Trồng trọt đóng một vai trò hết sức quan trọng trong ngành sản xuất nông nghiệp. Từ cổ xưa khi loài người xuất hiện, trồng trọt trước hết đã cung cấp cho ba nhu cầu chủ yếu của con người là ăn, mặc, ở. Văn minh của loài người càng tiến bộ, đòi hỏi các nhu cầu thiết yếu ngày càng cao thì trồng trọt cũng phải được cải tiến để đáp ứng kịp thời nhu cầu của con người. Chính vì vậy có thể tóm lược vai trò của trồng trọt trong sản xuất nông nghiệp bao gồm các mặt sau:
1. Tạo nguồn sản phẩm dồi dào để cung cấp nhu cầu ngày càng tăng của con người, động vật cũng như các sinh vật sống trên trái đất.
Trước hết là lương thực thực phẩm cho con người và thức năng cho gia súc. Theo số liệu thống kê của FAO trong những thập kỷ tới tình trạng đói nghèo vẫn xảy ra nghiêm trọng nhất là ở các nước chậm phát triển Châu á, Châu Phi. Diện tích đất đai không được mở rộng cùng với sự bùng nổ gia tăng dân số, lượng lương thực thực phẩm không đủ cung cấp cho con người, hệ quả tất yếu sẽ dẫn đến đói nghèo và chết chóc.
Đàn gia súc cũng không đủ thức ăn, phát triển chậm nên việc cung cấp thịt, bơ, sữa cho người cũng bị hạn chế. Các cây công nghiệp như b ông cao su, chè, hồ tiêu… các cây lấy gỗ, tre, nứa… cũng không đáp ứng đủ nhu cầu cần thiết cho con người v.v… Để khắc phục tình trạng này chỉ có một con đường duy nhất là con người phải đầu tư kỹ thuật đến mức tối đa, có các giải pháp kỹ thuật tối ưu để nâng cao năng suất, sản lượng, chất lượng cây trồng mới đáp ứng được nhu cầu ngày càng tăng của con người về ăn, mặc, ở, đó là chưa kể các nhu cầu khác.
Ở Việt Nam chúng ta, trong những năm qua, Đảng và Nhà nước đã quan tâm và có những chủ trương thích đáng để phát triển nền nông nghiệp nước nhà trong đó trọng tâm là Trồng trọt. Với phương chậm mặt trận nông nghiệp là hàng đầu, việc sản xuất lúa đã có những bước tiến nhảy vọt, năng suất bình quân dưới 5 tấn/ha trước đây, đến nay năng suất bình quân đã đạt 7 -8 tấn/ha, thậm chí có nơi đạt 10-12 tấn/ha, sản lượng lương thực đạt xấp xỉ 40 triệu tấn/ năm, lượng gạo xuất khẩu đứng thứ nhì thế giới (trên dưới 5 triệu tấn/năm). Tuy nhiên trong những thập kỷ tới với số dân không ngừng tăng lên (có thể tới 120 triệu người vào khoảng 2040-2050) nhưng đất đai thì lại bị thu hẹp dần do tình trạng đô thị hoá. Trong tổng diện tích đất trồng trọt xấp xỉ 9 triệu ha, diện tích đất trồng lúa chỉ còn gần 4 triệu ha và còn có thể giảm hơn nữa nếu nhà nước không có biện pháp hữu hiệu để hạn chế. Trước tình hình đó để đảm bảo an ninh lương thực cho đất nước, đòi hỏi cán bộ khoa học kỹ thuật nông nghiệp phải có những giải pháp kỹ thuật hữu hiệu nhằm bình ổn lương thực đảm bảo cuộc sống cho toàn xã hội là một thách thức không nhỏ.
2. Khai thác triệt để đất đai, quay vòng, nâng tỷ lệ sử dụng ruộng đất để nâng cao tổng sản lượng.
Nước ta là nước có điều kiện khí hậu nhiệt đới gió mùa. Điều kiện khí hậu thời tiết có thể đảm bảo cho việc gieo trồng quanh năm, gieo nhiều thời vụ trong năm để trên một đơn vị diện tích đất đai có thể thu được tổng sản lượng sản phẩm trồng trọt tối đa.
Trong thực tế sản xuất, người nông dân đã biết chọn lựa các cây trồng, các giống cây trồng để bố trí thời vụ thích hợp trong một hệ thống luân canh hoàn chỉnh nhằm khai thác triệt để những lợi thế của cây trồng, hạn chế đến mức thấp nhất những nhược điểm nhằm đạt được năng suất tối đa. Người nông dân đã quay vòng đất đai, nâng cao hệ số sử dụng ruộng đất từ 1 -2 vụ/năm lên 3-4 vụ/năm thậm chí có nơi lên tới 6 -7 vụ/năm (vùng rau chuyên canh). Đồng thời cũng cần tận dụng khai thác triệt để những đất đai vùng đồi núi, đất hoang hoá, cải tạo sử dụng để đưa vào sản xuất trồng trọt góp phần nâng cao sản lượng cây trồng. Nhờ đó mà sản lượng cây trồng cũng như lợi nhuận sẽ đ ạt được tối đa.
3. Bảo vệ và bồi dưỡng đất đai:
Việc khai thác triệt để đất đai, tăng vụ trong năm đã làm cho đất bị nghèo dinh dưỡng do cây trồng đã lấy mất. Bởi vậy để sản xuất lâu dài trên một mảnh đất, nhất thiết không những không được làm cho đất nghèo đi mà còn phải có nhiệm vụ làm tăng độ phì nhiêu của đất để các cây trồng sau không những không giảm năng suất mà còn phải tăng năng suất. Việc này được giải quyết chủ yếu bằng biện pháp kỹ thuật trồng trọt tổng hợp bao gồm: làm đất, bón phân, tưới nước, chăm sóc, phòng trừ dịch hại, luân canh, xen canh cây trồng, trồng cây che phủ đất và chống xói mòn. Nói một cách khác là phải áp dụng biện pháp kỹ thuật thâm canh cây trồng.
4. Điều hoà khí hậu thời tiết:
Mối quan hệ giữa cây trồng và thời tiết là một mối quan hệ thống nhất vừa có quan hệ xúc tiến vừa có quan hệ hạn chế. ở một vùng trồng trọt cụ thể, điều kiện thời tiết cụ thể ở đó (trước hết là nhiệt độ, ánh sáng, lượng mưa) đã có ảnh hưởng trực tiếp đến sinh trưởng phát triển của cây trồng. Bằng biện pháp kỹ thuật trồng trọt (chủ yếu là bố trí thời vụ, mật độ, khoảng cách, luân canh cây trồng…) con người sẽ khai thác tối đa những thuận lợi đồng thời hạn chế những nhược điểm của điều kiện thời tiết để cây trồng đạt được năng suất cao. Ngoài ra trong một chừng mực nào đó cây trồng cũng như biện pháp kỹ thuật trồng trọt hợp lý cũng đã có tác dụng hạn chế, điều hoà những ảnh hưởng xấu do điều kiện thời tiết gây ra. Chẳng hạn trong việc trồng đai rừng chắn gió, trồng cây che phủ đất, phủ ni lông trên ruộng… nhằm hạn chế sự mất nước của đất do hạn hán gây ra, trồng cây che bóng để hạn chế ánh sáng, hạn chế tác hại của sương muối, sương giá v.v…
5. Cân bằng sinh thái, chống ô nhiễm môi trường:
Cây trồng cũng cần phải đa dạng, biện pháp kỹ thuật trồng trọt cũng cần phù hợp và linh hoạt để đảm bảo cân bằng sinh thái trong điều kiện sản xuất của một vùng. Các biện pháp kỹ thuật trồng trọt cũng phải đảm bảo chống ô nhiễm môi trường. Ví dụ: Không được dùng phân chuồng, phân bắc tươi, bón cho cây trồng mà nhất thiết phải thông qua chế biến; không được dùng thuốc diệt cỏ, thuốc bảo vệ thực vật gây độc hại cho đất, cây trồng và môi trường xung quanh v.v…
6. Tạo nên một nền nông nghiệp hữu cơ sạch, bền vững và an toàn vệ sinh thực phẩm:
Việc chọn cây trồng chế độ luân canh t hích hợp, áp dụng những biện pháp kỹ thuật trồng trọt hợp lý cho một vùng sản xuất chính là đã tạo nên một nền nông nghiệp sạch, bền vững, nông sản phẩm sản xuất ra đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.