3/12/1873 chúng đem quân xuống Hải Dương. Ngày 5/12/1873 chúng tấn công Ninh Bình. Ngày 12/12/1873 chúng đánh thành Nam Định…

Cũng giống như ở Nam bộ trước đó, quân Pháp đánh chiếm các tỉnh thành tương đối dễ dàng, vì quân đội triều đình giữ thành bỏ chạy. Nhưng đồng thời chúng vấp phải cuộc chiến đấu của nhân dân vô cùng quyết liệt. Địch phải phân tán binh lực để chiếm đóng, nhưng càng phân tán lại càng mỏng và càng bị hao tổn.

Trong lúc quân Pháp bị sa lầy ở các tỉnh châu thổ sông Hồng, thì một vòng vây của quân dân Bắc Hà đã hình thành quanh Hà Nội. Quân Hoàng Tá Viêm – Lưu Vĩnh Phúc từ Sơn Tây kéo về, được nhân dân hỗ trợ, tất cả đang rừng rực căm thù quân cướp nuớc và sẵn sàng đánh đuổi tiêu diệt chúng.

Ngày 20/12/1873 Nguyễn Tri Phương mất. Cái chết của người chủ tướng không chịu khuất phục trong tay quân Pháp, để lại niềm tiếc thương to lớn cho quân dân đang chiến đấu.

Ngày hôm sau, 21/12/1873, để phá vòng vây Hà Nội, quân Pháp thúc quân đánh lên Hoài Đức. Nhưng đại quân chúng vừa qua khỏi Cầu Giấy thì lọt vào trận địa phục kích của quân Lưu Vĩnh phúc. Ngay từ phút đầu, ta đã hạ sát tướng giặc F.Garnier.

Thấy chủ tướng bị tử trận, quân lính Pháp hoảng loạn quay về cố thủ trong các tỉnh thành. Pháp ở Sài Gòn vội vàng tuyên bố trả thành cho quan quân nhà Nguyễn và yêu cầu nhà Nguyễn đàm phán. Quân dân Bắc Hà càng phấn khởi và quyết tâm đánh bại cuộc vũ trang xâm lược của Pháp ở đây.

Vậy mà triều đình Huế lại bỏ lỡ cơ hội cứu nước và đi thỏa hiệp với Pháp. Ngày 15/3/1874 triều đình đã ký với Pháp bản Hòa ước Giáp Tuất, mang tên “Hiệp ước hòa bình và liên minh”. Hiệp ước có 22 điều khoản với nội dung chủ yếu là: triều đình Nguyễn thừa nhận hoàn toàn chủ quyền của Pháp ở Lục Tỉnh Nam kỳ; cho phép quân Pháp đi lại, vận chuyển, buôn bán, kiểm soát, điều tra ở tất cả các tỉnh thuộc Bắc bộ và Trung bộ. Ngày 31/8/1874 triều đình Huế còn cho ký một hiệp ước bổ sung cho hòa ước bán nước này, xác định đặc quyền kinh tế của Pháp ở khắp nước Việt Nam.

Ký kết Hiệp ước 1874 phản ánh sức mạnh quân sự có hạn của Pháp trong việc đánh chiếm Việt Nam, đồng thời phơi bày khả năng tự vệ đã tê liệt của triều đình Huế. Đến đây toàn bộ đất nước ta thực chất đã bị đặt dưới quyền bảo hộ của thực dân Pháp, trong đó Nam kỳ đã là đất thuộc địa của chúng.

2. Nhân dân Bắc hà đứng lên đánh Pháp lần thứ hai

Mục tiêu của quân Pháp là đánh chiếm toàn bộ Việt Nam, buộc triều đình Huế phải đầu hàng, biến cả Việt Nam và Đông Dương thành thuộc địa của chúng.

Lấy cớ đưa quân ra Bắc duy trì hiệp ước Giáp Tuất, ngày 3/4/1882, đạo quân viễn chinh Pháp do trung tá hải quân Henry Rivière cầm đầu, rời Nam kỳ tấn công đánh Bắc Hà lần thứ hai. Ngày 25/4/1882 Henry Riviere đã gửi tối hội thư cho Tổng đốc Hoàng Diệu, với lời lẽ láo xược, ngay sau đó chúng chúng nổ súng đánh thành Hà Nội.

Quân dân ta dưới sự lãnh đạo của Hoàng Diệu lại bước vào trận đánh quyết liệt ở 5 cửa ô Hà Nội. Trên bờ sông Hồng, nhân dân tự đốt nhà cửa và vật dụng, tạo thành bức tường lửa ngăn cản bước tiến công của quân Pháp. Tổng đốc Hoàng Diệu dẫn đầu các quân sĩ xông lên mặt thành chống địch. Cử nhân Võ Nguyên Đồng tập hợp hàng ngàn người trước cửa đình Quảng Văn (cửa Nam) để tiến vào thành hỗ trợ cho quân đội triều đình chiến đấu.

Bỗng kho đạn trong thành bốc cháy làm quân sĩ dao động. Thừa cơ đó bọn xâm lược Pháp thúc quân phá vỡ cửa thành và ồ ạt đánh vào thành. Tổng đốc Hoàng Diệu thấy tuyệt vọng đã rút gươm trích máu viết Di biểu cho nhà vua rồi tự vẫn. Thành Hà Nội thất thủ lần thứ hai. Quan quân triều đình bỏ chạy, phần đông rút về miền Sơn Tây để đợi dịp kéo về vây thành đánh Pháp như chín năm về trước.

Quân Pháp sợ bị bao vây như lần trước, nên đã tuyên bố trả lại thành Hà Nội, đồng thời chúng tăng thêm viện binh. Khi có viện binh chúng vội vã đánh chiếm Hòn Gai và các tỉnh vùng châu thổ sông Hồng.

Hành động ấy lại đưa quân Pháp lọt vào cuộc chiến tranh nhân dân ở đây và đó là thời cơ cho ta vây thành Hà Nội. Đội quân Lưu Vĩnh Phúc đã thách thức quân Pháp đánh nhau ở cánh đồng phủ Hoài Đức. Henry Rivière tức tối xua quân đi giải vây. Ngày 19/5/1883 đại quân Pháp vừa qua khỏi Cầu Giấy, thì lọt vào trận địa phục kích của quân ta, ngay phút đầu H. Rivière đã bị hạ sát. Binh lính Pháp hoảng loạn bỏ chạy về Hà Nội, quân ta truy kích diệt nhiều quân xâm lược.

Chiến thắng Cầu Giấy lần thứ hai đã gắn liền với chiến tích của đội quân Hoàng Tá Viêm, Trương Quang Đản, Lưu Vĩnh Phúc, khi họ đi cùng với nhân dân đánh giặc cứu nước. Chiến thắng này đã cổ vũ cho cuộc kháng chiến toàn dân ở Bắc Hà, tạo điều kiện cho nhà Nguyễn có chỗ dựa vững chắc để đề ra những đối sách chống xâm lược và bảo vệ chủ quyền dân tộc.

Song lại một lần nữa thời cơ cứu nước bị bỏ qua. Ngày 17/7/1883 vua Tự Đức băng hà, triều đình Huế bối rối, tranh chấp quyền lực giữa các phe phái xảy ra. Quân Pháp lợi dụng tình hình đó để thực hiện quyết tâm của chúng đánh chiếm Việt Nam.

3. Sự sụp đổ hoàn toàn của Nhà nước phong kiến độc lập triều Nguyễn

Từ cuối tháng 5/1883, Pháp ở Nam kỳ đã cử Bouét ra Bắc kỳ thay H. Rivière, đồng thời chúng tăng nhanh viện binh đánh chiếm Bắc Hà. Tháng 6/1883 Bouét cho quân đánh thốc lên Sơn Tây, diệt các ổ đề kháng của triều đình Huế ở đây. Nhưng chúng lại bị thất bại lớn. Tháng 7/1883, thừa cơ lúc triều đình Huế đang khủng hỏang do cái chết của Tự Đức tạo ra, Bouét tức tốc cho quân đánh thẳng vào Huế. Ngày 20/8/1883 quân Pháp đánh chiếm cửa Thuận An, từ đó chúng đã sẵn sàng đổ bộ vào đánh chiếm kinh đô Huế.

Trước tình hình nguy ngập ấy, vua Hiệp Hòa đã vội vàng xin hòa và chấp nhận ký kết theo yêu cầu của Pháp đưa ra. Ngày 25/8/1883 triều đình Huế cử Trần Đình Túc và Nguyễn Trọng Hợp ra thương thuyết và nhận ký với Cao ủy Pháp là Harmand bản “Hiệp ước Qúy Mùi” (Hiệp ước Harmand). Hiệp ước có 23 điều khoản, nội dung chủ yếu là: xác nhận Nam kỳ là thuộc địa của Pháp, Bắc kỳ và Trung kỳ là xứ bảo hộ của Pháp; Việt Nam bị chia làm ba xứ với ba chế độ chính trị khác nhau: Nam kỳ (Conchinchine) có chế độ thuộc địa, Trung kỳ (An Nam) có chế độ trực trị, Bắc kỳ (Tonkin) có chế độ bảo hộ; triều đình Huế cai quản xứ An Nam từ Hà Tĩnh đến Khánh Hòa; bên cạnh triều đình An Nam có Khâm sứ Pháp và các đồn binh Pháp.

Ký xong “Hiệp ước Harmand”, quân Pháp tiếp tục tấn công đánh chiếm các tỉnh thành ở Bắc bộ. Tháng 12/1883, chúng đánh chiếm Sơn Tây. Tháng 3/1884 Bắc Ninh, Thái Nguyên lọt vào tay Pháp. Tháng 4/1884 Pháp đánh chiếm Hưng Hóa. Tháng 5/1884 chúng đánh chiếm Tuyên Quang… Quân Pháp lần lượt đánh và chiếm đóng các tỉnh Bắc bộ. Ngày 11/5/1884 Pháp ký với triều đình Mãn Thanh bản “Hiệp ước Thiên Tân” buộc nhà Thanh rút quân ra khỏi Bắc kỳ và chấp nhận sự bảo hộ của Pháp ở Bắc kỳ.

Ngày 6/6/1884 Pháp buộc triều đình Huế ký “Hiệp ước Patenotre” gồm 19 điều khoản với nội dung hoàn chỉnh thêm những điều khoản đã ký kết trong “Hiệp ước Harmand”. Pháp cũng cho điều chỉnh nới rộng địa phận của Trung kỳ do triều đình Huế cai quản từ Thanh Hóa đến Bình Thuận.

Từ năm 1885 đến năm 1887 Pháp ký với nhà Thanh hàng loạt Hiệp ước và Công ước về quyền lợi chính trị, kinh tế, hoạch định biên giới quốc gia… Tất cả những ký kết ấy đều không có sự tham gia của triều đình Huế.

Ngày 3/10/1893 Pháp ký với Xiêm Hiệp ước để giành lấy toàn bộ quyền thống trị ở Lào. Từ đó Đông Dương đã nằm trọn trong tay thực dân Pháp, trong đó Việt Nam bị xẻ làm ba xứ theo chính sách “chia để trị”.

(Nguồn: Hà Minh Hồng, Lịch sử Việt Nam Cận Đại (1858-1975))

5/5 - (1 bình chọn)

Có thể bạn quan tâm

123123

Lytuong.net – Contact: [email protected]