Trang chủ Địa lý kinh tế và xã hội Thiết kế xây dựng là gì?

Thiết kế xây dựng là gì?

by Ngo Thinh
Published: Last Updated on 265 views

1. Khái niệm thiết kế xây dựng

Thiết kế xây dựng là sự thể hiện ý đồ xây dựng công trình trên những bản vẽ, những bản vẽ thuyết minh và những chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật chứng minh tính hợp lý của việc xây dựng công trình.

Các bản vẽ bao gồm: Bản vẽ mặt bằng công trình, bản vẽ dây chuyền công nghệ và vị trí các thiết bị chính, bản vẽ chính, bản vẽ phối cảnh toàn bộ công trình và các hạng mục công trình, bản vẽ chi tiết mặt bằng công trình, từng bộ phận của hạng mục công trình (như móng, tường, dầm, mái… có kèm theo các số liệu về vị trí quy cách và số lượng vật liệu, yêu cầu đối với người thi công), bản vẽ chi tiết lắp đặt thiết bị và máy móc.

Các bảng thuyết minh: thuyết minh tình hình địa chất công trình, thuỷ văn, giải pháp về kiến trúc hình khối, mặt bằng của các hạng mục công trình.

Các chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật chứng minh tính hợp lý của việc xây dựng công trình như: Chỉ tiêu tổng vốn đầu tư (cho xây lắp, mua sắm máy móc thiết bị và chi phí kiến thiết cơ bản khác), chỉ tiêu suất vốn đầu tư, chỉ tiêu thời gian xây dựng, chỉ tiêu về sử dụng đất đai (như số ha đất xây dựng tính cho một đơn vị công suất của nhà máy), chỉ tiêu giá thành một đơn vị sản phẩm công trình (nhà máy), chỉ tiêu chi phí vận chuyển nội bộ nhà máy trong quá trình sản xuất, chỉ tiêu phản ánh tỷ lệ giữa giá trị thiết bị máy móc với tổng giá trị dự toán của công trình, chỉ tiêu về điều kiện vệ sinh trong lao động như ánh sáng, thông gió…

2. Nội dung của thiết kế xây dựng

Thiết kế xây dựng công trình bao gồm các nội dung chủ yếu: Phương án công nghệ; công năng sử dụng; phương án kiến trúc, tuổi thọ công trình; phương án kết cấu, kỹ thuật của công trình; phương án phòng, chống cháy, nổ; phương án sử dụng năng lượng đạt hiệu suất cao; giải pháp bảo vệ môi trường; tổng dự toán, dự toán chi phí xây dựng phù hợp với từng bước thiết kế xây dựng.

3. Các bước thiết kế xây dựng công trình

Thiết kế xây dựng công trình bao gồm các bước: thiết kế cơ sở, thiết kế kỹ thuật và thiết kế bản vẽ thi công. Tuỳ theo tính chất, quy mô của từng loại công trình thiết kế xây dựng công trình có thể được lập một bước, hai bước hoặc ba bước.

+ Đối với công trình quy định chỉ phải lập báo cáo kinh tế – kỹ thuật thì được thực hiện thiết kế một bước là thiết kế bản vẽ thi công.

+ Đối với công trình quy định phải lập dự án đầu tư xây dựng công trình thì phải thực hiện thiết kế 2 bước: bước thiết kế cơ sở và bước thiết kế bản vẽ thi công.

+ Đối với công trình quy hoạch phải lập dự án đầu tư xây dựng và có quy mô lớn, phức tạp thì phải thực hiện thiết kế 3 bước: bước thiết kế cơ sở, bước thiết kế kỹ thuật và bước thiết kế bản vẽ thi công.

Bước thiết kế cơ sở là căn cứ để lập dự án đầu tư. Bước thiết kế kỹ thuật bao gồm phần thuyết minh, phần bản vẽ và phần tổng dự toán. Bước thiết kế bản vẽ thi công bao gồm các bản vẽ chi tiết và phần dự toán thiết kế bản vẽ thi công.

4. Ý nghĩa của thiết kế xây dựng

– Thiết kế xây dựng là căn cứ cho tất cả các khâu của quá trình đầu tư và xây dựng:

Thiết kế là sự thể hiện ý đồ xây dựng công trình trên những bản vẽ, bản thuyết minh do đó nó là cơ sở để lập dự án đầu tư; là căn cứ để tổ chức đấu thầu như xác định giá xét thầu, giá dự thầu, yêu cầu về chất lượng công trình và thời gian thi công; là căn cứ để ký kết các hợp đồng và chuẩn bị thi công như tổ chức mặt bằng thi công, bố trí kho bãi sản xuất vật liệu xây dựng, tuyến giao thông phục vụ thi công, chuẩn bị các yếu tố cho quá trình thi công (vật liệu xây dựng, máy móc thi công, thiết bị công nghệ, lao động …); là cơ sở để thi công, kiểm tra chất lượng thi công và nghiệm thu khối lượng xây dựng hoàn thành.

– Thiết kế là khâu có tính chất quyết định chất lượng công trình và ảnh hưởng lớn đến vấn đề tiết kiệm vốn đầu tư.

Để tạo ra công trình phải trải qua nhiều khâu, nhiều giai đoạn theo trình tự nhất định như: điều tra, khảo sát, lập dự án đầu tư, quyết định đầu tư, thiết kế, thi công, nghiệm thu bàn giao đưa công trình vào sử dụng. Chất lượng công trình và hiệu quả của vốn đầu tư đều do tất cả các khâu này quyết định nhưng trong đó thiết kế có vai trò quan trọng nhất và chi phối các khâu sau: chất lượng công trình được thể hiện trên các mặt trình độ thẩm mỹ về quy hoạch kiến trúc, độ bền vững của công trình, độ thuận tiện khi khai thác sử dụng, tất cả các mặt này đều được đặt ra và giải quếyt trong khâu thiết kế. Chẳng hạn, thiết kế tìm các giải pháp kiến trúc bao che cho phù hợp với quy hoạch, phù hợp từng quy mô, phù hợp với từng loại hình công trình, phù hợp phong tục tập quán từng địa phương, phù hợp với điều kiện khí hậu Việt Nam … từ đó tạo nên tính thẩm mỹ của công trình. Thiết kế quyết định chất lượng, quy cách của  từng loại vật liệu, kết cấu điển hình được gia công sẵn như các khung nhà, tấm tường, khung nhà và tấm tường hỗn hợp … tìm các giải pháp thiết kế nền móng cho phù hợp trọng lượng công trình, địa chất công trình do đó đảm bảo độ bền vững của công trình.

Thiết kế là cơ sở để tiết kiệm vốn đầu tư. Theo tổng kết của nước ta cũng như các nước khác trên thế giới cho thấy 88% chi phí vật liệu, 2/3 thời gian thi công, 1/2 độ bền vững của công trình được quyết định trong khâu thiết kế. Vì thế, nó có khả năng tiết kiệm vốn đầu tư. Chẳng hạn, thiết kế tận dụng vật liệu sẵn có tại chỗ để giảm chi phí vận chuyển, tính toán vật liệu sử dụng thay thế vật liệu hiếm quý đắt tiền nhưng vẫn đảm bảo chất lượng công trình, lựa chọn phương án kết cấu nhằm tận dụng vật liệu và kết cấu tiêu chuẩn chế tạo sẵn, tạo điều kiện cho cơ giới hoá thi công, làm tăng năng suất lao động, rút ngắn thời gian xây dựng công trình, tiết kiệm vốn đầu tư.

Như vậy, khi xây dựng một công trình chất lượng tốt hay xấu, giá thành cao hay thấp phần chủ yếu do thiết kế xây dựng quyết định.

– Thiết kế ảnh hưởng tới hiệu quả của việc khai thác công trình sau này.

Sau khi công trình xây dựng xong đủ điều kiện đưa vào khai thác sử dụng thì năng suất lao động, giá thành sản phẩm sản xuất ra, an toàn lao động … là do thiết kế xây dựng quyết định chủ yếu. Do vậy, một khuyết điểm nhỏ trong khâu thiết kế không những ảnh hưởng lớn đến công tác thi công mà còn ảnh hưởng đến quá trình khai thác sử dụng công trình sau này.

– Đối với công tác quản lý kinh tế, tài chính thì thiết kế là cơ sở để lập dự toán chi phí xây dựng công trình, lập giá dự thầu, là căn cứ để thanh toán và quyết toán công trình khi hoàn thành.

Thiết kế xây dựng không những có ý nghĩa trước mắt đối với việc lập dự án đầu tư, chuẩn bị thi công, thi công mà còn có ý nghĩa lâu dài, là khâu quyết định đến hiệu quả của công trình sau này. Cho nên, khi xây dựng công trình cần phải có giải pháp thiết kế xây dựng có chất lượng cao. Để có giải pháp thiết kế có chất lựng cao đòi hỏi phải nâng cao trách nhiệm và năng lực của các tổ chức tư vấn thiết kế.

(Nguồn tài liệu: Giáo trình Kinh tế phát triển, Trường cao đẳng nghề Nam Định)

5/5 - (1 bình chọn)

Có thể bạn quan tâm

123123

Lytuong.net – Contact: [email protected]