Khái niệm chung về trao đổi chất.
Mỗi cơ thể sống đều tồn tại trong môi trường và liên hệ mật thiết với môi trường đó. Hiện tượng cơ thể lấy một số chất từ môi trường kiến tạo nên sinh chất của mình và thải ra ngoài những chất cặn bã được gọi là sự trao đổi chất.
Sự trao đổi chất ở giới vô sinh khác với giới hữu sinh. Ở giới vô sinh, trao đổi chất làm cho các chất hữu cơ và vô cơ bị phân huỷ. Ví dụ, đá vôi (canxi carbonate) bị xói mòn vì H2CO3 có trong nước tác dụng với đá vôi thành canxi bicarbonate, mỡ bị ôi hóa thành một số chất khác là do tác dụng với oxy.
Ở thế giới sinh vật, mỗi cơ thể sống luôn luôn trao đổi chất với môi trường, lấy thức ăn vào chuyển hóa thành các chất sử dụng cho cơ thể và thải ra ngoài các chất cặn bã. Quá trình đó được thực hiện là do các biến đổi hóa học liên tục xảy ra trong cơ thể. Toàn bộ các biến đổi hóa học đó được gọi là sự trao đổi chất.
Quá trình trao đổi chất gồm nhiều khâu chuyển hóa trung gian. Mỗi chuyển hóa là một mắt xích của một trong hai quá trình cơ bản: đồng hóa và dị hóa.
Đồng hóa và dị hóa là hai quá trình đối lập, nhưng lại thống nhất với nhau trong một cơ thể: chúng xảy ra đồng thời và liên quan mật thiết với nhau. Các chất được tổng hợp nên trong quá trình đồng hóa là nguyên liệu cho quá trình dị hóa (ví dụ gluxit là sản phẩm của quá trình quang hợp, là nguyên liệu cho quá trình hô hấp). Năng lượng giải phóng ra trong quá trình dị hóa được sử dụng một phần cho quá trình tổng hợp.
Nguồn: Sinh học đại cương