1. Tự học là bản năng của con người
Con người mới sinh ra chỉ có một số ít hoạt động do di truyền mà có như bú mẹ, khóc khi đói, khi khát… Nhờ tự học, bé phân biệt được người lạ, người quen, vật có lợi, vật có hại, vận động tay chân để lấy thức ăn, để đi lại…
Nhờ sự giúp đỡ (giáo dục) của người thân, của xã hội, sự tự học ấy được phát triển nhanh hơn. Tuy nhiên, trong một thời gian dài, sự giáo dục không đúng cách làm cho tính tự học của con người trở nên kém hiệu quả.
2. Tự học là xu thế của thời đại
Chúng ta đang sống trong một thời đại mà tri thức của nhân loại tăng lên rất nhanh chóng, xã hội loài người vì vậy đang có những biến đổi cực kì sâu sắc, toàn diện với tốc độ cao, đòi hỏi mỗi người phải thường xuyên nâng cao trình độ, năng lực thích ứng với những biến đổi ấy. Khả năng thích ứng ấy có được hay không phụ thuộc rất nhiều vào năng lực tự học, tự bồi dưỡng liên tục, kịp thời của mỗi người. Bởi vì kiến thức tiếp thu trong nhà trường rất nhanh chóng bị lạc hậu.
Bắt đầu từ cuối thập kỷ 60, hầu hết các nước phát triển đã thay đổi quan niệm học tập một thời bằng quan điểm học tập suốt đời.
Nước Nhật cải tiến giáo dục vào những năm 70 đã thực hiện một xã hội giáo dục suốt đời.
Nước Mỹ năm 1984, Bộ Giáo dục gởi lên Nhà Trắng một báo cáo đề cập đến vấn đề “Mọi người phải biết tự học để có thể học tập suốt đời”.
3. Tự học, tự bồi dưỡng là nội dung trong nhiều văn bản của Đảng, của Bộ Giáo dục, trong Luật Giáo dục:
“Cải tiến phương pháp giảng dạy và học tập theo hướng tích cực hóa hoạt động học tập, phát huy tính chủ động, sáng tạo và năng lực tự học của học sinh…” (NQ TƯ 2 – Luật Giáo dục).
4. Tự học mới thành tài
Hầu hết các nhà sáng tạo lớn như nhà khoa học, nhà kinh doanh, nhà chính trị, quân sự, nhà văn, nhà thơ… lỗi lạc trong nước và trên thế giới đều tự học mà nên. Edison là một trong những người như thế.
Lúc 7-8 tuổi, Edison rất hiếu động, thích tò mò, tìm tòi khảo sát từng ngóc ngách mọi nơi, có lần té xuống con kênh suýt chết đuối, một lần suýt chết ngạt dưới một núi thóc trong vựa lúa.
Edison luôn đặt nhiều câu hỏi với mẹ, chẳng hạn: Tại sao gà mái nằm trên ổ trứng? Mẹ trả lời: Để truyền sức nóng cho trứng nở ra gà con.
Thế là Edison bắt chước: khi gà mái đi vắng, cậu trèo lên ổ gà. Đến giờ ăn cơm, cậu không về. Mọi người trong nhà đi tìm, thấy cậu đang nằm ấp bụng lên ổ trứng gà!
Vào học lớp một trường làng, Edison đặt nhiều câu hỏi cho giáo viên. Có câu khó trả lời, giáo viên rất bực mình.
Một hôm trong giờ Toán, Edison hỏi thầy giáo:
– Thưa Thầy, vì sao 2 cộng 2 thành 4?
– Thầy giáo bực mình quát: 2 với 2 không bằng 4 thì bằng 5 hử? Em cố làm loạn lớp, cút ra ngay!
Edison phải bước ra lớp học, khóc nức nở vì em không cố ý làm loạn lớp mà thật lòng muốn biết bí mật của những con số.
Mẹ Edison đến xin con học lại nhưng bị từ chối. Thế là cậu bé mới học 3 tháng đã phải xa trường, xa bạn.
Mẹ Edison vốn dĩ là giáo viên tiến bộ. Thấy được triển vọng của con nên lập trong nhà một “phòng thí nghiệm nhỏ” để nuôi mầm sáng tạo cho con.
Sau này, với vốn kiến thức do nỗ lực tự học, tính sáng tạo cao, Edison đã trở thành một nhà khoa học sáng tạo lớn nhất nước Mỹ và thế giới, với hơn 2000 sáng chế, phát minh. Nhiều công trình còn phục vụ nhân loại cho đến ngày nay.
5. Tự học mới hiểu sâu, nhớ lâu
Tự học mới hiểu sâu, nhớ lâu kiến thức vì đó là đặc điểm thu nhận thông tin của bộ não đa số người:
- Nếu chỉ nghe thì thu nhận tối đa được 20%
- Nếu chỉ nghe và nhìn thì thu nhận tối đa được 50% (tham quan, xem phim ảnh, minh họa).
- Nếu nghe, nhìn, thảo luận và tái hiện, vận dụng thì thu nhận tối đa 90%.
Hiểu sâu, nhớ lâu còn vì trong quá trình nghiền ngẫm điều mình học, lật đi lật lại vấn đề, hình thành những thắc mắc, những câu hỏi, cố gắng tự trả lời. Trong quá trình tự học đó, tư duy độc lập, tư duy phản biện, tư duy sáng tạo được nảy nở và phát triển.
Nguồn: Trích trong cuốn sách “Khơi dậy tiềm năng sáng tạo”