Trang chủ Giáo dục So sánh giáo dục phổ thông và giáo dục đại học

So sánh giáo dục phổ thông và giáo dục đại học

by Ngo Thinh
Published: Last Updated on 699 views

Hầu hết các tân sinh viên đều đã từng có phương pháp học tập hiệu quả tại trường phổ thông trung học. Tuy nhiên khi bước vào môi trường đại học các bạn thường gặp những khó khăn nhất định khi phương thức cũ trở nên không hiệu quả.

Tân sinh viên thường gặp những khó khăn trong giai đoạn đầu bước vào môi trường đại học bởi có sự khác biệt trong môi trường sống, môi trường học tập, mục tiêu học tập và kể cả những khác biệt khác về bạn bè và thầy cô. Cách tiếp cận ở trường đại học hoàn toàn khác với cách tiếp cận học tập tại trường phổ thông trung học. Để có cái nhìn đúng về học tập và giáo dục bậc đại học, chúng ta cần so sánh lại sự khác nhau này. Sau đây là phân tích cho thấy sự khác biệt được cụ thể trên các khía cạnh như:

Tiêu chí Phổ thông trung học Đại học
Nhận thức về mục tiêu Học để thi điểm cao, đậu đại họcHọc để đáp ứng nhu cầu thị trường lao động, có cuộc sống tốt đẹp hơn
Khối lượng kiến thức Cung cấp từ giáo viênSinh viên tham khảo rất nhiều nguồn
Môi trường học tập Cố định trong một lớpĐa dạng
Mức độ giám sát Rất caoHầu như sinh viên phải tự kiểm soát

Ngày nay bằng cấp không còn là đảm bảo cho việc làm nhưng tri thức và kĩ năng là yếu tố then chốt mở ra cánh cửa việc làm. Có được việc làm tốt chỉ là bắt đầu nhưng duy trì và thăng tiến trong nghề nghiệp là mục đích tối thượng. Do đó, sinh viên phải liên tục đọc nhiều hơn, học nhiều hơn và phát triển những kĩ năng cần thiết vì mọi sự đang thay đổi nhanh này.

1. Môi trường học tập khác biệt bậc đại học

Học đại học là một trải nghiệm để phát triển bản thân đối với mỗi sinh viên:

Tại bậc học phổ thông, kiến thức đã được chuẩn hóa và mang tích bắt buộc cần phổ biến đến đại trà, tất cả các học sinh đều phải học một chương trình như nhau. Giai đoạn này, các bạn được bao bọc trong sự quan tâm, thúc giục học tập của gia đình, nhà trường và bạn bè. Khi lên Đại học và Cao đẳng, đa số các bạn đều phải rời xa gia đình và bạn bè cũ đến với các thầy cô, bạn bè và ngôi nhà mới để lĩnh hội kiến thức trở thành người bạn ước mơ.

Trong môi trường mới này không ai ép buộc bạn học, không ai thúc giục bạn học và bạn luôn phải tự tổ chức cho việc học của mình. Khi học Đại học, bạn có thể tự lựa chọn đăng ký lịch học theo thời gian biểu riêng của mình, đồng nghĩa với việc bạn cần có đầu óc tổ chức khoa học để phân bổ thời gian hợp lý. Bên cạnh đó, những giờ học sẽ không chỉ là những giờ ngồi trên lớp nghe giảng, mà còn là những buổi làm bài tập, những bài thuyết trình, làm thí nghiệm và thực hành sẽ là những trải nghiệm rất mới đưa kiến thức của bạn vào thực tế. Ngoài những giờ học chính thống, sinh viên sẽ luôn có rất nhiều sự lựa chọn về những hoạt động ngoại khóa để cân bằng cuộc sống với một thời gian biểu linh hoạt. Một điểm khá thú vị khi học ở bậc Đại học chính là sinh viên phải tự nhận thức được sự cần thiết của việc chủ động nghiên cứu; tự tìm kiếm những tài liệu bổ trợ cần thiết, tự chủ động liên hệ với giảng viên nếu cần hỗ trợ để có thể hoàn tất bài tập và nộp chúng theo đúng thời gian quy định của trường. Tùy vào từng môn học, sinh viên sẽ phải tham gia những dự án, bài tập nhóm, viết tiểu luận hay làm bài thi để đánh giá điểm cho môn học đó, thay vì những bài kiểm tra định kỳ ở trường trung học. Tự do và tự giác là những sự thay đổi lớn với mỗi sinh viên.

2. Khối lượng kiến thức tích lũy tại đại học

Bậc học Đại học có khối lượng kiến thức lớn hơn và đa dạng hơn.

– Khối lượng kiến thức lớn: Khối lượng kiến thức ở cấp độ đại học tăng lên một cách đáng kể. Một ví dụ đơn giản, nếu ở bậc phổ thông thì một môn học sẽ kéo dài trong một năm, vì thế khối lượng kiến thức được chia đều ra khiến học sinh dễ dàng tiếp nhận hơn. Trong khi ở bậc đại học, một môn học chỉ kéo dài trung bình từ 9 đến 18 buổi học (từ 1 đến 2 tháng), nghĩa là sinh viên sẽ phải “ngốn” khoảng 1 chương/1 buổi (mỗi chương khoảng 20-30 trang). Rõ ràng sự tăng lên đáng kể về khối lượng kiến thức sẽ khiến tân sinh viên gặp phải những khó khăn và thậm chí có thể bị sốc. Chính vì thế tân sinh viên hãy chủ động tìm hiểu và chuẩn bị sẵn sàng để thích nghi với sự thay đổi và khác biệt này.

– Đa dạng kiến thức: Không chỉ có sự khác biệt về khối lượng kiến thức, học đại học và học phổ thông còn có sự khác biệt về sự đa dạng kiến thức. Rõ ràng, sự đa dạng về kiến thức sẽ tỉ lệ thuận với cấp bậc học, học càng cao thì kiến thức càng đa dạng. Đầu tiên là các loại tài liệu liên quan đến môn học, học đại học khác biệt với phổ thông ở chỗ, muốn giỏi thật sự thì người học cần chủ động đọc rất nhiều loại tài liệu khác nhau, đồng thời chủ động tìm kiếm các bài tập thực tế, các phương pháp thực hành để cụ thể hóa lý thuyết thành kỹ năng. Ví dụ: sinh viên Sư phạm thì cần phải chủ động tìm kiếm cơ hội để được đứng lớp (có thể là dạy thêm), sinh viên Kinh tế thì cần tìm kiếm các trải nghiệm về kinh doanh, buôn bán. Đây là những điều mà học phổ thông không thể có. Tiếp đến là các nhiệm vụ trong học tập, nếu học phổ thông hoạt động chủ yếu là ở trên lớp thì học đại học còn có nhiều thử thách mang tên: kiến tập, thực tập… Đây vừa là cơ hội nhưng cũng là thách thức cho sinh viên và chỉ có ở sinh viên. Sự đa dạng về kiến thức khiến sinh viên cần biết cách khai thác cũng như tiếp cận một cách khôn ngoan và khoa học để có thể có kết quả học tập tốt nhất.

– Cường độ học tập: Đi cùng với việc khối lượng kiến thức tăng lên, kiến thức đa dạng hơn thì chắc chắn cường độ học tập của bạn cũng phải tăng lên. Thời gian học một môn kéo dài hơn, kiến thức được các thầy cô truyền đạt nhanh hơn và nhiều hơn. Đồng thời sinh viên cũng cần đọc nhiều loại tài liệu hơn, tiếp thu nhiều loại kiến thức hơn. Học đại học, bạn cũng sẽ phải tư duy nhiều hơn với các hoạt động tập thể, nhóm, hay thuyết trình… nhiều hơn. Ngoài ra, các hoạt động ngoại khóa cũng khiến cường độ học tập của sinh viên tăng lên đáng kể.

3. Bậc đại học là chủ động tự học

Học đại học có nghĩa là bạn được sống tự do hơn và việc học của bạn cũng ít bị giám sát hơn, bạn hầu như phải tự chủ hoàn toàn.

Như phần đầu bài đã khẳng định, tự học là yếu tố khác biệt quan trọng nhất giữa học phổ thông và học đại học; nó cũng là điểm quan trọng quyết định kết quả của học đại học. Nhưng tại sao lại như vậy? Câu trả lời là vì chúng ta được tự do hơn. Chúng ta tự so hơn về giờ giấc, chúng ta tự do hơn về thái độ trên lớp. Ví dụ: Học đại học, bạn có thể đến muộn mà chẳng ai quan tâm, bởi lớp học hàng trăm người và trừ phi bạn là “nhân tài” trong lớp thì mới khiến người khác phải cảm thấy thiếu khi không có bạn. Tất nhiên, có nhiều thầy cô nghiêm khắc điểm danh thường xuyên, nhưng nếu muốn bạn vẫn có thể qua mắt được hành động kiểm soát này. Hay như chỗ ngồi, có thể khi học phổ thông 3 năm bạn chỉ ngồi 1 vị trí. Nhưng ở đại học thì ngược lại, 1 năm bạn có thể đổi 30 vị trí (tất nhiên có thể ít cũng có thể nhiều hơn). Hoặc như ra vào lớp với rất nhiều thầy cô, bạn có thể ra vào lớp tự do mà không cần phải xin phép, chỉ cần đừng ảnh hưởng đến người khác…

Là sinh viên, các bạn cần hiểu rằng học tập không phải là hoạt động “thụ động” nơi bạn ngồi yên để nghe bài giảng mà phải tham gia tích cực vào quá trình học.

Căn bản của phương pháp “Học tích cực” (Active Learning) là sinh viên chịu trách nhiệm cho việc học của họ. Sinh viên tới trường để học cho nên họ phải “sẵn sàng học” để phát triển tri thức và kĩ năng của họ. Sinh viên nên hiểu rằng điều bạn đọc trong sách, hay nghe bài giảng là tri thức của ai đó nhưng bằng việc phân tích, tổng hợp những thông tin này cho tới khi chúng trở thành tri thức của bạn đó là “Học tích cực”.

Là sinh viên, bạn có thể hình dung quá trình học như việc xây nhà. Đầu tiên bạn bắt đầu bằng móng nhà, nhà càng cao, móng càng phải sâu. Tiếp đó là khung nhà, khung càng vững, nhà càng tốt. Sau đó, bạn phải xây mái để che mọi thứ bên dưới rồi mọi thứ có thể được thêm vào để làm cho ngôi nhà thành chỗ sống được.

Tương tự với việc xây nhà là xây dựng tri thức của bạn. Đầu tiên bạn phải đọc tài liệu môn học trước khi tới lớp để cho bạn có thể xây ra một “nền móng” nơi việc học tương lai sẽ được dựng lên. Trong lớp, bạn phải chú ý vào bài giảng và thảo luận trên lớp để cho bạn có thể dựng nên cái khung tri thức của bạn trên cái nền của bạn. Bằng việc hỏi các câu hỏi, nhận câu trả lời, và thảo luận với những người khác, bạn liên tục mở rộng tri thức của bạn để bao quát mọi thứ tương tự như xây mái cho ngôi nhà. Bằng việc ôn lại những tài liệu này, phân tích và tổng hợp chúng để tổ chức các thông tin này thành tri thức riêng của bạn cũng giống như bạn thêm mọi thứ vào trong ngôi nhà để làm cho nó thành chỗ sống được.

Phần lớn các bài giảng trong lớp học đều nói cho bạn CÁI GÌ (WHAT) bạn cần biết, nhưng khi học, bạn phải tự hỏi “TẠI SAO (WHY) mình cần biết điều đó? Và “LÀM SAO (HOW TO) áp dụng được điều đó?” Bằng việc có câu trả lời cho những câu hỏi này, bạn bắt đầu đi vào “Học tích cực.”

Khi đọc tài liệu trước khi đến lớp, bạn nên tập trung vào “TẠI SAO” và “LÀM SAO” và nó sẽ tạo động cơ cho bạn học nhiều hơn khi bạn phát triển thái độ “sẵn sàng để học.” Dĩ nhiên điều này đòi hỏi nhiều nỗ lực hơn chỉ lắng nghe “thụ động” bài giảng nhưng bạn sẽ học được tài liệu ở mức sâu hơn.

Có bốn nguyên lí then chốt của phương pháp “Học tích cực”: Sinh viên có thể thay đổi năng lực học tập của họ qua nỗ lực của chính họ chứ không ai khác. Sinh viên có thể thành công ở trường và trong cuộc sống bằng học tích cực; Sinh viên trở nên một thành viên tích cực của “xã hội tri thức” nơi họ liên tục học cả đời; và học tích cực làm tăng giá trị của họ cho xã hội, cung cấp cho họ mục đích trong cuộc sống.”

(Nguồn tài liệu: Nguyễn Đông Triều, Kỹ năng học tập bậc đại học, Đại học Văn hiến)

3/5 - (2 bình chọn)

Có thể bạn quan tâm

123123

Lytuong.net – Contact: admin@lytuong.net