Trang chủ Thiền học Xả Thiền – Giám Thiền – Sống Thiền

Xả Thiền – Giám Thiền – Sống Thiền

by Ngo Thinh
170 views

Xả Thiền – Giám Thiền – Sống Thiền là gì? – Thích Chân Quang, Giáo trình Thiền học

1.  Xả thiền

Khi kết thúc thời tọa thiền, ta cũng phải tuân theo những thủ tục cần thiết để giúp tăng thêm lợi ích và giảm đi những tác hại. Những thủ tục đó gồm có các tâm nguyện và thao tác.

Tâm nguyện cuối thời tọa thiền khi ta chưa cử động gì cả là ý niệm âm thầm trong tâm. Đó là những tác ý cần thiết và tốt đẹp mà Phật thường xuyên nhắc nhở một tỳ kheo chân chính phải biết phát khởi. Chúng ta đừng hiểu lầm tu Thiền nghĩa là tuyệt đối không khởi ý niệm. Thật ra những ý niệm thiện lành chính là sự hỗ trợ rất lớn cho sự nghiệp nhiếp tâm lâu dài về sau.

Khi bắt đầu tọa thiền ta cũng đã khởi phát ba tâm nguyện (đối với cư sĩ) hoặc bốn tâm nguyện (đối với tu sĩ) là tuyệt đối tôn kính Phật, Thương yêu tất cả chúng sinh, và tận cùng khiêm hạ (nếu tu sĩ thì thêm nghiêm trì giới luật). Bây giờ khi kết thúc thời tọa thiền, ta sẽ phát lên lời hứa nghiêm túc với chư Phật là:

Suốt đời sẽ tận tụy giúp mọi người chung quanh được an vui trong Chánh Pháp và trong Thiền định một cách cụ thể.

Trong đạo Phật thì không thiếu những lời phát nguyện độ khắp chúng sinh. Nhưng khuyết điểm thường gặp là ta không cụ thể hóa những lời nguyện đó thành phương pháp, kế hoạch một cách chi tiết để dễ dàng thực hiện. Cuối cùng ước mơ thì lớn nhưng làm không được bao nhiêu. Để khắc phục nhược điểm đó, từ nay, sau mỗi thời tọa thiền, ta sẽ hứa với Phật là thực hiện ước nguyện độ sinh một cách cụ thể và hiệu quả. Chính nhờ lời hứa này, ta sẽ biết quan sát tính chất của từng người, từng thành phần, từng khu vực để lập nên kế hoạch giáo hóa chi tiết. Ta sẽ đi đến một mình hay sẽ kết hợp với huynh đệ; ta sẽ tiếp xúc với người cang cường trước hay người nhu thuận trước; ta sẽ nói về đạo lý lập tức hay sẽ giúp đỡ đời sống trước vân vân…

Thao tác kế tiếp theo đó là những động tác nhẹ nhàng từ tốn và xoa bóp như sau.

  • Ta sẽ cúi đầu lên xuống chừng 5 lần.
  • Xoay đầu qua lại chậm chậm mỗi bên chừng 5 lần.
  • Chuyển động hai vai theo hình tròn lên xuống chừng 7 lần.
  • Xoay toàn thân dựa trên trục eo lưng qua lại hai bên, mỗi bên chừng 7 lần.
  • Bóp bóp 2 bàn tay chừng 5 lần.
  • Rồi đưa tay lên xoa đầu, mặt, hai tai, cổ, gáy cho đến khi thấy dễ chịu, khoảng chừng 30 giây.
  • Xoa trước ngực và bụng khoảng chừng 30 giây. Đừng bỏ qua 2 bên cạnh sườn.
  • Xoa thắt lưng cũng chừng 30 giây.
  • Rồi bây giờ mới kéo chân ra để xoa bóp chân nhẹ nhàng.

Sau đó, ta ngồi yên tại chỗ một chút cho thoải mái rồi mới đứng lên đi bách bộ (hay gọi là kinh hành). Mục đích của việc đi bách bộ sau khi ngồi thiền là để giúp ta chuyển tiếp từ một giai đoạn tĩnh lặng sang giai đoạn hoạt động của cuộc sống không bị đột ngột.

Khi đi bách bộ kinh hành như thế, ta vẫn để ý ở phía dưới bụng, vẫn gắng giữ tâm yên tĩnh như khi ngồi thiền. Hơi thở vẫn điều hòa không bị can thiệp. Tự nhiên ta biết rõ từng bước chân chạm đất dù không cố ý phải biết. Lát nữa đây, bước vào cuộc sống đầy lao xao biến động, ta vẫn không bị cuốn theo một cách mê mờ tăm tối.

Nếu ta có được một không gian thoáng đãng rộng rãi thiên nhiên để kinh hành thì rất tốt, còn không được như vậy thì ta vẫn có thể đi tới đi lui trên một đoạn đường ngắn cũng không sao.

2.  Giám thiền

Khi bắt đầu tập tọa thiền, ta khó thể tự biết tư thế ngồi của mình có đúng và đẹp chưa, vì thế, rất cần người Giám thiền đi tới đi lui quan sát chỉnh sửa giùm cho đại chúng.

Giám thiền phải là người có kinh nghiệm tọa thiền khá giỏi, đã từng biết những sai lầm của mình nên bây giờ biết sai lầm của huynh đệ mà kịp thời chỉnh sửa. Công tác giám thiền rất vất vả vì phải đi tới đi lui tập trung xem xét hết người này đến người khác, không được yên tĩnh ngồi thiền trong khi đại chúng ngồi. Nếu không sắp được thời gian để ngồi bù lại thì sức khỏe Giám thiền sẽ tụt trông thấy.

Giám thiền cần trang bị một cây thiền bảng dài khoảng 1,2m, hình dáng dẹp dùng để nhắc nhở thiền sinh. Giám thiền đi tới đi lui phải nhẹ nhàng khẽ khàng không gây tiếng động.

Những lỗi nào đã bị phạm thì thiền sinh cứ hay bị lập lại hoài, nên Giám thiền phải để ý sửa giúp nhiều lần mới hết hẳn.

Khi bắt đầu công tác, Giám thiền phải xem xét phần tư thế bên ngoài trước khi xem xét nội tâm của thiền sinh. Những lỗi về tư thế thường gặp của thiền sinh là:

  • Lưng cong. Giám thiền phải thường xuyên lấy thiền bảng chạm nhẹ vào lưng để thiền sinh hiểu ý mà ưỡn lưng lên lại. Nhưng nếu có ai ưỡn ngực nhiều quá thì Giám thiền phải nói khẽ bên tai để người đó chùng xuống bớt.
  • Đầu cúi quá hay ngẩng cao. Giám thiền phải dùng tay chạm rất khẽ để kéo đầu thiền sinh về đúng vị trí.
  • Hai tay ép gần hông. Dùng thiền bảng để đẩy ra nhẹ nhàng.
  • Đầu quay qua một bên. Dùng tay xoay nhẹ lại.
  • Miệng mở. Dùng thiền bảng chạm nhẹ vào cằm.
  • Người như xoay về một bên, nghiêng về một bên. Dùng hai ngón tay giữa đặt ở hai vai để xoay nhẹ trở lại.
  • Mắt mở to nhìn lên, hoặc nhìn qua lại. Ra hiệu bằng tay ám chỉ nhìn xuống dưới.
  • Ngồi không yên, hay nhúc nhích. Đến gần nói khẽ bên tai nhắc nhở ráng giữ thân cho bất động.
  • Có dấu hiệu buồn ngủ. Nói khẽ thiền sinh phải biết rõ toàn thân.
  • Có dấu hiệu gồng cứng toàn thân. Nhắc khẽ nên buông lỏng, giữ thân mềm mại.
  • Bàn tay không đẹp, không đúng tư thế. Nhắc khẽ cho sửa lại.
  • Nhìn gương mặt thấy không thanh thản, biết thiền sinh đang bị vọng tưởng nhiều. Đặt nhẹ thiền bảng lên vai, rồi nhắc khẽ bên tai, khuyên ráng đừng để bị vọng tưởng dẫn đi.
  • Nhìn gương mặt thấy lông mày nhướng lên, mắt nhắm nghiền, như đang lạc vào cõi nào. Đặt thiền bảng lên vai, vỗ vài cái nhẹ nhẹ.
  • Nghe hơi thở nặng, ngực nở ra thu vào rất rõ theo từng hơi thở, tâm bất an. Đặt thiền bảng lên vai, nhắc khẽ thiền sinh điều chỉnh hơi thở êm dịu lại.
  • Mặt xanh lè, mồ hôi đổ ra, có thể bị trúng gió. Nên cho vào trong chữa trị.
  • Chân đau quá, bật lên tiếng rên khe khẽ, mặt nhăn nhó. Có thể cho phép kê một miếng vải gấp lại mấy lớp để phía dưới khớp chân dưới cùng, giúp chịu bớt lực giùm cái gân chân chỗ đó yếu nhão quá. Nếu đau bắp phía trên thì khuyên thiền sinh ráng chịu cho hết giờ. Nếu vẫn không chịu nỗi thì cho mở chân ra ngồi yên một chỗ chờ mọi người.

Còn nhiều trường hợp bất ngờ khác xảy ra trong khi quan sát mà Giám thiền phải tự mình nhận định phương cách giải quyết chỉnh sửa cho thiền sinh.

Giám thiền được công đức lớn, và phải chịu nhiều vất vả vì đại chúng. Vì thế, Giám thiền phải thường xuyên tu tập tâm từ bi sâu dày để đủ thương yêu và kiên nhẫn giúp đỡ đại chúng. Cũng nên tập cho đại chúng luân phiên giám thiền để mọi người có thêm kỹ năng này.

3.  Sống Thiền

Công phu tọa thiền và đời sống thánh thiện hằng ngày là mối tương quan không thể tách rời. Ta có thể nói Tọa thiền và Sống thiền là đôi cánh chim đưa ta bay cao vào bầu trời giải thoát. Sống thiền được định nghĩa là sống một cách thanh thản và nhân ái.

Sống thanh thản nghĩa là không để tâm ta xao động theo những buồn vui thăng trầm của cuộc đời. Ta biết tránh xa những trò vui náo nhiệt, phấn khích, ồn ào, hơn thua, nhiều cảm giác.

Cuộc đời nhiều oan trái chông gai thác ghềnh, và đôi khi cũng nhiều phần thưởng từ phước quá khứ. Người đời vẫn bị khổ vui theo những biến đổi vô tận đó. Một hành giả tu thiền phải biết giữ tâm bình lặng, không đau khổ khi gặp chuyện không may, không hớn hở khi gặp chuyện thích ý. Phải thản nhiên trước khổ vui cuộc đời như vậy, ta mới có thể tìm thấy hạnh phúc của Thiền định là niềm an vui vô hạn và thanh khiết. Người đời suốt đời tìm cách thay thế gánh khổ bằng gánh vui. Nhưng gánh nào cũng nặng nề đôi vai. Thiền giả là người tìm cách trút bỏ gánh nặng đó xuống để hưởng được niềm vui không còn gánh nặng trên vai nữa.

Đó là hai loại hạnh phúc rất khác nhau. Chúng ta phải suy gẫm thật kỹ để quyết tâm đi theo con đường của Phật và thoát ra khỏi biến động cuộc đời.

Cuộc đời cũng nhiều trò vui chơi giải trí. Tuy nói là giải trí, nhưng thật ra trò nào cũng gây cảm giác xao động cho tâm. Cờ bạc, rượu chè, trai gái, ma túy, phim ảnh đồi trụy, hơn thua nơi võ đài, sân gà… là những cuộc chơi tội lỗi dễ thấy nhất. Biết bao nhiêu tội ác được phát sinh từ các trò vui tăm tối đó, chôn vùi biết bao nhiêu người trong hố sâu đọa lạc. Nhân quả nghiêm khắc sẽ buộc họ phải đền trả sòng phẳng nơi ba ác đạo ở tương lai.

Rồi những trò giải trí có vẻ như lành mạnh, kỳ thật cũng làm cho tâm bất an và mất đạo đức dần. Ví dụ như quá sức cuồng nhiệt trong bóng đá, games vi tính đầy bạo lực, khiêu vũ đôi nam nữ, nhạc kích động, trang phục hở hang… đều góp phần làm băng hoại tâm hồn dần dần. Chúng ta cám ơn Phật đã chế ra giới luật để bảo vệ người tu khỏi những trò vui làm tâm hồn bất an như thế.

Rồi ngay cả ngồi đánh cờ trông có vẻ trí tuệ, kỳ thật cũng làm hao tổn tâm trí và thời gian rất nhiều. Ngoại trừ làm thơ nhạc để góp phần truyền bá đạo đức thì không sao, còn lại làm thơ nhạc để diễn tả cảm xúc cá nhân cũng làm tâm xao động. Nói chung, thiền giả phải tự nhận định những gì làm mất đi sự thanh thản mà biết tránh né.

Đối với những người ở trình độ cao, họ có thể đạt được tâm thường xuyên bất động chứ không phải là thanh thản nữa.

Sống nhân ái là sống thương yêu và có trách nhiệm với cuộc đời. Tuy phải giữ mình tránh xa những xao động phiền lụy của cuộc sống, nhưng người tu thiền lại phải là người tích cực đem thương yêu nhân ái đóng góp vào đời. Sống Thanh thản và Sống Nhân ái có tính chất ngược với nhau, nhưng đều là yếu tố quan trọng làm nên đời sống Thiền chân chính. Thiền giả suốt đời cứ phải dung hòa hai dòng sống này một cách đẹp đẽ.

Thiền giả luôn chan chứa tình thương yêu muôn loài, dù không làm gì, tình thương đó vẫn tràn đầy hiện hữu trong tâm, song song với nội tâm an định.

Rồi mỗi khi có cơ hội, thiền giả luôn tích cực giúp đỡ mọi người, dù là việc nhỏ nhặt như lấy giùm đôi dép, hoặc lớn lao như việc tổ chức giáo dục đạo đức cho trẻ em đường phố…

Người sống nhân ái ít khi nghĩ xấu về người khác, dù cho có những bất đồng quan điểm hay ý kiến. Khi thấy người khác làm không đúng ý mình, ta vẫn cố biện minh giùm người chắc là có lý do gì đó, chứ không vội vàng kết tội nhau. Dễ dàng nghĩ xấu nhau, kết tội nhau là nguyên nhân gây nên thảm trạng chia rẽ trong đạo Phật. Muốn phá hoại đạo Phật, kẻ xấu cũng chỉ làm một việc là gây cho Tăng chúng nghĩ xấu lẫn nhau. Ta phải bao dung vượt trên sự tầm thường đó để yêu thương con người.

Tóm lại, Sống Thiền, thanh thản và nhân ái, là biểu hiện của công phu thiền định chân chính.

Câu hỏi: Nói về kinh nghiệm xả thiền, giám thiền, và sống thiền của chính mình.

5/5 - (1 bình chọn)

Có thể bạn quan tâm

123123

Lytuong.net – Contact: admin@lytuong.net