Trang chủ Thiền học Thiền bệnh là gì?

Thiền bệnh là gì?

by Ngo Thinh
150 views

Thiền bệnh – Thích Chân Quang, Giáo trình Thiền học

Thiền bệnh sẽ xuất hiện khi ta dụng công sai lầm, hoặc dụng công thiếu sót. Có khi cũng cùng một cách dụng công, nhưng người này thì phát bệnh mà người khác thì không. Lý do là do thể tạng mỗi người mỗi khác, căn cơ phước lực mỗi người mỗi khác. Giống như việc ăn uống, cùng ăn thức nóng cay, hay độc hại, nhưng có người phát bệnh, có người lại thấy sảng khoái. Giống như những công việc trên đời, có người làm điều sai quấy liền bị bêu riếu nguyền rủa, có người cũng làm giống như vậy nhưng chẳng nghe ai nói gì.

Cũng vậy, hầu hết các pháp môn đều ưu điểm ở mặt này mà khuyết điểm ở mặt khác, không một pháp môn nào tuyệt đối đầy đủ các ưu điểm, dù rằng các bậc tông sư luôn luôn đề cao sự ưu việt hoàn hảo của pháp môn mà mình đang truyền bá. Ngày nay, với tinh thần khách quan nghiên cứu, chúng ta không nên bị hấp dẫn bởi những lời tự xưng tụng từ các pháp môn như thế. Đã có rất nhiều bậc tông sư dám chê cả lời Phật dạy để đề cao pháp môn của mình. Đây là một hiện tượng đáng buồn trong đạo Phật.

Tuy vậy, dù pháp môn còn khuyết điểm, nhưng cũng vẫn có những người thực hành có kết quả tốt đẹp làm tăng thêm uy tín cho pháp môn đó. Và ngược lại, cũng có những người thực hành bị phát bệnh.

Khi chúng ta đi theo con đường từ căn bản thấp nhất của việc Điều thân, xây dựng đạo đức, gây tạo công đức thì ưu điểm là không bị những dạng thiền bệnh, nhưng phải chấp nhận mất thời gian.

1.  Nhức đầu

Nhức đầu có nhiều nguyên nhân.

Thứ nhất, có thể trong khi đang tập trung ngồi thiền, ta lại bị lôi cuốn bởi một đề tài nào đó và cứ trôi theo suy nghĩ không dứt. Cố ý duy trì sự suy nghĩ trong khi ngồi thiền là một tội nặng, vì thế cơn nhức đầu xuất hiện. Để chữa tình trạng này, ta phải niệm Phật sám hối rồi dứt khoát với tất cả mọi vấn đề, dù vấn đề đó có quan trọng đến mức độ nào đi chăng nữa. Phải thấy thế gian như giấc mộng để không xem bất cứ điều gì là quá quan trọng. Chỉ có việc giữ tâm thanh tịnh nhằm đạt đến Vô ngã mới là việc chính yếu. Với lập trường như vậy, ta dần dần thoát khỏi sự lôi cuốn của vọng tưởng để chữa được cơn nhức đầu.

Thứ hai, có thể ta sử dụng một pháp môn mà chú ý trên đầu quá nhiều khiến cho Âm lực bị hao tổn, lực chạy lên đầu sinh ra căng thẳng. Cũng có người thực hành pháp môn với tính chất chú ý trên đầu thường xuyên nhưng không bị nhức đầu chỉ bởi vì người này có Chân âm bẩm sinh rất mạnh, lực phía dưới không bao giờ hao tổn dù cho có chú ý trên đầu rất nhiều. Để chữa nhức đầu trong trường hợp này, ta phải thay đổi pháp môn nào mà sự chú ý hướng xuống dưới, như Điều thân, an trú tâm tại một điểm Đan điền, lòng bàn tay… Nhất là chú ý giữ thân mềm mại bất động giúp ích rất nhiều cho bộ não được khỏe mạnh.

Thứ ba, có thể ta thực hành phép quán tưởng nào đó không chính xác. Hoặc là ta quán các pháp Vô thường, hư ảo, rỗng không… nhưng không thâm nhập thành công, chỉ dừng lại ở mức độ suy nghĩ nên biến thành loạn động nhức đầu. Để chữa cho trường hợp này, ta phải tạm chuyển qua phép tu theo dõi hơi thở, để tâm ở dưới bụng. Sau đó mới nghiên cứu lại cách quán tưởng Bát nhã. Hơn nữa, phép quán Bát nhã nhìn mọi thứ trên đời là hư ảo chỉ thích hợp cho người quá có phước, quá thành công, được nhiều diễm phước trong cuộc sống chứ không thích hợp cho người thiếu phước. Người thiếu phước gặp nhiều nghịch cảnh thì phải chiêm nghiệm luật Nhân quả để sám hối chứ không được xem đời như không.

Thứ tư, cơn nhức đầu có thể do ta vừa mới có ý nghĩ sai lầm về Phật, về giáo lý, hay về một vị tôn túc khả kính nào đó. Nghĩa là cơn nhức đầu này do ta bị tổn phước bởi ý nghĩ càn quấy. Ta phải truy tìm lại những ý nghĩ trong thời gian qua và nhanh chóng sám hối thì sẽ hết.

Thứ năm, đôi khi cơn nhức đầu không phải do thiền bệnh mà do bệnh thực thể như viêm xoang, cảm gió, cao huyết áp… Những cơn bệnh đó vẫn có khả năng làm giảm sút sự nhiếp tâm của ta. Có khi ta ngồi thiền mà ngẩng đầu cao lên trên cũng bị nhức đầu.

2.  Thân bệnh

Đau lưng có thể do ta ngồi bị cong lưng. Ngược lại nếu ta ngồi ưỡn lưng quá thì ngực sẽ bị đau. Ta ngồi ưỡn ngực quá khiến cho ngực bị đau và não bộ cũng căng thẳng. Ngược lại, ta ngồi cong lưng thì lưng bị đau và đầu óc yếu đuối dần. Vì vậy ta phải chọn độ thẳng của lưng một cách vừa phải thích hợp, bên ngoài nhìn vào thấy đẹp và tự ta cảm thấy đúng mức.

Chân yếu có thể do ta đứng lên đi vội khi xả thiền. Phải đợi một lúc cho chân thật sự bình thường mới được đứng lên đi. Xoa bóp chân sau khi xả thiền cũng là một động thái cần thiết. Ta phải biết một số huyệt đạo quan trọng ở vùng chân như túc tam lý, dũng tuyền, tam âm giao… để dạy ấn mỗi khi xả thiền cũng rất hay.

Hơi thở nghẹt tức là do ta cố ý điều khiển hơi thở đi lên đi xuống. Trong cái điều khiển đó ta có hơi ép một chút, hơi dùng lực một chút. Hoặc ai tưởng hơi thở đi sâu trong thịt cũng sẽ bị nghẹn tức. Để chữa bệnh này, ta phải buông lỏng toàn thân, biết rõ hơi thở nhưng không can thiệp điều khiển, để hơi thở ra vào tự nhiên. Biết rõ nhưng không can thiệp là yếu chỉ then chốt trong công phu tu tập hơi thở. Nếu ta an trú nhẹ nhàng tại một điểm Đan điền cũng giúp hơi thở khai thông. Ngoài ra, vừa thở vừa vọng tưởng nhiều quá cũng khiến cho hơi thở bị nghẹn tức khó chịu.

Kiệt sức có thể do ta phải ráng ngồi lâu quá sức mình cho đủ giờ quy định trong đại chúng. Khi chưa đủ sức định, việc ráng ngồi cho lâu kèm với việc chịu đựng cái đau của đôi chân làm hao sức khỏe rất nhiều. Ta cần chịu đau để rèn luyện ý chí, nhưng không được chịu đau kéo dài quá, chỉ vừa chừng thích hợp với trình độ của ta mà thôi. Sau này khi phước đã đủ, sức định đã có, tự nhiên thời gian ngồi thiền sẽ được lâu một cách tự nhiên.

Hôn trầm có hai nguyên nhân. Hoặc là ta bị thiếu ngủ, bây giờ ngồi thiền tâm yên lắng lập tức giấc ngủ ập đến liền để bù lại. Nguyên nhân thứ hai là do nghiệp chướng quá khứ đang phá phách khiến tâm ta cứ u mê chìm lặng; ngồi thiền thì buồn ngủ, xả thiền thì tỉnh rụi.

Nếu là nguyên nhân thứ nhất, thiếu ngủ, thì ta phải cho phép chợp mắt một chút rồi sẽ ngồi thiền sau sẽ tỉnh táo bình thường.

Nếu là nguyên nhân thứ hai thì ta phải dùng ý chí chiến đấu với cơn buồn ngủ chứ không được chìu theo. Ngoài ra ta còn phải lễ Phật sám hối rất nhiều, đồng thời gây tạo nhiều công đức để giải nghiệp.

Còn ai đã phá được triền cái trạo cử thì không còn bị hôn trầm nữa.

Ngứa ngáy ở vùng da mặt hoặc dưới thân giống như có con kiến con muỗi đang chọc ngoáy là do sự kích ứng thần kinh nhè nhẹ. Khi bắt đầu tu tập nhiếp tâm, ta đã có sự dằn co giữa thói quen suy nghĩ và ước muốn chấm dứt suy nghĩ. Sự dằn co đó khiến cho thần kinh da bị kích ứng nhẹ và tạo nên cảm giác ngứa. Sau một thời gian dụng công, cảm giác ngứa đó sẽ tự hết. Còn một nguyên nhân khác nữa là những tư tưởng xấu còn tồn tại cũng được báo hiệu bằng cảm giác ngứa ở da.

Hai chân run khi đang ngồi thiền có hai nguyên nhân. Một là do gân chân còn cứng quá, chưa mềm mại, nên khi siết vào tư thế kiết già chân run lên bần bật. Hoặc là do ngồi thiền mà tâm căng thẳng quá khiến não bộ phát ra những tín hiệu truyền vào chân làm run giả tạo. Vì vậy, nếu vì lý do gân chân cứng thì một thời gian sau sẽ tự hết khi chân đã mềm. Nếu vì lý do căng thẳng thì phải nhanh chóng buông xả toàn thân, buông xả toàn tâm thì sẽ hết.

3.  Rối loạn nhân cách

Có trường hợp sau một thời gian tu tập thiền định theo một phương pháp nào đó, ta bị rối loạn tâm lý hay rối loạn nhân cách. Nguyên nhân của mỗi trường hợp sẽ khác nhau như sau.

Nóng nảy hơn trước là do ta cảm thấy mình hơn người, nghĩa là tâm kiêu mạn tự hào đã xuất hiện. Hoặc là do ta cho rằng ta biết tu tập còn những người khác thì mê muội không biết tu. Hoặc là do đường lối pháp môn của ta dạy ta tự đề cao chính mình thái quá. Lý thuyết về chân tâm phật tánh cũng góp phần trong việc khiến người tu thấy mình cao siêu quá. Người tu cần phải hướng về mục tiêu Vô ngã một cách xác quyết để tránh bệnh tự tôn này. Tâm niệm xem mình như cỏ rác cát bụi rất hiệu quả trong việc ngăn chận tâm kiêu mạn tự hào xuất hiện (xem Tâm Lý Đạo Đức).

Nóng nảy xuất hiện cũng do ta dụng công dằn ép, không biết thong thả nhẹ nhàng.

Nóng nảy cũng có khi do ta dụng công bằng cách chú ý trên đầu nhiều quá nên chân khí chạy lên, không trụ ở phía dưới. Chân âm mất lực cũng làm cho tâm lý không ổn định.

Thờ ơ với mọi người mọi việc chung quanh cũng là một rối loạn nhân cách. Nếu tu đúng, ta sẽ có thái độ vừa bình thản với mọi biến động cuộc đời vừa ân cần với con người hơn trước. Nhưng nếu tu sai, ta sẽ trở nên thờ ơ không còn quan tâm đến mọi người chung quanh mình. Đó là dấu hiệu lòng từ bi không phát triển mà lại có hướng suy giảm. Nguyên nhân là do ta nhiếp tâm nhanh chóng dễ dàng quá dù trước đó không đi qua căn bản tác ý từ bi nhiều. Thật ra nhiếp tâm dễ dàng quá lại là một bất lợi cho mình và cho người sau vì ta sẽ truyền dạy một pháp môn thiếu sót. Nhiều thiền sư có thành tựu bản thân rất vĩ đại nhưng để lại một giáo pháp đầy nhược điểm là cũng từ nguyên nhân như thế. Muốn chữa căn bệnh này, ta phải quán từ bi rất nhiều.

Nói nhiều cũng là một dạng rối loạn tâm lý. Đáng lẽ càng tu thiền ta càng ít nói những điều vô nghĩa, chỉ nói những điều cần thiết, nhưng vì dụng công sai, ta trở nên nói nhiều hơn trước.

Nguyên nhân là ta không thành tựu được định lực nên vỏ não sôi động với các ý nghĩ tuôn trào thúc đẩy miệng nói huyên thuyên. Nguyên nhân nữa là ta chú ý trên đầu nhiều quá nên lực chạy lên não làm não sôi động lên. Người bị bệnh này mở miệng nói đạo lý suốt ngày không chán, nhưng nghe kỹ ta sẽ thấy đầy ý khoe khoang tự phụ. Người này cũng dễ bị nổi sân. Muốn chữa bệnh này, hành giả phải lễ Phật sám hối thật nhiều, sau đó thay đổi cách dụng công sao cho tâm lắng yên và lực trầm xuống dưới.

Hơn thua tự phụ là bệnh nguy hiểm bậc nhất của người tu thiền. Người bị bệnh này hay tranh cãi đúng sai với mọi người, nhất là về đạo lý, thiền ngữ. Đạo lý là con đường để tu, nhưng với người bị bệnh hơn thua thì đạo lý đã trở thành phương tiện tranh tài cao thấp. Họ tìm cách bắt bẻ nhau từng chút sơ hở trong câu nói để dành phần thắng về cho mình. Người bị bệnh này thì tâm khiêm hạ biến mất, lúc nào cũng khinh người, chẳng coi ai ra gì, thậm chí chê bai cả những bậc tôn túc đức độ.

Nhiều giáo phái mới xuất hiện với ý đồ phá hoại đạo Phật cũng truyền cho tín đồ ý niệm chê bai Phật và các bậc tôn túc trong đạo Phật. Chúng ta cần góp sức tiêu diệt những giáo phái nguy hiểm như thế vì phá đạo Phật tức là gây tội ác đệ nhất trên đời không gì hơn. Còn những người bị nhiễm tư tưởng chê bai Phật Pháp như thế là đã mất hết căn lành, sẽ bị đọa vào ác đạo.

Người bị bệnh tự phụ thì rất khó thoát khỏi vì người đó không hề tự thấy mình sai lầm, cứ nằng nặc cho mình đúng nhất trần gian. Nếu họ không có duyên may để thoát khỏi bệnh tự phụ này thì rất nhiều bất hạnh chờ đợi họ ở mai sau, hoặc là nghèo túng khốn cùng, thất bại liên miên, hoặc là rối loạn tâm thần nặng nề.

Nếu lúc nào biết mình bị bệnh này và muốn thoát ra, ta phải lễ Phật sám hối rất nhiều, đồng thời xem mình như cát bụi cỏ rác, nghĩ rằng còn vô số người trên đời tài đức hơn mình triệu triệu lần. Trong cuộc sống ta phải cẩn thận từng ý nghĩ kiêu mạn lúc nào cũng chực chờ chê bai người khác. Phải luôn luôn tự dìm mình xuống để ý niệm kiêu mạn bị kềm chế. Lâu ngày tâm khiêm hạ được phục hồi thì mới có đường cho công đức trỗi dậy.

Thấy gì cũng như không lại là một bệnh xuất phát từ giáo lý Bát nhã bị hiểu sai. Nhiều bài kinh Bát Nhã dành cho hàng Bồ tát vô lượng công đức đã dạy Bồ tát phải xem tất cả thế gian như huyễn như mộng. Như đoạn cuối kinh Kim Cang cũng có bài kệ nổi tiếng nêu lên quan điểm xem tất cả pháp hữu vi như mộng, huyễn, bọt nước, bóng trong gương, như sương chóng tan, điện sét chóng biến mất. Người đọc lập tức quên hết bao nhiêu đạo lý phía trước mà chỉ biết có đoạn cuối để rồi từ đây xem gì cũng không, bỏ qua luôn nguyên lý Nghiệp báo vô cùng quan trọng. Thấy gì cũng không đưa đến một tai hại là xem thường nhiều điều đáng lẽ phải được trân trọng nâng niu. Có những điều thuộc về Đạo đức mà ta phải xem trọng, nhưng người hiểu sai Bát nhã là xem thường tất cả.

Hơn nữa, khi bị nghịch cảnh khốn khó, ta chỉ nên quán Nghiệp duyên để thấy lỗi quá khứ của mình. Sau khi nhận lỗi về mình, ta sẽ cảm thấy tâm hồn yên tĩnh vững vàng hơn, và may mắn cũng sẽ đến dễ dàng hơn. Chỉ khi nào ta đã thành tựu vô lượng công đức thì mới nên quán tất cả pháp là không để không chấp giữ tự hào. Khi còn quá thiếu phước mà cứ xem mọi thứ là không thì phước càng tổn thêm vì ta đã vô tình xem thường những điều lẽ ra phải tôn trọng. Động dục cũng được ghi nhận đã xảy ra ở một số người đang tinh tấn nhập thất. Nguyên nhân cũng là do chú ý phía trên đầu nhiều quá. Tuy cảm giác động dục nằm ở dưới bộ phận sinh dục nhưng thật ra cơ chế kiểm soát cảm giác tình dục lại nằm ở trên não. Khi ta chú ý phía trên, hoặc khi ta khởi ý niệm kiêu mạn thầm kín, lập tức vùng não kiểm soát hoạt động tình dục khởi động. Để chữa bệnh này, ta cần tác ý khiêm hạ, lễ Phật sám hối. Sau đó ta để tâm xuống Đan điền, nếu cần nhìn thẳng vào cảm giác đó một cách quyết tâm thách thức. Vài lần đối diện nhìn thẳng vào cảm giác động dục thì cảm giác đó sẽ tan. Bệnh này rất khó chữa nơi người nào kiêu mạn nhiều quá. Người càng kiêu mạn càng dễ bị tham dục chi phối mặc dù bên ngoài làm ra vẻ tài giỏi am hiểu đạo lý.

Điên loạn là bệnh của thiền hay được nghe nhắc tới đến nổi nhiều người vì sợ hãi mà không dám bước vào tu thiền. Điên chỉ xuất hiện khi phước đã tổn quá nặng. Về mặt sinh lý thì điên chỉ xuất hiện khi bộ não bị hư hại. Sở dĩ bộ não bị hư hại vì lực từ phía dưới xông lên phá nát. Nhưng thật ra lực từ phía dưới xông lên chỉ làm đầu óc căng thẳng chứ không làm điên loạn. Chỉ khi nào lực từ dưới xông lên gặp được ý niệm tự cao kiêu mạn chờ sẵn thì sẽ tạo thành vụ nổ vỡ tan bộ não, và làm người này trở nên điên loạn thật sự. Hầu như khi đã bị điên thì kiếp này xem như bỏ, dù có chữa lành cũng khó thể tu tiến. Người này chỉ còn tạo phước, sám hối để chờ đợi tái sinh một kiếp sau có một bộ não mới và tu tập trở lại.

Người bị điên cũng không thể tự cứu mình nữa, chỉ nhờ người thân tạo phước hồi hướng, rồi đem đến bệnh viện chuyên khoa tâm thần để được bác sĩ sử dụng liệu pháp chuyên môn xử lý phần nào.

Nhiều người siêng học và học giỏi rồi điên, giống như người tinh tấn tu thiền, tu giỏi rồi điên đều có cùng cơ cấu là tập trung lên đầu nhiều quá, đồng thời ý niệm tự cao tồn tại khá nhiều. Những người tu hành mà hay xem thường các vị Thánh, thậm chí xem mình ngang bằng với Phật, xem ai cũng dưới mình, tự cho mình cao siêu phi phàm… đều đã gieo xong nhân điên loạn, chỉ còn chờ ngày quả báo hiện ra. Đó cũng là địa ngục hiện kiếp.

Thời đại ngày nay người mắc bệnh tâm thần khá nhiều chỉ vì nền văn hóa khiêm cung lễ độ đang bị thay thế bởi lối sống kiêu căng tự phụ vô lễ. Lớp trẻ không còn bị bắt buộc phải kính trọng người lớn, lại còn được nuông chiều để trở nên hung dữ ngang bướng vô lễ. Đó là nguyên nhân tạo thành bệnh lý rối loạn tâm thần dày đặc trên thế giới hiện nay. Cha mẹ thương con phải biết dạy con lễ độ cung kính mọi người, phải dạy con  tôn kính Tam Bảo. Đó chính là phương pháp giữ bộ não cho con trẻ khỏe mạnh lâu bền về sau.

4.  Lạm dụng thần thông

Một dạng thiền bệnh dành cho người tu rất có kết quả đến nổi bắt đầu có được một số thần thông nào đó như biết nhìn người, nghe tiếng động cực nhỏ của côn trùng, làm thơ nhanh như chớp, nhiều ngày không cần ngủ, làm cho thân thể chiếu hào quang… Nhưng vì không biết kềm chế nên hành giả thường xuyên sử dụng đến nổi không thoát ra được nữa và trở thành bệnh.

Lúc nào cũng khởi tâm quan sát mọi thứ của người chung quanh mình như tính tình, vận số, quá khứ vị lai… riết rồi tâm không yên lắng được, chỉ còn cái tâm quan sát tồn tại mãi cho đến khi tâm cực loạn trở lại thì điên luôn. Khi có thể nhìn người mà biết được về cuộc đời của họ, ta đương nhiên đã xem mình như siêu nhân. Chính vì tự hào thích thú nên ta mới sử dụng năng lực đó hoài và chuốc họa. Người tu thiền phải khôn ngoan bỏ qua thần thông để tránh thiền bệnh như thế.

Làm thơ nhanh như chớp cũng là một năng lực thần thông. Thật ra làm thơ rất khó vì ngoài ý tưởng, những câu chữ phải được sắp xếp theo một quy luật vần điệu phức tạp. Có khi nhà thơ phải tìm tòi mất ba bốn ngày mới có được một chữ vừa ý. Vậy mà người đắc loại thần thông này thì mở miệng là thành thơ, cũng rất có vần có điệu, đôi khi cũng vụng về hời hợt, nhưng tổng quát thì cũng thành bài thơ. Được người chung quanh ca tụng mãi nên người này làm thơ liên tục để tặng cho đời và cuối cùng là ý thơ trong đầu không chịu tắt. Kết quả cuối cùng ai cũng biết là gì. Chỉ trừ người có căn lành biết lập tức chừa bỏ và tìm cách nhập định thật sâu thì mới thoát khỏi.

Những loại thần thông khác khi bị phô trương và lạm dụng cũng đều có hậu quả tương tự. Do đó người tu thiền dù có đắc thần thông cũng phải biết bỏ qua và không được phô trương hay tự hào để tránh loại thiền bệnh này vì rất khó chữa.

Thật ra còn rất nhiều dạng thiền bệnh của riêng từng người không thể được liệt kê đầy đủ, tuy nhiên chúng đều có cơ cấu giống như những loại chúng ta đã nêu. Chỉ cần ta biết rõ cơ chế sinh bệnh thì việc xử lý cũng trong tầm tay.

Câu hỏi: Hãy quan sát những dấu hiệu thiền bệnh nơi ta và những người chung quanh.

5/5 - (1 bình chọn)

Có thể bạn quan tâm

123123

Lytuong.net – Contact: admin@lytuong.net