Trang chủ Thuế Thuế tiêu thụ đặc biệt là gì? Cách xác định thuế TTĐB

Thuế tiêu thụ đặc biệt là gì? Cách xác định thuế TTĐB

by Ngo Thinh
141 views

Thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) được sử dụng phổ biến trên thế giới với các tên gọi khác nhau: thuế tiêu dùng đặc biệt ở Pháp, thuế đặc biệt ở Thụy Điển, hay thuế hàng hóa ở các nước Đông Nam Á.

Ngoài ý nghĩa là một sắc thuế thu vào các hàng hóa, dịch vụ “xa xỉ” thì thuế TTĐB còn là công cụ quan trọng để tạo nguồn thu mà không ảnh hưởng nhiều đến hoạt động kinh tế, là công cụ để bảo vệ môi trường và điều tiết thu nhập. Có hai nhóm hàng hóa được nhận thức như là các mục tiêu thích hợp cho việc thu thuế TTĐB với lý do quá trình tiêu thụ chúng có tác hại đến môi trường. Các nhóm hàng hóa này đồng thời cũng là các hàng hóa kiểm soát được, đó là các sản phẩm thuốc lá, đồ uống có cồn, và các đầu vào của việc sử dụng xe máy bao gồm cả nhiên liệu lẫn bản thân xe máy. Thuế TTĐB đối với hàng hóa này nhằm mục đích giảm thiểu các ảnh hưởng đến môi trường của người sử dụng.

1. Khái niệm, đặc điểm, vai trò thuế tiêu thụ đặc biệt

1.1. Khái niệm

Thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) làsắc thuế đánh vào một số hàng hóa dịch vụ đặc biệt nằm trong danh mục Nhà nước quy định.

Tính chất đặc biệt hay không đặc biệt của hàng hóa, dịch vụ ở một quốc gia tuỳ thuộc vào phong tục, tập quán, lối sống văn hóa và mức thu nhập bình quân đầu người của quốc gia đó. Nhìn chung, các hàng hóa, dịch vụ được lựa chọn để thu thuế TTĐB có các tính chất sau:

– Việc sản xuất, tiêu dùng các loại hàng hóa, dịch vụ này chưa thật cần thiết đối với đời sống xã hội nên thường chịu sự kiểm soát chặt chẽ của Nhà nước.

– Lượng cầu của hàng hóa, dịch vụ này thường biến động theo thu nhập nhưng ít biến động theo mức giá cả.

– Các loại hàng hóa này cần hạn chế tiêu dùng do không có lợi đối với nền kinh tế – xã hội nói chung hoặc có hại cho sức khoẻ, môi trường hay gây lãng phí cho xã hội.

1.2. Đặc điểm của thuế tiêu thụ đặc biệt

Là một sắc thuế thuộc loại thuế tiêu dùng, nhưng vì là thuế tiêu dùng nên ngoài tính chất là thuế gián thu, thuế TTĐB còn có những đặc điểm riêng biệt sau đây:

Một là, thuế TTĐB được thu một lần vào khâu sản xuất, nhập khẩu hàng hóa, hoặc kinh doanh dịch vụ. Đây là loại thuế tiêu dùng một giai đoạn nên không gây nên sự trùng lắp qua các khâu của quá trình luân chuyển hàng hóa. Vì vậy, có tác dụng giảm thiểu chi phí hành thu song đòi hỏi chế độ kiểm tra, giám sát thật chặt chẽ nhằm đảm bảo hạn chế tới mức tối đa sự thất thu thuế TTĐB thông qua việc gian lận về số lượng hàng hóa sản xuất và tiêu thụ.

Hai là, thuế tiêu thụ đặc biệt thường có mức động viên cao. Thuế TTĐB có thể được xác định trên cơ sở giá trị hoặc trên cơ sở đơn vị đo lường khác và thường được thu với mức thuế suất cao hơn so với thuế tiêu dùng thông thường. Đặc điểm này thể hiện quan điểm điều tiết của Nhà nước thông qua thuế TTĐB. Xét ở khía cạnh quản lý, việc sản xuất và cung cấp các loại hàng hóa, dịch vụ được coi là đặc biệt không chỉ liên quan đến các vấn đề kinh tế, phân bổ nguồn lực mà còn liên quan đến các vấn đề xã hội. Vì vậy, để sản xuất và tiêu dùng hàng hóa và dịch vụ này theo định hướng của Nhà nước, thì cần thiết phải sử dụng mức thuế cao thông qua thuế TTĐB để hướng dẫn sản xuất và tiêu dùng hợp lý. Xét ở khía cạnh phân phối thu nhập, đối tượng tiêu dùng phần lớn các hàng hóa, dịch vụ đặc biệt này là những người có thu nhập cao. Vì vậy, thuế TTĐB cần xây dựng mức động viên cao nhằm điều tiết thu nhập của những người có thu nhập cao, đảm bảo công bằng xã hội.

Ba là, danh mục hàng hóa, dịch vụ chịu thuế TTĐB không nhiều và thay đổi tuỳ thuộc vào điều kiện phát triển kinh tế – xã hội và mức sống của dân cư. Với diện thu thuế TTĐB tương đối hẹp cho nên có thể có ảnh hưởng trực tiếp đến quyết định tiêu dùng và phân phối nguồn thu nhập. Do đó, thuế TTĐB là công cụ rất có hiệu quả của các mục tiêu chính sách khác ngoài mục tiêu nguồn thu.

Bốn là, bổ sung cho thuế tiêu dùng nhằm giảm tính chất lũy thóai của chúng. Hạn chế lớn nhất của thuế tiêu dùng là có tính lũy thóai so với thu nhập, những người có mức thu nhập càng cao thì tỷ lệ điều tiết về thuế so với thu nhập càng thấp. Để hạn chế tính lũy thóai của thuế tiêu dùng có thể sử dụng nhiều cách khác nhau như: (i) Đánh thuế thu nhập; (ii) Áp dụng thuế suất thấp với hàng hóa, dịch vụ thiết yếu; (iii) Áp dụng thuế suất cao với hàng hóa, dịch vụ cao cấp thông qua thuế tiêu thụ đặc biệt; (iv) Phân biệt mức thuế suất theo bao bì, mẫu mã của sản phẩm.

1.3. Vai trò của thuế tiêu thụ đặc biệt

Thuế TTĐB là nguồn thu quan trọng của thuế tiêu dùng, tạo ra một tiềm năng rất lớn về nguồn thu cho ngân sách nhà nước. Do các loại hàng hóa, dịch vụ chịu thuế TTĐB có khối lượng tiêu thụ lớn, ít người sản xuất, lượng cầu ít biến động, dễ xác định và ít có khả năng thay thế. Trong khi đó, nó lại đòi hỏi rất ít về nguồn lực quản lý. Vì vậy, thuế TTĐB thường tạo ra số thu đáng kể cho ngân sách nhà nước.

Thuế TTĐB còn được coi là công cụ quan trọng thực hiện mục đích hướng dẫn sản xuất và tiêu dùng hàng hóa, dịch vụ được coi là đặc biệt. Trong việc thực hiện mục tiêu này, tư tưởng chung là hạn chế những hàng hóa, dịch vụ mà việc sản xuất, tiêu dùng không có lợi cho nền kinh tế quốc dân xét trên phương diện kinh tế, chính trị, xã hội.

Mặt khác, thuế TTĐB góp phần quan trọng trong việc tái phân phối thu nhập của người có thu nhập cao, đảm bảo công bằng xã hội.

2. Đối tượng chịu thuế, đối tượng không chịu thuế và đối tượng nộp thuế tiêu thụ đặc biệt

2.1. Đối tượng chịu thuế

Đối tượng chịu thuế TTĐB là các hàng hóa, dịch vụ sau đây:

– Hàng hóa bao gồm: Thuốc lá điếu, xì gà và chế phẩm khác từ cây thuốc lá dùng để hút, hít, nhai, ngửi, ngậm; Rượu; Bia; Xe ô tô dưới 24 chỗ ngồi, kể cả xe ô tô vừa chở người, vừa chở hàng loại có từ hai hàng ghế trở lên, có thiết kế vách ngăn cố định giữa khoang chở người và khoang chở hàng; Xe mô tô hai bánh, xe mô tô ba bánh có dung tích xy lanh trên 125cm3 ; Tàu bay, du thuyền; Xăng các loại, náp ta, chế phẩm tái hợp và các chế phẩm khác để pha chế xăng; Điều hòa nhiệt độ công suất từ 90.000 BTU trở xuống; Bài lá; Vàng mã, hàng mã.

– Dịch vụ chịu thuế gồm: Kinh doanh vũ trường; Kinh doanh mát xa, karaoke; Kinh doanh casino, trò chơi điện tử có thưởng bao gồm trò chơi bằng máy giắc pót, máy sờlót và các loại máy tương tự; Kinh doanh đặt cược; Kinh doanh golf bao gồm bán thẻ hội viên, vé chơi gôn; Kinh doanh xổ số.

2.2. Đối tượng không chịu thuế

Thuế TTĐB cũng có tính lãnh thổ giống như thuế GTGT, vì vậy, các hàng hóa, dịch vụ không tiêu dùng ở Việt Nam sẽ không thuộc diện chịu thuế TTĐB. Theo quy định hiện hành, các trường hợp hàng hóa không thuộc diện chịu thuế TTĐB bao gồm:

1/ Hàng hóa do cơ sở sản xuất, gia công trực tiếp xuất khẩu hoặc bán, ủy thác cho cơ sở kinh doanh khác để xuất khẩu bao gồm:

– Hàng hóa do các cơ sở sản xuất, gia công trực tiếp xuất khẩu ra nước ngoài bao gồm cả hàng hóa bán, gia công cho doanh nghiệp chế xuất, trừ ô tô dưới 24 chỗ ngồi bán cho doanh nghiệp chế xuất.

– Cơ sở sản xuất hàng hóa thuộc diện chịu thuế TTĐB nếu tạm xuất khẩu, tái nhập khẩu theo giấy phép tạm xuất khẩu, tái nhập khẩu, trong thời hạn chưa phải nộp thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu theo chế độ quy định thì khi tái nhập khẩu không phải nộp thuế TTĐB, nhưng khi cơ sở sản xuất bán hàng hóa này phải nộp thuế TTĐB.

– Hàng hóa do cơ sở sản xuất bán hoặc ủy thác cho cơ sở kinh doanh xuất khẩu để xuất khẩu theo hợp đồng kinh tế.

– Hàng hóa mang ra nước ngoài để bán tại hội chợ triển lãm ở nước ngoài.

2/ Hàng hóa nhập khẩu trong các trường hợp sau:

– Hàng viện trợ nhân đạo, viện trợ không hoàn lại; quà tặng, quà biếu.

– Hàng hóa quá cảnh hoặc mượn đường qua cửa khẩu, biên giới Việt Nam, hàng hóa chuyển khẩu.

– Hàng tạm nhập khẩu, tái xuất khẩu.

– Hàng tạm nhập khẩu để dự hội chợ, triển lãm, nếu thực tái xuất khẩu trong thời hạn chưa phải nộp thuế nhập khẩu theo chế độ quy định.

– Đồ dùng của tổ chức, cá nhân nước ngoài theo tiêu chuẩn miễn trừ ngoại giao theo quy định của pháp luật về miễn trừ ngoại giao.

– Hàng mang theo người trong tiêu chuẩn hành lý miễn thuế nhập khẩu của cá nhân người Việt Nam và người nước ngoài khi xuất, nhập cảnh qua cửa khẩu Việt Nam.

– Hàng nhập khẩu để bán miễn thuế tại các cửa hàng bán hàng miễn thuế theo quy định của pháp luật.

3/ Hàng hóa nhập khẩu từ nước ngoài vào khu phi thuế quan, hàng hóa từ nội địa bán vào khu phi thuế quan và chỉ sử dụng trong khu phi thuế quan, hàng hóa được mua bán giữa các khu phi thuế quan với nhau, trừ hàng hóa được đưa vào khu được áp dụng quy chế khu phi thuế quan có cư dân sinh sống, không có hàng rào cứng và xe ô tô chở người dưới 24 chỗ ngồi.

4/ Tàu bay, du thuyền sử dụng cho mục đích kinh doanh vận chuyển hàng hóa, hành khách và kinh doanh du lịch.

Trường hợp tàu bay, du thuyền thuộc diện không chịu thuế tiêu thụ đặc biệt nhưng sau đó không sử dụng cho mục đích kinh doanh vận chuyển hàng hóa, hành khách và kinh doanh du lịch thì phải chịu thuế tiêu thụ đặc biệt theo giá trị còn lại sau khi trừ giá trị đã khấu hao theo quy định.

Cơ sở kinh doanh có tàu bay, du thuyền chuyển đổi mục đích nêu trên phải kê khai nộp thuế TTĐB cho cơ quan thuế quản lý trực tiếp.

5/ Xe ô tô không thuộc đối tượng chịu thuế TTĐB là các loại xe theo thiết kế của nhà sản xuất được sử dụng làm xe cứu thương, xe chở phạm nhân, xe tang lễ; xe thiết kế vừa có chỗ ngồi, vừa có chỗ đứng chở được từ 24 người trở lên; xe ô tô chạy trong khu vui chơi, giải trí, thể thao không đăng ký lưu hành và không tham gia giao thông.

6/ Điều hoà nhiệt độ có công suất từ 90.000 BTU trở xuống, theo thiết kế của nhà sản xuất chỉ để lắp trên phương tiện vận tải, bao gồm ô tô, toa xe lửa, tàu, thuyền, tàu bay.

2.3. Người nộp thuế

Người nộp thuế TTĐB là tổ chức, cá nhân có sản xuất, nhập khẩu hàng hóa và kinh doanh dịch vụ thuộc đối tượng chịu thuế TTĐB, bao gồm:

– Các tổ chức kinh doanh được thành lập và đăng ký kinh doanh theo Luật Doanh nghiệp, Luật Doanh nghiệp Nhà nước (nay là Luật Doanh nghiệp) và Luật Hợp tác xã.

– Các tổ chức kinh tế của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội – nghề nghiệp, tổ chức chính trị – xã hội – nghề nghiệp, đơn vị vũ trang nhân dân, tổ chức sự nghiệp và các tổ chức khác.

– Các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và bên nước ngoài tham gia hợp tác kinh doanh theo Luật đầu tư nước ngoài tại Việt Nam (nay là Luật đầu tư); các tổ chức, cá nhân nước ngoài hoạt động kinh doanh ở Việt Nam nhưng không thành lập pháp nhân tại Việt Nam.

– Cá nhân, hộ gia đình, nhóm người kinh doanh độc lập và các đối tượng khác có hoạt động sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu.

– Cơ sở kinh doanh xuất khẩu mua hàng chịu thuế TTĐB của cơ sở sản xuất để xuất khẩu nhưng không xuất khẩu mà tiêu thụ trong nước thì cơ sở kinh doanh xuất khẩu là người nộp thuế TTĐB. Khi bán hàng hóa, cơ sở kinh doanh xuất khẩu phải kê khai và nộp đủ thuế TTĐB.

Như vậy, khi xác định đối tượng nộp thuế TTĐB phải có đầy đủ 2 điều kiện: Đối tượng đó hoặc là người sản xuất hàng hóa, kinh doanh dịch vụ hoặc là người nhập khẩu hàng hóa nằm trong danh mục chịu thuế TTĐB. Sở dĩ thuế TTĐB đánh cả vào hàng nhập khẩu, một mặt nhằm đảm bảo công bằng giữa hàng sản xuất trong nước và hàng ngoại nhập, mặt khác để bảo hộ sản xuất trong nước, phù hợp với thông lệ quốc tế.

Ví dụ 1: Công ty thuốc lá Thăng Long sản xuất thuốc điếu bán cho công ty thương mại Hà Nội để phân phối cho người tiêu dùng. Công ty nào phải nộp thuế tiêu thụ đặc biệt?

Đáp án: Công ty thuốc lá Thăng Long.

Ví dụ 2: Công ty rượu Hà Nội bán cho công ty Intimex để xuất khẩu theo hợp đồng đã ký kết. Công ty Intimex chỉ xuất khẩu được một phần. Trong trường hợp này công ty nào phải nộp thuế tiêu thụ đặc biệt.

Đáp án: Công ty Intimex nộp thuế tiêu thụ đặc biệt cho số rượu công ty Intimex bán trong nước.

3. Cách xác định thuế tiêu thụ đặc biệt

Công thức xác định:

3.1. Giá tính thuế tiêu thụ đặc biệt

Về nguyên tắc, giá tính thuế TTĐB được xác định trên cơ sở giá chưa có thuế TTĐB, chưa có thuế giá trị gia tăng và chưa có thuế bảo vệ môi trường. Quy định như vậy là để đảm bảo sự nhất quán về phương pháp tính thuế giữa hàng sản xuất trong nưóc và hàng nhập khẩu. Cụ thể là:

– Đối với hàng hóa nhập khẩu do cơ sở kinh doanh nhập khẩu bán ra và hàng hóa sản xuất trong nước, giá tính thuế TTĐB được xác định như sau:

Trong đó, giá bán chưa có thuế giá trị gia tăng được xác định theo quy định của pháp luật về thuế giá trị gia tăng, thuế bảo vệ môi trường xác định theo quy định của pháp luật về thuế bảo vệ môi trường.

Ví dụ 3: Một cây thuốc lá điếu do công ty Thăng Long bán cho khách hàng là 55.000 đồng. Thuế GTGT là 5.000 đồng. Thuế suất thuế TTĐB là 65%. Giá tính thuế TTĐB là bao nhiêu?

Đáp án:

Giá tính thuế TTĐB đối với một cây thuốc lá là:

(55.000 – 5.000)/(1 + 65% ) = 30.303 (VNĐ)

– Đối với hàng nhập khẩu: Giá tính thuế TTĐB đối với hàng nhập khẩu thuộc diện chịu thuế TTĐB được xác định như sau:

Giá tính thuế TTĐB = Giá tính thuế nhập khẩu + Thuế nhập khẩu

Trường hợp thuế nhập khẩu được miễn hoặc giảm thì giá tính thuế TTĐB tính theo số thuế sau khi được miễn hoặc giảm.

– Đối với hàng hóa chịu thuế TTĐB, giá tính thuế TTĐB là giá chưa có thuế GTGT, thuế bảo vệ môi trường (nếu có), chưa có thuế TTĐB và không loại trừ giá trị vỏ bao bì.

– Đối với hàng hóa gia công là giá tính thuế của hàng hóa bán ra của cơ sở giao gia công hoặc giá bán của sản phẩm cùng loại hoặc tương đương tại cùng thời điểm bán hàng chưa có thuế GTGT, thuế bảo vệ môi trường (nếu có) và chưa có thuế TTĐB.

– Đối với hàng hóa bán theo phương thức trả góp, trả chậm, giá tính thuế TTĐB là giá bán chưa có thuế GTGT, thuế bảo vệ môi trường (nếu có) và chưa có thuế TTĐB của hàng hóa bán theo phương thức trả tiền một lần, không bao gồm khoản lãi trả góp, lãi trả chậm.

– Đối với hàng hóa, dịch vụ dùng để trao đổi, tiêu dùng nội bộ, biếu, tặng, cho, khuyến mại là giá tính thuế TTĐB của hàng hóa, dịch vụ cùng loại hoặc tương đương tại thời điểm phát sinh các hoạt động này.

– Đối với hàng hóa sản xuất dưới hình thức hợp tác kinh doanh giữa cơ sở sản xuất và cơ sở sử dụng hoặc sở hữu thương hiệu (nhãn hiệu) hàng hóa, công nghệ sản xuất thì giá làm căn cứ tính thuế TTĐB là giá bán ra chưa có thuế GTGT và thuế bảo vệ môi trường (nếu có) của cơ sở sử dụng hoặc sở hữu thương hiệu hàng hóa, công nghệ sản xuất.

Ví dụ 4: Công ty A nhập khẩu 100 chiếc điều hòa công suất 18.000 BTU. Giá mua trên hóa đơn thương mại là 200 USD/chiếc. Chi phí vận chuyển và bảo hiểm quốc tế là 5.000 USD. Thuế suất thuế nhập khẩu của điều hòa là 20%. Tỷ giá tính thuế 1 USD = 22.000 VNĐ. Giá tính thuế TTĐB là bao nhiêu?

Đáp án:

Thuế nhập khẩu:

(100 × 200 + 5.000) × 20% × 22.000 = 110.000.000 (VNĐ)

Giá tính thuế TTĐB:

(100 × 200 + 5.000) × 22.000 + 110.000.000 = 660.000.000 (VNĐ)

Ví dụ 5: Công ty A chuyển 200 lít rượu trắng cho công ty để công ty B gia công đóng chai thành rượu màu. Chi phí gia công là 8.000 chai. Định mức tiêu hao 1lít/chai. Hiện tại công ty A đang bán rượu màu với giá chưa thuế GTGT là 32.000 đồng chai. Tháng 9 đã bàn giao 2.000 chai. Thuế suất thuế TTĐB đối với rượu là 45%. Tính thuế TTĐB công ty phải nộp?

Đáp án:

Công ty B phải tính và nộp thuế TTĐB cho một chai là:

Giá tính thuế TTĐB: = 32.000 /(1 + 45%) = 22.069 VNĐ

Ví dụ 6: Thực hiện kế hoạch hội nghị khách hàng, công ty SAB chuyên sản xuất bia và đã xuất 250 két bia dùng làm quà tặng cho khách hàng. Loại bia này công ty đang bán là 330.000 đồng/két. Đã bao gồm thuế GTGT là 30.000 đồng. Xác định giá tính thuế TTĐB?

Đáp án:

Giá tính thuế TTĐB của 250 két bia:

250 × (330.000 – 30.000)/(1 + 45%) = 51.724.135 VNĐ

– Đối với dịch vụ, giá tính thuế TTĐB là giá cung ứng dịch vụ của cơ sở kinh doanh chưa có thuế GTGT và chưa có thuế TTĐB, được xác định như sau:

Giá dịch vụ chưa có thuế GTGT làm căn cứ xác định giá tính thuế TTĐB đối với một số dịch vụ quy định như sau:

+ Đối với kinh doanh gôn (bao gồm cả kinh doanh sân tập gôn) là doanh thu chưa có thuế GTGT về bán thẻ hội viên, bán vé chơi gôn, bao gồm cả tiền bán vé tập gôn, tiền bảo dưỡng sân cỏ, hoạt động cho thuê xe (buggy) và thuê người giúp việc trong khi chơi gôn (caddy), tiền ký quỹ (nếu có) và các khoản thu khác liên quan đến chơi gôn do người chơi gôn, hội viên trả cho cơ sở kinh doanh gôn.

+ Đối với kinh doanh ca-si-nô, trò chơi điện tử có thưởng, giá làm căn cứ xác định giá tính thuế TTĐB là doanh thu từ kinh doanh ca-si-nô, trò chơi điện tử có thưởng đã trừ tiền trả thưởng cho khách

+ Đối với kinh doanh đặt cược, giá làm căn cứ xác định giá tính thuế TTĐB là doanh thu bán vé đặt cược trừ (-) tiền trả thưởng cho khách hàng (giá chưa có thuế GTGT), không bao gồm doanh số bán vé vào cửa xem các sự kiện giải trí gắn với hoạt động đặt cược.

+ Đối với kinh doanh vũ trường, mát-xa và ka-ra-ô-kê, giá làm căn cứ xác định giá tính thuế TTĐB là doanh thu chưa có thuế GTGT của các hoạt động trong vũ trường, cơ sở mát-xa và ka-ra-ô-kê, bao gồm cả doanh thu của dịch vụ ăn uống và các dịch vụ khác đi kèm.

+ Đối với kinh doanh xổ số, giá làm căn cứ xác định giá tính thuế TTĐB là doanh thu bán vé các loại hình xổ số được phép kinh doanh theo quy định của pháp luật (doanh thu chưa có thuế GTGT).

Ví dụ 7: Công ty xổ số miền Bắc trong tháng 9 đã bán được 12.000 vé thu về được tổng số tiền là 4.200.000.000 đồng. Đã bao gồm thuế GTGT là 381.818.818 đồng. Xác định giá tính thuế TTĐB của hoạt động kinh doanh xổ số của công ty miền Bắc? Biết thuế suất thuế TTĐB của xổ số là 15%.

Đáp án:

Giá tính thuế TTĐB đối kinh doanh xổ số tháng 9 là:

(4.200.000.000 – 381.818.818)/(1 + 15%) = 3.320.157.550 VNĐ

+ Giá tính thuế TTĐB đối với hàng hóa, dịch vụ quy định từ Khoản 1 đến Khoản 9 Điều này bao gồm cả khoản thu thêm tính ngoài giá bán hàng hóa, giá cung ứng dịch vụ (nếu có) mà cơ sở sản xuất kinh doanh được hưởng. Riêng đối với mặt hàng thuốc lá giá tính thuế TTĐB bao gồm cả khoản đóng góp bắt buộc và kinh phí hỗ trợ quy định tại Luật phòng, chống tác hại của thuốc lá.

3.2. Thuế suất thuế TTĐB

Thuế suất thuế TTĐB không phân biệt hàng hóa nhập khẩu hay hàng hóa sản xuất trong nước.

Đối với rượu thuốc: Phải có giấy phép sản xuất, giấy chứng nhận tên, mác, nhãn hiệu… do cơ quan y tế hoặc cơ quan có thẩm quyền cấp. Đối với rượu thuốc nhập khẩu phải được cơ quan y tế hoặc cơ quan có thẩm quyền xác định, cấp giấy phép nhập khẩu.

Hàng mã thuộc diện chịu thuế TTĐB không bao gồm loại hàng mã là đồ chơi trẻ em và các loại hàng mã dùng để trang trí.

Thuế suất thuế TTĐB đối với hàng hóa, dịch vụ được quy định theo Biểu thuế TTĐB trong Luật thuế TTĐB hiện hành:

  • Thuế suất thay đổi trong khung từ 7% – 150%.
  • Mức thấp nhất là 7% (xăng các loại, điều hòa nhiệt độ).
  • Thuế suất trung bình dịch vụ (27,5%), hàng hóa (33,4%.
  • Thuế suất phổ biến ở mức (30% – 40%).
  • Thuế suất cao nhất ở mức 150% (ô tô có dung tích xilanh lớn hơn 6000 cc)

Biểu thuế tiêu thụ đặc biệt

Thời điểm xác định thuế TTĐB 

+ Đối với hàng hóa: Thời điểm phát sinh doanh thu đối với hàng hóa là thời điểm chuyển giao quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng hàng hóa cho người mua, không phân biệt đã thu được tiền hay chưa thu được tiền.

+ Đối với dịch vụ: Thời điểm phát sinh doanh thu là thời điểm hoàn thành việc cung ứng dịch vụ hoặc thời điểm lập hóa đơn cung ứng dịch vụ, không phân biệt đã thu được tiền hay chưa thu được tiền.

+ Đối với hàng hóa nhập khẩu là thời điểm đăng ký tờ khai hải quan.

3.3. Thuế TTĐB được khấu trừ

Người nộp thuế sản xuất hàng hóa thuộc đối tượng chịu thuế TTĐB bằng các nguyên liệu chịu thuế TTĐB được khấu trừ số thuế TTĐB đã nộp đối với nguyên liệu nhập khẩu hoặc đã trả đối với nguyên liệu mua trực tiếp từ cơ sở sản xuất trong nước khi xác định số thuế TTĐB phải nộp. Số thuế TTĐB được khấu trừ tương ứng với số thuế TTĐB của nguyên liệu đã sử dụng để sản xuất hàng hóa bán ra. Số thuế TTĐB chưa được khấu trừ hết trong kỳ thì được khấu trừ vào kỳ tiếp theo.

Người nộp thuế TTĐB đối với hàng hóa chịu thuế TTĐB nhập khẩu được khấu trừ số thuế TTĐB đã nộp ở khâu nhập khẩu khi xác định số thuế TTĐB phải nộp bán ra trong nước. Số thuế TTĐB được khấu trừ tương ứng với số thuế TTĐB của hàng hóa chịu thuế TTĐB nhập khẩu bán ra và chỉ được khấu trừ tối đa bằng tương ứng số thuế TTĐB tính được ở khâu bán ra trong nước. Trường hợp đặc biệt đối với số thuế TTĐB không được khấu trừ hết do nguyên nhân khách quan bất khả kháng, người nộp thuế được hạch toán vào chi phí để tính thuế thu nhập doanh nghiệp.

4. Giảm thuế, hoàn thuế, kê khai, nộp thuế TTĐB

4.1. Giảm thuế, hoàn thuế TTĐB

Miễn, giảm thuế TTĐB

Người nộp thuế sản xuất hàng hóa thuộc diện chịu thuế TTĐB gặp khó khăn do thiên tai, tai nạn bất ngờ được giảm thuế. Mức giảm thuế được xác định trên cơ sở tổn thất thực tế do thiên tai, tai nạn bất ngờ gây ra nhưng không quá 30% số thuế phải nộp của năm xảy ra thiệt hại và không vượt quá giá trị tài sản bị thiệt hại sau khi được bồi thường (nếu có). Trong trường hợp bị thiệt hại nặng có thể được xét miễn thuế TTĐB.

Hoàn thuế TTĐB

Người nộp thuế TTĐB được hoàn thuế đã nộp trong các trường hợp sau đây:

1/ Hàng tạm nhập khẩu, tái xuất khẩu bao gồm:

a. Hàng hóa nhập khẩu đã nộp thuế TTĐB nhưng còn lưu kho, lưu bãi tại cửa khẩu và đang chịu sự giám sát của cơ quan hải quan, được tái xuất ra nước ngoài.

b. Hàng hóa nhập khẩu đã nộp thuế TTĐB để giao, bán hàng cho nước ngoài thông qua các đại lý tại Việt Nam; hàng hóa nhập khẩu để bán cho các phương tiện của các hãng nước ngoài trên các tuyến đường quốc tế qua cảng Việt Nam và các phương tiện của Việt Nam trên các tuyến đường quốc tế theo quy định của Chính phủ.

c. Hàng tạm nhập khẩu để tái xuất khẩu theo phương thức kinh doanh hàng tạm nhập tái xuất khi tái xuất khẩu được hoàn lại số thuế TTĐB đã nộp tương ứng với số hàng tái xuất khẩu.

d. Hàng nhập khẩu đã nộp thuế TTĐB nhưng tái xuất khẩu ra nước ngoài được hoàn lại số thuế TTĐB đã nộp đối với số hàng xuất trả lại nước ngoài.

đ. Hàng tạm nhập khẩu để dự hội chợ, triển lãm, giới thiệu sản phẩm hoặc để phục vụ công việc khác trong thời hạn nhất định đã nộp thuế TTĐB, khi tái xuất khẩu được hoàn thuế.

e. Hàng nhập khẩu đã nộp thuế TTĐB theo khai báo, nhưng thực tế nhập khẩu ít hơn so với khai báo; hàng nhập khẩu trong quá trình nhập khẩu bị hư hỏng, mất có lý do xác đáng, đã nộp thuế TTĐB.

g. Đối với hàng nhập khẩu chưa phù hợp về chất lượng, chủng loại theo hợp đồng, giấy phép nhập khẩu được phép nhập khẩu thì cơ quan hải quan kiểm tra và xác nhận lại số thuế TTĐB phải nộp, nếu có số thuế đã nộp thừa thì được hoàn lại, nếu nộp thiếu thì phải nộp đủ số phải nộp.

Trường hợp được phép xuất khẩu trả lại nước ngoài thì được hoàn lại số thuế TTĐB đã nộp đối với số hàng xuất trả lại nước ngoài.

Trường hợp trả lại hàng cho bên nước ngoài trong thời hạn chưa phải nộp thuế nhập khẩu theo chế độ quy định thì cơ quan hải quan kiểm tra thủ tục và thực hiện việc không thu thuế TTĐB phù hợp với số hàng nhập khẩu trả lại nước ngoài.

2/ Hàng hóa là nguyên liệu nhập khẩu để sản xuất, gia công hàng xuất khẩu được hoàn lại số thuế TTĐB đã nộp tương ứng với số nguyên liệu dùng để sản xuất hàng hóa thực tế xuất khẩu.

3/ Cơ sở sản xuất, kinh doanh quyết toán thuế khi sáp nhập, chia, tách, giải thể, phá sản, chuyển đổi hình thức sở hữu, giao, bán, khóan, cho thuê doanh nghiệp nhà nước có số thuế TTĐB nộp thừa, cơ sở có quyền đề nghị cơ quan thuế hoàn lại số thuế TTĐB nộp thừa.

4/ Hoàn thuế TTĐB trong các trường hợp:

  • Hoàn thuế theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền theo quy định của pháp luật.
  • Hoàn thuế theo điều ước quốc tế mà Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.
  • Hoàn thuế trong trường hợp có số tiền thuế TTĐB đã nộp lớn hơn số tiền thuế TTĐB phải nộp theo quy định.

4.2. Đăng ký, kê khai, nộp thuế, quyết toán thuế TTĐB

Đăng ký thuế

– Cơ sở sản xuất hàng hóa, kinh doanh dịch vụ chịu thuế TTĐB (kể cả chi nhánh, cơ sở phụ thuộc) phải đăng ký thuế tại nơi sản xuất kinh doanh.

– Cơ sở sản xuất hàng hóa chịu thuế TTĐB có sử dụng nhãn hiệu hàng hóa phải đăng ký mẫu nhãn hiệu với cơ quan thuế nơi sản xuất kinh doanh.

Kê khai thuế

– Khai thuế TTĐB theo tháng áp dụng đối với hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng chịu thuế TTĐB.

– Cơ sở nhập khẩu hàng hóa phải kê khai và nộp tờ khai hàng hóa chịu thuế TTĐB nhập khẩu theo từng lần nhập khẩu cùng với việc kê khai thuế nhập khẩu với cơ quan thu thuế nhập khẩu.

Trường hợp nhập khẩu ủy thác thì tổ chức nhập khẩu ủy thác là đối tượng kê khai, nộp thuế TTĐB.

– Cơ sở kinh doanh xuất khẩu mua hàng để xuất khẩu nhưng không xuất khẩu mà bán trong nước thì phải kê khai và nộp đủ thuế TTĐB thay cho cơ sở sản xuất theo từng lần phát sinh.

– Người nộp thuế sản xuất hàng hóa, gia công hàng hóa, kinh doanh dịch vụ chịu thuế tiêu thụ đặc biệt; kinh doanh xuất khẩu mua hàng chưa nộp thuế tiêu thụ đặc biệt, sau đó không xuất khẩu mà bán trong nước phải nộp hồ sơ khai thuế tiêu thụ đặc biệt với cơ quan thuế quản lý trực tiếp.

– Trường hợp người nộp thuế sản xuất hàng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt thực hiện bán hàng qua chi nhánh, cửa hàng, đơn vị trực thuộc hoặc bán hàng thông qua đại lý bán đúng giá hưởng hoa hồng, xuất hàng bán ký gửi, người nộp thuế phải khai thuế tiêu thụ đặc biệt cho toàn bộ số hàng hóa này với cơ quan thuế quản lý trực tiếp. Các chi nhánh, cửa hàng, đơn vị trực thuộc, đại lý, đơn vị bán hàng ký gửi không phải khai thuế tiêu thụ đặc biệt nhưng khi gửi Bảng kê bán hàng cho người nộp thuế thì đồng gửi một bản cho cơ quan thuế quản lý trực tiếp đơn vị trực thuộc, đại lý, đơn vị bán hàng ký gửi để theo dõi.

– Trường hợp người nộp thuế có cơ sở phụ thuộc sản xuất hàng hóa chịu thuế tiêu thụ đặc biệt đóng trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khác với tỉnh, thành phố nơi đóng trụ sở chính thì phải khai thuế tiêu thụ đặc biệt với cơ quan thuế quản lý trực tiếp tại địa phương nơi có cơ sở sản xuất.

Hồ sơ khai thuế tiêu thụ đặc biệt:

  • Tờ khai thuế tiêu thụ đặc biệt tháng;
  • Bảng kê hóa đơn bán hàng hóa, dịch vụ chịu thuế tiêu thụ đặc biệt;
  • Hồ sơ khai thuế TTĐB đối với cơ sở kinh doanh xuất khẩu mua hàng để xuất khẩu nhưng không xuất khẩu mà bán trong nước là tờ khai thuế TTĐB và hóa đơn, hợp đồng, và các chứng từ khác có liên quan đến nghĩa vụ thuế theo quy định của pháp luật.

5. Hệ thống văn bản hiện hành

Các văn bản pháp luật hiện hành quy định về thuế TTĐB bao gồm:

Nộp thuế TTĐB

– Người nộp thuế có nghĩa vụ nộp thuế đầy đủ, đúng hạn vào ngân sách nhà nước.

– Thời hạn nộp thuế chậm nhất là ngày cuối cùng của thời hạn nộp hồ sơ khai thuế đối với trường hợp người nộp thuế tự tính thuế (ngày thứ 20 của tháng tiếp theo tháng phát sinh nghĩa vụ thuế) hoặc thời hạn nộp thuế ghi trên thông báo, quyết định, văn bản của cơ quan thuế hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền khác.

TÓM LƯỢC CUỐI BÀI

Thuế TTĐB chỉ phát sinh ở một phạm vi hẹp ở các cơ sở kinh doanh do sắc thuế này đánh vào các hàng hóa, dịch vụ nằm trong danh mục Nhà nước quy định. Khi nghiên cứu sắc thuế này cần chú ý những vấn đề sau:

Thứ nhất, theo quy định hiện hành chỉ có 10 nhóm hàng hóa và 6 nhóm dịch vụ chịu thuế. Trong nhiều trường hợp các hàng hóa, dịch vụ trên là đối tượng không chịu thuế.

Thứ hai, chủ thể nộp thuế chỉ là các cơ sở sản xuất, nhập khẩu hàng hóa và cung ứng dịch vụ chịu thuế. Các cơ sở kinh doanh hàng hóa không phải là đối tượng nộp thuế.

Thứ ba, giá tính thuế được quy định cụ thể trong nhiều trường hợp theo nguyên tắc chưa bao gồm thuế TTĐB.

Thứ tư, khái niệm khấu trừ thuế TTĐB áp dụng trong trường hợp nguyên liệu mua vào chịu thuế dùng cho sản xuất hàng hóa chịu thuế.

(Lytuong.net – Nguồn tham khảo: topica.edu.vn)

5/5 - (1 bình chọn)

Có thể bạn quan tâm

123123

Lytuong.net – Contact: admin@lytuong.net