Trang chủ Địa lý kinh tế và xã hội Vận tải đa phương thức

Vận tải đa phương thức

by Ngo Thinh
Published: Last Updated on 101 views

Như thế nào là vận tải đa phương thức? Các mô hình vận tải đa phương thức có sự tham gia của vận tải ôtô? Hiệu quả của nó mang lại?

1. Khái niệm và đặc điểm của vận tải đa phương thức (VTĐPT)

a. Khái niệm

 VTĐPT quốc tế là một phương pháp vận tải trong đó hàng hoá được vận chuyển bằng hai hay nhiều phương thức vận tải khác nhau, trên cơ sở một chứng từ vận tải, một chế độ trách nhiệm và chỉ một người chịu trách nhiệm về hàng hoá trong suốt hành trình chuyên chở từ một địa điểm nhận hàng ở nước này đến một địa điểm giao hàng ở nước khác.

b. Đặc điểm

 VTĐPT quốc tế có những đặc điểm khác biệt so với phương pháp vận tải truyền thống.

– Có ít nhất hai phương thức vận tải tham gia.

– Trong hành trình VTĐPT chỉ sử dụng một chứng từ. Chứng từ đó có thể có những tên gọi khác nhau như: Chứng từ VTĐPT; vận đơn vận tải liên hợp.

– Trong hành trình VTĐPT chỉ có một người chịu trách nhiệm về hàng hoá trước người gửi hàng đó là người kinh doanh VTĐPT gọi là MTO, MTO phải chịu trách nhiệm về hàng hoá kể từ khi MTO đã nhận hàng để chở tại nơi đi cho đến khi đã giao xong hàng cho người nhận ở nơi đến.

– MTO chịu trách nhiệm đối với hàng hoá theo một chế độ trách nhiệm nhất định; Chế độ trách nhiệm đó có thể là chế độ trách nhiệm thống nhất hoặc chế độ trách nhiệm từng chặng tuỳ theo sự thoả thuận của hai bên.

– Nơi nhận hàng để chở hàng và nơi giao hàng trong VTĐPT quốc tế thường ở những nước khác nhau.

– Trong VTĐPT hàng hoá thường được vận chuyển bằng những công cụ vận tải như Container, trailer, pallet…

Ưu điểm của VTĐPT là khả năng vận tải từ cửa đến cửa thông qua việc sử dụng những công nghệ mới nhất trong vận tải và thông tin, một đầu mối duy nhất, một chứng từ duy nhất, những thủ tục xuất nhập khẩu và hải quan đơn giản nhất nhằm giảm đến mức thấp nhất chi phí bỏ ra.

2. Các hình thức của VTĐPT

VTĐPT là sự kết hợp của hai hoặc nhiều phương thức vận tải sao cho thuận tiện và mang lại hiệu quả kinh tế cao. Thực tiễn VTĐPT quốc tế thường có các hình thức kết hợp hoặc theo các hệ thống sau đây.

a. Vận tải hàng không – Vận tải ô tô 

Dịch vụ nhận và giao của vận tải ô tô thường gắn liền với vận tải hàng không. Tuy vậy vận tải ô tô đường dài ngày càng được sử dụng nhiều ở Châu Âu và Mỹ nhằm phục vụ cho các hãng hàng không có các tuyến bay qua Thái Bình Dương, Đại tây Dương hoặc nối liền các lục địa.

b. Vận tài đường sắt – Vận tải ô tô

Đây là sự kết hợp giữa tính an toàn và tốc độ của vận tải đường sắt với tính cơ động của vận động ô tô. Theo phương pháp này hàng hoá được đóng gói trong các trailer và được các tractor kéo đến các ga xe lửa. Tại các ga xe lửa các trailer được kéo lên toa xe mặt bằng và chở đến ga đến. Tại ga đến, các tractor lại kéo các trailer xuống và chở đến nơi để giao cho người nhận hàng.

c. Vận tải đường sắt – vận tải ô tô – vận tải thuỷ nội địa – vận tải biển hoặc đường sắt – ô tô – vận tải thuỷ nội địa

Kiểu kết hợp này thường được dùng khi hàng hoá được vận chuyển bằng đường biển từ một nước này đến một nước khác. Các phương thức vận tải khác như đường bộ, đường sắt… được sử dụng để chuyên chở hàng hoá từ một trung tâm ở trong nội địa của một nước đi ra cảng và từ cảng của nước đến về các trung tâm tiêu thụ trong nội địa.

3. Hiệu quả của vận tải đa phương thức

VTĐPT ra đời mang lại hiệu quả to lớn cho các bên tham gia quá trình vận tải (người vận tải, chủ hàng, người giao nhận…) và cho xã hội. Hiệu quả của VTĐPT là tổng hợp của những ưu điểm, lợi ích của việc chuyên chở hàng hoá bằng Container, của việc gom hàng và của phương pháp vận chuyển đi suốt phương pháp vận chuyển đi suốt có những ưu điểm, lợi ích sau đây:

– Tạo ra một đầu mối duy nhất trong việc vận chuyển từ cửa đến cửa. Người gửi hàng chỉ cần quan hệ với một người duy nhất là MTO trong mọi việc liên quan đến vận chuyển hàng hoá bằng nhiều phương thức vận tải khác nhau, kể cả việc khiếu nại đòi bồi thường mất mát, hư hỏng của hàng hoá.

– Tăng nhanh thời gian giao hàng.

Đạt được điều này do giảm được thời gian chuyển tải và thời gian hàng hoá phải lưu kho tại các nơi chuyển tải nhờ có kế hoạch và phối hợp nhịp nhàng giữa các phương thức vận tải tạo thành một thao tác duy nhất (single operation). Trên nhiều tuyến đường VTĐPT tổng thời gian vận tải được giảm đáng kể so với vận tải đơn phương.

– Giảm chi phí vận tải: Nhờ sự kết hợp hai hay nhiều phương thức vận tải mà giảm được nhiều chi phí và thời gian vận tải, đặc biệt việc kết hợp giữa vận tải đường biển và vận tải hàng không đang được nhiều công ty sử dụng.

– Đơn giản hoá chứng từ và thủ tục: VTĐPT sử dụng một chứng từ duy nhất là chứng từ VTĐPT hoặc vận đơn VTĐPT. Các thủ tục hải quan và quá cảnh cũng được đơn giản hoá trên cơ sở các Hiệp định, Công ước quốc tế hoặc khu vực, hai bên hay nhiều bên.

– VTĐPT tạo ra điều kiện tốt hơn để sử dụng phương tiện vận tải, xếp dỡ và cơ sở hạ tầng, tiếp nhận công nghệ vận tải mới và quản lý hiệu quả hơn hệ thống vận tải.

– VTĐPT tạo ra những dịch vụ vận tải mới, góp phần giải quyết công ăn việc làm cho xã hội.

Tuy vậy, việc phát triển VTĐPT đòi hỏi phải đầu tư nhiều cho cơ sở hạ tầng như đường xá, cầu cống, ga, cảng, bến bãi, trạm đóng gói giao nhận Container, phương tiện vận chuyển, xếp dỡ… Đây là một trở ngại lớn đối với các nước đang phát triển.

4. Tổ chức chuyên chở hàng hoá bằng VTĐPT – người kinh doanh VTĐPT

a. Người kinh doanh VTĐPT (MTO)

 Người kinh doanh VTĐPT trong VTĐPT chỉ có một người phải chịu trách nhiệm về hàng hoá trong toàn bộ hành trình. Người đó là người kinh doanh VTĐPT (MTO), có các loại MTO sau đây:

– MTO có tàu: Loại này bao gồm các chủ tàu biển, kinh doanh, khai thác tàu biển nhưng mở rộng kinh doanh cả dịch vụ VTĐPT tức là đóng vai trò MTO. Các chủ tàu này thường không sở hữu và khai thác các phương tiền vận tải đường bộ, đường sắt, đường hàng không mà phải ký hợp đồng để thuê chở trên các chặng đó.

– MTO không có tàu: Loại này có thể do những người sau đây cung cấp dịch vụ:

+ Chủ sở hữu một trong các phương tiện vận tải khác không phải là tàu biển như ô tô, máy bay… nhưng lại cung cấp dịch vụ vận tải đi suốt. Tàu biển và loại phương tiện vận tải nào mà họ không có thì phải đi thuê.

+ Nhưng người kinh doanh những dịch vụ liên quan đến vận tải như bốc dỡ, kho hàng.

+ Những người chuyên chở công cộng không có tàu, những người này không kinh doanh tàu biển nhưng lại cung cấp dịch vụ VTĐPT thường xuyên, kể cả việc gom hàng, trên những tuyến đường nhất định (phổ biến ở Mỹ).

+ Người giao nhận, xu thế hiện này là người giao nhận không chỉ làm đại lý mà họ còn cung cấp dịch vụ vận tải, đặc biệt VTĐPT, tức là họ đóng vai trò MTO.

b. Chứng từ VTĐPT

Chứng từ VTĐPT là một chứng từ chứng minh cho một hợp đồng VTĐPT, cho việc nhận hàng để chở của MTO và cho việc cam kết của MTO giao hàng phù hợp với các điều kiện, điều khoản của hợp đồng.

Nội dung của chứng từ VTĐPT: Chứng từ VTĐPT phải có các chi tiết sau đây:

  • Tính chất chung của hàng hoá, những ký mã hiệu chính để nhận dạng hàng hoá. Tính chất nguy hiểm của hàng hoá nếu có, số lượng kiện, trọng lượng cả bì và những chi tiết khác do người gửi hàng cung cấp.
  • Tình trạng bên ngoài của hàng hoá
  • Tên và trụ sở kinh doanh chính của MTO
  • Tên người gửi hàng
  • Người nhận hàng, nếu do người gửi hàng chỉ định
  • Ngày và nơi mà MTO nhận hàng để chở
  • Nơi giao hàng
  • Ngày và thời hạn giao hàng nếu có thoả thuận giữa các bên
  • Chứng từ VTĐPT là lưu thông được hay không lưu thông được
  • Ngày và nơi cấp chứng từ VTĐPT
  • Chức ký của MTO hoặc người được MTO uỷ quyền
  • Tiền cước cho mỗi phương thức vận tải nếu có thoả thuận hoặc tiền cước do người nhận trả
  • Hành trình VTĐTP, các phương thức vận tải tham gia và nơi chuyển tải
  • Điều nói về việc áp dụng công ước
  • Mọi chi tiết khác mà các bên thoả thuận đưa vào nếu không trái với luật lệ của nước mà ở đó chứng từ VTĐPT được cấp
5/5 - (1 bình chọn)

Có thể bạn quan tâm

123123

Lytuong.net – Contact: admin@lytuong.net