Trang chủ Triết học Thế giới duy tâm và hữu thần của Mặc Tử

Thế giới duy tâm và hữu thần của Mặc Tử

by Ngo Thinh
Published: Last Updated on 245 views

Mặc Tử họ Mặc, tên Địch, người nước Lỗ, từng làm quan đại phu nước Tống (479 – 381 tr. CN). Học thuyết của Mặc gia khác với Đạo gia và đối lập với Nho giáo cả về nội dung tư tưởng, lẫn chủ trương và nền tảng xã hội.

Không thừa nhận “Thiên mệnh”, nhưng Mặc Tử lại đưa ra một thế giới quan tôn giáo, duy tâm, coi ý chí của Trời là nguyên tắc cao nhất của hành vi con người, đồng thời, ông còn cho rằng, sự biến hoá của tự nhiên cũng bị ý chí của Trời chi phối. Theo Mặc Tử, Trời là một đấng anh minh, có ý chí, có nhân cách và quyền lực tối cao. Trời chiếu sáng cho vạn vật, tạo ra và nuôi dưỡng muôn loài. Trời xoay vần bốn mùa, sinh ra các tiết, tạo ra hoa lá, cây cỏ, sản vật và con người. Trời luôn yêu thương và làm lợi cho tất cả mọi người không phân biệt luân loại, thứ bậc, sang – hèn, thân – sơ… Trời luôn công minh, sáng láng, thương người hiền và trừng phạt kẻ ác.

Tin có Trời, Mặc Tử cũng tin có quỷ thần. Cùng với chí Trời, quỷ thần cũng có một thế lực đầy quyền uy, thiêng liêng giám sát chặt chẽ mọi hành vi của con người, để khen thưởng những người làm việc nhân nghĩa, trừng phạt những kẻ gây ra những điều ác một cách công minh. Những việc làm xấu hay tốt, những hành vi minh bạch hay mờ ám, dù mắt ta không nhìn thấy, tai ta không nghe được, nhưng quỷ thần vẫn biết.

Chính vì vậy, Mặc Tử cho rằng ý chí sáng láng, công minh của Trời và quỷ thần là khuôn phép, mực thước cao nhất cho mọi hành vi của con người. Ông viết : “Lấy gì làm khuôn phép cho việc chính trị mới phải ? Rằng : không gì bằng bắt chước Trời. Việc làm trời rộng rãi mà không riêng tư, sự làm ơn của Trời hậu hĩ mà không hợm hĩnh, sự sáng láng của Trời lâu bền mà không suy. Cho nên, các bậc thánh vương mới bắt chước Trời”.

Thuận theo ý Trời, con người ta phải làm gì ? Mặc Tử trả lời : tuân theo ý Trời, con người ta phải thực hành “kiêm ái”.

“Kiêm ái”, theo Mặc Tử là gồm gộp tất thảy như nhau. Trái với “biệt” là sự chia rẽ, phân biệt nhau, như trên dưới, sang hèn, quý tiện… “ái” là yêu, là lòng yêu thương con người, trái với “ố” là thù ghét và làm hại người. “Kiêm ái” là yêu hết thảy mọi người như nhau, không phân biệt thân – sơ, quý – tiện, trên – dưới ; yêu người như yêu mình, yêu người ngoài cũng như yêu người thân, không có người làng mình, người làng người ; người nước mình, người nước người. “Kiêm ái” vì thế cũng là “nhân nghĩa”, “ái” là nhân, “kiêm” là nghĩa. “Kiêm ái” hay nhân nghĩa bao giờ cũng đem lại lợi lớn cho mọi người, cho nên “kiêm ái” còn có nghĩa là làm lợi cho người. Nghĩa là danh, lợi là thực. Nghĩa là tên đẹp của lợi, lợi là cái thực của nghĩa.

Nhưng căn cứ vào đâu để khẳng định tính đúng đắn và lợi ích của “kiêm ái”. Với học thuyết “tam biểu”, Mặc Tử đã có sự đóng góp quý giá vào việc nghiên cứu vấn đề nhận thức của con người. Ông cho rằng, muốn ngôn luận, suy nghĩ chính xác phải căn cứ vào ba “biểu” là : “Gốc, Nguyên và Dụng”. Gốc ở đâu ? Thưa trên thì lấy gốc ở chí Trời, quỷ và việc của Thánh vương xưa. Nguyên (nguồn) ở chỗ nào ? Thưa dưới thì dò xét sự thật trước tai mắt trăm họ. Dụng ở chỗ nào ? Thưa là đưa ra việc làm hành chính xem có lợi cho Nhà nước trăm họ hay không?

Trong nhận thức luận, Mặc Tử đặc biệt coi trọng tác dụng của kinh nghiệm cảm giác và đã thấy được vai trò của thực tế khách quan trong nhận thức. Ông cho rằng, cái gì lỗ tai, con mắt không cảm thấy là không có. Căn cứ vào đó ông đã bác bỏ những tư tưởng định mệnh luận. Vì ông xuất phát từ chỗ coi trọng kinh nghiệm cảm quan và bằng chứng xác thực khách quan, nên học thuyết của ông cũng có những yếu tố duy vật. Nhưng do ông quá đề cao cảm giác, đồng thời coi thường tính khách quan của nội dung kinh nghiệm cảm giác, cho rằng sức tưởng tượng của con người cũng là cảm giác đúng đắn và lấy đó để chứng minh sự tồn tại của quỷ thần, nên ông đã quay về với chủ nghĩa duy tâm và rơi vào chủ nghĩa kinh nghiệm cực đoan, hạn hẹp.

Dựa trên “tam biểu” và lấy công lợi làm căn cứ, tiêu chuẩn cao nhất để xem xét, thẩm định giá trị, công dụng của “kiêm” và “biệt”. Mặc Tử đã khẳng định, “kiêm” là đúng, là mang lại lợi lớn cho mọi người ; “biệt” là trái, là gieo tai hoạ lớn cho thiên hạ.

Theo Mặc Tử, “kiêm ái” là cái đảo của thánh nhân, là cái gốc của mọi đức của con người, “bậc vương công đại phu nhờ nó mà yên, sự ăn mặc của muôn dân nhờ nó mà no đủ. Cho nên, bậc quân tử không gì bằng xét kĩ đức “kiêm” mà thi hành nó. Thi hành nó thì vua chúa ắt có lòng huệ, làm bề tôi ắt có lòng trung, làm cha mẹ ắt có lòng từ, làm con ắt có lòng hiếu, làm anh ắt có lòng thương em, làm em ắt có lòng kính anh…”

Mặc Tử còn chủ trương dùng sức mạnh và thế lực của Nhà nước, của thể chế xã hội khiến mọi người thực hiện “kiêm ái” bằng nguyên tắc “thượng đồng”. “Thượng đồng”, theo Mặc Tử có nghĩa là dưới luôn luôn phải thuận ý trên và phục tùng tuyệt đối mệnh lệnh của trên, là sự thống nhất tư tưởng và hành động của mọi người trong xã hội, tán đồng từ dưới lên trên, và sự tán đồng cao nhất là phục tùng ý Trời, thực hiện “kiêm ái”.

Nhưng đất thiên hạ rộng, người thiên hạ đông mà trước khi có một thể chế quốc gia được thiết lập, mọi người sống trong trạng thái “tự nhiên” mỗi người mỗi ý, mỗi sở thích, tham vọng riêng, gây ra sự tranh đoạt, chia rẽ , hỗn độn, làm sao cho mọi người có thể thống nhất ý kiến và hành động để thực hiện “kiêm ái” như ý Trời ? Mặc Tử trả lời rằng : muốn vậy người ta tất nhiên cần phải có một bộ máy nhà nước, một thể chế chính trị, để thống nhất các nghĩa trong thiên hạ, giữ gìn trật tự xã hội. Đó chính là ý muốn của dân trong thiên hạ. Ngoài nguyên nhân trên, theo ông sự ra đời của nhà nước còn một nguyên nhân khác, đó là do ý Trời và quỷ thần. “Xưa Trời, quỷ thần kiến thiết quốc độ, lập gia tăng bổng lộc cho họ, mà là đem sự yên ổn, thái bình cho mọi người”. Một khi quốc gia và người đứng đầu thiên hạ đã được lập ra theo ý dân và chí Trời, thì quyền hành của vua là tuyệt đối.

Người dân “khi nghe điều thiện hay bất thiện đều phải báo cho bề trên. Nhà nước và kẻ trị vì thay mặt Trời và quỷ thần giám sát mọi hành vi của con người, trừng phạt kẻ gieo “biệt”, khen thưởng người gieo “kiêm”. Nhưng theo Mặc Tử, “Thượng đồng” không chỉ kẻ dưới phải tán đồng và phục tùng tuyệt đối, người trên, mà còn là “kẻ trên người dưới tình ý thông đạt”. Để thực hiện “kiêm ái” theo nguyên tắc “Thượng đồng”, Mặc Tử chủ trương đề cao việc kén chọn và sử dụng người hiền tài, bất cứ họ ở cương vị nào trong xã hội, để trị nước chăn dân, ông gọi là “Thượng hiền”. Qua đó Mặc Tử cực lực phản đối chế độ chính trị có tính chất thế tập, theo tông pháp nhà Chu đã lung lay.

Đặc biệt, để thực hiện triệt để học thuyết “kiêm ái”, lo lợi ích thiết thực cho dân, Mặc Tử còn đề ra một loạt những chủ trương, chính sách xã hội khác như : “Phi nhạc”, “Tiết dụng”, “Tiết táng” và “Phi công”. Ông cho lễ nhạc, ma chay, chiến tranh xâm lược luôn thôn tính lẫn nhau của bọn quý tộc đều là những cái xa hoa, phù phiếm, tốn kém và tàn bạo, là tội ác lớn nhất.

Tóm lại, Mặc Tử là một nhà triết học lớn với học thuyết “Kiêm ái” nổi tiếng. Ông là người sáng lập ra trường phái triết học có ảnh hưởng lớn đến sinh hoạt xã hội Trung Quốc thời cổ đại. Triết học của ông về căn bản là duy tâm thần bí, nhưng trong học thuyết của Mặc Tử cũng có những yếu tố duy vật, nhất là đóng góp của ông về mặt nhận thức luận, với phép “Tam biểu”. Thái độ của Mặc Tử đối với tín ngưỡng tôn giáo cổ đại thực chất là biểu hiện tính chất thoả hiệp và nhu nhược của tầng lớp tiểu tư hữu bị phá sản ở thời kì chế độ chiếm hữu nô lệ đang suy tàn ở Trung Quốc cổ đại.

5/5 - (1 bình chọn)

Có thể bạn quan tâm

123123

Lytuong.net – Contact: [email protected]