Trang chủ Khoa học Chính trị Tư tưởng chính trị của phái Pháp gia

Tư tưởng chính trị của phái Pháp gia

by Ngo Thinh
Published: Last Updated on 633 views

Trình bày tư tưởng chính trị của phái Pháp gia. Liên hệ với Việt Nam?

Hoàn cảnh ra đời:

Vào thời chiến quốc, quá trình phát triển kinh tế xã hội ngày càng mạnh mẽ. Phân hóa giai cấp ngày càng sâu sắc dẫn đến giai cấp địa chủ mới và thương nhân ra đời. Do áp dụng phương thức sản xuất tiến bộ và chính sách kinh tế phù hợp nên tầng lớp này đã nắm giữ và chi phối toàn bộ đời sống kinh tế xã hội đất nước.

Trong khi quyền lực chính trị vẫn do tầng lớp quý tộc cũ nắm giữ, trở thành vật cản của phát triển xã hội. Yêu cầu kết thúc tình trạng phân tranh cát cứ, mở đường cho lực lượng sản xuất phát triển.

Tư tưởng Pháp gia được áp dụng thành công và đưa nước Tần trở thành bá chủ, thống nhất Trung Quốc vào năm 221 TCN.

Phái Pháp gia gồm nhiều nhà tư tưởng, nhiều trường phái khác nhau như

+ Phái trọng pháp: Quản Trọng, Thương Ưởng.

+Phái trọng thuật: Thân Bất Hại.

+ Phái trọng thế: Thận Đáo.

Hàn Phi tử là người tổng kết và phát triển học thuyết này Hàn Phi Tử và tư tưởng chính trị của phái Pháp gia:

Hàn Phi Tử (280 – 233)

Là nhà tư tưởng cuối cùng của thời Tiên Tần, con vua nước Hàn. Là học trò của Tuân Tử – nhà tư tưởng lớn nhất đương thời.

Tác phẩm kinh điển “Hàn Phi Tử” của ông nổi bật cho tư tưởng Pháp gia. Tư tưởng chính trị của phái Pháp gia:

Hàn Phi Tử cho rằng:

+ Xã hội loài người luôn luôn biến đổi, phát triển theo hướng đi lên. Bản tính con người ta là ham lợi. Điều này ảnh hưởng và chi phối các mối quan hệ trong xã hội.

+ Chính trị đương thời không nên bàn chuyện nhân nghĩa cao xa mà cần có biện pháp cụ thể cứng  rắn, kiên quyết.

Từ nhận thức đó, học thuyết chính trị của ông được xây dựng trên cơ sở thống nhất pháp – thuật – thể.

Pháp luật là những quy ước, chuẩn mực khuôn mẫu do vua ban ra, được phổ biến rộng rãi để nhân dân thực hiện.

+ Pháp luật phải hợp thời, đáp ứng được nhu cầu của sự phát triển xã hội. Pháp luật phải rõ ràng, dễ hiểu và phù hợp với trình độ của dân chúng. Pháp luật phải công bằng để kẻ mạnh không lấn át kẻ yếu.

+ Quyền lực phải tập trung vào một người là vua. Vua dề ra pháp luật, quan lại theo dõi việc thực hiện, dân là người thi hành.

Thuật là thủ đoạn hay thuật cai trị của người làm vua để kiểm tra, giám sát hay điều khiển bầy tôi.

+ Thuật là phương pháp tuyển chọn, sử dụng người đúng chức năng. Như vậy, thuật là yếu tố cần thiết, bổ trợ và làm cho pháp luật được thi hành.

+ Thuật phải được giữ bí mật , kín đáo không được tiết lộ với bất cứ ai.

+ Vua không được để lộ sự yêu ghét của mình đề phòng quần thần lợi dụng .

Thế là uy thế, quyền lực của người cầm quyền. Quần thần phục tùng nhà vua, chịu theo sự ràng buộc bởi quyền uy của nhà vua. Quyền lực đảm bảo cho sự thi hành pháp luật.

+ Thế phải tuân thủ theo nguyên tắc tập trung, không được chia sẻ, không được để rơi vào tay người khác. Vua phải nắm chắc hai phương tiện cưỡng chế, đó là “nhị bính” (thưởng và phạt). Thưởng phạt phải căn cứ trên cơ sở pháp luật chứ không thể tùy tiện. Vua cũng phải phục tùng pháp luật.

Hàn Phi Tử cho rằng, “pháp”, “thuật”, “thế” cần phải kết hợp làm một, trong đó “pháp” là trung tâm, “thuật” và “thế” là những điều kiện tất yếu trong việc thi hành pháp luật. Pháp luật phải phục vụ lợi ích chung.

Ý nghĩa:

Đứng lên lập trường của giai cấp địa chủ mới, tư tưởng Pháp gia đã khai thông các bế tắc xã hội, tạo điều kiện cho lực lượng sản xuất phát triển.

Tư tưởng Pháp gia đã phục vụ đắc lực cho chế độ phong kiến trung ương tập quyền, góp phần không nhỏ cho việc củng cố chế độ phong kiến đời Tần.

Tuy còn mang tính sơ khai nhưng nó đã đặt nền móng cho sự phát triển của các luồng tư tưởng sau này.

Tính đa dạng của các học thuyết nói lên tính phức tạp của thức tiễn chính trị , sự khốc liệt trong thời kỳ hình thành và phát triển các chế độ phong kiến. Cuộc đấu tranh giữa hai phái Pháp gia và Nho gia phản ánh mâu thuẫn gay gắt giữa giai cấp quý tộc và giai cấp địa chủ mới do có tư tưởng cấp tiến.

Phái Pháp gia đã tích cực thúc đẩy lịch sử phát triển và có công trong việc thống nhất đất nước.

Liên hệ với Việt Nam:

Điểm chung nhất của các học thuyết chính trị là muốn cho xã hội ổn định và phát triển nên những tri thức chính trị có giá trị chung cho mọi thời đại. Việc kế thừa chọn lọc những tri thức đó là cần thiết cho thực tiễn chính trị hôm nay. Đối với Việt Nam, tư tưởng Pháp gia của Hàn Phi Tử chiếm một ý nghĩa quan trọng trong đời sống chính trị.

Từ thời phong kiến, các vua chúa đã biết đề ra các quy tắc, chuẩn mực xã hội buộc mọi người phải tuân theo. Những quy tắc dù đôi chỗ có thể thiếu hợp lý, phần lớn lại đảm bảo cho quyền lực của giai cấp thống trị nhưng điều quan trọng là “phép tắc xã hội đã duy trì được ổn định xã hội”. Tùy từng  thời đại, tùy từng con người mà những quy chuẩn xã hội đó có thể được thay đổi nhưng mục đích cuối cùng vẫn là duy trì quyền lực của giai cấp thống trị và duy trì sự phát triển bền vững của xã hội.

Biểu hiện ở thời hiện đại: Trước hết đó là việc xây dựng hệ thống pháp luật để quản lý và duy trì  sự phát triển bền vững của đất nước.  Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, nước ta giành được  độc lập, với tầm nhìn chiến lược và sự hiểu biết sâu rộng trong lĩnh vực chính trị, chủ tịch Hồ Chí Minh –

lãnh tụ đầu tiên của nước Việt Nam Dân Chủ Cộng  Hòa đã chỉ đạo sự ra đời của Hiến  Pháp đầu tiên năm 1946, đánh dấu sự tồn tại và phát triển của một quốc gia độc lập. Hiến pháp năm 1946 dần dần được sửa đổi và hoàn thiện để ngày càng phù hợp với tình hình phát triển kinh tế xã hội của đất nước. Cho đến hôm nay, nhờ sự có mặt của luật pháp mà nước ta đã duy trì được chế độ xã hội xã hội chủ nghĩa, duy trì được sự ổn định chính trị tạo đà cho kinh tế phát triển. Nhờ đó, Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia có nền chính trị ổn định nhất khu vực và thế giới.

Nhờ pháp luật vì lẽ phải và phục vụ lợi ích chung mà trong những năm qua công cuộc xây dựng xã hội chủ nghĩa của nhân dân ta đã đạt được một số thành tựu đáng kể. Đó là thành tựu trong các lĩnh vực y tế, giáo dục, an ninh quốc phòng,… Nhân dân ta đoàn kết một lòng, xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, xây dựng nếp sống tốt đẹp. Trong lĩnh vực chính trị, dân chủ hóa xã hội được mở rộng. Nhân dân là người bỏ phiếu để bầu ra lực lượng đại diện cho mình.

Sự công bằng của pháp luật đã đảm bảo cho việc thực hiện nó một cách nghiêm túc. Đó là điểm được áp dụng ở mọi quốc gia, không riêng gì Việt Nam. Trong môi trường công bằng của pháp luật, mọi người dân đều có quyền phát triển tự do và bình đẳng. Yếu tố này không những duy trì sự ổn định chế độ mà còn kích thích việc tìm ra nhân tài cho đất nước.

Tư tưởng Pháp gia là một trong những tư tưởng chủ yếu và chi phối đời sống chính trị nước ta. Nhờ kế thừa và phát huy học thuyết chính trị của Hàn Phi Tử mà mỗi quốc gia đã xây dựng cho mình một chế độ độc lập, tự chủ. Riêng với Việt Nam, đó còn là chế độ của một xã hội nhân văn.

 

5/5 - (2 bình chọn)

Có thể bạn quan tâm

123123

Lytuong.net – Contact: admin@lytuong.net