Trang chủ Thiền học Cơ chế khí lực của Thiền

Cơ chế khí lực của Thiền

by Ngo Thinh
235 views

1.  Ý nghĩa của Âm Dương

Quy luật Âm Dương được khám phá tại Trung Hoa và Việt Nam khoảng 2000 năm trước Công nguyên. Từ nguyên lý Âm Dương này, người xưa đã phát triển thành Ngũ Hành, Bát Quái để làm chỗ dựa cho việc quan sát con người và vũ trụ. Điều đặc biệt là hệ thống triết học này được ứng dụng cho rất nhiều lãnh vực như Y học, Dự đoán, Võ học, Phong thủy, Nhân tướng học, Tử vi… và cả Chiến trận. Sự tồn tại suốt mấy ngàn năm của hệ thống triết học này cũng cho chúng ta một nhận xét là người xưa cũng đã đạt được những kết quả nhất định nào đó khi dựa vào đó.

Trước hết, Âm có nghĩa là phần khuất kín. Dương có nghĩa là phần phô bày.

Ví dụ như nơi một cái cây, phần gốc rễ chìm khuất phía dưới là âm, và phần mọc lộ ra trên đất là dương.

Nơi một căn nhà, phần móng chìm sâu trong đất là âm, và phần tường vách mái hiện ra cho ta sử dụng trực tiếp là dương.

Ở một computer, phần vi mạch bên trong cái case là âm, và màn hình monitor cho chúng ta quan sát bên ngoài là dương.

Nơi con người, phần trước mặt mọi người nhìn thấy nhau là dương, và phần lưng là âm; phần trên từ rốn trở lên là dương, và phần từ rốn xuống đến chân là âm; phần da vẻ bên ngoài là dương, và phần nội tạng là âm; phần hành vi lời nói bên ngoài là dương, và tâm lý bên trong là âm…

Phần Dương là phần chúng ta trực tiếp sử dụng, tiếp xúc, và phần Âm là phần chúng ta ít để ý nhưng lại là gốc, là cơ sở, là nơi xuất phát của Dương. Âm càng to càng vững chừng nào thì Dương sẽ có điều kiện phát triển chừng nấy. Bộ rễ to lớn là điều kiện cho cây trở thành đại thụ. Móng nhà sâu lớn là điều kiện cho nhà vươn cao. Một tâm lý độ lượng là điều kiện cho hành vi ngôn ngữ tốt đẹp…

Nếu phần Dương lớn hơn phần Âm thì toàn bộ cơ cấu đó bắt đầu có nguy cơ suy thoái sớm, không tồn tại lâu. Nếu bộ rễ của cây nhỏ hơn phần thân nhánh phía trên thì cây đó có tuổi thọ ngắn. Nếu móng không bắt chân rất sâu thì ngôi nhà sẽ mau lún. Nếu Đạo đức của một người ít thì Tài năng không phát triển lớn lao. Vì vậy, hiểu được tính chất này, chúng ta phải luôn luôn củng cố phần gốc, nghĩa là phần Âm, của cuộc sống, của sức khỏe, của công phu tu hành, của công việc…

2.  Cơ chế khí lực của Thiền

Theo hệ thống Tam nghiệp thân khẩu ý thì tâm ý thuộc về phần Âm, không nhìn thấy được. Nhưng theo hệ thống khí lực của cơ thể thì hoạt động của tâm ý ở trên đầu lại là phần cực Dương. Đối nghịch với Đầu là hai lòng bàn chân, phần cực Âm.

Vì Đầu là phần cực Dương nên nếu ta sử dụng đầu óc nhiều quá, hoặc tu thiền mà để ý trên đầu nhiều quá thì trong cơ thể ta, phần Dương đang dần dần lấn phần Âm, và nguy cơ suy thoái bệnh tật đổ vỡ cũng đang tiến đến từ từ.

Nếu người nào có được hai chân khỏe thì chắc chắn người đó cũng có tinh thần mạnh. Nếu người nào hai chân bị yếu thì toàn bộ cơ thể cũng yếu và tinh thần cũng yếu. Trong tướng số, ai có hai chân yếu sẽ khó làm nên sự nghiệp lâu bền. Vì vậy, trong việc bảo vệ sức khỏe và tinh thần, việc tập luyện hai chân là vô cùng quan trọng.

Thường thì khi tu thiền, người ta hay bị để ý trên đầu nhiều, nghĩa là thiên về Dương, nên Phật dạy chúng ta phải đi kinh hành hoạt động hai chân để bù lại phần Âm dễ bị bỏ quên. Hệ thống bụng dưới ở huyệt Đan điền cho đến bộ phận sinh dục với huyệt Hội âm, Dương cường, cũng là phần Âm cực kỳ quan trọng cho tinh thần và sức khỏe. Nếu nguyên hệ thống đó khỏe mạnh vững chắc thì con người sẽ ổn định và khoan khoái. Nếu hệ thống đó yếu thì con người sẽ èo uột và dễ dao động. Những vị tu theo Tiên đạo luôn luôn xem việc luyện tập hệ thống bụng dưới là ưu tiên hàng đầu. Ngay cả những người tu thiền, nếu không có bụng dưới mạnh thì cũng không nhiếp tâm được. Trong pháp môn tu tập quán niệm hơi thở, Phật cũng dạy biết rõ toàn thân cũng có nghĩa là rèn luyện phần Âm ở dưới.

Phương pháp Cố căn

Có một phương pháp làm mạnh lên hai huyệt đạo quan trọng Hội âm và Dương cường, và cũng có nghĩa là làm cho đầu óc tỉnh táo rỗng rang hơn, đó là phương pháp cố căn. Vì hậu môn con người nằm giữa hai huyệt Hội âm và Dương cường nên khi nhíu chặt hậu môn thì hai huyệt trên được củng cố. Khi hít vào, ta nín thở, và thực hiện cố căn ba lần, rồi thở ra. Tập luyện cố căn như vậy, tâm rất dễ nhiếp, và chữa được những bệnh thuộc về thần kinh não.

Nhiều người tập khí công có tập cố căn như thế, đến khi chuyển qua tu thiền luôn được kết quả tốt.

Ngoài lúc tập “cố căn “, chúng ta cũng thường xuyên để tâm ở phía dưới phần bụng, chân, hai lòng bàn tay khi đặt tay dưới bụng lúc ngồi kiết già, cũng là giúp củng cố thêm phần Âm của cơ thể.

Tu thiền là phải kiểm soát tâm, nhưng nếu chỉ biết để ý phía trên đầu thì Âm lực sẽ mất dần. Đến lúc nào Âm lực không còn nữa thì bệnh thần kinh sẽ xuất hiện. Bệnh thần kinh não hầu hết là do căng thẳng, có nghĩa là lực chạy dồn lên đầu quá nhiều. Âm lực dưới bụng và chân có tác dụng giữ không cho lực bốc lên trên đầu. Khi Âm lực bị mất, Lực tự do bốc lên trên làm não bộ bị căng thẳng, hư hao, bệnh hoạn. Thần kinh não bệnh quá nặng có thể phá vỡ luôn trạng thái tâm thần, nghĩa là điên.

Vì vậy, tuy phải kiểm soát tâm phía trên, nhưng chúng ta phải chia tâm xuống dưới, biết nhẹ nhàng phía dưới. Sau này, khi tâm vào định, chúng ta vẫn tiếp tục thấy rõ toàn thân chứ không bỏ thân. Nhiều người không biết điều này, tu thiền chỉ để ý trên đầu, khi vào định thì càng bỏ mất thân, vì thế Lực bốc cuồn cuộn lên trên, chẳng mấy chốc bị hư mất bộ não thành ra phế nhân.

3.  Bảo vệ chân Âm

Chân Âm là từ ngữ của Y học Đông phương, ám chỉ khí lực vô hình tiềm tàng của phần Âm bên dưới cơ thể. Chân Âm sung mãn là điều kiện để não bộ được bền vững, công phu tu thiền được tăng tiến. Có người có phước bẩm sinh được Chân Âm mạnh; có người yếu. Người tu thiền phải biết bảo vệ Chân Âm một cách kỹ lưỡng.

  • Không hoạt động thái quá về đầu óc, hoặc giác quan trên đầu mặt. Ngay cả việc xem Tivi nhiều cũng làm khí lực bốc lên trên. Đọc sách, lắng nghe, viết lách, sáng tác…. nhiều quá cũng khiến khí lực bốc lên. Làm người thì phải sử dụng đầu óc, nhưng chúng ta phải biết cân đối vừa phải, và biết giải tỏa stress, nghĩa là phải biết vận động tay chân đơn giản, biết tọa thiền để tâm xuống dưới….
  • Những dục lạc thế gian cũng làm hao tổn Chân Âm. Đó chính là lý do người muốn tăng tiến tâm linh phải sống đời thanh bai trong sạch. Niềm vui cao thượng từ đạo đức thì rất tốt, nhưng những khoái lạc thì ngược lại.
  • Có những thực phẩm cay nồng như ớt tiêu, rượu cũng làm hao bớt Chân Âm. Có những hóa chất thực phẩm như hàn the, bột ngọt (mì chính), formaldehyte ướp thực phẩm, phẩm màu nhân tạo, đường hóa học… cũng làm hao tổn Chân Âm.
  • Có những hóa dược trị bệnh, trị bệnh nào đó nhanh chóng nhưng lại phá dần Chân Âm, nhất là các loại thuốc giảm đau.

Chúng ta phải cẩn thận tránh những tác nhân có hại cho Chân Âm để giúp ích cho công phu Thiền định.

Nguồn tham khảo: Thích Chân Quang, Giáo trình Thiền học

5/5 - (1 bình chọn)

Có thể bạn quan tâm

123123

Lytuong.net – Contact: admin@lytuong.net