Trang chủ Kinh tế và Kinh doanh Thương mại quốc tế là gì? Các hình thức và nguyên nhân dẫn đến

Thương mại quốc tế là gì? Các hình thức và nguyên nhân dẫn đến

by Ngo Thinh
Published: Last Updated on 537 views

1. Khái niệm

Thương mại (trade) có nghĩa là trao đổi hàng hóa và dịch vụ giữa hai bên. Nếu  các bên cư trú tại những quốc gia khác nhau thì hoạt động thương mại này mang tính quốc tế. Thông thường một trong những hàng hóa tham gia trao đổi là “tiền”, chẳng hạn như đơn vị tiền tệ quốc gia của một bên, hoặc đồng tiền của một nước thứ ba, hoặc vàng. Nếu không có hàng hóa trao đổi nào là tiền thì sự buôn bán này thuộc loại “hàng đổi hàng”. Trao đổi “hàng đổi hàng” là sự đổi chác trực tiếp của một hàng hóa vật phẩm hay dịch vụ này để lấy hàng hóa hay dịch vụ khác. Đối tượng đem ra trao đổi nếu là hàng hóa (sản phẩm hữu hình) thì gọi là thương mại hàng hóa; còn đối tượng trao đổi là dịch vụ (sản phẩm vô hình) thì gọi là thương mại dịch vụ. Theo thời gian, quy mô của thương mại hàng hóa tăng lên không ngừng, bên cạnh đó thương mại dịch  vụ cũng không ngừng phát triển và mở rộng.

Các bên tham gia buôn bán quốc tế có thể là các công ty nhà nước, công ty tư nhân hoặc các cá nhân gọi chung là thương nhân.

So với thương mại trong một nước, thương mại quốc tế có hai đặc điểm sau: thứ nhất, thương mại quốc tế vượt ra khỏi biên giới của một quốc gia nên chính phủ mỗi nước có thể kiểm soát dễ dàng và áp dụng biện pháp hạn chế nhập khẩu; thứ hai, thương mại quốc tế gắn liền với việc sử dụng các đồng tiền quốc gia khác nhau nên nó liên quan đến vấn đề thanh toán quốc tế và tỷ giá hối đoái.

Thương mại quốc tế là hành vi mua bán liên quốc gia (qua biên giới hoặc mua bán tại chỗ với người nước ngoài) nhận thanh toán bằng ngoại tệ.

Tại Việt Nam, Thương mại quốc tế (International Trade/ International Commerce) là các hoạt động thương mại vượt ra khỏi biên giới quốc gia hoặc biên giới hải quan.
Thương mại quốc tế là hoạt động thương mại có yếu tố nước ngoài được xác định trên cơ sở của ba dấu hiệu:

  • Chủ thể trong quan hệ thương mại là các bên có quốc tịch khác nhau.
  • Sự kiện làm phát sinh, thay đổi, chấm dứt quan hệ thương mại xảy ra ở nước ngoài;
  • Đối tượng của quan hệ thương mại (Hàng hoá, dịch vụ…) ở nước ngoài.

2. Các hình thức

Thương mại quốc tế có thể được thực hiện dưới các hình thức như xuất và nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ, gia công thuê cho nước ngoài và thuê nước ngoài gia công; tái xuất khẩu và chuyển khẩu và xuất khẩu tại chỗ. Trong đó hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ là chủ yếu và giữ vai trò quan trọng trong sự phát triển kinh tế của mỗi quốc gia.

Gia công thuê cho nước ngoài và thuê nước ngoài gia công thường có chu kỳ ngắn, đầu vào và đầu ra của nó gắn liền với thị trường nước ngoài nên nó được coi là một bộ phận của thương mại quốc tế. Hoạt động chuyển khẩu không có hành vi mua bán mà chỉ thực hiện các dịch vụ như vận tải quá cảnh, lưu kho lưu bãi, bảo quản…

Ngoài ra thì xuất khẩu tại chỗ có thể đạt được hiệu quả cao do giảm bớt chi phí bao bì đóng gói, chi phí bảo quản, chi phí vận tại, thời gian thu hồi vốn nhanh trong khi vẫn có thể thu được ngoại tệ.

3. Nguyên nhân dẫn đến thương mại quốc tế

Một trong những mục đích của hoạt động thương mại quốc tế là buôn bán nhằm kiếm chênh lệch giá hay kiếm lời. Do có sự khác biệt về giá nên mới có buôn bán quốc tế, với giả thiết là chất lượng hàng hóa như nhau. Ví dụ, cùng là mặt hàng gạo nhưng gạo ở Việt Nam rất rẻ, loại ngon từ 12.000-15.000 đồng/kg; còn gạo ở Nhật Bản lại rất đắt, quy đổi từ yên Nhật sang đôla Mỹ từ 3-5 đôla/kg. Hay ngược lại, giá hàng điện tử, điện gia dụng ở Nhật rẻ, trong khi ở Việt Nam lại đắt hơn nhiều. Chính vì thế, Việt Nam mới trở thành nước sản xuất và xuất khẩu gạo có hạng trên thế giới còn Nhật Bản là nước đứng đầu về sản xuất và xuất khẩu hàng điện tử.

Buôn bán kiếm chênh lệch quốc tế được định nghĩa là sự khai thác hiệu quả sự khác biệt về giá.

Giả sử một thương nhân có thể mua một loại hàng hóa (ví dụ hàng hóa a) ở quốc gia A với giá x đôla trên một đơn vị hàng hóa và bán nó ở quốc gia B với giá y đôla trên một đơn vị. Giả thiết chi phí vận tải và chi phí giao dịch là không đáng kể và có thể bỏ qua. Nếu x > y thì điều này sẽ kích thích các thương nhân mua hàng hóa a ở quốc gia B và bán nó ở quốc gia A. Lợi nhuận của hoạt động đó sẽ là (x-y) đôla cho mỗi đơn vị hàng hóa.

Nếu buôn bán được tiến hành với quy mô vừa phải và do một nhóm ít các nhà buôn thực hiện, lợi ích đạt được do buôn bán vẫn đến với các nhà buôn. Quy mô buôn bán không đủ lớn để ảnh hưởng đến giá hàng hóa a ở quốc gia A và quốc gia B. Song, nếu thị trường buôn bán kiếm chênh lệch tầm quốc tế là tự do, thì lợi nhuận tác động như một nam châm, kéo theo những người khác vào hoạt động buôn bán. Khi không có các chi phí giao dịch, chi phí phục vụ buôn bán và các hàng rào ngăn cản, hoạt động buôn bán kiếm chênh lệch sẽ tiếp tục tăng chừng nào giá cả loại hàng hóa a ở quốc gia A và quốc gia B chưa hội tụ. Hoạt động buôn bán kinh doanh chênh lệch giá sẽ làm cho giá ở quốc gia A hạ xuống và giá ở quốc gia B tăng lên đến khi chúng cân bằng. Tại điểm này, hoạt động buôn bán kiếm chênh lệch giá sẽ dừng lại. Thế nhưng quy mô buôn bán không đủ lớn để làm cho mức giá cân bằng. Giả sử quy mô buôn bán đủ lớn để làm cho mức giá cân bằng; khi đó thương nhân sẽ dừng hoạt đông buôn bán và sự khác biệt về giá lại tiếp tục xuất hiện. Lúc này giá x khác y, lại lôi cuốn thương nhân vào hoạt động buôn bán. Như vậy hoạt động thương mại quốc tế là hoàn toàn khách quan đem lại lợi ích cho cả hai quốc gia.

Bên cạnh nguyên nhân tìm kiếm lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh chênh lệch  giá thì thương mại quốc tế còn diễn ra do một số nguyên nhân khác. Đó là do sở thích (thị hiếu) người tiêu dùng ở mỗi quốc gia là khác nhau. Mặc dù người Mỹ sản xuất ô tô con (xe Ford) song vẫn mua xe hơi Mercedes của Đức. Hay như người tiêu dùng Việt Nam mua tivi JVC của Nhật, người Anh thích uống rượu vang của Pháp… Mỗi quốc gia có những sở thích tiêu dùng khác nhau. Để thỏa mãn sở thích của mình, họ phải thông qua thương mại quốc tế. Sự khác nhau về mặt tài nguyên là một nhân tố ảnh hưởng tới  sở thích của người tiêu dùng. Có những nước rất giàu tài nguyên tự nhiên, song lại có những nước lại nghèo tài nguyên. Cũng là đất nước xung quanh là biển (biển bao bọc lấy đảo và quần đảo và có nhiều sông ngắn của Nhật Bản nhưng chắc chắn là ít cá hơn biển của Việt Nam); Khác với địa hình Nhật Bản, địa hình Việt Nam nối liền một dải từ Bắc xuống Nam, có hơn 3.200 km bờ biển và có nhiều sông dài nên biển Việt Nam có nhiều loại thủy sản hơn và trữ lượng lớn hơn.

Tiếp theo, phải kể đến sự khác nhau về nguồn nhân lực và trình độ sử dụng nguồn nhân lực giữa các quốc gia. Một quốc gia dù giàu có đến đâu cũng không thể có đủ tài nguyên và nguồn nhân lực để sản xuất ra tất cả các loại sản phẩm hoặc nếu cố gắng sản xuất thì cũng không đạt hiệu quả cao vì có sự khác nhau về chi phí sản xuất và giá cả sản phẩm giữa các quốc gia. Do đó, các nước phải trao đổi với nhau thông qua con đường thương mại. Như vậy, thương mại quốc tế dựa trên cơ sở phân công lao động giữa các quốc gia, cho phép mỗi nước có thể phát huy tối đa lợi thế của mình và kết quả là lực lượng sản xuất của thế giới sẽ được sử dụng một cách hiệu quả hơn.

Cùng với sự phát triển của khoa học và tiến bộ của công nghệ, chuyên môn hóa sản xuất ngày càng sâu. Ngày nay, thương mại quốc tế không chỉ diễn ra trên phạm vi quốc gia với quốc gia, mà còn giữa các doanh nghiệp của quốc gia này với các doanh nghiệp của quốc gia khác.

Thương mại có từ thời chế độ chiếm hữu nô lệ nhưng chủ yếu trao đổi trong phạm vi hẹp. Hàng hóa đưa ra trao đổi giữa các quốc gia rất ít, phần lớn tập trung vào các mặt hàng xa xỉ phẩm phục vụ những người giàu có. Ngày nay, khối lượng thương mại thế giới thông qua xuất nhập khẩu tăng lên rất nhanh. Mặc dù vậy, so với tổng hàng hóa trao đổi thì thương mại quốc tế chiếm tỷ trọng chưa cao. Nhưng điều đáng nói là thông qua xuất nhập khẩu, nhu cầu tiêu dùng của mỗi nước về tất cả các mặt hàng đã được đáp ứng với số lượng nhiều hơn, điều mà ở nền kinh tế tự cung tự cấp không bao giờ có được. Đặc biệt đối với nhiều nước phát triển và đang phát triển, nhờ thương mại quốc tế, họ có được cơ hội tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập, tạo ra tích lũy, thúc đẩy tăng trưởng, góp phần vào sự thành công của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Ngày nay, các nước đang trong quá trình chuyển đổi cơ cấu và quốc tế hóa theo hướng hình thành một thị trường thế giới thống nhất, do đó sự phụ thuộc giữa các quốc gia thông qua thương mại ngày càng tăng lên.

4. Cơ chế điều tiết thương mại quốc tế

Theo quan hệ cung cầu quốc tế, hàng hóa được đem ra trao đổi, mua bán nhằm thỏa mãn bên mua và bên bán; nhưng điều đó không có nghĩa thương mại quốc tế là hoàn toàn tự do mà có sự quản lý của nước bán và nước mua. Khi có nhiều nước tham gia thương mại quốc tế thì vấn đề buôn bán sẽ phức tạp hơn: chẳng hạn, nhiều nước có nhu cầu bán và nhiều nước có nhu cầu mua; sẽ nảy sinh vấn đề cạnh tranh bán, cạnh tranh mua và rất nhiều vấn đề khác cần phải được điều tiết và giải quyết như thế nào? Vấn đề thương mại quốc tế sẽ tác động như thế nào đối với sản xuất và tiêu dùng của mỗi quốc gia? Do đó cần phải có hiệp định chung giữa các nước và cao hơn, cần có một tổ chức điều tiết trên quy mô toàn cầu. Tổ chức thực hiện việc điều tiết đó là WTO – cơ quan đề ra luật chơi của thương mại toàn cầu.

(Nguồn tài liệu: TS. Nguyễn Xuân Thiên, Giáo trình Thương mại quốc tế)

5/5 - (1 bình chọn)

Có thể bạn quan tâm

123123

Lytuong.net – Contact: admin@lytuong.net