Xác định Thời điểm và các phương thức thu hoạch lúa.
I. Thời điểm thu hoạch lúa
– Chuẩn bị thu hoạch lúa:
Thu hoạch đúng thời gian giúp tránh hao hụt vì nếu thu hoạch quá sớm hay quá muộn đều xảy ra thất thoát. Khi thu hoạch hạt chưa chín hoàn toàn gây ra thất thoát do tăng tỷ lệ gạo tấm và giảm tỷ lệ gạo nguyên, còn nếu thu hoạch trễ, do cây trồng còn nằm trên đồng ruộng khó tránh khỏi thiệt hại do côn trùng, chim chuột cắn phá, ngoài ra còn có thể thất thoát do đổ ngã hoặc rụng hạt (tùy theo giống, do gió bão, do va chạm…). Từ đó, nông dân cần chú ý chọn ngày thu hoạch thích hợp tùy theo giống lúa.
– Sự chín của hạt lúa: Thông thường xác định thời điểm thu hoạch là khi ruộng lúa chín vàng. Tuy nhiên, độ chín sinh học trên một bông lúa vẫn không đều nhau, khi những hạt lúa trên bông đã chuyển sang chín sáp là khi đó hạt lúa đã đủ yếu tố chuyển sang chín hoàn toàn. Trong một bông lúa, hạt lúa ở nhánh gié cấp 1 luôn chín trước, hạt đóng trên các nhánh gié cấp 2, 3 sẽ chín chậm hơn. Vì thế thời điểm thu hoạch không thể chờ tất cả hạt chín hoàn toàn.
– Hao hụt do thời điểm thu hoạch: Thu hoạch trước khi lúa chín hoàn toàn 1 tuần (con số nghiên cứu cho thấy nếu thu hoạch trước ngày chín hoàn toàn 1 tuần thì chỉ thất thoát 0,77%, nếu thu hoạch ngay ngày chín hoàn toàn thì thất thoát là 3,33% và thu hoạch sau ngày chín hoàn toàn 1 tuần thất thoát tăng lên tới 5,63%).
– Chuẩn bị thu hoạch: Trước khi thu hoạch 7 – 10 ngày, tháo cạn nước giúp cho lúa chín nhanh và tạo điều kiện thuận lợi cho thu hoạch.
– Xác định thời điểm thu hoạch: Ít nhất là 85% những hạt trên bông có màu vàng (đã chín), hầu hết các hạt ở cổ bông đã chín sáp.
– Nên thu hoạch lúa giống lúc trời nắng.
II. Các phương thức thu hoạch lúa
Nếu thu hoạch lúa bằng phương pháp cắt bằng tay truyền thống sẽ có rất nhiều công đoạn và hao hụt nhiều, có thể đến 2,3%, gồm những công đoạn như: cắt bông lúa cùng với một phần thân lúa, đặt bông lúa thành mớ trên các gốc lúa đã cắt xong và trên mực nước (trong trường hợp ruộng còn nước), hoặc rải thành hàng để phơi mớ sơ bộ trên ruộng trước khi bó hoặc gom cho máy tuốt ra hạt. Trường hợp mùa mưa, còn phải vận chuyển lúa bông lên bờ cao để máy tuốt ra hạt (sẽ hao hụt rất nhiều, có thể từ 3 đến 7%).
Sự tuần tự các công đoạn thu hoạch thủ công và nếu điều kiện bất lợi sẽ gây hao hụt nhiều về số lượng và chất lượng gạo sau này. Một khó khăn nữa là giá nhân công ngày càng cao và thiếu lao động (do tập trung lao động vào các khu công nghiệp) nên có khi lúa chín tới mà chưa có công cắt thì hao hụt càng tăng lên. Vì vậy, áp dụng kiểu thu hoạch phù hợp sẽ giúp giảm thất thoát và cho hiệu quả sản xuất cao.
1. Bằng liềm:
Là phương pháp cổ truyền và thích hợp với mọi tình huống: Lúa đứng, lúa ngã. Hạn chế của phương pháp này là: Năng suất thấp, hao hụt nhiều và bị áp lực lao động thời vụ.
2. Máy cắt lúa cầm tay:
Máy rất thuận tiện khi cắt lúa ở ruộng có kích thước nhỏ và ruộng bậc thang. Năng suất lao động cao hơn gặt bằng liềm nhưng tỉ lệ hao hụt vẫn
3. Máy gặt – đập liên hợp:
Đây là loại máy phổ biến ở khu vực đồng bằng. Ưu điểm: giảm hao hụt, rút ngắn thời gian thu hoạch, giảm công lao động, chi phí rẻ… Nhược điểm: đòi hỏi chân ruộng hơi cứng, cánh đồng bằng phẳng, không thích hợp vùng trung du, miền núi.
(Nguồn tài liệu: Kỹ thuật thâm canh lúa tiên tiến, Sở nông nghiệp và PTNT tỉnh Quảng Nam, 2016)