- Thuế bảo vệ môi trường là gì? Phân tích các đặc điểm của thuế bảo vệ môi trường.
- Cách tính thuế bảo vệ môi trường theo quy định pháp luật hiện hành của Việt Nam.
1. Khái niệm
Thuế bảo vệ môi trường là loại thuế gián thu, đánh vào sản phẩm, hàng hóa khi sử dụng gây tác động xấu đến môi trường.
Thuế bảo vệ môi trường có các đặc điểm cơ bản sau:
– Thuế bảo vệ môi trường là sắc thuế thuộc loại thuế gián thu.Thuế bảo vệ môi trường điều tiết vào hành vi tiêu dùng nhằm điều chỉnh hành vi của các nhà sản xuất và người tiêu dùng trong vấn đề bảo vệ môi trường sinh thái. Từ đó định hướng hành vi xã hội theo hướng gìn giữ hiệu quả các thành phần môi trường cũng như sử dụng tiết kiệm, hợp lý các nguồn tài nguyên thiên nhiên. Khi đánh vào những người sản xuất các sản phẩm có nguy cơ gây ô nhiễm cao thì chi phí về thuế sẽ được tính vào trong giá cả và người tiêu dùng phải chịu.
– Thuế bảo vệ môi trường chỉ thu một lần ở khâu sản xuất, nhập khẩu hàng hóa. Đây là sắc thuế tiêu dùng một giai đoạn, không đánh trùng và giảm thiểu chi phí hành thu, đảm bảo tính hiệu quả và tính khả thi của sắc thuế này.
– Thuế bảo vệ môi trường mang tính chất của một khoản phí. Mục đích của thuế bảo vệ môi trường nhằm bù đắp các khoản chi từ quỹ bảo vệ môi trường sinh thái, đảm bảo sự phát triển bền vững.
– Thuế bảo vệ môi trường là sắc thuế được người dân ủng hộ hơn so với một số thuế khác, không chỉ vì mục tiêu của nó là bảo vệ môi trường mà còn vì thu thuế được dựa vào “hành vi xấu” là việc gây ô nhiễm môi trường, chứ không phải dựa vào “hành vi tốt” như sản xuất, kinh doanh hoặc tạo thu nhập.
Thuế bảo vệ môi trường có các vai trò chủ yếu sau:
Thứ nhất, tăng nguồn thu cho NSNN. Mục đích của thuế bảo vệ môi trường không nên hướng tới nguồn thu ngân sách nhà nước mà chủ yếu để hình thành quỹ xử lý, bảo vệ, tái tạo môi trường. Để hạn chế tính lũy thóai của thuế bảo vệ môi trường cũng như đảm bảo mục đích của thuế bảo vệ môi trường, các hàng hóa, dịch vụ có mức độ ô nhiễm môi trường khác nhau nên được thiết kế mức thuế suất khác nhau.
Thứ hai, Thuế bảo vệ môi trường nhằm mục đích chủ yếu là khuyến khích người gây ô nhiễm giảm lượng chất ô nhiễm thải ra môi trường, góp phần bảo vệ môi trường, bảo đảm phát triển bền vững. Trên thực tế, thuế môi trường được áp dụng dưới nhiều dạng khác nhau tuỳ thuộc vào quan điểm của từng quốc gia. Một số nước áp dụng một sắc thuế môi trường độc lập. Một số nước đưa mục tiêu bảo vệ môi trường trong các sắc thuế khác như thuế TTĐB, thuế TNDN, thuế tài nguyên… Một số quốc gia áp dụng chính sách thuế liên quan đến mục tiêu và đối tượng ô nhiễm, như thuế đánh vào nguồn gây ô nhiễm, thuế đánh vào sản phẩm gây ô nhiễm, thuế đánh vào người sử dụng sản phẩm gây ô nhiễm…
2. Đối tượng nộp thuế, đối tượng chịu thuế và đối tượng không chịu thuế
a. Đối tượng nộp thuế
Người nộp thuế bảo vệ môi trường là tổ chức, hộ gia đình, cá nhân sản xuất, nhập khẩu hàng hóa thuộc đối tượng chịu thuế.
Người nộp thuế bảo vệ môi trường trong một số trường hợp cụ thể được quy định như sau:
- Người nhận ủy thác nhập khẩu hàng hóa là người nộp thuế bảo vệ môi trường, không phân biệt hình thức nhận ủy thác nhập khẩu và xuất giao trả hàng cho người ủy thác hay nhận ủy thác nhập khẩu.
- Tổ chức, hộ gia đình và cá nhân sản xuất, nhận gia công đồng thời nhận ủy thác bán hàng hóa vào thị trường Việt Nam là người nộp thuế bảo vệ môi trường. Trường hợp tổ chức, hộ gia đình, cá nhân nhận gia công nhưng không nhận ủy thác bán hàng thì tổ chức, hộ gia đình, cá nhân giao gia công là người nộp thuế bảo vệ môi trường khi xuất, bán hàng hóa tại Việt Nam.
- Trường hợp tổ chức, hộ gia đình, cá nhân làm đầu mối thu mua than khai thác nhỏ, lẻ mà không xuất trình được chứng từ chứng minh hàng hóa đã được nộp thuế bảo vệ môi trường thì tổ chức, hộ gia đình, cá nhân làm đầu mối thu mua là người nộp thuế.
b. Đối tượng chịu thuế
Bao gồm 8 nhóm mặt hàng có ảnh hưởng đến môi trường:
- Xăng, dầu, mỡ nhờn, bao gồm: Xăng, trừ etanol; Nhiên liệu bay; Dầu diezel; Dầu hỏa; Dầu mazut; Dầu nhờn; Mỡ nhờn.
- Than đá bao gồm: Than nâu; Than an-tra-xít (antraxit); Than mỡ; Than đá khác.
- Dung dịch hydro-chloro-fluoro-carbon (HCFC) là nhóm chất gây suy giảm tầng ô zôn dùng làm môi chất lạnh sử dụng trong thiết bị làm lạnh và trong công nghiệp bán dẫn, được sản xuất trong nước, nhập khẩu riêng hoặc chứa trong các thiết bị điện lạnh nhập khẩu.
- Túi ni lông thuộc diện chịu thuế (túi nhựa xốp) là loại túi, bao bì nhựa mỏng làm từ màng nhựa đơn HDPE (high density polyethylene resin), LDPE (Low density polyethylen) hoặc LLDPE (Linear low density polyethylen resin), trừ bao bì đóng gói sẵn hàng hóa và túi ni lông đáp ứng tiêu chí thân thiện với môi trường theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường .
- Thuốc diệt cỏ thuộc loại hạn chế sử dụng.
- Thuốc trừ mối thuộc loại hạn chế sử dụng.
- Thuốc bảo quản lâm sản thuộc loại hạn chế sử dụng.
- Thuốc khử trùng kho thuộc loại hạn chế sử dụng.
Ví dụ 1: Công ty ICONEX nhập khẩu ủy thác cho Công ty Cổ phần Gang thép Thái Nguyên 1.000 tấn than cốc từ đối tác Trung Quốc. Mức thuế bảo vệ môi trường là 10.000 – 30.000 đồng/tấn. Vậy chủ thể nộp thuế bảo vệ môi trường là ai? Chứng từ nộp thuế bảo vệ môi trường mang tên Công ty ICONEX hay Công ty Cổ phần Gang thép Thái Nguyên?
Đáp án: Công ty ICONEX
c. Đối tượng không chịu thuế
Hàng hóa không chịu thuế trong các trường hợp sau:
– Hàng hóa được vận chuyển từ nước xuất khẩu đến nước nhập khẩu qua cửa khẩu Việt Nam (quá cảnh hoặc chuyển khẩu qua cửa khẩu biên giới, gồm cả trường hợp đã đưa vào kho ngoại quan) nhưng không làm thủ tục nhập khẩu vào Việt Nam và không làm thủ tục xuất khẩu ra khỏi Việt Nam.
– Hàng hóa quá cảnh qua cửa khẩu, biên giới Việt Nam trên cơ sở Hiệp định ký kết giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ nước ngoài hoặc giữa cơ quan, người đại diện được Chính phủ Việt Nam và Chính phủ nước ngoài ủy quyền theo quy định của pháp luật.
– Hàng hóa tạm nhập khẩu, tái xuất khẩu trong thời hạn theo quy định của pháp luật.
– Hàng hóa xuất khẩu ra nước ngoài do cơ sở sản xuất (bao gồm cả gia công) trực tiếp xuất khẩu hoặc ủy thác cho cơ sở kinh doanh xuất khẩu để xuất khẩu, trừ trường hợp tổ chức, hộ gia đình, cá nhân mua hàng hóa thuộc đối tượng chịu thuế bảo vệ môi trường để xuất khẩu.
3. Cách xác định thuế bảo vệ môi trường
Thuế bảo vệ môi trường phải nộp được tính theo công thức sau:
a. Số lượng đơn vị hàng hóa tính thuế
– Đối với hàng hóa sản xuất trong nước:
Số lượng hàng hóa tính thuế là số lượng hàng hóa sản xuất bán ra, trao đổi, tiêu dùng nội bộ, tặng cho, khuyến mại, quảng cáo.
– Đối với hàng hóa nhập khẩu:
Số lượng hàng hóa tính thuế là số lượng hàng hóa nhập khẩu.
– Đối với hàng hóa là nhiên liệu hỗn hợp chứa xăng, dầu, mỡ nhờn gốc hóa thạch và nhiên liệu sinh học:
Số lượng hàng hóa tính thuế trong kỳ là số lượng xăng, dầu, mỡ nhờn gốc hóa thạch có trong số lượng nhiên liệu hỗn hợp nhập khẩu hoặc sản xuất bán ra, trao đổi, tặng cho, đưa vào tiêu dùng nội bộ được quy đổi ra đơn vị đo lường quy định tính thuế của hàng hóa tương ứng. Cách xác định như sau:
b. Mức thuế tuyệt đối làm căn cứ tính thuế bảo vệ môi trường
Mức thuế tuyệt đối làm căn cứ tính thuế bảo vệ môi trường đối với từng loại hàng hóa là mức thuế được quy định tại Biểu mức thuế bảo vệ môi trường.
Mức thuế tuyệt đối được quy định theo Biểu khung thuế dưới đây:
STT | Hàng hóa | Đơn vị tính | Mức thuế (đồng/1 đơn vị hàng hóa) |
I | Xăng, dầu, mỡ nhờn. | ||
1 | Xăng, trừ etanol. | lít | 1.000-4.000 |
2 | Nhiên liệu bay. | lít | 1.000-3.000 |
3 | Dầu diezel. | lít | 500-2.000 |
4 | Dầu hỏa. | lít | 300-2.000 |
5 | Dầu mazut. | lít | 300-2.000 |
6 | Dầu nhờn. | lít | 300-2.000 |
7 | Mỡ nhờn. | kg | 300-2.000 |
II | Than đá. | ||
1 | Than nâu. | tấn | 10.000-30.000 |
2 | Than an-tra-xít (antraxit). | tấn | 20.000-50.000 |
3 | Than mỡ. | tấn | 10.000-30.000 |
4 | Than đá khác. | tấn | 10.000-30.000 |
III | Dung dịch Hydro-chloro-fluoro-carbon (HCFC). | kg | 1.000-5.000 |
IV | Túi ni lông thuộc diện chịu thuế . | kg | 30.000-50.000 |
V | Thuốc diệt cỏ thuộc loại hạn chế sử dụng. | kg | 500-2.000 |
VI | Thuốc trừ mối thuộc loại hạn chế sử dụng. | kg | 1.000-3.000 |
VII | Thuốc bảo quản lâm sản thuộc loại hạn chế sử dụng. | kg | 1.000-3.000 |
VIII | Thuốc khử trùng kho thuộc loại hạn chế sử dụng. | kg | 1.000-3.000 |
Ví dụ 2:
Doanh nghiệp A sản xuất túi ni lông đa lớp. Túi này được sản xuất từ 70% màng nhựa đơn HDPE và 30% màng nhựa khác (PA, PP,…). Trong tháng doanh nghiệp sản xuất và bán ra 100 kg túi đa lớp. Hãy tính số thuế bảo vệ môi trường công ty phải nộp? Đáp án:
Số thuế bảo vệ môi trường đối với túi ni lông của doanh nghiệp A phải nộp: 100 kg × 70% × 40.000 đồng/kg = 2.800.000 đồng.
Ví dụ 3:
Doanh nghiệp bảo vệ thực vật An Giang chuyên nhập khẩu các loại thuốc diệt cỏ. Tháng 9/2016 doanh nghiệp nhập khẩu lô hàng 100 tấn thuốc diệt cỏ CO 2,4D của đối tác Trung Quốc tại cửa khẩu quốc tế Lào Cai. Hãy tính số thuế bảo vệ môi trường doanh nghiệp phải nộp?
Biết rằng mức thuế bảo vệ môi trường đối với thuốc diệt cỏ là 2.000 đồng/kg.
Đáp án:
Số thuế bảo vệ môi trường đối với lô hàng thuốc diệt cỏ: 100 × 1.000 × 2.000 đồng/kg = 200.000.000 đồng
4. Hệ thống văn bản hiện hành
Hệ thống văn bản hiện hành về thuế bảo vệ môi trường:
- Luật Thuế bảo vệ môi trường của Quốc hội, số 57/2010/QH12;
- Nghị định 67/2011/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thuế bảo vệ môi trường;
- Thông tư 152/2011/TT-BTC;
- Thông tư 60/2015/TT-BTC;
- Thông tư 156/2013/TT-BTC.
(Lytuong.net – Nguồn: topica.edu.vn)