1. Khái niệm quy mô dân số
Quy mô dân số của một vùng lãnh thổ là tổng số dân sinh sống trên vùng lãnh thổ đó (một khu vực, một quốc gia …). Theo đó, quy mô dân số của một quốc gia là tổng số dân sinh sống trên quốc gia đó.
Quy mô dân số có thể tính theo tổng số dân tại một thời điểm (đầu kỳ, cuối kỳ, một thời điểm nào đó) hoặc tổng số dân số trung bình của một thời kỳ.
Quy mô dân số thời điểm là quy mô dân số được thống kê vào một thời điểm nhất định.
Ví dụ:
Theo Tổng điều tra dân số và nhà ở vào thời điểm 0 giờ ngày 1/4/2009, quy mô dân số Việt Nam là 85.789.583 người.
Vào tháng 4/2023, quy mô dân số Việt Nam sẽ đạt 100 triệu người.
a/ Dân số hiện có, dân số tạm vắng, dân số tạm trú, dân số thường trú.
+ Dân số hiện có: Là số người thực tế có mặt ở một địa phương tại thời điểm điều tra dân số, không kể người đó có sinh sống thường xuyên ở địa phương đó hay không.
+ Dân số thường trú: Là số người thường xuyên sinh sống tại một địa phương. Theo quy định hiện hành của Tổng cục Thống kê, nếu thời gian thường xuyên sinh sống tại một địa phương từ 6 tháng trở lên thì được coi là dân số thường trú tại địa phương đó.
Cần phân biệt giữa dân số thường trú theo định nghĩa này với dân số thường trú về mặt pháp lý (dân số có đăng ký hộ khẩu thường trú tại địa phương). Trong nhiều trường hợp, dân số thường trú và dân số có đăng ký hộ khẩu thường trú không trùng nhau. Điều này là do quá trình di cư tạo nên. Hiện nay ở nước ta có hiện tượng người dân di cư ra thành phố sinh sống nhiều năm nhưng họ vẫn đăng ký hộ khẩu thường trú tại nơi gốc (ở quê).
+ Dân số tạm trú: Là những người không thường xuyên sinh sống tại một địa phương, nhưng lại có mặt vào thời điểm điều tra tại địa phương đó.
+ Dân số tạm vắng: Là những người thường xuyên sinh sống tại một địa phương, nhưng tại thời điểm điều tra lại vắng mặt tại địa phương đó.
b/ Dân số trung bình
Dân số trung bình là số trung bình cộng của các dân số thời điểm. Có nhiều phương pháp tính dân số trung bình, việc áp dụng phương pháp tính nào phụ thuộc vào nguồn số liệu, mô hình gia tăng dân số và độ chính xác của nguồn số liệu. Có thể áp dụng theo công thức trung bình cộng.
Trong đó: P0: số dân tại thời điểm đầu kỳ (đầu năm); P1: số dân tại thời điểm cuối kỳ (cuối năm)
Ví dụ: Dân số của tỉnh A tại thời điểm 01/01/2009 là 2,912 nghìn người và tại thời điểm 31/12/2009 là 2,970 nghìn người. Vậy dân số trung bình của tỉnh A năm 2009 được tính bằng:
P2009 = (2,912+2,970)/2 = 2,941 (nghìn người)
2. Một số thước đo quy mô dân số
quy mô dân số cũng thường xuyên biến động đó là do sự tăng hoặc giảm quy mô của dân số ở một địa phương theo thời gian. Đánh giá những sự kiện này được thông qua một số thước đo. Nếu quy mô dân số của một địa phương tại thời điểm cuối lớn hơn thời điểm đầu của một thời kì gọi là gia tăng dân số. Ngược lại, nếu quy mô dân số của một địa phương thời điểm cuối nhỏ hơn thời điểm đầu gọi là suy giảm dân số. Số lượng tuyệt đối của biến động dân số được tính bằng chênh lệch về quy mô dân số ở thời điểm cuối và thời điểm đầu của một thời kì.
a/ Phương trình cân bằng dân số
Phương pháp cơ bản nhất để tính toán sự biến động dân số qua thời gian là phương trình cân bằng dân số.
Pt = P0 + (B-D) + (I-O)
Trong đó:
- Pt: Dân số tại thời điểm t;
- P0: Dân số tại thời điểm gốc;
- B: Số trẻ sinh sống trong khoảng thời gian từ thời điểm 0 đến thời điểm t;
- D: Số người chết trong khoảng thời gian từ thời điểm 0 đến thời điểm t;
- I: Số người nhập cư trong khoảng thời gian từ thời điểm 0 đến thời điểm t;
- O: Số người xuất cư trong khoảng thời gian từ thời điểm 0 đến thời điểm t.
Ví dụ: Dân số của tỉnh A ngày 01 tháng 1 năm 2011 là 295412 người, trong khoảng thời gian từ 1 tháng 1 đến 31 tháng 12 năm 2011, tỉnh A có 5.908 trẻ em được sinh ra; 1.477 người chết; 4.431 người từ tỉnh khác đến định cư tại tỉnh và 1.772 người đi khỏi tỉnh đến nơi khác để sinh sống. Tính dân số tỉnh A vào thời điểm 31 tháng 12 năm 2011.
Áp dụng công thức trên, dân số của tỉnh A ngày 31 tháng 12 được tính như sau:
P31/12 = 295.412+ (5.908-1.477) + (4.431- 1.772) = 302.502 Người
b/ Tỷ suất tăng dân số.
Tăng dân số là tổng số dân tăng lên do kết quả tác động của sinh, chết và di cư của một dân số trong một thời kỳ nhất định. Trong thực tế cũng có thể xảy ra trường hợp giảm dân số. Lượng tăng (giảm) số dân được tính theo công thức sau:
Lượng tăng/giảm số dân = số trẻ em sinh sống trong năm – số người chết trong năm + số người nhập cư trong năm – số người xuất cư trong năm
Tỷ suất tăng dân số là quan hệ so sánh giữa lượng tăng (giảm) số dân trong một năm của địa phương với dân số trung bình của địa phương trong năm đó.
Tỷ suất tăng dân số có tính đến các thành phần của sự tăng dân số: sinh, chết, chuyển đi và chuyển đến. Tỷ suất tăng dân số trong một năm được tính theo công thức sau:
Trong đó:
- B: Số trẻ sinh sống trong năm
- D: Số người chết trong năm
- I: Số người nhập cư trong năm
- O: Số người xuất cư trong năm
- P : Dân số trung bình của năm
- r: Tỷ suất tăng trưởng dân số
Tỷ suất tăng dân số có đơn vị tính là phần nghìn. Nhưng thông thường người ta tính tỷ suất tăng dân số có thể tính theo đơn vị phần trăm.
Ví dụ: Với số liệu của dân số tỉnh A nêu trên, tỷ suất tăng dân số năm 2011 được tính như sau:
Cần lưu ý rằng tỷ suất tăng dân số giảm xuống nhưng vẫn có giá trị “dương” không đồng nghĩa với việc giảm số lượng dân ở địa phương. Điều này chỉ có nghĩa là tốc độ tăng dân số ở địa phương đó đang giảm xuống. Nhưng tỷ suất tăng dân số âm có nghĩa là số lượng dân ở địa phương giảm xuống.
+ Tỷ suất tăng tự nhiên dân số
Tỷ suất tăng tự nhiên là tỷ suất phản ánh một dân số tăng lên (có thể giảm đi) trong một năm nhất định do sự tăng (giảm) của số sinh so với số chết, biểu thị bằng phần trăm hoặc phần nghìn so với dân số gốc. Tỷ suất này không xét đến tác động của nhập cư hoặc xuất cư.
Lượng tăng/giảm tuyệt đối: Số dân tăng (giảm) tự nhiên (NI) được xác định bằng hiệu số giữa số người sinh ra (B) và số người chết đi (D) trong cùng thời kỳ.
NI = B – D
Tỷ suất tăng tự nhiên dân số biểu thị số dân tăng (giảm) so với 1.000 dân trung bình trong một thời kỳ.
Ví dụ: Địa phương A trong một năm 2010 có 23.000 trẻ em được sinh ra và có 9.000 người chết đi. Vậy số dân tăng lên của địa phương này là 14.000 người. Nếu dân số trung bình trong năm của địa phương đó là 1.000.000 người, thì tỷ suất tăng tự nhiên dân số sẽ là:
NIR = 14.000 / 1.000.000 *1000 = 14%o
(Tỷ suất tăng tự nhiên dân số của địa phương A là 14 phần nghìn, tức là cứ trung bình 1.000 người dân, dân số địa phương A sẽ tăng thêm 14 người trong năm 2010).
+ Tỷ suất tăng cơ học dân số
Biến động dân số không chỉ có biến động tự nhiên do sinh và chết tạo nên mà còn bao gồm cả biến động cơ học được cấu thành bởi số dân đi khỏi địa phương và số người đến định cư ở địa phương. Biến động cơ học dân số có thể xác định bằng số tuyệt đối và số tương đối:
Lượng tăng (giảm) tuyệt đối: Lượng tăng/giảm cơ học dân số (NM) được xác định bằng chênh lệch giữa số người đến (I) và số người đi khỏi (O) địa phương trong cùng một năm.
NM= I – O
Tỷ suất tăng cơ học dân số (Tỷ suất di dân thuần túy)
Tỷ suất tăng cơ học dân số cho biết số người tăng (giảm) do di dân tính trung bình trên 1.000 dân ở địa phương trong một năm.
Ví dụ, theo số liệu của Tổng điều tra Dân số và Nhà ở ngày 1/4/2009, tỷ suất di dân thuần túy của Hà Nội tính cho giai đoạn từ 1/4/2004 đến 31/3/2009 là 49,8%o. Có nghĩa là trong giai đoạn từ 1/4/2004 đến 31/3/2009 cứ 1.000 người dân Hà Nội thì có 49,8 người tăng thêm do tác động của di cư. Tỷ suất này ở Nam định là -54,6%o. Điều này có nghĩa là trong giai đoạn nói trên, dân số Nam Định giảm 54,6 người tính trung bình trên 1.000 người dân do tác động của di cư.
Tốc độ gia tăng dân số
Nếu giả thuyết rằng trong một thời kỳ, dân số hàng năm tăng đều với một lượng không đổi, hoặc nếu chỉ tính tốc độ gia tăng dân số cho một thời gian ngắn (thường là một năm) thì tốc độ gia tăng dân số được tính bằng công thức sau:
Trong đó:
- P1 và P0 là dân số thời điểm cuối và thời điểm đầu của một thời kỳ
- t0, t1 là các mốc thời gian đầu và thời gian cuối của thời kỳ
Trong trường hợp cần tính tốc độ gia tăng dân số trong một thời kỳ tương đối dài (5 đến 10 năm), với giả thuyết tốc độ gia tăng dân số không đổi, tốc độ gia tăng dân số hàng năm có thể tính theo công thức sau:
Trong trường hợp cần tính tốc độ gia tăng dân số trong một thời kỳ dài (trên 10 năm), với giả thuyết tốc độ gia tăng dân số không đổi, tốc độ gia tăng dân số hàng năm có thể tính theo công thức sau:
Ví dụ, dân số Việt Nam vào thời điểm 0 giờ ngày 1 tháng 4 năm 1999 là 76.323.173 người và thời điểm 0 giờ ngày 1 tháng 4 năm 2009 là 85.789.573 người. Tính tỷ suất gia tăng bình quân của dân số Việt Nam trong giai đoạn 1999-2009.
Vậy, tỷ suất gia tăng dân số trung bình của Việt Nam trong giai đoạn 1999 – 2009 là 12 phần nghìn.
Sự khác nhau giữa 2 thước đo Tỷ suất tăng dân số và Tốc độ gia tăng dân số là : Tỷ suất tăng dân số biểu thị số người tăng thêm trung bình tính trên 1000 dân số bình quân của địa phương trong năm nghiên cứu ; còn Tốc độ gia tăng dân số là mức tăng dân số trung bình tính trên 100 người dân tính tại thời điểm gốc.
c/ Thời gian dân số tăng gấp đôi
Sự tăng trưởng dân số biểu thị bằng con số phần trăm không phải bao giờ cũng cho thông tin rõ nét (ví dụ, tốc độ tăng trưởng dân số 3% là nhanh hay chậm?). Có một cách biểu thị sinh động hơn về sự tăng trưởng dân số là tính xem nếu cứ giữ tốc độ tăng trưởng dân số như hiện tại thì quy mô dân số sẽ tăng gấp đôi trong thời gian bao nhiêu lâu.
Cách tính nhanh thời gian quy mô dân số tăng gấp đôi là lấy 70 chia cho tốc độ tăng dân số biểu thị bằng con số phần trăm. Cách tính trên dựa vào hàm số toán học đơn giản sau:
Với giả thiết rằng tốc độ gia tăng dân số hàng năm gần như không đổi trong thời gian tương đối dài, quy mô dân số sẽ tăng theo hàm số mũ. Như vậy, thời gian để quy mô dân số tăng gấp đôi sẽ được tính như sau:
Trong đó, r là tốc độ tăng dân số được tính bằng phần trăm. Công thức tính thời gian dân số tăng gấp đôi được viết đơn giản như sau :
t = 70 / r (năm)
Ví dụ. Dân số Việt Nam theo Tổng Điều tra dân số 2009 là 85.789.573. Với giả thiết rằng tốc độ tăng dân số hàng năm gần như không đổi trong thời gian tương đối dài và bằng 1,2 %. Tính thời gian dân số Việt Nam tăng gấp đôi.
Với công thức trên ta có :
t = 70 / 1,2 = 58,3 (năm)
Như vậy, với giả thiết tốc độ gia tăng dân số không đổi và bằng 1,2% thì sau 58 năm nữa, dân số Việt nam sẽ tăng gấp đôi.
Thời gian dân số tăng gấp đôi là một con số để dự tính quy mô dân số tương lai vì nó dựa trên giả định tỷ lệ tăng dân số gần như không đổi qua nhiều năm, song trên thực tế tốc độ gia tăng dân số luôn luôn thay đổi. Tính thời gian dân số tăng gấp đôi giúp cho ta có một bức tranh về dân số gia tăng nhanh như thế nào vào thời gian hiện tại.
3. Quá trình gia tăng quy mô dân số Thế giới và Việt Nam qua các thời kỳ
a/ Quá trình gia tăng quy mô dân số thế giới
Đầu công nguyên, dân số thế giới chỉ khoảng 270 đến 300 triệu người. Mãi đến năm 1830 dân số thế giới mới tròn một tỷ người. Ta thấy thời gian để thế giới tăng từ 300 triệu lên 1 tỷ người đầu tiên phải mất 1831 năm. Năm 1930, dân số thế giới tăng lên đạt mức 2 tỷ người. Như vậy, thời gian để dân số thế giới tăng thêm 1 tỷ người vào thời kỳ này là 110 năm. Đến năm 1960, dân số thế giới đạt tới 3 tỷ người. Đến thời kỳ này, thời gian để dân số thế giới tăng thêm 1 tỷ nữa rút lại chỉ còn 30 năm. Sau đó, thời gian này chỉ còn là 15 năm (năm 1975, thế giới có 4 tỷ người) và 12 năm (năm 1999, thế giới tròn 6 tỷ người). Dân số thế giới sẽ đạt 7 tỷ người vào tháng 10 năm 2011.
Bảng 1. Biến động quy mô dân số thế giới 1830-2011
Tuy dân số thế giới có quy mô lớn, nhưng phân bố không đều giữa các nước và giữa các vùng. Nhìn trên bản đồ dân số thế giới, ta thấy dân số thế giới tập trung đông vào các nước đang phát triển, đặc biệt ở châu Á và châu Phi. Đây là khu vực có hầu hết các nước đang phát triển và là nơi tập trung nhiều quốc gia có quy mô dân số lớn như Ấn Độ và Trung Quốc. Sau châu Á, thì châu Phi là châu lục đông dân thứ hai trên thế giới và thứ ba là châu Mỹ – La tinh.
Bảng 2. quy mô dân số thế giới phân theo các châu lục
b/ Quá trình gia tăng quy mô dân số Việt Nam
Năm 1921 dân số nước ta mới chỉ đạt 15 triệu rưỡi. Đến nay (tại thời điểm Tổng điều tra Dân số và Nhà ở 1 tháng 4 năm 2009), dân số nước ta đã đạt 85,7 triệu người. Trong vòng nửa cuối của thế kỷ thứ 20, từ 1945 đến 1999, dân số đã tăng từ 23 triệu lên 76,5 triệu (tăng hơn 3 lần).
Bảng 3. Dân số Việt Nam và tốc độ tăng trung bình hàng năm giai đoạn 1921-2010
Nếu đầu kỷ nguyên dân số Việt Nam chỉ bằng 0,6% dân số thế giới thì nay đã gần bằng 1,4%. Như vậy, tỷ lệ tăng dân số Việt Nam vượt xa tỷ lệ tăng bình quân dân số thế giới. Mặc dù những năm qua, Việt Nam đã phấn đấu giảm tốc độ tăng tự nhiên dân số (từ 3,4% năm 1955 xuống 2,2% năm 1990), nhưng vẫn còn cao hơn tốc độ tăng bình quân dân số thế giới. Năm 1990, tỷ lệ tăng dân số Việt Nam còn lớn hơn cả tỷ lệ tăng dân số của các nước chậm phát triển (tốc độ tăng bình quân của các nước này thời kỳ 1985-1990 là 2,1%). Từ sau Nghị quyết Trung ương 4 tháng 1/1993, tỷ lệ tăng dân số của Việt Nam đã giảm mạnh. Năm 2004, tỷ lệ tăng dân số chỉ còn là 1,4%, và đến năm 2006, tỷ lệ tăng dân số của Việt Nam chỉ còn là 1,26%. Hiện nay, theo số liệu Tổng điều tra dân số 2009, tỷ lệ tăng dân số bình quân trong 10 năm qua (1999- 2009) của Việt Nam là 1,2%.
4. Dân số Việt Nam đạt 100 triệu người
Theo số liệu mới nhất từ Tổng cục Thống kê, tính đến thời điểm 0 giờ ngày 1 tháng 4 năm 2022, dân số Việt Nam đã đạt 99,2 triệu người. Dựa trên tốc độ tăng dân số trung bình trong những năm gần đây, dự báo rằng vào trung tuần tháng 4 năm 2023, Việt Nam sẽ chính thức trở thành một trong 15 quốc gia trên thế giới và một trong 3 quốc gia khu vực Đông Nam Á có quy mô dân số trên 100 triệu người.
Dựa trên số liệu thống kê, dân số trung bình của Việt Nam năm 2022 được ước tính là 99,46 triệu người, tăng thêm 955.500 người, tương đương với mức tăng 0,97% so với năm 2021. Trong đó, dân số thành thị chiếm 37,3%, với tổng số 37,09 triệu người, và dân số nông thôn chiếm 62,7%, với tổng số 62,37 triệu người. Số lượng nam giới trong dân số năm 2022 đạt 49,61 triệu người, chiếm tỷ lệ 49,9%, trong khi số lượng nữ giới là 49,85 triệu người, chiếm tỷ lệ 50,1%. Tỷ lệ giới tính của dân số năm 2022 được tính là 99,5 nam/100 nữ. Tuổi thọ trung bình của dân số cả nước ước tính là 73,6 tuổi, với tuổi thọ trung bình của nam giới là 71,1 tuổi và của nữ giới là 76,4 tuổi.
Xem thêm: Thống kê dân số các tỉnh Việt Nam
(Nguồn tham khảo: Tài liệu môn Dân số học cơ bản, Tổng cục dân số kế hoạch hóa gia đình, 2015)