Sử dụng chế phẩm sinh học xử lý phân chuồng, phế phụ phẩm nông nghiệp.
1. Tác dụng của phân hữu cơ:
– Đối với miền núi nguồn cây xanh rất dồi dào, bà con có thể tận dụng để làm phân xanh bón cho cây trồng. Đây là việc làm có nhiều mặt lợi: bón nhiều phân hữu cơ sẽ giảm đáng kể lượng phân vô cơ, tạo điều kiện cho vi sinh vật hoạt động, làm giàu dinh dưỡng, tăng độ mùn cho đất, giúp tăng năng suất cây trồng và tăng hiệu quả sản xuất.
– Phân chuồng và phân xanh ủ hoai mục khi đem bón cho cây trồng giúp cho cây trồng hút được dinh dưỡng tốt hơn, tránh gây ngộ độc cho cây vì trong quá trình ủ đã diệt được một số vi khuẩn có hại cho cây trồng. Không nên bón phân chuồng và phân xanh tươi sẽ có hại cho cây trồng và sản phẩm cho cây trồng không được an toàn (nhất là sản phẩm các loại rau tươi).
Nguyên liệu: Lá cây rừng như: cốt khí, cây bông trắng, lá mùn, lá bạc đầu, lá của cây họ đậu các loại; Phân trâu, bò, lợn, rơm rạ, rác thải gia đình…;Vôi 2%; Lân 2%
2. Chế phẩm vi sinh Trichoderma
– Chế phẩm vi sinh Trichoderma sp là một tiến bộ kỹ thuật được Trung tâm Công nghệ sinh học Thành phố Hồ Chí Minh nghiên cứu.
– Chế phẩm Trichoderma sp có tác dụng phân giải cellulose (phân giải chất xơ của phân xanh, rơm rạ). Nhờ đó, khi ủ chế phẩm này sẽ giúp làm cho phân xanh, phế phụ phẩm nông nghiệp nhanh hoai mục.
– Nếu ủ bình thường phải mất từ 4 -6 tháng, thậm chí có nhiều loại thân cây, lá cây ủ bình thường còn mất hơn 6 -7 tháng mới hoai mục. Những nếu sử dụng Chế phẩm này thì chỉ mất khoảng từ tháng rưỡi đến 2 tháng (tuỳ loại nguyên liệu ủ); thậm chí nếu lượng phân chuồng chiếm tỷ lệ cao (trên 70%) thì chỉ cần ủ 1 tháng là có thể bón cho cây trồng. Đó là chỉ xét về mặt thời gian, còn về mặt dinh dưỡng thì phân hoai được ủ chế phẩm này có chất lượng dinh dưỡng cao hơn so với phân ủ thông thường.
– Nguyên liệu sử dụng để tạo ra phân ủ gồm: phân chuồng chưa hoai mục, rơm rạ, cây phân xanh, mùn cưa, phế phụ phẩm nông nghiệp…+ Super lân + nước sạch. Áp dụng phương pháp ủ hiếu khí (đảo đều, 7 – 10 ngày đảo 1 lần) trong vòng từ 50 – 100 ngày tuỳ loại nguyên liệu.
Quy trình sản xuất phân ủ: Tính ủ cho 1 tấn nguyên liệu
a/ Nguyên liệu:
TT | Nguyên liệu | ĐVT | Số lượng | Ghi chú |
1 | Trichoderma sp | kg | 5 | Chứa vi sinh vật gốc |
2 | Rơm, phế phụ phẩm Nông nghiệp | kg | 600 | |
3 | Phân chuồng | kg | 400 | |
4 | Super lân | kg | 30 | |
5 | Nước tưới | lít | 500 – 550 | Tuỳ theo nguyên liệu |
b/ Cách ủ và thời gian ủ:
Chọn nơi cao ráo, có mái che để tránh ánh nắng trực tiếp của mặt trời và che mưa.
– Rải một lớp Rơm, phế phụ phẩm nông nghiệp khoảng 20-30cm, trải một lớp mỏng phân chuồng sau đó rải đều một lớp mỏng đất men; dẫm chặt cứ như vậy làm từng lớp đến khi hết nguyên liệu, cuối cùng tủ một lớp rơm mỏng để bảo vệ; Đống phân ủ được thiết kế theo hình khối chữ nhật (tránh xếp phân ủ theo hình vuông sẽ khó trộn và không khí khó vào giữa đống.
– Sau ủ 5- 7 ngày tiến hành đảo lần 1, sau đó trung bình cứ 7 – 10 ngày đảo một lần.
– Thời gian ủ: Trung bình từ 45 – 60 ngày. Tuỳ vào nguyên liệu, nếu nguyên liệu chủ yếu là những sản phẩm chứa nhiều chất xơ, cứng, chất gỗ thì phải ủ lâu hơn nguyên liệu là rơm, rạ hoặc cây phân
3. Kỹ thuật sản xuất phân hữu cơ vi sinh sử dụng chế phẩm Emic
Bước 1: chuẩn bị nguyên liệu (làm 1 tấn phân)
– Phế thải có nguồn gốc từ cây xanh(5-8 tạ)
– Phân chuồng hoặc bã bùn, mùn hoai (2-5 tạ)
– Chế phẩm Emic 1-2 gói.
Chú ý:
– Kích thước nguyên liệu cành nhỏ càng tốt, nguyên liệu như cây ngô thì nên chặt ngắn khoảng 1 gang
– Đối với rơm rạ, rác lá khô nên tưới ẩm trước khi ủ ít nhất 12 giờ.
-Với bèo tây, bèo cái thì cần phơi héo trước khi ủ
Có thể thay phân chuồng bằng bùn bã của các khu chăn nuôi, thực phẩm, mùn hoai. Nếu không có các thành phẩm trên có thể bổ sung 1-2 kg đạm/tấn phân ủ.
Bước 2: chọn nơi ủ
Ử ở những nơi thuận tiện cho việc sử dụng, trên nền đất trống hoặc xi măng, khô ráo. Nên rạch rãnh xung quanh cho nước vào hố gom nhỏ tránh trong nước ủ phân chảy ra ngoià khi tưới ẩm quá.
Có thể ủ trong nhà kho, chuồng nuôi không còn sử dụng, diện tích nên khoảng 3 m2/1 tấn phân ủ
Bước 3: cách trộn chế phẩm với nguyên liệu ủ.
Để trộn đều một gói chế phẩm cho một tấn nguyên liệu ủ ta làm như sau: chia đều chế phẩm làm 6 phần và lượng phân rác cũng chia thành 6 phần, sau đó chomột phần chế phẩm vào ozoa nước khuấy đều. Tiến hành rải một phần phân rác mỗi chiều khoảng 2-3 m rồi tưới đều chế phẩm lên lớp phân rác đã rải.
Nếu khô thì tưới thêm nước lượng nước khoảng 1-2 ozôa tùy vào rác ướt hay khô cứ tiếp tục từng lớp như thế cho đến khi hoàn thành.
Nếu tiến hành ủ lượng phân rác nhiều thì ta rải phân rác thành từng lớp trong luống ủ có chiều cao khoảng 20-25 cm rồi cào đều.Ta tưới chế phẩm đã hòa vào từng lớp sao cho phân rác ướt đều và nước không bị ngấm chảy ra xung quanh đống ủ. Tiếp tục tiến hành làm từng lớp như thế cho đến khi chiều cao của đống ủ khoảng 1.2-1.5m.
Bước 4: Che phủ đống phân ủ.
Sau khi ủ xong ta che đậy đống ủ bằng bạt bao tải hoặc nilong, để đảm bảo tốt hơn và tránh ánh sáng trực tiếp đống ủ nên che thêm tấm che bằng lá hoặc mái lợp, vào mùa đông cần phải che đậy kỹ để nhiệt độ đống ủ được duy trì ở mức 40-450c.
Bước 5: Đảo trộn phân và bảo quản
Sau khi ủ vài ngày nhiệt độ đống ủ tăng lên cao khoảng 40-450c nhiệt độ này sẽ làm cho nguyên liệu bị khô và không khí cần cho hoạt động của vi sinh vật cũng ít dần, vì vậy cứ khoảng 7-10 ngày tiến hành đảo trộn và nếu nguyên liệu khô thì bổ sung nước.
Tùy theo loại nguyên liệu mà thời gian ủ khác nhau, phế thải nông nghiệp phân chuồng thường ủ 25-30 ngày, những phế thải nông nghiệp khác như: lá mía, thân cây ngô… thì thời gian ủ dài hơn, phân dùng không hết nên đánh đống che lại đậy cẩn thận hoặc đóng bao để dùng về sau.
(Nguồn tài liệu: Kỹ thuật thâm canh lúa tiên tiến, Sở nông nghiệp và PTNT tỉnh Quảng Nam, 2016)