Trang chủ Văn hóa học Văn minh là gì? Các nền văn minh lớn trên thế giới

Văn minh là gì? Các nền văn minh lớn trên thế giới

by Ngo Thinh
Published: Last Updated on 605 views

1. Văn minh (civilization) là gì?

Văn minh là trạng thái tiến bộ về cả hai mặt vật chất và tinh thần của xã hội loài người, tức là trạng thái phát triển cao của nền văn hóa. Trái với văn minh là dã man.

– Ví dụ: văn minh Phương Đông, văn minh Hy Lạp…

Chữ văn minh trong tiếng Pháp là civilisation, trong tiếng Anh là civilization, còn có nghĩa là hoạt động khai hóa làm thoát khỏi trạng thái nguyên thủy.

Như vậy, khi định nghĩa văn minh, người ta đã đề cập đến một khái niệm mới, đó là văn hóa.

Vậy, văn hóa là gì? Văn hóa là một từ tiếng Hán, do Lưu Hướng, người thời Tây Hán nêu ra đầu tiên. Nhưng lúc bấy giờ, hai chữ văn hóa có nghĩa là “dùng văn để hóa“, nói một cách khác, văn hóa tức là giáo hóa. Đến thời cận đại, nghĩa của chữ văn hóa có phần khác trước.

Nguyên là, chữ văn hóa trong tiếng Anh và tiếng Pháp là culture. Chữ này có nguồn gốc từ chữ La tinh cultura nghĩa là trồng trọt, cư trú, luyện tập, lưu tâm… Đến giữa thế kỉ XIX, do sự phát triển của các khoa nhân loại học, xã hội học, dân tộc học…, khái niệm văn hóa đã thay đổi. Người đầu tiên đưa ra định nghĩa mới về văn hóa là Taylor, nhà nhân loại học đầu tiên của nước Anh. Ông nói: “Văn hóa là một tổng thể phức tạp, bao gồm tri thức, tín ngưỡng, nghệ thuật, đạo đức, pháp luật, phong tục và cả những năng lực, thói quen mà con người đạt được trong xã hội“. Sau đó, các học giả đã đua nhau đưa những định nghĩa về văn hóa. Trên cơ sở ấy, người Nhật đã dùng hai chữ văn hóa để dịch chữ culture của phương Tây và do đó, chữ văn hóa mới có nghĩa như ngày nay.

Hiện nay, đa số học giả cho rằng, văn hóa là tổng thể những giá trị vật chất và tinh thần do con người sáng tạo ra trong quá trình lịch sử.

Như vậy, văn hóa cùng xuất hiện đồng thời với loài người. Khi con người biết chế tạo ra công cụ đá cũng là khi họ bắt đầu sáng tạo ra văn hóa. Dần dần, ngoài văn hóa vật chất, họ còn sáng tạo ra nghệ thuật, tôn giáo… Trên cơ sở nền văn hóa nguyên thủy, đến giai đoạn nhất định, loài người mới tiến vào kì văn minh.

Như thế, văn hóa và văn minh đều là những giá trị vật chất và tinh thần do loài người sáng tạo ra trong tiến trình lịch sử, nhưng văn hóa và văn minh khác nhau ở chỗ văn hóa là toàn bộ những giá trị mà loài người sáng tạo ra từ khi loài người ra đời đến nay, còn văn minh chỉ là những giá trị mà loài người sáng tạo ra trong giai đoạn phát triển cao của xã hội.

Vậy thì giai đoạn phát triển cao đó là giai đoạn nào? Đó là đoạn có nhà nước, thông thường vào thời kì thành lập nước thì chữ viết cũng xuất hiện, do đó văn hóa có một bước phát triển nhảy vọt. Tuy nhiên, do hoàn cảnh cụ thể, có một số nơi, khi nhà nước ra đời vẫn chưa có chữ viết, nhưng đó là những trường hợp không điển hình.

Liên quan tới khái niệm văn hóa văn minh còn có khái văn hiến. Trong bài Bình Ngô Đại Cáo, Nguyễn Trãi viết: “Xét như nước Đại Việt ta, thực là một nước văn hiến“. Vậy văn hiến là gì?

Khổng Tử nói: “Lễ của đời Hạ, ta có thể nói được, nhưng nước Kỉ (nước còn bảo tồn lễ của đời Hạ) không đủ chứng minh; lễ của đời Ân, ta có thể nói được, nhưng nước Tống (nước còn bảo tồn lễ của đời Ân) không đủ chứng minh. Đó là vì văn hiến không đủ, nếu đủ thì ta có thể chứng minh.”(Luận ngữ).

Như vậy, văn hiến là một thuật ngữ chỉ chung sử sách và các chế độ chính sách. Có sử sách tức là đã bước vào thời kì văn minh, do đó trước đây, dưới thời phong kiến, khi chưa có chữ văn minh với nghĩa như ngày nay, chữ văn hiến thực chất là văn minh. Như vậy, câu “Xét như nước Đại Việt ta thực là một nước văn hiến” có nghĩa là “Xét như nước Đại Việt ta thực là một nước văn minh”.

Tóm lại, các khái niệm văn hóa, văn minh văn hiến, ngoài những nghĩa riêng biệt không lẫn lộn được như đối với từng cá nhân, chỉ có thể nói trình độ văn hóa, không thể nói trình độ văn minh, ngược lại, đối với xã hội, chỉ có thể nói thời đại văn minh, không thể nói thời đại văn hóa, nói chung, ba thuật ngữ này có nghĩa rất gần nhau. Chỗ khác nhau là, văn minh là giai đoạn phát triển cao của văn hóa, còn văn minh và văn hiến khác nhau ở chỗ văn minh (civilisation) là một từ mới du nhập, còn văn hiến là một từ cổ ngày nay không dùng nữa.

Phân biệt văn minh với văn hóa phải được xét trong từng quan hệ cụ thể.

Trong quan hệ dẫn đến các yếu tố khác như: kinh tế, chính trị, xã hội, thuật ngữ văn hóa và văn minh được sử dụng với một nội dung giống nhau. Khi vấn đề được bàn đến trong nội bộ ngành văn hóa học, thì văn hóa và văn minh có sự phân biệt; cụ thể là: Văn minh dùng để chỉ trình độ phát triển cao của một nền văn hóa. Việc xác định “cao” hay “thấp” dựa vào hai tiêu chí cơ bản là: tính duy lý tính phổ biến của nền văn hóa ấy.

+ Tính duy lý thể hiện ở mức độ tách khỏi giới tự nhiên của con người, được biểu đạt thông qua hệ thống các đồ vật xã hội (vật chất), và hệ thống các chuẩn mực, các tri thức (tinh thần).

+ Tính phổ biến thể hiện ở tình trạng, các cá thể trong cộng đồng văn hóa được xét đến đều hoạt động dựa trên các hệ thống nói trên (tính đồng nhất văn hóa cao); và những hệ thống chuẩn mực ấy có ảnh hưởng mạnh đến các nền văn hóa khác.

Chính vì mang tính duy lý và phổ quát, nên văn minh còn được dùng để chỉ trạng thái tiến bộ chung cho các cộng đồng người ở mọi cấp độ: từ địa phương, nhà nước, khu vực, cho đến nhân loại.

2. Các nền văn minh lớn trên thế giới

Loài người xuất hiện cách đây hàng triệu năm và ngay từ lúc đó con người đã tạo ra nhiều giá trị vật chất cũng như tinh thần nhưng xã hội nguyên thuỷ lúc đó nói chung vẫn còn ở trong tình trạng mông muội.

Tới cuối thiên niên kỉ IV, đầu thiên niên kỉ III TCN, ở một số nơi có điều kiện tự nhiên thuận lợi hơn các nơi khác, con người tập trung sinh sống ở những nơi đó đông hơn. Hạ lưu các con sông lớn ở châu Á và châu Phi đã hình thành ra bốn trung tâm văn minh sớm nhất của nhân loại đó là trung tâm văn minh Ai Cập, Lưỡng Hà, Ấn Độ, Trung Hoa.

Một điểm giống nhau là cả bốn trung tâm văn minh này đều dựa vào các con sông lớn: Ai Cập nhờ có sông Nin (Nile), Lưỡng Hà nhờ có sông Ơphrat (Euphrates) Tigrơ (Tigris), Ấn Độ nhờ có sông Ấn và sông Hằng, Trung Hoa nhờ có Hoàng Hà và Trường Giang. Hạ lưu của các con sông này đất rất màu mỡ, thuận lợi cho việc phát triển nông nghiệp, tạo điều kiện cho cư dân ở đây sớm bước vào xã hội văn minh.

Ở phương Tây, có hai trung tâm văn minh xuất hiện muộn hơn, đó là văn minh Hy Lạp và La Mã (khoảng cuối thiên niên kỉ III đến đầu thiên niên kỉ II TCN). Tuy xuất hiện muộn hơn các trung tâm văn minh ở phương Đông, nhưng nhờ kế thừa các thành tựu văn minh của phương Đông rồi sau đó phát triển lên nên văn minh Hy-La cũng để lại cho nhân loại nhiều giá trị quan trọng.

Thời trung đại, toàn bộ Tây Á và Bắc Phi nằm trong lãnh thổ đế quốc Arập. Phương Đông hình thành ba trung tâm văn minh lớn là Arập, Ấn Độ, Trung Hoa. Trong ba trung tâm văn minh đó, Ấn Độ và Trung Hoa có sự phát triển liên tục từ thời cổ đại tới thời trung đại.

Ở phương Tây, thời trung đại chỉ nằm trong một trung tâm văn minh là văn minh Tây Âu.

Ngoài những trung tâm văn minh lớn, thời cổ-trung đại trên thế giới còn hình thành những trung tâm văn minh nhỏ hơn như văn minh của một số người dân da đỏ ở Châu Mĩ, văn minh ở một số vùng thuộc Đông Nam Á .

Ngay từ thời cổ-trung đại, những nền văn minh trên thế giới không phải phát triển hoàn toàn biệt lập với nhau. Con người giữa các trung tâm văn minh khác nhau đã có sự tiếp xúc với nhau qua buôn bán, du lịch, chiến tranh, hay truyền giáo. Vì vậy chắc chắn những giá trị vật chất cũng như tinh thần giữa các trung tâm văn minh ấy cũng đã có ảnh hưởng lẫn nhau.

Tới thời cận đại, các nước phương Tây nhờ sự phát triển nhanh chóng về khoa học kĩ thuật đã trở thành các quốc gia phát triển về kinh tế, hùng mạnh về quân sự. Cùng với quá trình thực dân hoá, các nước phương Tây đã lôi cuốn các vùng còn lại của thế giới vào luồng phát triển của văn minh chung thời cận đại.

Trên cơ sở của văn minh thế giới thời cổ-trung đại mà loài người thời cận đại và hiện đại đã tạo nên được những thành tựu to lớn trên tất cả các lĩnh vực như chúng ta đã thấy ngày nay.

(Nguồn tham khảo: Vũ Dương Ninh, Lịch sử văn minh thế giới & Giáo trình văn hóa học; Đoàn Trung, Giáo trình Lịch sử văn minh thế giới)

5/5 - (1 bình chọn)

Có thể bạn quan tâm

123123

Lytuong.net – Contact: admin@lytuong.net