Trang chủ Địa lý kinh tế và xã hội Quy hoạch phát triển công nghiệp

Quy hoạch phát triển công nghiệp

by Ngo Thinh
Published: Last Updated on 192 views

1. Quy hoạch phát triển công nghiệp là gì?

Quy hoạch phát triển công nghiệp Bao gồm quy hoạch tổng thể phát triển công nghiệp, quy hoạch phát triển từng ngành công nghiệp chuyên môn hoá (điện, xi măng, phân bón …), quy hoạch các khu công nghiệp, khu chế xuất, quy hoạch bố trí các cơ sở công nghiệp (các nhà máy).

– Cơ sở để tiến hành quy hoạch phát triển công nghiệp là chiến lược phát triển kinh tế – xã hội, chiến lược phát triển công nghiệp nói chung và từng ngành công nghiệp chuyên môn hoá cũng như chiến lược phát triển các ngành có liên quan, nhất là nông nghiệp, dịch vụ. Mặt khác, quy hoạch phát triển công nghiệp cần căn cứ vào các tài liệu, số liệu điều tra về các tiềm năng, lợi thế trong phát triển công nghiệp (tài nguyên, nguồn nguyên liệu, vốn, nhân lực, khoa học và công nghệ), nhu cầu thị trường trong nước và khả năng xuất khẩu.

– Yêu cầu khi thực hiện quy hoạch phát triển công nghiệp là đảm bảo sự phân bố hợp lý công nghiệp trên cả nước, tránh tình trạng phân bố bất hợp lý về phát triển công nghiệp hiện nay. Cùng với việc tăng cường đầu tư xây dựng các khu công nghiệp trọng điểm phía Bắc, phía Nam, cần quan tâm đầu tư quy hoạch phát triển công nghiệp ở các tỉnh miền Trung có nhiều tiềm năng và thị trường rộng, các tỉnh miền núi (phát triển thuỷ điện, công nghiệp khai thác, chế biến …). Đối với các vùng nông thôn cần quy hoạch các cụm công nghiệp phù hợp, nhất là cụm công nghiệp chế biến, công nghiệp nông thôn. Ở nhiều vùng nông thôn nớc ta hiện nay, đang nảy sinh nhiều vấn đề đòi hỏi nhà nước, các địa phương phải quan tâm nghiên cứu, khảo sát để quy hoạch các cụm công nghiệp phù hợp. Các ngành nghề tiểu thủ công hiện nay ở các vùng nông thôn đang chủ yếu phát triển trong từng gia đình nên gặp rất nhiều khó khăn về mặt bằng sản xuất, về mở rộng quy mô, đổi mới công nghệ, tiêu thụ sản phẩm, xử lý chất thải… nên đòi hỏi các địa phương phải tiến hành quy hoạch phát triển công nghiệp nông thôn.

+ Trong quy hoạch phát triển công nghiệp phải đảm bảo tính đồng bộ và liên ngành, không quy hoạch phát triển công nghiệp một cách cục bộ.

+ Trong quy hoạch phát triển công nghiệp phải xác định thứ tự ưu tiên (ngành công nghiệp, vùng) phù hợp với định hướng phát triển công nghiệp trong những năm tới, tránh tình trạng quy hoạch dàn trải dẫn đến nhiều công trình dở dang, công suất huy động thấp.

Quy hoạch phát triển công nghiệp là sự bố trí sản xuất công nghiệp theo không gian lãnh thổ (khu công nghiệp, cơ sở sản xuất, nhà máy … đặt ở đâu, diện tích bao nhiêu) nên muốn công tác quy hoạch đạt hiệu quả phải xem xét toàn diện các vấn đề có liên quan đến việc thực hiện dự án, nhất là xem xét tính khả thi của dự án, hiệu quả kinh tế, xã hội mà dự án mang lại.

Thực hiện tốt công tác quy hoạch phát triển công nghiệp có ý nghĩa rất quan trọng về kinh tế và xã hội. Quy hoạch là cơ sở để xây dựng kế hoạch phát triển từng ngành công nghiệp và là cơ sở để phân phối vốn đầu tư hợp lý, đầu tư đồng bộ, tránh được tình trạng phát triển tự phát theo phong trào (tình trạng phát triển sản xuất xi măng lò đứng, bia …) dẫn đến cung vượt cầu, sử dụng lãng phí công suất máy móc. Quy hoạch phân bổ sản xuất công nghiệp hợp lý còn cho phép khai thác có hiệu quả các tiềm năng, lợi thế của từng vùng, địa phương, thúc đẩy các vùng phát triển theo hướng hiện đại, văn minh (nhất là những vùng kinh tế chậm phát triển).

Muốn quy hoạch hiệu quả phải có sự chỉ đạo trực tiếp của Nhà nước, phải có sự tham gia của nhiều hộ, ngành, địa phương và phải được cấp có thẩm quyền phê duyệt (có những công trình công nghiệp phải thông qua Quốc hội, hoặc Thủ tướng Chính phủ, hoặc giao cho bộ chủ quản, các địa phương).

Trên cơ sở quy hoạch, cần có kế hoạch cụ thể, cần chỉ đạo chặt chẽ quá trình thực hiện quy hoạch, không để tình trạng phát triển không theo quy hoạch. Đồng thời quá trình thực hiện quy hoạch cần phát hiện những bất hợp lý, những thiếu sót của quy hoạch để giúp cơ quan có thẩm quyền xem xét, bổ sung quy hoạch.

2. Xây dựng và phát triển các khu công nghiệp, khu chế xuất

Xây dựng và phát triển các khu công nghiệp, khu chế xuất là một trong những nội dung quan trọng trong sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.

Khu công nghiệp là khu tập trung các doanh nghiệp chuyên sản xuất hàng công nghiệp và thực hiện các dịch vụ cho sản xuất công nghiệp, có ranh giới địa lý xác định, không có dân cư sinh sống, được hưởng một số chế độ ưu tiên nhất định của Chính phủ hay của địa phương, do Chính phủ hoặc Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập.

Khu chế xuất là khu công nghiệp tập trung các doanh nghiệp chuyên sản xuất hàng xuất khẩu, thực hiện các dịch vụ cho sản xuất hàng xuất khẩu và hoạt động xuất khẩu, không có dân cư sinh sống, được hưởng một chế độ ưu tiên đặc biệt của Chính phủ, do Chính phủ hoặc Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập.

Phát triển các khu công nghiệp, khu chế xuất là nhằm mục tiêu thu hút vốn đầu tư, thu ngoại tệ, giải quyết việc làm, thu hút công nghệ và phương pháp quản lý hiện đại.

Để xây dựng và phát triển khu công nghiệp, khu chế xuất, trước hết phải xây dựng cơ sở hạ tầng cho toàn khu. Đối với hạ tầng ngoài khu công nghiệp, khu chế xuất, phải do Nhà nước đầu tư, còn hạ tầng trong khu giao cho các công ty phát triển hạ tầng do Chính phủ thành lập (do công ty trong nước hoặc gọi vốn nước ngoài).

Khi xây dựng các khu công nghiệp, khu chế xuất cần chú ý đến các điều kiện có ảnh hưởng trực tiếp như:

  • Mặt bằng xây dựng phải đủ rộng và có vị trí thuận lợi cho xây dựng (giao thông, thông tin liên lạc (viễn thông) và cho hoạt động của các doanh nghiệp.
  • Có điều kiện thuận lợi về cấp điện, nước sạch và có khả năng xây dựng hệ thống bảo vệ môi trường.

Việc xây dựng và phát triển các khu công nghiệp, khu chế xuất là vấn đề phức tạp đòi hỏi phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa các ngành, các lĩnh vực cũng như giữa các cấp chính quyền (TW – địa phương) và giữa nước ta với các nước trên thế giới. Vì vậy, để xây dựng và phát triển có hiệu quả các khu công nghiệp, khu chế xuất cần quan tâm ngay từ đầu công tác quy hoạch, tránh tình trạng phát triển tràn lan, gây lãng phí vốn đầu tư. Trên cơ sở quy hoạch cần đầu tư đồng bộ hệ thống cơ sở hạ tầng, bao gồm hạ tầng bên ngoài và hạ tầng trong khu công nghiệp, khu chế xuất. Cần đổi mới và hoàn thiện hệ thống luật pháp và chính sách để thu hút các nhà đầu tư (trong nước và nước ngoài) đầu tư để lấp đầy các khu công nghiệp, khu chế xuất, như cải tiến thủ tục cấp phép, giảm tiền thuê đất,

thống nhất luật khuyến khích đầu tư trong nước và đầu tư nước ngoài để tạo sự bình đẳng trong đầu tư vào các khu công nghiệp, khu chế xuất.

Ngoài việc xây dựng và phát triển các khu công nghiệp, khu chế xuất, cần quan tâm đầu tư xây dựng các cơ sở công nghiệp riêng lẻ để tận dụng được những lợi thế so sánh và tạo điều kiện thuận lợi cho sử dụng lao động như các nhà máy chế biến nông sản (đường, hoa quả, cà phê …) các nhà máy xi măng, điện, các doanh nghiệp may mặc .v.v…

3. Xây dựng cơ sở nguyên liệu cho phát triển công nghiệp

Xây dựng cơ sở nguyên liệu cho phát triển công nghiệp Bao gồm các nguồn nguyên liệu từ các ngành nông, lâm, thủy sản, khai thác tài nguyên, nguyên liệu nhập khẩu …)

Đây là vấn đề có ý nghĩa sống còn đối với sự phát triển của công nghiệp chế biến, ảnh hưởng trực tiếp đến khai thác tối đa công suất các nhà máy, đến chất lượng, giá thành sản phẩm chế biến.

Để xây dựng được cơ sở nguyên liệu vững chắc cho phát triển công nghiệp, cần tập trung vào các vấn đề sau:

  • Quy hoạch vùng nguyên liệu (quy hoạch sản xuất các loại nguyên liệu nông, lâm, thuỷ sản, quy hoạch khai thác tài nguyên). Quy hoạch vùng nguyeê liệu phải gắn với sự phát triển và phân bố các cơ sở công nghiệp chế biến. Quy mô vùng nguyên liệu phải tương ứng với năng lực chế biến của các nhà máy công nghiệp.
  • Cần đầu tư đồng bộ cho các vùng nguyên liệu (từ cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất, khai thác đến khoa học và công nghệ, vốn, nhân lực …). Đầu tư cho các vùng nguyên liệu phải có sự kết hợp giữa nhà nước trung ương và các địa phương và các doanh nghiệp (công ty, tổng công ty).
  • Tăng cường quan hệ liên kết giữa sản xuất nguyên liệu và công nghiệp chế biến, thông qua việc hoàn thiện các mô hình liên kết, quan hệ hợp đồng, giải quyết quan hệ lợi ích .v.v…
  • Cần có chính sách nhập khẩu nguyên liệu đúng đắn.

Đối với những nguyên liệu phải nhập khẩu cần có kế hoạch cụ thể và có chính sách thuế thoả đáng để giảm giá nguyên liệu đầu vào, tạo điều kiện cho công nghiệp trong nước phát triển.

Cần tạo điều kiện và khuyến khích sản xuất nguyên liệu trong nước để thay thế nhập khẩu, nhất là những nguyên liệu nước ta có khả năng sản xuất.

4. Phát triển công nghiệp nông thôn

Thuật ngữ “công nghiệp nông thôn” mặc dù đã xuất hiện khá lâu trên thế giới, song phải đến đầu những năm 90 của thế kỷ XX mới chính thức được thừa nhận ở Việt Nam (Hội nghị TW5 – khoá VII – tháng 6 năm 1993).

Công nghiệp nông thôn là một bộ phận của kết cấu ngành công nghiệp được hình thành và phát triển ở nông thôn, bao gồm các cơ sở công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp tồn tại dưới nhiều hình thức thuộc nhiều thành phần kinh tế, có quy mô vừa và nhỏ, hoạt động trong nhiều ngành nghề khác nhau nhưng gắn bó mật thiết với sản xuất nông nghiệp và kinh tế – xã hội nông thôn, do địa phương quản lý về mặt nhà nước.

Phát triển công nghiệp nông thôn có vai trò quan trọng trong việc khai thác và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực ở các vùng nông thôn như vốn, lao động, tài nguyên, nguyên liệu, kinh nghiệm sản xuất …, tạo việc làm, tăng thu nhập cho cư dân nông thôn. Phát triển công nghiệp nông thôn góp phần tích cực vào sự phát triển cân đối về cơ cấu ngành – vùng, tăng cường tính bền vững của nền kinh tế nói chung và kinh tế nông thôn nói riêng. Công nghiệp nông thôn phát triển sẽ làm thay đổi bộ mặt nông thôn, đưa nông thôn xích gần lại với thành thị.

Công nghiệp nông thôn ở nước ta mặc dù mới được hình thức thừa nhận, song trên thực tế đã tồn tại rất lâu đời ở các vùng nông thôn dưới dạng các làng nghề hoặc nghề phụ của nông dân.

Trong những năm đổi mới, công nghiệp nông thôn đã từng bước được quan tâm đầu tư phát triển, nhất là việc khôi phục các làng nghề truyền thống, khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư vào phát triển các ngành nghề mà các vùng nông thôn có lợi thế và thị trường có nhu cầu. Vì vậy, công nghiệp nông thôn đã đóng góp quan trọng trong việc đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và tạo ra nhiều mặt hàng xuất khẩu có giá trị. Tuy nhiên, công nghiệp nông thôn nước ta vẫn còn nhỏ bé, công nghệ lạc hậu, mặt hàng còn đơn điệu và còn gặp rất nhiều khó khăn về mặt bằng sản xuất, vốn, công nghệ, thị trường .v.v…

Trong điều kiện nước ta hiện nay, muốn công nghiệp nông thôn phát triển cần quan tâm các vấn đề sau:

  • Lựa chọn ngành nghề, sản phẩm của công nghiệp nông thôn: Đó là những ngành nghề sản phẩm phù hợp tiềm năng, lợi thế từng vùng nông thôn, phù hợp nhu cầu thị trường và không bị cạnh tranh bởi công nghiệp đô thị.
  • Từng địa phương (xã, huyện tỉnh) phải có quy hoạch phát triển công nghiệp nông thôn theo dạng các khu công nghiệp để cho thuê mặt bằng sản xuất. Hiện nay công nghiệp nông thôn chủ yếu đang phát triển trong từng gia đình nên gặp phải rất nhiều khó khăn về bố trí sản xuất, mở rộng quy mô, đổi mới công nghệ, giới thiệu sản phẩm, tiêu thụ và xử lý chất thải.
  • Đầu tư đổi mới công nghệ kết hợp với việc xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn, nhất là hạ tầng về giao thông, điện, hệ thống xử lý chất thải …
  • Quan tâm đào tạo nghề phải phù hợp với yêu cầu phát triển công nghiệp nông thôn ở từng vùng, địa phương.
  • Các cơ quan, tổ chức nghiên cứu cần có các giải pháp giúp các cơ sở công nghiệp nông thôn đổi mới sản phẩm phù hợp với nhu cầu thị trường.
  • Nhà nước cần có giải pháp hỗ trợ công nghiệp nông thôn trong việc quảng bá giới thiệu sản phẩm, tìm kiếm thị trường tiêu thụ …

5. Nghiên cứu, xâm nhập và mở rộng thị trường cho sản phẩm công nghiệp

Nghiên cứu, xâm nhập và mở rộng thị trường cho sản phẩm công nghiệp bao gồm thị trường trong nước và thị trường quốc tế.

Đối với thị trường trong nước, các ngành công nghiệp, các doanh nghiệp cần tăng cường nghiên cứu, xâm nhập thị trường nông thôn. Có thể nói nông nghiệp, nông thôn nước ta đang là thị trường đầy tiềm năng cho các ngành công nghiệp. Cần đi sâu nghiên cứu, tìm hiểu nguyên nhân vì sao ngành công nghiệp nước ta chưa chiếm lĩnh được thị trường nông thôn. Hiện nay, rất nhiều mặt hàng công nghiệp (cả tư liệu sản xuất và hàng tiêu dùng) bán ở thị trường nông thôn, ngành công nghiệp nước ta chiếm thị phần rất thấp so với hàng công nghiệp nước ngoài (chủ yếu là hàng Trung Quốc).

Mục tiêu nghiên cứu, thâm nhập thị trường trong nước là phải giành lại thị trường đã bị công nghiệp nước ngoài chiếm lĩnh. Với 70% dân số và hơn 12 triệu hộ nông dân, thị trường nông thôn đang cần rất nhiều hàng công nghiệp và nhu cầu sẽ ngày càng tăng. Các ngành công nghiệp, các doanh nghiệp cần nắm bắt được nhu cầu thị trường nông thôn, cần nghiên cứu sản xuất và đưa về nông thôn những sản phẩm mà nông dân cần và những sản phẩm mà họ có khả năng mua sắm, sử dụng.

Để mở rộng thị trường trong nước, ngành công nghiệp cần mở rộng các hình thức như quảng cáo, giới thiệu sản phẩm rộng khắp, nhất là ở địa bàn có nhu cầu. Hàng năm cần tổ chức các cuộc triển lãm, hội chợ hàng công nghiệp Việt Nam. Đối với những sản phẩm phục vụ cho khu vực nông thôn hoặc chủ yếu cho nông dân cần tổ chức ở những vùng gần nông thôn, có đông nông dân có thế đến được. Hình thức quảng cáo, bán hàng và thanh toán phải phù hợp trình độ, khả năng mua sắm, khả năng thanh toán của nông dân.

Cùng với việc nghiên cứu, xâm nhập thị trường trong nước, ngành công nghiệp cần tăng cường, nghiên cứu, xâm nhập thị trường ngoài nước. Bên cạnh sự hỗ trợ của Nhà nước, thông qua quan hệ ngoại giao, các hiệp định thương mại, cung cấp thông tin về thị trường, giá cả thì các ngành công nghiệp, các doanh nghiệp cần cử cán bộ có năng lực trực tiếp đi nghiên cứu, xâm nhập thị trường các nước. Các doanh nghiệp có thể giới thiệu sản phẩm trên mạng Internet, thông qua các đoàn khách du lịch nước ngoài sang Việt Nam.

Ngoài những vấn đề chủ yếu trên, muốn phát triển công nghiệp cần quan tâm đầu tư đổi mới và hiện đại hoá công nghệ, đào tạo nâng cao chất lượng lao động và nghiên cứu ban hành các chính sách phát triển công nghiệp phù hợp với xu thế hội nhập kinh tế khu vực và thế giới.

(Nguồn tài liệu: Giáo trình Kinh tế phát triển, Trường cao đẳng nghề Nam Định)

5/5 - (1 bình chọn)

Có thể bạn quan tâm

123123

Lytuong.net – Contact: [email protected]