Trang chủ Thiền học Năm Triền Cái là gì?

Năm Triền Cái là gì?

by Ngo Thinh
170 views

Năm Triền Cái – Thích Chân Quang, Giáo trình Thiền học.

Năm Triền Cái là năm lớp ngăn che trong tâm khiến ta không thể nhập định được, và được liệt kê như sau:

– Tham dục – Sân hận – Hôn trầm – Trạo cử – Hoang mang (Nghi).

Theo tiêu chuẩn được quy định bởi đức Phật, sau khi chứng được Chánh niện tỉnh giác một thời gian, hành giả sẽ diệt trừ được Năm Triền cái để chuẩn bị chứng nhập Sơ thiền. Đây là một giai đoạn không thể thiếu, và cũng là thước đo chính xác cho công phu tu hành của chúng ta. Nếu ta thành tựu được những trạng thái đặc biệt của tâm linh, nhưng kiểm lại thấy mình vẫn chưa hết Năm Triền cái thì biết ngay những trạng thái lạ đó chưa phải là sự tiến bộ đúng hướng của Thiền định Phật giáo; có khi chúng chỉ là những ảo giác tạm thời. Phá trừ được Năm Triền cái vừa thuộc về lĩnh vực Đạo đức (Tham dục, sân hận), vừa thuộc về Trí tuệ (Hoang mang), vừa thuộc về năng lực (hôn trầm, trạo cử).

Tham dục

Có hai nghĩa, một là tham lam muốn nhiều vật chất tài sản cho mình, hai là ái dục. Đây là hai triền cái (ở phương diện khác còn gọi là Kiết sử) căn bản của chúng sinh. Triền cái này không đơn giản chỉ là những ham muốn thoáng qua khi có khi không, mà thật sự là một cấu trúc bền vững nằm ngăn chận trong tâm khiến ta luôn bị xao động bất an.

Trong đời sống bình thường, có khi ta cũng không khởi lên tham muốn, nhưng không có nghĩa là hết tham muốn bởi vì triền cái Tham dục vẫn còn nguyên bên trong. Triền cái này vô hình, khó thấy, chỉ khi gặp duyên kích động liền tuôn trào xúi giục ta làm những điều không chính đáng. Khi Triền cái này tồn tại, ta sẽ động tâm khi trông thấy tiền bạc, xe cộ, nhà cửa sang trọng; ta sẽ động tâm khi trông thấy người khác phái xinh đẹp. Thậm chí khi không trông thấy những điều đó, ta vẫn có thể tự tưởng tượng để thèm khát ước ao.

Ngược lại, khi triền cái Tham dục được phá trừ, ta có niềm vui Thiền định tự thân, tự nhiên cảm thấy nhẹ nhàng thanh thản, không bận tâm ham muốn những điều vật chất hay sắc dục nữa. Lúc đó, ta sẽ cảm thấy buồn cười về những ham muốn tầm thường trước đây, vì nó vô nghĩa, thấp hèn. Khi chưa phá trừ được triền cái tham dục, ta cứ cho rằng vật chất hay sắc tính là vui thú. Đến khi phá được, ta mới thấy nó trơ trẽn và ràng buộc.

Tuy nhiên, nói như vậy không có nghĩa là chỉ bởi Thiền định mà ta có thể vượt qua Tham dục. Thiền định chỉ là nhân duyên cuối cùng. Trước đó là biết bao nhiêu công đức phải tích lũy, ý chí phải rèn luyện. Nhiều người chứng được Thiền định nhưng vẫn không phá trừ được triền cái Tham dục bởi vì từ trước không hề có ý niệm từ bỏ Tham dục.

Đôi khi Giới điều buộc người tu phải sống đời đạm bạc để phù hợp với đạo đức Vô tham. Tuy nhiên nếu người không khéo giữ gìn tâm hồn mình thì dù sống trong cảnh đạm bạc mà tâm tư vẫn thèm muốn ước mơ về cảnh đời sang trọng. Chỉ khi nào phá trừ được triền cái Tham dục, ta mới thật sự tự tại với vật chất và nhan sắc.

Hiện nay phim ảnh đồi trụy tràn lan trong mọi ngõ ngách làm kích động dục tham của con người và gây nên biết bao tội lỗi, đổ vỡ, đau khổ cho xã hội. Những hình ảnh lõa lồ, tình dục bày hiện làm băng hoại tâm hồn tốt lành của trẻ. Ngay cả người tu, nếu không có một công phu tu tập vững chắc, cũng sẽ bị chao đảo nếu vô tình trông thấy trên sách báo hay pano quảng cáo có in hình người hở hang. Thế giới ngày nay đã trở nên dễ dãi cho mọi người tiếp cận với Tham dục, và do đó, đã tăng thêm rất nhiều cơ hội cho triền cái Tham dục phát triển một cách nguy hiểm. Người tu phải được trang bị nhiều gấp mấy chục lần ngày xưa về ý thức giữ gìn sự vô nhiễm. Những cách giáo dục về đạo đức vô nhiễm của chư Tổ không còn đủ cho một thế giới đầy dẫy sự nuông chiều tham dục như bây giờ. Phải có thêm nhiều bước tiến về giáo dục đạo đức vô nhiễm cho người tu hôm nay.

Ngày nào đó loài người phải mạnh mẽ chống lại loại văn hóa khêu gợi tham dục của con người. Tham dục là một bản năng, bản năng nguy hiểm, cần phải được kiểm soát, chứ không phải được nuông chiều. Tây phương đã sai lầm khi quan niệm rằng con người được tự do thỏa mãn tham dục. Văn hóa độc hại của Tây phương đã tràn lan và phá hoại thế giới này từng ngày. Thế giới đang cần những con người sáng suốt và dũng cảm biết đứng lên chống lại văn hóa bẩn thỉu kích động dục tham như thế

Riêng người Việt Nam ta có thể lực kém, hình vóc nhỏ nhắn, cần phải tiết kiệm năng lực cho công cuộc dựng đất nước, gia đình và tu dưỡng bản thân, lại cần hơn ai hết đời sống lành mạnh ít tham dục. Nhưng văn hóa đồi trụy đã đẩy quá nhiều người vào ăn chơi trác táng sa đọa và hoang phí năng lực. Đó cũng là một nguyên nhân làm sa sút kinh tế khiến đất nước không bao giờ bắt kịp nhân loại. Ít ai ngờ rằng muốn xây dựng kinh tế lại phải bắt đầu bằng việc xây dựng một nền văn hóa lành mạnh cho dân tộc trước đã.

Sân

Sân có nghĩa là nóng nảy bực bội, nặng hơn thì có nghĩa là thù hận. Sân hận có nguồn gốc sâu xa từ ích kỷ và ganh ghét. Tuy nhiên Sân hận cũng tự mình là một cấu trúc rất bền vững trong nội tâm nên rất khó được phá trừ. Ta không thể dùng ngôn ngữ để diễn tả trạng thái của Sân hận, chỉ biết đặt tên cho cái trạng thái làm ta căng thẳng, bất mãn, bực bội, hận thù, sôi động, khó chịu, tức tối… tên là như thế. Nói chung, tất cả tính chất kể trên của triền cái Sân hận đều ngược với tính chất của Giải thoát nên một người muốn tu tập giải thoát phải quyết tâm vượt qua Sân hận. Nếu ngày nào ta con khởi lên sân hận thì phải tự biết mình còn dở kém, không được biện minh cho sân hận bằng bất cứ phương tiện nào, không được đổ thừa cho hoàn cảnh, cho sai lầm của người khác. Cũng có thể người khác đã phạm sai lầm và sai lầm của họ ảnh hưởng đến ta, nằm trong phạm vi trách nhiệm của ta, nên ta phải có thái độ. Nhưng thái độ của người đã phá trừ được triền cái Sân hận khác hẳn với thái độ của người chưa phá được.

Người chưa phá trừ triền cái Sân hận sẽ tức giận và phản ứng gay gắt vì cảm thấy mình bị thiệt hại, tổn hại, xúc phạm. Sai lầm của người khác lại gây nên thiệt hại cho ta nên ta nóng giận. Sân hận có nguồn gốc từ Vị kỷ là vậy.

Còn người đã phá trừ được triền cái Sân hận cũng có khi im lặng trước sự sai lầm của người, cũng có khi có thái độ để bày tỏ quan điểm, nhưng hoàn toàn không vì khó chịu bởi thiệt hại quyền lợi, mà chỉ vì muốn người kia không được sai lầm tiếp tục. Hoặc im lặng, hoặc bày tỏ thái độ, tâm của người hết Sân cũng rất nhẹ nhàng, không gợn một chút xao động bực tức nào. Đây là điểm đánh giá rất rõ để biết ta còn Sân hận hay không.

Nhưng cũng không phải đơn giản chỉ là do tu tập Thiền định mà ta phá trừ được triền cái Sân hận. Phải do từ nhiều năm tháng trước ta đã thuần thục một nội tâm không còn ghét bất cứ ai trên đời. Công phu dọn dẹp cái ghét này mới thật sự là tế nhị và khó khăn. Đây cũng là dấu hiệu của một đệ tử Phật chân chính. Có khi một Bồ tát nghịch hạnh thị hiện làm vua cầm binh đánh giặc, và dĩ nhiên phải giết giặc, nhưng lòng Ngài cũng không hề ghét ai, chỉ vì đại cuộc mà làm thôi. Cũng giống như một quan tòa khi tuyên án tử hình hay án tù cho một phạm nhân cũng chẳng bận tâm thương ghét, chỉ buộc phải răn đe hoặc ngăn chận tội lỗi của kẻ xấu. Bình thường thì đệ tử Phật phải không được ghét ai, phải dọn sạch cái ghét trong lòng mình. Chính nhờ công đức tu tập lâu ngày như thế mà sau này khi vào Thiền định, ta sẽ có lúc phá trừ được triền cái Sân hận.

Hôn trầm

Một trở ngại mà người tu thiền phải vất vả đối phó là buồn ngủ, hôn trầm.

Thật ra giấc ngủ là một nhu cầu vô cùng quan trọng cho cơ thể. Thiếu ngủ, con người sẽ nhanh chóng suy sụp sức khỏe và tinh thần. Nếu hoàn toàn không được ngủ, con người có thể bị điên rồi chết. Trạng thái ngủ giúp cơ thể phục hồi năng lực, chữa những bệnh tiềm tàng, tái tạo chức năng não bộ. Bình thường con người phải ngủ đủ một số thời gian nhất định tùy theo thể trạng của mỗi người.

Tuy nhiên, khi cần tỉnh táo để ngồi thiền và ngồi lâu thì sự đòi hỏi của giấc ngủ lại là một điều khó chịu. Khi trạng thái Chánh niệm tỉnh giác được kéo dài và tâm trở nên vắng lặng sâu xa, tự nhiên nhu cầu ngủ lúc đó biến mất. Hành giả an trú trong Chánh niệm tỉnh giác và không cảm thấy buồn ngủ dù thức rất khuya. Nhưng hành giả cũng không được lạm dụng khả năng thức dài lâu của mình, vẫn phải dành thời gian cho não bộ chìm vào giấc ngủ, vì ngay cả đức Phật cũng phải ngủ vài giờ trong đêm.

Có những thiền sư chống lại hôn trầm bằng cách lấy dùi đâm vào da thịt. Nhưng cũng có vị chỉ cần ngủ một chút cho khỏe là trở nên tỉnh táo để ngồi thiền tiếp tục.

Dù thế nào, theo tiêu chuẩn của Phật đã vạch ra, bắt buộc một hành giả tu tập thiền định phải có khả năng an trú trong Chánh niệm để phá tan cảm giác buồn ngủ. Rồi đến khi ngủ lại an trú trong Chánh niệm để dỗ giấc ngủ.

Nhiều vị có thể an trú thiền định và ngồi suốt cả đêm là như vậy. Chúng ta không được gượng ép bắt chước vì sẽ làm hư hao cơ thể. Phải để cho Chánh niệm phá trừ xong triền cái Hôn trầm và tự nhiên có thể tỉnh táo thức lâu.

Trạo cử

Trạo cử là tình trạng cơ thể không yên, không bất động. Nguyên nhân là do những xung động trong não bộ cứ thường xuyên truyền những tín hiệu xuống toàn thân, tứ chi khiến cho cơ thể cứ bị nhúc nhích khe khẽ. Cái nhúc nhích đó có khi không thể thấy bằng mắt thường. Bên ngoài mọi người nhìn vào vẫn tưởng là ta đang ngồi yên bất động, nhưng thật ra là ta vẫn đang lay động rất ít.

Đến khi nào triền cái Trạo cử được phá trừ, những xung động thần kinh não yên lắng, bỗng nhiên ta cảm giác toàn thân cứng ngắt bất động không thể nhúc nhích được nữa. Cảm giác này luôn đi đôi với trạng thái Chánh niệm rất sâu, tâm khá thanh tịnh và tỉnh táo.

Tuyệt đối không được làm cho thân bất động bằng cách gồng toàn thân vì sẽ làm căng thẳng thần kinh não và biến thành bệnh lý.

Cảm giác như không có thân, mất thân vẫn là chưa phá được triền cái Trạo cử vì khi hết trạo cử, thân lại có cảm giác cứng. Sau này khi nhập Sơ thiền, thân mới bắt đầu xuất hiện cảm giác mềm lỏng mà vẫn bất động.

Hoang mang

Từ gốc gọi là Nghi. Khi chưa phá trừ được triền cái Nghi, hành giả dù có tinh tấn vẫn có chút hoang mang không biết mình đi có đúng đường chưa, không biết tu như vậy có kết quả không, ngồi thiền như vậy có lợi ích gì chăng. Đến khi chứng được Chánh niệm tỉnh giác, rồi tiến lên phá được triền cái Nghi, ngay lập tức cái cảm giác hoang mang tan biến, hành giả có một sức tự tin mãnh liệt về Phật Pháp, về đường lối tu tập nào giờ.

Từ sự tự tin nơi mình, hành giả liền có niềm tin lớn lao vào đức Phật, Chánh Pháp của Phật và những vị Thánh Tăng chứng ngộ.

Nếu trước đó lý tưởng giác ngộ giải thoát chưa phải là tuyệt đối thì sau khi phá triền cái Nghi, hành giả sẽ đạt được lý tưởng gần như tuyệt đối.

Trong nhiều bài kinh, đức Phật vẫn ca ngợi sự phá trừ được Năm Triền cái như là sự trút được gánh nặng, như thoát được nợ nần, như là ra khỏi rừng hoang… nghĩa là làm tâm hồn ta rất nhẹ nhàng thanh thản.

Sau khi phá trừ được Năm Triền cái, hành giả chuẩn bị nhập được Sơ thiền. Do vậy ta biết rằng giá trị của bốn mức thiền rất là vĩ đại. Nhiều lý luận đã xem thường bốn mức thiền là do không hiểu hết vấn đề. Ai xem thường bốn mức thiền sẽ tổn phước rất nặng.

Tuy nhiên, ta đừng nghĩ rằng một khi đã phá trừ được Năm Triền cái là đã bước vào địa vị bất thoái chuyển. Ta vẫn còn có thể bị tà kiến chưa hết nên có thể phạm sai lầm để gây tổn phước và bị thoái chuyển ở kiếp này hay kiếp sau.

Câu hỏi: Hãy đánh giá Năm Triền cái nơi chính mình.

5/5 - (1 bình chọn)

Có thể bạn quan tâm

123123

Lytuong.net – Contact: admin@lytuong.net