1. Khái niệm trì hoãn
Trì hoãn là một trong những hiện tượng phổ biến ở con người. Tuy nhiên, cho đến nay, cách hiểu về trì hoãn trong các nghiên cứu tâm lý học vẫn chưa có được sự thống nhất giữa các nhà nghiên cứu (Ferrari, Johnson, & McCown, 1995; Klingsieck, 2013a; Schraw, Wadkins, & Olafson, 2007).
Trong khi một số nhà nghiên cứu cho rằng sự đa dạng trong cách hiểu về trì hoãn sẽ góp phần làm rõ hiện tượng này (Steel, 2007) thì nhiều nhà nghiên cứu khác lại đánh giá sự thiếu thống nhất sẽ gây ra những hạn chế trong việc nghiên cứu, tìm hiểu và can thiệp đối với hiện tượng trì hoãn (Ferrari và c.s., 1995; Klingsieck, 2013a; Schraw và c.s., 2007). Khi không có một khái niệm thống nhất, kết quả từ các nghiên cứu về trì hoãn khó có thể được đem ra so sánh và tổng hợp nhằm hình thành các lý thuyết nền tảng, các công cụ đo lường có hiệu lực và những cách can thiệp có hiệu quả (Klingsieck, 2013a). Do đó, trong khi sự khác biệt trong cách hiểu về trì hoãn giữa các nhà nghiên cứu có thể bổ sung cho nhau để làm rõ hiện tượng này (Steel, 2007) thì nghiên cứu về trì hoãn vẫn cần phải hướng tới một khái niệm chung, được chấp nhận rộng rãi (Ferrari và c.s., 1995; Klingsieck, 2013a)
Một trong những khái niệm về trì hoãn thường được trích dẫn là khái niệm của nhà nghiên cứu Steel (2007). Theo đó, trì hoãn là tự chủ tạm hoãn một hoạt động đã được dự định mặc dù biết rằng việc tạm hoãn đó sẽ gây ra những hệ quả tiêu cực. Klingsieck (2013a) sau khi phân tích và đánh giá các khái niệm trì hoãn phổ biến của nhiều nhà nghiên cứu nhằm phân biệt giữa tạm hoãn chức năng với trì hoãn (hay tạm hoãn phản chức năng), đã mở rộng khái niệm của Steel (2007) thành: “Trì hoãn là tự chủ tạm hoãn một hoạt động quan trọng, cần thiết và đã được dự định mặc dù biết rằng việc tạm hoãn đó sẽ gây ra nhiều hệ quả tiêu cực hơn so với hệ quả tích cực”.
Khái niệm này phản ánh một số đặc điểm cốt lỗi của hiện tượng trì hoãn:
Trước hết, trì hoãn là một dạng hoãn lại, tạm hoãn hay tạm ngưng một hoạt động hoặc một công việc nào đó (Klingsieck, 2013a; Steel, 2007; Van Eerde, 2003). Nói cách khác, trì hoãn là việc lùi lại thời điểm bắt đầu hoặc hoàn thành một hoạt động hay một công việc nào đó so với một thời điểm nhất định. Đặc điểm cơ bản này cũng là đặc điểm nhận được sự đồng thuận của hầu hết các nhà nghiên cứu về chủ đề trì hoãn (Steel, 2007).
Tuy nhiên, cần lưu ý rằng mặc dù trì hoãn là một dạng tạm hoãn nhưng không phải mọi dạng tạm hoãn đều là trì hoãn (Pychyl, 2013) vì trong nhiều trường hợp, cá nhân buộc phải tạm hoãn một hoạt động nào đó do những vấn đề bất khả kháng, nằm ngoài tầm kiểm soát của cá nhân (Ferrari, 2011). Chẳng hạn một sinh viên buộc phải tạm hoãn việc học tập của mình do phải đối mặt với những tình trạng khẩn cấp như thiên tai, bão lũ hoặc xuất hiện một công việc khác đòi hỏi cần phải giải quyết ngay nếu không sẽ để lại những hậu quả nghiêm trọng hơn so với việc tạm hoãn hoạt động học tập. Như vậy, điều kiện cần để việc tạm hoãn một hoạt động nào đó trở thành trì hoãn là tính tự chủ. Nói cách khác, trì hoãn là một dạng tạm hoãn được thực hiện trong điều kiện (1) cá nhân không gặp bất cứ trở ngại nào nằm ngoài tầm kiểm soát của bản thân, cản trở cá nhân thực hiện hoạt động và (2) không có một công việc nào khác đòi hỏi cá nhân phải ưu tiên thực hiện nếu không sẽ để lại những hệ quả nghiêm trọng hơn so với việc hoãn lại hoạt động hiện tại.
Bên cạnh việc xác định trì hoãn là một dạng tạm hoãn có tính tự chủ, một số nhà nghiên cứu còn tập trung vào khía cạnh khoảng cách giữa dự định và hành vi của hiện tượng trì hoãn (Lay, 1986; Schraw và c.s., 2007). Những nhà nghiên cứu này cho rằng trì hoãn là tạm hoãn việc thực hiện các dự định hay thực hiện một hoạt động muộn hơn so với dự định ban đầu (Lay & Schouwenburg, 1993). Steel (2007) lập luận rằng việc xác định đặc điểm này giúp phân biệt trì hoãn với việc cá nhân đơn giản là tạm hoãn những hoạt động chưa cần thực hiện hoặc chưa đến lúc được thực hiện theo dự định ban đầu của mình. Cụ thể, tại một thời điểm, có rất nhiều công việc mà cá nhân có thể thực hiện nhưng không thể nói rằng cá nhân đang trì hoãn tất cả những công việc đó. Kết quả nghiên cứu thực tiễn cho thấy có một mối liên hệ khá chặt chẽ giữa trì hoãn với khoảng cách giữa dự định và hành vi của cá nhân (Steel, 2007).
Cuối cùng, một đặc điểm quan trọng của hiện tượng trì hoãn giúp phân biệt nó với hình thức tạm hoãn chức năng, hay còn gọi là tạm hoãn chiến lược (Klingsieck, 2013a) hoặc tạm hoãn tích cực là tính vô lý (Lay, 1986; Steel, 2007). Tính vô lý này thường được các nhà nghiên cứu mô tả theo nhiều cách khác nhau. Steel (2010) cho rằng tính vô lý của trì hoãn được thể hiện ở chỗ dù cá nhân ý thức được việc hoãn lại của mình sẽ gây ra những hệ quả tiêu cực nhưng vẫn thực hiện. Trong khi đó, Solomon và Rothblum (1984) mô tả tính vô lý của trì hoãn thông qua cảm giác không thoải mái mà cá nhân thường gặp phải trong khi tạm hoãn một hoạt động. Ngoài ra, một cách định nghĩa khác đã chỉ ra tính vô lý của trì hoãn thông qua việc xác định đặc điểm của những hoạt động bị trì hoãn là cần thiết và quan trọng (Klingsieck, 2013a; Lay, 1986). Nhiều kết quả nghiên cứu thực tiễn đã chứng minh cho những quan điểm này khi cho thấy mối liên hệ giữa mức độ trì hoãn với cảm giác xấu hổ (Tangney và c.s., 2000), tội lỗi (Schraw và c.s., 2007), trầm cảm (Flett và c.s., 2016; Steel, 2007), lo âu (Yerdelen, Mccaffrey, & Klassen, 2016) và căng thẳng (Schraw và c.s., 2007; Sirois, 2014) xuất hiện trong thời gian trì hoãn. Có thể thấy, những cảm xúc tiêu cực này xuất hiện ở người trì hoãn không chỉ vì trì hoãn làm rút ngắn thời gian và tạo nhiều áp lực khi họ bắt đầu thực hiện hoạt động mà còn do sự mâu thuẫn trong nhận thức và hành vi của họ. Như vậy, tính vô lý của trì hoãn tuy được các nhà nghiên cứu mô tả theo nhiều cách khác nhau nhưng bản chất vẫn xuất phát từ việc cá nhân tự chủ tạm hoãn một hoạt động dù ý thức được rằng hoạt động đó cần phải được thực hiện nếu không sẽ gây ra nhiều hệ quả tiêu cực hơn hệ quả tích cực.
Ngược lại với trì hoãn, hình thức tạm hoãn chức năng, tạm hoãn chiến lược (Klingsieck, 2013a) hay còn được gọi là trì hoãn chức năng (để phân biệt với trì hoãn phản chức năng, được đề cập đến trong nghiên cứu của Ferrari và c.s., 1995) hoặc trì hoãn chủ động (để phân biệt với trì hoãn bị động, được sử dụng trong nghiên cứu của Chu & Choi, 2005) có tính hợp lý. Tính hợp lý này được thể hiện ở chỗ cá nhân ý thức được rằng việc tạm hoãn sẽ tạo ra nhiều hệ quả tiêu cực hơn là tích cực (Chu & Choi, 2005; Seo, 2013). Trong nhiều tình huống, cá nhân có thể tự chủ tạm hoãn hoạt động nhằm chuẩn bị một trạng thái tâm lý, sinh lý tốt nhất để làm việc hoặc nhằm tạo ra sự căng thẳng do rút ngắn thời gian để thúc đẩy động lực của bản thân. Nghiên cứu thực tiễn cho thấy có sự khác biệt giữa những người trì hoãn và những người tạm hoãn chức năng. Cụ thể, những người tạm hoãn chức năng thường có chủ ý trong việc sử dụng và kiểm soát thời gian, có niềm tin vào năng lực bản thân (Chu & Choi, 2005; Corkin, Shirley, & Lindt, 2011), có động lực tự chủ (Seo, 2013), ít né tránh mục tiêu (Corkin và c.s., 2011) và cố ý tạm hoãn công việc do cho rằng bản thân làm việc hiệu quả hơn dưới áp lực thời gian hoặc cần chuẩn bị trạng thái tốt nhất để làm việc (Chu & Choi, 2005; Seo, 2013).
Như vậy, khái niệm trì hoãn của Steel (2007) và Klingsieck (2013) đã phản ánh được 4 khía cạnh quan trọng của trì hoãn đó là:
(1) trì hoãn là một dạng tạm hoãn;
(2) trì hoãn có tính tự chủ;
(3) hoạt động bị trì hoãn là hoạt động đã được dự định và
(4) trì hoãn có tính vô lý.
Tuy nhiên, theo chúng tôi, khái niệm này vẫn còn một số hạn chế. Cụ thể, việc xác định hoạt động bị trì hoãn là những hoạt động đã được dự định từ trước khiến cho khái niệm này bỏ qua hai tình huống trì hoãn quan trọng. Tình huống thứ nhất là cá nhân chần chừ trong việc ra quyết định khi tới thời điểm cần thiết (Mann, 2016). Tình huống này còn được gọi là trì hoãn quyết định (Tenne, 2000). Tình huống thứ hai là khi cá nhân cố ý dự định bắt đầu hay hoàn thành công việc muộn hơn so với thời điểm cần phải bắt đầu hoặc hoàn thành công việc để đạt được hiệu quả cao nhất.
Vấn đề này có thể được giải quyết bằng cách tập trung vào khía cạnh thời gian của trì hoãn thay vì khía cạnh khoảng cách giữa dự định và hành vi. Silver và Sabini (1981) cho rằng trì hoãn không chỉ đơn giản là việc né tránh công việc mà điều cốt lõi của nó là ở chỗ cá nhân bỏ qua thời điểm có thể hoàn thành công việc đó một cách hiệu quả nhất. Chúng tôi đề xuất khái niệm “thời điểm tối ưu chủ quan” để chỉ thời điểm này. Việc thay thế thời điểm tối ưu chủ quan cho thời điểm đã được dự định sẽ khắc phục được hạn chế trong khái niệm của Steel (2007) và Klingsieck (2013) bởi thời điểm đã được dự định có thể là thời điểm tối ưu chủ quan những cũng có thể là thời điểm mà cá nhân cố ý sắp đặt để trì hoãn.
Ferrari và c.s., (1995), khi đánh giá quan điểm này của Silver và Sabini (1981), đã đưa ra lập luận cho rằng trong nhiều trường hợp cá nhân buộc phải tạm hoãn một công việc nào đó qua thời điểm tối ưu chủ quan vì cần hoàn thành một công việc khác quan trọng hơn và điều này là hợp lý nên không thể coi là trì hoãn. Tuy nhiên, như đã đề cập, tính tự chủ của trì hoãn đòi hỏi cá nhân phải đưa ra quyết định tạm hoãn trong điều kiện (1) không có bất cứ một trở ngại nào nằm ngoài tầm kiểm soát của cá nhân khiến họ không thể thực hiện hoạt động và (2) không có công việc quan trọng hơn nào đòi hỏi họ phải giải quyết trước. Như vậy, thời điểm tối ưu chủ quan và tính tự chủ của trì hoãn khi được kết hợp cùng nhau có thể khắc phục được mặt hạn chế mà Ferrari và c.s., (1995) đã chỉ ra.
Tính chất chủ quan trong việc đánh giá thời điểm tối ưu đóng vai trò rất quan trọng trong việc phân biệt giữa trì hoãn và những dạng tạm hoãn khác. Silver và Sabini (1981) lập luận rằng dù cá nhân có bắt đầu thực hiện công việc vào phút chót (tức thời điểm rất gần với thời hạn hoàn thành) vẫn không thể coi đó là trì hoãn nếu như cá nhân có lý do thực sự tin rằng bản thân mình hoàn toàn có khả năng hoàn thành tốt công việc tại thời điểm đó. Lúc này, quyết định tạm hoãn đến phút chót của cá nhân là một quyết định hợp lý. Ngay cả khi quyết định tạm hoãn này không đúng trên thực tế, tức là cá nhân không thực sự có năng lực để hoàn thành hiệu quả công việc với khoảng thời gian mà bản thân đã xác định, thì cũng không thể khẳng định cá nhân đã trì hoãn.
Ngược lại, khi cá nhân đã xác định được thời điểm tối ưu chủ quan nhưng vẫn thực hiện hành vi tạm hoãn thì khi đó cá nhân đang trì hoãn. Thời điểm tối ưu chủ quan của một hoạt động chính là thời điểm mà hoạt động đó cần phải được thực hiện vì nó quan trọng, cần thiết và cần phải được thực hiện nhằm đạt được hiệu quả cao nhất. Do đó, khi cá nhân tạm hoãn hoạt động qua thời điểm này thì tức là cá nhân đã thực hiện một hành vi không hợp lý và tất yếu được cá nhân nhận định là sẽ dẫn đến những hệ quả tiêu cực cũng như có thể có cảm giác khó chịu chủ quan.
Tóm lại, từ việc phân tích và đánh giá bốn đặc điểm cốt lõi của trì hoãn được phản ánh trong khái niệm của Steel (2007) và Klingsieck (2013), chỉ ra những hạn chế và kiến nghị cách khắc phục, chúng tôi định nghĩa: Trì hoãn là tự chủ lùi lại thời điểm bắt đầu hoặc hoàn thành một hoạt động nào đó so với thời điểm tối ưu chủ quan, thời điểm được cá nhân đánh giá là tại đó bản thân cần phải bắt đầu hoặc hoàn thành hoạt động để đạt được hiệu quả cao nhất.
Trên cơ sở khái niệm trì hoãn này, trì hoãn học tập được định nghĩa là tự chủ lùi lại thời điểm bắt đầu hoặc hoàn thành một hoạt động học tập nào đó so với thời điểm tối ưu chủ quan, thời điểm được cá nhân đánh giá là tại đó bản thân cần phải bắt đầu hoặc hoàn thành hoạt động học tập để đạt hiệu quả cao nhất.
2. Nguyên nhân hay tiền đề của trì hoãn
Các nghiên cứu tâm lý học về trì hoãn bắt đầu từ cuối thập niên 70 của thế kỷ trước và phát triển mạnh trong thời gian gần đây (Klingsieck, 2013b; Van Eerde, 2003), kết quả của các nghiên cứu này đã cung cấp nhiều tri thức quan trọng và có ý nghĩa về trì hoãn. Từ đó, tạo cơ sở cho việc hình thành những chương trình và phương pháp can thiệp nhằm hạn chế trì hoãn ở con người nói chung và ở sinh viên nói riêng.
Rất nhiều nghiên cứu về trì hoãn đã được tiến hành trong suốt gần 50 năm qua (Mann, 2016; Steel & Klingsieck, 2016) nhằm trả lời cho bốn câu hỏi tương ứng với bốn hướng nghiên cứu chính trong chủ đề này, đó là: (1) Trì hoãn biểu hiện như thế nào? (2) Nguyên nhân hay tiền đề của trì hoãn là gì? (3) Trì hoãn gây ra những hệ quả gì? và (4) Làm thế nào để hạn chế trì hoãn? Trong phần này, nhằm mục đích phục vụ cho đề tài nghiên cứu, chúng tôi sẽ chỉ tập trung tổng quan tài liệu trong hướng nghiên cứu thứ hai.
Trong hướng này, các nhà nghiên cứu thường tập trung tìm hiểu mối liên hệ giữa trì hoãn với những đặc điểm nhân cách trong mô hình năm nhân tố bao gồm cởi mở, tận tâm, hướng ngoại, dễ chịu và nhiễu tâm và các biến số đặc trưng gắn liền với từng đặc điểm nhân cách này. Đây là cách tiếp cận từ quan điểm của tâm lý học khác biệt – coi trì hoãn là một đặc điểm nhân cách hay một thiên hướng hành vi hơn là những hành vi tùy thuộc vào tình huống cụ thể (Klingsieck, 2013a). Tuy nhiên, nhằm giải thích cho hiện tượng trì hoãn, bên cạnh quan điểm này, còn có những quan điểm khác, đó là quan điểm môi trường hay tình huống, quan điểm của tâm lý học lâm sàng và quan điểm của tâm lý học động lực và tự chủ (Klingsieck, 2013a)
Cách tiếp cận theo quan điểm của tâm lý học khác biệt
Như đã đề cập, do coi trì hoãn là một đặc điểm nhân cách, chi phối hoạt động của cá nhân trong mọi lĩnh vực đời sống, cách tiếp cận trì hoãn theo tâm lý học khác biệt tập trung nghiên cứu mối liên hệ giữa trì hoãn và những đặc điểm nhân cách của cá nhân. Kết quả của nhiều nghiên cứu cho thấy trì hoãn có mối tương quan chặt chẽ và nhất quán qua nhiều nghiên cứu với mức độ tận tâm thấp cũng như những biến số đặc trưng gắn liền với đặc điểm nhân cách này (Lay, 1997; Mann, 2016; Steel & Klingsieck, 2016; Tenne, 2000; Watson, 2001). Cụ thể, những người trì hoãn thường gặp hạn chế trong việc kiểm soát bản thân (Schouwenburg và c.s., 2004; Steel, 2007); không có khả năng tổ chức công việc (Motie, Heidari, & Sadeghi, 2012; Steel, 2007), khả năng quản lý thời gian kém (Chu & Choi, 2005; Lay & Schouwenburg, 1993; Motie và c.s., 2012), dễ bị phân tán (Steel, 2007); có động lực thấp (Hensley, 2014; Klassen và c.s., 2008; Seo, 2013) và nhu cầu thành đạt không cao (Howell & Watson, 2007; Steel, 2007).
Bên cạnh đặc điểm tận tâm, hai đặc điểm nhân cách khác thường được các nhà nghiên cứu cho là có liên quan tới trì hoãn là hướng ngoại và nhiễu tâm (Steel, 2007; Steel & Klingsieck, 2016). Một số nghiên cứu cho thấy những sinh viên có xu hướng trì hoãn là những người cầu toàn (Rice, Richardson, & Clark, 2012) nhưng có lòng tự trọng (Klassen và c.s., 2008; Steel, 2007) và mức độ lạc quan thấp (Jackson, Weiss, & Lundquist, 2000). Bên cạnh đó, trì hoãn cũng có mối liên hệ với niềm tin vào năng lực bản thân (Klassen và c.s., 2008; Strunk & Steele, 2011) và lòng tự trọng thấp (Klassen và c.s., 2008), tính hấp tấp (Gustavson, Miyake, Hewitt, & Friedman, 2014; Schouwenburg & Lay, 1995; Steel, 2007) và tính mau chán (nản) cao (Blunt & Pychyl, 1998). Những kết quả nghiên cứu này gợi ra khả năng có một mối liên hệ giữa nhiễu tâm và trì hoãn. Tuy nhiên, nhiều kết quả nghiên cứu khác lại cho thấy hướng ngoại và nhiễu tâm không có mối liên hệ chặt chẽ hay có ý nghĩa nào với trì hoãn (Schouwenburg & Lay, 1995; Steel, 2007).
Đồng quan điểm với Schouwenburg và c.s., (2004), Steel và Klingsieck (2016) cho rằng mặc dù hai đặc điểm nhân cách này cùng với cởi mở và dễ chịu trong mô hình năm nhân tố không phải là những nguyên nhân hay tiền đề quyết định mức độ trì hoãn của một cá nhân nhưng có thể ảnh hưởng tới cách biểu hiện sự trì hoãn của họ. Trong nghiên cứu của mình, sau khi cố định biến số tận tâm, Steel và Klingsieck (2016) đã chỉ ra mối liên hệ giữa hai đặc điểm nhân cách này (hướng ngoại và nhiễu tâm) với lý do mà sinh viên đưa ra để giải thích cho sự trì hoãn của mình cũng như những hoạt động thay thế khi sinh viên trì hoãn việc học tập.
Như vậy, từ các kết quả nghiên cứu trong cách tiếp cận thứ nhất, có thể kết luận tận tâm là đặc điểm nhân cách quyết định mức độ trì hoãn trong khi những đặc điểm nhân cách khác, đặc biệt là hướng ngoại và nhiễu tâm, có ảnh hưởng đến biểu hiện trì hoãn ở sinh viên. Sự ảnh hưởng của hai đặc điểm nhân cách còn lại, cởi mở và dễ chịu, cần được tiếp tục nghiên cứu làm rõ trên những nhóm khách thể và trên những lĩnh vực đời sống khác (Steel & Klingsieck, 2016).
Cách tiếp theo quan điểm của tâm lý học động lực và tự chủ
Với cách tiếp cận trì hoãn thứ hai, các nhà nghiên cứu tập trung tìm hiểu ảnh hưởng của động lực và sự tự chủ của cá nhân đối với mức độ trì hoãn. Các kết quả nghiên cứu cho thấy những người trì hoãn thường thiếu động lực bên trong, động lực tự quyết hay ít bị lôi cuốn vào công việc (Burnam và c.s., 2014; Katz, Eilot, & Nevo, 2014). Trong khi đó, những người ít trì hoãn là những người có xu hướng đặt ra những mục tiêu hướng đến sự thành thạo (Cao, 2012), có tiêu điểm kiểm soát bên trong (Carden và c.s., 2004; Deniz, Tras, & Aydogan, 2009) và tin tưởng vào năng lực bản thân (Klassen và c.s., 2008; Strunk & Steele, 2011). Trì hoãn cũng có liên quan tới việc cá nhân thiếu khả năng tự điều chỉnh, tự kiểm soát bản thân và hành động hay những vấn đề về sự tự chủ nói chung như đã đề cập trong cách tiếp cận thứ nhất. Tuy nhiên những mối tương quan này thường không chặt như mối tương quan giữa tận tâm và các khía cạnh của nó với trì hoãn. Do đó, có thể thấy trì hoãn có tính thiên hướng hay về bản chất là việc thiếu khả năng tự kiểm soát (Steel & Klingsieck, 2016).
Cách tiếp cận trì hoãn theo quan điểm của tâm lý học lâm sàng
Cách tiếp cận thứ ba, xuất phát từ công việc lâm sàng của các nhà trị liệu và tham vấn (Ferrari và c.s., 1995; Klingsieck, 2013a) coi trì hoãn là hệ quả của nhưng rối nhiễu tâm lý. Để giải thích cho hiện tượng trì hoãn, cách tiếp cận này sử dụng lý thuyết của phân tâm học, quan điểm nhận thức hành vi và tâm lý học thần kinh (Ferrari và c.s., 1995; Klingsieck, 2013a). Do đó, các nhà nghiên cứu theo cách tiếp cận này thường tập trung tìm hiểu mối liên hệ giữa trì hoãn với trầm cảm (Flett và c.s., 2016; Stöber & Joormann, 2001; Uzun Ozer, O’Callaghan, Bokszczanin, Ederer, & Essau, 2014), lo âu (Carden và c.s., 2004; Lay & Silverman, 1996; Stöber & Joormann, 2001), căng thẳng (Uzun Ozer và c.s., 2014). Tuy nhiên do hầu hết các nghiên cứu được thiết kế theo chiều ngang (hay nghiên cứu cắt ngang), các chỉ số tương quan không thể khẳng định được mối liên hệ nhân quả giữa các biến số này với trì hoãn. Hơn thế nữa, một số nhà nghiên cứu cho rằng những cá nhân trì hoãn có biểu hiện lo âu hay trầm cảm và tìm đến trị liệu hay tham vấn chỉ chiếm một phần nhỏ trong tổng số những người trì hoãn (Schouwenburg & Lay, 1995; Steel & Klingsieck, 2016) nên các giả thuyết về ảnh hưởng của lo âu và trầm cảm đối với mức độ trì hoãn không phù hợp với đa số người trì hoãn.
Cách tiếp cận theo quan điểm môi trường hay tình huống
Khác với ba cách tiếp cận trước, cách tiếp cận thứ tư tập trung vào yếu tố môi trường hay tình huống chi phối mức độ trì hoãn của sinh viên. Hướng nghiên cứu này đang trở nên phổ biến trong nghiên cứu trì hoãn (Steel & Klingsieck, 2016). Các nghiên cứu trong cách tiếp cận này quan tâm tới những yếu tố công việc như độ khó (Janssen & Carton, 1999; Steel, 2007), tính hấp dẫn (Ackerman & Gross, 2005; Blunt & Pychyl, 2000), tính hợp lý (N. A. Milgram và c.s., 1992), tính tự chủ (Ackerman & Gross, 2005; Blunt & Pychyl, 2000), ác cảm của cá nhân với công việc (Blunt & Pychyl, 2000; N. Milgram, Marshevsky, & Sadeh, 1995; Steel, 2007) hay các yếu tố bối cảnh khác như tính cách của giảng viên (Schraw và c.s., 2007), không khí lớp học (Corkin, Shirley, Wolters, & Wiesner, 2014) và giá trị xã hội (Kennedy & Tuckman, 2013) có khả năng ảnh hưởng đến trì hoãn.
Những cách tiếp cận khác
Bên cạnh bốn cách tiếp cận chính này, các nhà nghiên cứu còn tìm hiểu mối liên hệ giữa trì hoãn với nhiều yếu tố khác. Kết quả nghiên cứu cho thấy trì hoãn có mối tương quan nghịch với độ tuổi (Steel, 2007) và không có sự khác biệt giữa hai giới tính (Pychyl, Coplan, & Reid, 2002; Uzun Ozer và c.s., 2014). Với cách tiếp cận của tâm lý học phát triển và tâm động học (Ferrari và c.s., 1995), một số nghiên cứu cũng cho thấy trì hoãn có liên quan tới kiểu cha mẹ (Pychyl và c.s., 2002; Zakeri, Esfahani, & Razmjoee, 2013). Chẳng hạn, một nghiên cứu cho thấy những phụ nữ có tính trì hoãn thường được nuôi dưỡng bởi người bố độc đoán và người mẹ thiếu quyết đoán (Ferrari & Olivette, 1994). Đối với cách tiếp cận sinh học, vẫn chưa có nghiên cứu kiểm chứng giả thuyết về mối liên hệ giữa các vùng não trước chán – thực hiện chức năng kiểm soát cao cấp – với sự trì hoãn (Ferrari và c.s., 1995; Klingsieck, 2013a)
Lý thuyết tích hợp
Kết quả của các nghiên cứu theo những cách tiếp cận khác nhau cho thấy trì hoãn là một hiện tượng chịu sự chi phối không chỉ bởi những yếu tố bên trong mà còn cả những yếu tố bên ngoài cá nhân. Do đó, một số nhà nghiên cứu cho rằng cần phải có một lý thuyết tích hợp nhằm hệ thống hóa vai trò ảnh hưởng của các yếu tố này trong việc lý giải trì hoãn (Klingsieck, 2013a; Van Eerde, 2003)
Nhằm giải quyết vấn đề này, Steel & König (2006) đã đưa ra lý thuyết Động Lực Theo Thời Gian (Temporal Motivational Theory – TMT) không chỉ lý giải trì hoãn dưới góc độ của các cách tiếp cận trên đây mà còn xét đến ảnh hưởng của yếu tố thời gian đối với trì hoãn. TMT được thể hiện qua công thức sau đây:
Trong đó:
- M (Motivation): Động lực
- E (Expectancy): Kỳ vọng
- V (Value): Giá trị
- I (Impulsiveness): Tính hấp tấp
- D (Delay): Độ trễ
Steel (2007) cho rằng cá nhân trì hoãn một hoạt động nào đó khi động lực thực hiện hoạt động đó của cá nhân nhỏ hơn động lực thực hiện một hoạt động khác. Theo lý thuyết này, động lực (M) khiến cá nhân thực hiện một hoạt động phụ thuộc vào sự tương tác giữa bốn cấu trúc chính là kỳ vọng (E), giá trị (V), tính hấp tấp của cá nhân (I) và độ trễ (D). Cụ thể hơn, kỳ vọng thể hiện niềm tin của cá nhân vào việc có thể hoàn thành tốt công việc hay không, do đó gắn với niềm tin vào năng lực bản thân của cá nhân. Giá trị thể hiện tính hấp dẫn của công việc và bao gồm ba khía cạnh: (1) ác cảm (với) công việc, (2) động lực thành đạt, và (3) tính mau chán (nản). Độ trễ thể
hiện khoảng thời gian giữa thời điểm cá nhân nỗ lực để làm việc và thời điểm cá nhân nhận được thành quả từ nỗ lực đó. Tính hấp tấp thể hiện mức độ nhạy cảm với độ trễ của cá nhân. Steel (2007) lập luận rằng khi kỳ vọng và/hoặc giá trị đối với một hoạt động của cá nhân tăng lên thì động lực thúc đẩy cá nhân thực hiện hoạt động đó cũng tăng lên và do đó hạn chế sự trì hoãn. Trong khi đó, ngược lại, khi tính hấp tấp của cá nhân và/hoặc độ trễ tăng lên thì động lực sẽ suy giảm và do đó trì hoãn có khả năng xảy ra cao hơn. Nghiên cứu thực tiễn chứng minh ba cấu trúc chính (kỳ vọng, giá trị và tính hấp tấp) của TMT có khả năng giải thích 42% sự biến thiên của mức độ trì hoãn (Steel, 2011).
Khi xem xét lý thuyết tích hợp này cùng với các kết quả nghiên cứu thực tiễn, có thể thấy, điều kiện để hành vi trì hoãn của cá nhân được thực hiện đó là (1) cá nhân có ý muốn trì hoãn (theo TMT là do niềm tin vào năng lực bản thân thấp, thiếu động lực thành đạt, tính mau chán cao, ác cảm với công việc và độ trễ lớn) và (2) cá nhân có khả năng tự kiểm soát bản thân thấp (theo TMT là do tính bốc đồng cao). Trong khi điều kiện thứ nhất chỉ là điều kiện cận thì điều kiện thứ hai là điều kiện đủ để khiến một cá nhân thực hiện hành vi trì hoãn. Chẳng hạn, hai sinh viên cùng có một mức độ ý muốn trì hoãn việc học tập như nhau thì sinh viên nào có khả năng kiểm soát bản thân thấp hơn sẽ có khả năng trì hoãn cao hơn.
Như vậy, mức độ trì hoãn của cá nhân không chỉ phụ thuộc vào khả năng tự kiểm soát bản thân mà còn phụ thuộc vào ý muốn trì hoãn. Điều này phù hợp với các kết quả nghiên cứu của cách tiếp cận theo quan điểm của tâm lý học khác biệt cho rằng bản chất của trì hoãn là khả năng tự kiểm soát bản thân thấp trong khi đó kết quả nghiên cứu từ các cách tiếp cận khác vẫn cho thấy mối liên hệ giữa trì hoãn với các đặc điểm cá nhân và môi trường. Do đó, nghiên cứu về nguyên nhân hay tiền đề của trì hoãn chính là nghiên cứu các yếu tố có thể gây ảnh hưởng đối với một trong hai hoặc cả hai điều kiện đó. Các yếu tố này có thể là đặc điểm cá nhân (ví dụ như tính hấp tấp, đặc điểm nhiễu tâm, tính dễ chán nản, tính lạc quan hay bi quan, tính cầu toàn), đặc điểm môi trường (độ khó của công việc, mức độ tự chủ trong công việc, tính cách giảng viên, không khí lớp học, các kích thích bên ngoài) hoặc hành vi (sử dụng chiến lược học tập, quản lý thời gian, đặt mục tiêu). Ý muốn trì hoãn được hình thành trong quá trình tương tác giữa các yếu tố này. Chẳng hạn đặc điểm cá nhân của sinh viên là có tính hướng ngoại cao, đặc điểm môi trường là sinh viên nhận được nhiều lời mời tham gia vào các hoạt động xã hội trong khi đó sinh viên lại không áp dụng các chiến lược quản lý thời gian hiệu quả, từ đó dẫn tới ý muốn trì hoãn việc học tập để tham gia các hoạt động xã hội. Tuy nhiên ý muốn trì hoãn chỉ trở thành hành vi trì hoãn khi sinh viên có khả năng tự kiểm soát bản thân thấp. Chính khả năng này cũng bị các đặc điểm cá nhân khác, đặc điểm môi trường và hành vi của sinh viên tác động.
Mặc dù TMT tỏ ra thích hợp để giải thích cho sự trì hoãn khi xét đến cả những yếu tố bên trong và bên ngoài cá nhân, cũng như yếu tố thời gian nhưng hạn chế của nó là khó có thể được sử dụng làm cơ sở để xây dựng các cách can thiệp cụ thể làm giảm trì hoãn hiệu quả. Do đó, các nhà nghiên cứu vẫn cần phải tiếp tục xác định những yếu tố khác chi phối mức độ trì hoãn của cá nhân (Klingsieck, 2013a; Steel, 2007; Van Eerde, 2003), đặc biệt là những yếu tố bên ngoài như bối cảnh xã hội, tính chất công việc hay áp lực làm việc nhóm, để từ đó xây dựng các cách can thiệp tác động cụ thể vào những yếu tố này nhằm làm giảm trì hoãn.
Bên cạnh đó, cần có thêm nhiều nghiên cứu theo những cách tiếp cận khác ngoài bốn cách tiếp cận chính trên đây. Chẳng hạn, cần có thêm nghiên cứu theo cách tiếp cận của tâm lý học phát triển hay tâm lý học sinh học nhằm làm rõ quá trình hình thành và biến đổi của trì hoãn trong suốt cuộc đời cũng như ảnh hưởng của các yếu tố sinh học đến trì hoãn (Ferrari và c.s., 1995; Klingsieck, 2013a; Steel, 2007)
Xét về khía cạnh phương pháp và thiết kế nghiên cứu, các nghiên cứu về nguyên nhân hay tiền đề trì hoãn chủ yếu được thiết kế theo chiều ngang và là các nghiên cứu định lượng sử dụng phương pháp nghiên cứu tương quan (Klingsieck, 2013a; Steel, 2007; Van Eerde, 2003). Do đó, nhiều mối liên hệ giữa trì hoãn và các biến số tâm lý (ví dụ như lo âu, trầm cảm, căng thẳng, lòng tự trọng hay niềm tin vào năng lực bản thân) không thể khẳng định tính chất nhân quả hay hai chiều. Chẳng hạn, cá nhân có niềm tin vào năng lực bản thân thấp có thể có xu hướng trì hoãn nhiều hơn nhưng ngược lại sự trì hoãn cũng làm giảm hiệu suất làm việc của cá nhân và do đó khiến cho cá nhân càng mất niềm tin vào năng lực bản thân. Vấn đề này đặt ra yêu cầu cần phải có thêm các nghiên cứu đa dạng hơn về thiết kế và phương pháp trong chủ đề trì hoãn.
Như đã đề cập, cách tiếp cận theo quan điểm môi trường hay tình huống là một cách tiếp cận tuy không mới nhưng đang dần nhận được nhiều sự quan tâm của các nhà nghiên cứu trong chủ đề trì hoãn. Với cách tiếp cận này, các nhà nghiên cứu tập trung vào những đặc điểm môi trường hay tình huống bên ngoài cá nhân có khả năng ảnh hưởng đến mức độ trì hoãn. Xem xét các nghiên cứu theo hướng tiếp cận này, chúng tôi nhận thấy chưa có nhiều nghiên cứu tìm hiểu mối liên hệ giữa sự thỏa mãn các nhu cầu tâm lý cơ bản với trì hoãn. Trong khi đó, lý thuyết và các kết quả nghiên cứu thực tiễn đều cho thấy có khả năng tồn tại một mối liên hệ giữa biến số này với mức độ trì hoãn.
Sự thỏa mãn các nhu cầu tâm lý cơ bản là nội dung trọng tâm của lý thuyết Tự Quyết (Self-Determination Theory – SDT), do Deci và Ryan (1985) đề xuất, vì nó đề cập đến một vấn đề mà các nhà tâm lý học, đặc biệt là các nhà tâm lý học giáo dục, rất quan tâm đó là làm thế nào để thúc đẩy động lực bên trong của con người nói chung và động lực học tập bên trong của người học nói riêng. SDT nhấn mạnh đến vai trò của môi trường xã hội đối với việc thúc đẩy và duy trì độc lực bên trong thông qua việc tạo điều kiện thuận lợi cho sự thỏa mãn các nhu cầu tâm lý cơ bản, bao gồm nhu cầu gắn kết, nhu cầu năng lực và nhu cầu tự chủ (Ryan & Deci, 2000). Cụ thể hơn, SDT cho rằng khi môi trường xã hội giúp cá nhân thỏa mãn các nhu cầu tâm lý cơ bản này thì ở cá nhân sẽ không chỉ hình thành các loại động lực tự chủ (bao gồm động lực điều chỉnh xác nhân và động lực bên trong) đối với những hoạt động nhất định mà sức khỏe tâm lý và cảm nhận hạnh phúc của cá nhân còn được nâng cao (Deci & Ryan, 2012). Trong khi đó, nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng động lực học tập bên trong hay động lực học tập tự quyết thường gắn liền với tính tích cực, chủ động, sáng tạo trong quá trình học tập. Do đó, đặt ra khả năng sự thỏa mãn các nhu cầu tâm lý có bản có ảnh hưởng gián tiếp đối với mức độ trì hoãn học tập thông qua động lực học tập ở sinh viên.
Nghiên cứu của chúng tôi sẽ tìm hiểu cơ chế ảnh hưởng này thông qua (1) xem xét mối quan hệ giữa động lực học tập và trì hoãn học tập, (2) xem xét mối quan hệ giữa sự thỏa mãn các nhu cầu tâm lý cơ bản và trì hoãn học tập, và (3) xem xét hiệu ứng gián tiếp của động lực học tập trong mối quan hệ giữa sự thỏa mãn các nhu cầu tâm lý cơ bản và trì hoãn.
Nguồn tham khảo: Báo cáo “Mối liên hệ giữa sự thỏa mãn các nhu cầu tâm lý cơ bản, động lực học tập và trì hoãn học tập ở sinh viên”, Đại học Quốc gia Hà Nội.