Quyền lực xã hội, quyền lực là một dạng quan hệ xã hội theo chiều dọc, biểu hiện ở khả năng một cá nhân hoặc một nhóm điều khiển hành vi, thái độ, quan điểm của cá nhân khác hoặc nhóm khác. Thực chất của quyền lực chính là việc giới hạn hay mở rộng mức độ tự do của các chủ thể và khách thể khi thực hiện quyền lực. Nghĩa là khi chúng ta tham gia vào quan hệ quyền lực, một mặt chúng ta sẽ lập tức bị hạn chế mức độ tự do hành động so với mức tự do hành động trước đó, mặt khác, chúng ta sẽ được mở rộng thêm mức độ tự do mới mà trước đó chúng ta chưa hề có. Cái được mở rộng và cái bị hạn chế chính là “cái được” và “cái mất”. Đối với chủ thể quyền lực “cái được” là quyền lãnh đạo, còn đối với khách thể quyền lực “cái mất” là sự phục tùng. Chính vì vậy, việc trở thành chủ thể quyền lực là một ham muốn trong xã hội, quyền lực trở thành một giá trị xã hội.
Như vậy, quyền lực là khả năng áp đặt ý chí của mình với người khác và tác động đến khả năng động viên các nguồn lực để đạt được mục đích của mình.
Quan điểm macxít cho rằng, chế độ sở hữu tư nhân là nguồn gốc tạo ra sự phân chia quyền lực trong xã hội. Người chiếm hữu tư liệu sản xuất là người có quyền lực điều chỉnh hành vi và cơ hội của người không sở hữu tư liệu sản xuất. Do vậy, chỉ khi nào xoá bỏ được chế độ tư hữu thì mới xoá bỏ được nguồn gốc tạo ra sự bất bình đẳng, xoá bỏ những tầng lớp có quyền thống trị và bóc lột người khác.
Theo Weber, ngoài yếu tố kinh tế, nguồn gốc quyền lực còn liên quan đến nhiều yếu tố phi kinh tế như, gia đình, học vấn, tôn giáo, uy tín… Và ông cho rằng, trong các dạng quyền lực xã hội, thì quan trọng nhất là quyền lực chính trị.
Còn theo Parsons, nguồn gốc của quyền lực nằm ở vị thế của một cấu trúc xã hội. Cấu trúc xã hội quy định cho mỗi vị thế xã hội một quyền hạn tương ứng… Quyền lực xã hội thường được biểu hiện dưới các dạng thức sau:
– Cưỡng bức, là một dạng quyền lực có sử dụng sự ép buộc về thể xác để áp đặt ý chí của người này cho người khác, hình thức này khá phổ biến trong xã hội.
– Uy quyền, là một dạng quyền lực có sự đồng tình của công chúng. Khái niệm này thường gắn với khái niệm thiết chế hoá, hợp pháp hoá theo thứ bậc. Nó cho phép người ra mệnh lệnh quyền kiểm soát hành vi của người khác theo yêu cầu của tổ chức. Uy quyền thường được thể hiện:
+ Uy quyền lôi cuốn của thủ lĩnh;
+ Uy quyền truyền thống (chồng với vợ, cha mẹ với con cái…)
+ Uy quyền hợp pháp, hợp lý (dựa trên niềm tin về tính đúng đắn và cần thiết của các luật lệ, quy định chính thức của tổ chức).
– Quyền lực tuyệt đối, là dạng quyền lực không chấp nhận bất cứ một sự khác biệt và chống đối nào.
– Quyền lực quân chủ, là dạng quyền lực độc tài, chuyên chế, không chấp nhận bất kỳ một sự đối lập nào.
– Quyền lực thiểu số, là quyền lực do một nhóm thiểu số trong xã hội thực hiện đối với nhóm đa số (như quyền lực của nhóm người giàu với nhóm người nghèo).
– Quyền lực dân chủ, là quyền lực của nhân dân hoặc đa số nhân dân tham gia thực hiện (như quyền trực tiếp bầu cử phổ thông đầu phiếu của cử tri, hay gián tiếp của đại cử tri).