Thế giới quan là toàn bộ những quan niệm của con người về thế giới, về bản thân con người, về cuộc sống và vị trí của con người trong thế giới đó.
Trong thế giới quan có sự hòa nhập giữa tri thức và niềm tin. Tri thức là cơ sở trực tiếp cho sự hình thành thế giới quan, song nó chỉ gia nhập thế giới quan khi nó đã trở thành niềm tin định hướng cho hoạt động của con người.
Có nhiều cách tiếp cận để nghiên cứu về thế giới quan. Nếu xét theo quá trình phát triển thì có thể chia thế giới quan thành ba loại hình cơ bản: Thế giới quan huyền thoại, thế giới quan tôn giáo và thế giới quan triết học.
Thế giới quan huyền thoại là phương thức cảm nhận thế giới của người nguyên thủy. ở thời kỳ này, các yếu tố tri thức và cảm xúc, lý trí và tín ngưỡng, hiện thực và tưởng tượng, cái thật và cái ảo, cái thần và cái người, v.v. của con người hòa quyện vào nhau thể hiện quan niệm về thế giới.
Trong thế giới quan tôn giáo, niềm tin tôn giáo đóng vai trò chủ yếu; tín ngưỡng cao hơn lý trí, cái ảo lấn át cái thực, cái thần vượt trội cái người.
Khác với huyền thoại và giáo lý của tôn giáo, triết học diễn tả quan niệm của con người dưới dạng hệ thống các phạm trù, quy luật đóng vai trò như những bậc thang trong quá trình nhận thức thế giới. Với ý nghĩa như vậy, triết học được coi như trình độ tự giác trong quá trình hình thành và phát triển của thế giới quan. Nếu thế giới quan được hình thành từ toàn bộ tri thức và kinh nghiệm sống của con người; trong đó tri thức của các khoa học cụ thể là cơ sở trực tiếp cho sự hình thành những quan niệm nhất định về từng mặt, từng bộ phận của thế giới, thì triết học, với phương thức tư duy đặc thù đã tạo nên hệ thống lý luận bao gồm những quan niệm chung nhất về thế giới với tư cách là một chỉnh thể. Như vậy, triết học là hạt nhân lý luận của thế giới quan; triết học giữ vai trò định hướng cho quá trình củng cố và phát triển thế giới quan của mỗi cá nhân, mỗi cộng đồng trong lịch sử.
Những vấn đề được triết học đặt ra và tìm lời giải đáp trước hết là những vấn đề thuộc về thế giới quan. Thế giới quan đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong cuộc sống của con người và xã hội loài người. Tồn tại trong thế giới, dù muốn hay không con người cũng phải nhận thức thế giới và nhận thức bản thân mình. Những tri thức này dần dần hình thành nên thế giới quan. Khi đã hình thành, thế giới quan lại trở thành nhân tố định hướng cho quá trình con người tiếp tục nhận thức thế giới. Có thể ví thế giới quan như một “thấu kính”, qua đó con người nhìn nhận thế giới xung quanh cũng như tự xem xét chính bản thân mình để xác định cho mình mục đích, ý nghĩa cuộc sống và lựa chọn cách thức hoạt động đạt được mục đích, ý nghĩa đó. Như vậy thế giới quan đúng đắn là tiền đề để xác lập nhân sinh quan tích cực và trình độ phát triển của thế giới quan là tiêu chí quan trọng về sự trưởng thành của mỗi cá nhân cũng như của mỗi cộng đồng xã hội nhất định.
Triết học ra đời với tư cách là hạt nhân lý luận của thế giới quan, làm cho thế giới quan phát triển như một quá trình tự giác dựa trên sự tổng kết kinh nghiệm thực tiễn và tri thức do các khoa học đưa lại. Đó là chức năng thế giới quan của triết học.
Các trường phái chính của triết học là sự diễn tả thế giới quan khác nhau, đối lập nhau bằng lý luận; đó là các thế giới quan triết học, phân biệt với thế giới quan thông thường.
Theo: Giáo trình triết học Mác Lênin