Trang chủ Nông nghiệp Sâu đục thân lúa bướm hai chấm và biện pháp phòng trừ

Sâu đục thân lúa bướm hai chấm và biện pháp phòng trừ

by Ngo Thinh
123 views

Bài hướng dẫn – Sâu đục thân lúa bướm hai chấm và biện pháp phòng trừ. 

1. Triệu chứng gây hại

– Thời kỳ mạ hoặc đẻ nhánh, sâu đục qua bẹ phía ngoài vào đến nõn giữa phá hại làm cho dảnh lúa bị héo.

– Thời kỳ sắp trỗ hoặc mới trỗ, sâu đục qua lá bao của đòng chui vào giữa rồi bò xuống đục ăn điểm sinh trưởng, cắt đứt các mạch dẫn dinh dưỡng làm cho bông lép trắng.

Triệu trứng lúa bị bông bạc

Triệu trứng lúa bị bông bạc

2. Đặc điểm hình thái

Trưởng thành: màu trắng vàng hoặc vàng nhạt, cánh trước mỗi bên có một chấm đen rất rõ, phía cuối bụng có chùm lông màu vàng. Khi đậu có hình khum như mái nhà.

Trưởng thành sâu đục thân 2 chấm

Trưởng thành sâu đục thân 2 chấm

Trứng đẻ thành ổ, hình bầu dục, trên mặt ổ trứng có phủ lớp lông màu vàng nhạt.

Trứng sâu đục thân 2 chấm

Trứng sâu đục thân 2 chấm

Sâu non màu trắng sữa – vàng nhạt. Sâu non tuổi 1 đầu có màu đen, tuổi 2 đến tuổi 5 có màu nâu.

Sâu non sâu đục thân 2 chấm

Sâu non sâu đục thân 2 chấm

 Nhộng màu nâu nhạt, mầm chân sau dài tới hết đốt bụng thứ 5 ở nhộng cái, tới đốt bụng thứ 8 ở nhộng đực.

Nhộng sâu đục thân 2 chấm

Nhộng sâu đục thân 2 chấm

3. Đặc điểm sinh học và sinh thái

Ở nhiệt độ 26 – 300C, vòng đời sâu đục thân hai chấm từ 40 – 50 ngày:

  • Thời gian đẻ trứng: 7 ngày;
  • Sâu non: 25 – 33 ngày;
  • Nhộng: 8 – 10 ngày;
  • Trưởng thành sống: 3 ngày.

Trưởng thành thường vũ hóa vào ban đêm, ban ngày ngày nấp dưới khóm lúa rậm rạp gần mặt nước. Thời gian hoạt động mạnh từ 19 – 20 giờ (đối với ngài cái) và 23 – 1giờ ngày hôm sau (đối với ngài đực). Ngài có xu tính bắt ánh sánh mạnh. Sau khi vũ hóa thì ngay trong đêm ngày có thể giao phối. Sau giao phối, đêm thứ 2 có thể bắt đầu đẻ trứng, có thể đẻ từ 2 – 6 đêm liền, nhiều nhất là đêm thứ 2 và thứ 3. Mỗi trưởng thành cái có thể đẻ từ 1 – 5 ổ trứng, số lượng trứng của mỗi ổ có thể thay đổi từ 53 – 217 quả tuỳ theo lứa.

Sâu non có tập quán hóa nhộng trong gốc thân lúa dưới mặt đất 1-2 cm. Trước khi hóa nhộng sâu đục sẵn một lỗ ở thân lúa chừa lại một lớp biểu bì mỏng để khi vũ hóa chui ra.

4. Biện pháp phòng trừ

– Cày lật gốc rạ kèm theo ngâm nước, làm dầm kịp thời (đặc biệt đối với lúa vụ mùa sau khi gặt). Vệ sinh đồng ruộng sạch sẽ.

– Bón phân cân đối giữa các loại phân theo quy trình kỹ thuật bón được quy định cho từng vụ, từng chân đất, từng giống lúa. Hạn chế sử dụng phân đạm quá liều lượng và bón không đúng cách tạo nên tình trạng lúa lốp hoặc đẻ lai rai, sâu có thể phá hoại. Nếu đều kiện tưới tiêu chủ động có thể điều chỉnh mực nước ở ruộng để diệt sâu.

– Phát huy tác dụng của nhóm thiên địch, nhất là ong ký sinh trứng.

– Dùng bẫy đèn bắt bướm khi bướm rộ.

– Thường xuyên theo dõi mật độ sâu trên đồng ruộng. Chỉ phun thuốc khi đến quá ngưỡng phòng trừ: giai đoạn đẻ nhánh: 0,5 ổ trứng/m2; đòng già – bắt đầu trỗ: 0,3 – 0,5 ổ trứng/m2.

– Phun thuốc nên tiến hành khi lúa trỗ 3 – 5% hoặc phun lần 2 vào lúc lúa hé đòng và sau đó 5 ngày cho hiệu quả cao nhất.

(Nguồn tài liệu: Kỹ thuật thâm canh lúa tiên tiến, Sở nông nghiệp và PTNT tỉnh Quảng Nam, 2016)

5/5 - (1 bình chọn)

Có thể bạn quan tâm

123123

Lytuong.net – Contact: [email protected]