Trong các doanh nghiệp sản xuất, dịch vụ và thương mại người ta phải dự trữ các loại nguyên vật liệu, thành phẩm, bán thành phẩm, dụng cụ, phụ tùng,… Hàng tồn kho hay còn gọi là hàng dự trữ thường chiếm tỷ trọng lớn trong tài sản của doanh nghiệp có thể chiếm tới 40 – 80% tổng lượng vốn đầu tư của doanh nghiệp. Do vậy, từ lâu các nhà quản trị đều nhận thức được rằng việc quản lý, kiểm soát tốt hàng dự trữ có ý nghĩa vô cùng quan trọng, góp phần đảm bảo cho quá trình sản xuất diễn ra liên tục và có hiệu quả.
Bản thân vấn đề quản trị hàng dự trữ có hai mặt trái ngược nhau đó là để đảm bảo quá trình sản xuất được diễn ra liên tục, tránh gián đoạn, và đáp ứng tốt nhu cầu của khách hàng thì cần phải tìm cách tăng dự trữ, trái lại dự trữ tăng kéo theo các chi phí liên quan đến hàng dự trữ cũng tăng. Do vậy, các doanh nghiệp phải luôn biết cân đối giữa mức độ đầu tư cho hàng dự trữ và dịch vụ khách hàng tức là lợi ích thu được do thoả mãn nhu cầu sản xuất và nhu cầu khách hàng với chi phí thấp nhất.
Khi nghiên cứu quản trị hàng dự trữ, có hai vấn đề cơ bản mà một nhà quản trị hàng tồn kho cần giải quyết, đó là:
- Lượng đặt hàng bao nhiêu là tối ưu?
- Thời điểm đặt hàng vào lúc nào là thích hợp?
1. Khái niệm, phân loại và vai trò của tồn kho
a. Khái niệm
Hàng dự trữ còn được biết đến với tên gọi là hàng tồn kho là toàn bộ các nguồn lực vật chất cần thiết tạm thời chưa sử dụng chờ đáp ứng nhu cầu trong tương lai. Tùy thuộc lĩnh vực hoạt động sản xuất kinh doanh mỗi doanh nghiệp có mức dự trữ cần thiết về các loại hàng dự trữ là khác nhau.
Cụ thể:
+ Đối với doanh nghiệp dịch vụ, hàng dự trữ chủ yếu là các dụng cụ, phụ tùng và phương tiện vật chất, kỹ thuật dùng vào hoạt động của họ, hàng dự trữ có thể nằm ở dạng kiến thức tích lũy trong năng lực và kiến thức của chuyên gia, nhân viên làm những công việc đó.
+ Đối với doanh nghiệp thương mại, hàng dự trữ chủ yếu là hàng mua về và hàng chuẩn bị bán đến tay khách hàng hay người tiêu dùng.
+ Đối với doanh nghiệp sản xuất, hàng dự trữ bao gồm hầu hết các loại nguyên vật liệu, nhiên liệu, bán thành phẩm trên dây chuyền sản xuất và sản phẩm cuối cùng trước khi đến tay người tiêu dùng.
b. Phân loại
Có ba tiêu chí chủ yếu đề phân loại hàng dự trữ:
– Căn cứ vào tính chất động của hàng dự trữ người ta chia hàng dự trữ thành hai loại là dự trữ động và dự trữ tĩnh:
+ Dự trữ động là hình thức dự trữ mà hàng hóa của doanh nghiệp đang nằm trên đường vận chuyển.
+ Dự trữ tĩnh là hàng dự trữ đang nằm trong kho chờ sử dụng trong tương lai.
– Căn cứ vào tần suất sử dụng hàng dự trữ được chia làm hai loại là dự trữ đơn kỳ và dự trữ đa kỳ:
+ Dự trữ đơn kỳ bao gồm những hạng mục vật tư nguyên vật liệu chỉ đưa vào sử dụng một lần và không tái nhập kho ngay sau mỗi lần sử dụng.
+ Dự trữ đa kỳ bao gồm những hạng mục vật tư nguyên vật liệu được duy trì đủ lâu trong kho mà những đơn vị đã tiêu dùng sẽ được bổ sung lại, số lượng và thời gian bổ sung lại tùy thuộc và kế hoạch sản xuất và chính sách dự trữ của các doanh nghiệp.
– Căn cứ vào chức năng sử dụng và mức độ cần thiết sử dụng hàng dự trữ, hàng dự trữ thường được chia làm bốn loại chủ yếu:
+ Tồn kho nguyên vật liệu;
+ Tồn kho sản phẩm dở dang WIP (Work-in-process);
+ Tồn kho MRO (Maintenance/repair/operating) là tồn kho dành cho các vật dụng bảo trì, sửa chữa, vận hành để giúp cho máy móc thiết bị và quá trình sản xuất có năng suất;
+ Tồn kho thành phẩm.
c. Vai trò
Quản trị hàng dự trữ là nội dung quan trọng trong quản trị sản xuất. Một mục tiêu trong quá trình quản trị hàng dự trữ là xác định lượng dự trữ tối ưu đảm bảo cung cấp đầy đủ kịp thời, thường xuyên hàng hóa đáp ứng nhu cầu sản xuất của thị trường với mức chi phí dự trữ thấp nhất.
Quản trị hàng dự trữ có những chức năng rất quan trọng, nhằm tăng thêm tính linh hoạt cho hoạt động của doanh nghiệp. Sau đây là các chức năng của hàng dự trữ:
- Cung cấp đầy đủ, kịp thời nguyên vật liệu, đảm bảo cho quá trình sản xuất diễn ra thường xuyên liên tục.
- Tạo sự liên kết phối hợp chặt chẽ giữa sản xuất, cung ứng và tiêu thụ.
- Phản ứng nhanh linh hoạt và cung cấp kịp thời hàng hóa đáp ứng với nhu cầu của thị trường, làm gia tăng sự thỏa mãn và hài lòng của khách hàng.
- Góp phần phòng ngừa rủi ro đối với lạm phát và sự tác động lên xuống của giá cả trên thị trường.
- Tận dụng lợi thế chính sách chiết khấu số lượng lớn, bởi khi mua với số lượng lớn có thể giảm giá vốn hàng bán hoặc chi phí phân phối.
- Giảm được chi phí dự trữ, nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp.
2. Cơ cấu của chi phí tồn kho
Quản trị hàng tồn kho liên quan đến 3 loại chi phí sau:
– Chi phí đặt hàng (Ordering costs): là toàn bộ chi phí có liên quan đến việc thiết lập đơn hàng bao gồm: chi phí tìm nguồn hàng, chi phí thực hiện quy trình đặt hàng (giao dịch, đàm phán, ký kết hợp đồng, thông báo qua lại), chi phí lập giấy tờ, hóa đơn chứng từ liên quan và các chi phí chuẩn bị và thực hiện việc chuyển hàng hoá đến kho của doanh nghiệp.
– Chi phí tồn trữ (Holding costs) còn gọi là chi phí lưu kho: là những chi phí liên quan đến việc lưu giữ và chứa đựng hàng tồn kho theo thời gian, cơ cấu của chi phí này được thống kê chi tiết như trong bảng 1.
– Chi phí mua hàng (Purchasing Cost): là chi phí được tính từ khối lượng hàng của đơn hàng và giá mua một đơn vị. Thông thường chi phí mua hàng không ảnh hưởng đến mô hình tồn kho trừ mô hình khấu trừ theo lượng mua.
Bảng 1: Cơ cấu chi phí tồn trữ (lưu kho) hàng dự trữ
Nhóm chi phí tồn trữ | Tỷ lệ so với giá trị tồn kho |
1. Chi phí về nhà cửa, kho hàng:
| Chiếm 3-10% |
2. Chi phí sử dụng thiết bị, phương tiện:
| Chiếm 1-3,5% |
3. Chi phí về nhân lực cho hoạt động giám sát quản lý. | Chiếm 3-5% |
4. Phí tổn cho việc đầu tư vào hàng tồn kho:
| Chiếm 6-24% |
5. Thiệt hại của hàng tồn kho do mất mát, hư hỏng hoặc không sử dụng được… | Chiếm 2-5% |
Tổng chi phí tồn trữ | Chiếm 15 – 47% |
3. Kỹ thuật phân tích ABC trong quản trị tồn kho
Để sản xuất sản phẩm các doanh nghiệp cần phải dùng rất nhiều hạng mục nguyên vật liệu, hàng hóa khác nhau và tất nhiên không phải hạng mục nguyên vật liệu, hàng hóa nào cũng có vai trò và được quan tâm như nhau. Một số hạng mục vật tư, hàng hóa sẽ quan trọng hơn đối với doanh nghiệp so với các hạng mục khác, bởi các hạng mục này có thể có một mức tỷ lệ sử dụng rất cao, vì vậy nếu thiếu nó trong quá trình sản xuất, kinh doanh sẽ làm cho quá trình sản xuất kinh doanh trở nên gián đoạn và có thể sẽ giảm mức độ hài lòng của khách hàng. Ngoài ra, các hạng mục khác có thể có giá trị đặc biệt cao, nếu lượng tồn kho các hạng mục này lớn sẽ gây tốn kém trong quá trình sử dụng. Phương pháp phổ biến để phân loại các mặt hàng dự trữ khác nhau là xếp hạng chúng theo giá trị sử dụng (mức sử dụng của nó nhân với giá trị bằng tiền của một đơn vị hàng). Các mặt hàng có giá trị sử dụng đặc biệt cao được đảm bảo kiểm soát cẩn thận nhất, trong khi những mặt hàng có giá trị sử dụng thấp thì không cần phải được kiểm soát rất chặt chẽ. Nói chung, một tỷ lệ tương đối nhỏ trong tổng số các mặt hàng tồn kho sẽ chiếm một tỷ lệ lớn trong tổng giá trị sử dụng của chúng. Hiện tượng này được gọi là luật Pareto, đôi khi còn được gọi là quy tắc 80/20. Nó được gọi như vậy bởi vì thông thường, 80% doanh thu của một hoạt động được hạch toán chỉ bởi 20% trong tổng số các hạng mục lưu kho.
Phương pháp phân tích ABC là một áp dụng của luật Pareto trong tồn kho. Luật pareto phát biểu một khái niệm là “Một vài nhân tố quan trọng và nhiều nhân tố tầm thường”. Quy luật một số ít quan trọng này có thể áp dụng vào quản trị hàng dự trữ để phân loại các hạng mục hàng dự trữ trong tổng số hàng dự trữ thành 3 nhóm: A, B, C dựa theo giá trị bằng tiền hàng năm của chúng. Giá trị hàng năm được xác định bằng cách lấy tích của nhu cầu hàng năm của từng loại hàng tồn kho với chi phí đơn vị của nó. Tiêu chuẩn để xếp các loại hàng tồn kho vào các nhóm A, nhóm B và nhóm C như sau:
Nhóm A: bao gồm những loại hàng dự trữ có giá trị hàng năm cao nhất, tổng giá trị hàng năm của toàn bộ hàng dự trữ trong nhóm này chiếm khoảng từ 70-80% trong tổng giá trị hàng dự trữ, nhưng về mặt số lượng chúng chỉ chiếm khoảng 15% trong tổng số chủng loại hàng dự trữ của doanh nghiệp.
Nhóm B: gồm những loại hàng dự trữ có giá trị hàng năm ở mức trung bình, chúng chiếm khoảng 15-25% so với tổng giá trị hàng dự trữ, nhưng về số lượng chủng loại chúng chiếm khoảng 30% trong tổng số chủng loại hàng dự trữ.
Nhóm C: gồm những loại hàng có giá trị hàng năm nhỏ nhất, giá trị hàng năm chỉ chiếm khoảng 5% tổng giá trị các loại hàng dự trữ, tuy nhiên số lượng chủng loại chúng chiếm khoảng 55% so với tổng số loại hàng dự trữ của doanh nghiệp. Các nhóm hàng tồn kho phân bố theo biểu đồ Pareto hình 1:
Ví dụ. Một doanh nghiệp bán buôn thiết bị điện, tổ chức quản lý dự trữ 20 hạng mục nguyên vật liệu khác nhau, số liệu về nhu cầu sử dụng hàng năm, giá một đơn vị hàng được liệt kê theo danh sách các hạng mục (được xác định bằng mã số lưu kho) cho như trong bảng 2. Doanh nghiệp đã phân loại các hạng mục hàng tồn kho bởi giá trị sử dụng bằng tiền hàng năm theo kỹ thuật ABC. Tổng giá trị bằng tiền hàng năm là 5.569.000 $. Từ đó có thể tính toán % trong tổng giá trị bằng tiền hàng năm của từng hạng mục và % cộng dồn trong tổng giá trị bằng tiền hàng năm.
Dựa vào kết quả tính toán của bảng trên, ta có thể xây dựng đồ thị đường cong tích lũy (cộng dồn) của tất cả các hạng mục hàng dự trữ dựa vào % cộng dồn trong tổng giá trị bằng tiền của nó như đồ thị hình 2. Đồ thị cho thấy, doanh nghiệp đã phân loại 4 hạng mục đầu tiên (chiếm 20% tổng số hạng mục hàng dự trữ) vào nhóm A và sẽ tiến hành giám sát việc sử dụng và đặt mua những mặt hàng này một cách cẩn thận và thường xuyên. Một vài cải tiến trong số lượng đặt hàng hay lượng dự trữ an toàn đối với những mặt hàng thuộc nhóm A có thể mang lại sự tiết kiệm đáng kể trong chi phí liên quan đến hàng dự trữ. Sáu hạng mục tiếp theo từ C/375 đến A/183 (chiếm 30% tổng hạng mục hàng dự trữ) được xếp vào nhóm B với mức độ kiểm soát các hạng mục này không thường xuyên như đối với nhóm A. Tất cả các hạng mục hàng dự trữ còn lại là thuộc nhóm C và mức độ xem xét kiểm tra những hạng mục thuộc nhóm này là rất hiếm.
Bảng 2: Các hạng mục hàng dự trữ được phân loại dựa trên giá trị sử dụng của nó
Mã vật tư | Mức sử dụng (10 đơn vị/năm) | Chi phí (100$/đơn vị) | Giá trị (1000$/năm) | % giá trị/năm | % cộng dồn trong tổng giá trị hàng năm |
A/703 | 700 | 2.00 | 1400 | 25.14 | 25.14 |
D/012 | 450 | 2.75 | 1238 | 22.23 | 47.37 |
A/135 | 1000 | 0.90 | 900 | 16.16 | 63.53 |
C/732 | 95 | 8.50 | 808 | 14.51 | 78.04 |
C/375 | 520 | 0.54 | 281 | 5.05 | 83.09 |
A/500 | 73 | 2.30 | 168 | 3.02 | 86.11 |
D/111 | 520 | 0.22 | 114 | 2.05 | 88.16 |
D/231 | 170 | 0.65 | 111 | 1.99 | 90.15 |
E/781 | 250 | 0.34 | 85 | 1.53 | 91.68 |
A/138 | 250 | 0.30 | 75 | 1.34 | 93.02 |
D/175 | 400 | 0.14 | 56 | 1.01 | 94.03 |
E/001 | 80 | 0.63 | 50 | 0.89 | 94.92 |
C/150 | 230 | 0.21 | 48 | 0.86 | 95.78 |
F/030 | 400 | 0.12 | 48 | 0.86 | 96.64 |
D/703 | 500 | 0.09 | 45 | 0.81 | 97.45 |
D/535 | 50 | 0.88 | 44 | 0.79 | 98.24 |
C/541 | 70 | 0.57 | 40 | 0.71 | 98.95 |
A/260 | 50 | 0.64 | 32 | 0.57 | 99.52 |
B/141 | 50 | 0.32 | 16 | 0.28 | 99.80 |
D/021 | 20 | 0.50 | 10 | 0.20 | 100.00 |
Tổng | 5 569 | 100.00 |
Trong công tác quản trị hàng dự trữ, kỹ thuật phân tích ABC có các tác dụng sau:
– Các nguồn vốn dùng để mua hàng nhóm A cần nhiều hơn so với nhóm C, do đó cần có sự ưu tiên đầu tư thích đáng vào quản trị nhóm A.
– Các loại hàng nhóm A cần có sự ưu tiên trong bố trí, kiểm tra, kiểm soát về hiện vật. Việc thiết lập các báo cáo chính xác về nhóm A phải được thực hiện thường xuyên nhằm đảm bảo khả năng an toàn trong sản xuất.
– Trong dự báo nhu cầu dự trữ chúng ta cần áp dụng các phương pháp dự báo khác nhau cho các nhóm hàng khác nhau. Nhóm A cần được dự báo cẩn thận hơn các nhóm khác.
– Nhờ có kỹ thuật phân tích ABC trình độ và hiệu quả hoạt động của nhân viên giữ kho tăng lên không ngừng, do họ thường xuyên thực hiện các chu kỳ kiểm tra, kiểm soát từng nhóm hàng.
– Các mặt hàng dự trữ thuộc nhóm B cần kiểm soát định kỳ theo tháng hay quý để tránh mất nhiều thời gian và nguồn lực vào những mặt hàng này. Những mặt hàng thuộc nhóm C có thể chỉ cần kiểm soát theo chu kỳ 6 tháng hoặc 1 năm vì số chủng loại của chúng quá nhiều, nhưng giá trị lại không lớn nên không cần mất nhiều thời gian và công sức quá nhiều cho những mặt hàng này.
4. Các mô hình tồn kho cơ bản
Một doanh nghiệp có thể dự trữ rất nhiều loại hàng hóa khách nhau. Nhu cầu của một loại hàng dự trữ có thể độc lập hoặc phụ thuộc với nhu cầu của loại hàng dự trữ khác. Ví dụ, nhu cầu về tủ lạnh thì độc lập với nhu cầu về lò nướng. Nhưng nhu cầu về các linh kiện của lò nướng sẽ phụ thuộc với nhu cầu của lò nướng. Hình 9.3 chỉ rõ vị trí của nhu cầu độc lập và nhu cầu phụ thuộc trong sơ đồ cấu trúc của một sản phẩm.
Như vậy, ta có thể hiểu nhu cầu độc lập và nhu cầu phụ thuộc như sau:
+ Nhu cầu độc lập: Nhu cầu đối với hạng mục hàng hóa tồn kho độc lập với nhu cầu của bất kỳ hạng mục hàng tồn kho nào khác.
+ Nhu cầu phụ thuộc: Nhu cầu đối với hạng mục hàng hóa tồn kho phụ thuộc vào nhu cầu của một hay một vài hạng mục hàng hóa tồn kho khác.
Trong phần này chúng ta sẽ tập trung nghiên cứu quản trị hàng dự trữ đối với những loại hàng có nhu cầu độc lập với nhau. Quản trị hàng dự trữ với những loại hàng có nhu cầu phụ thuộc sẽ nghiên cứu ở phần sau “Hoạch định nhu cầu vật tư – MRP”. Những mô hình tồn kho sau đây đều tìm cách giải đáp hai câu hỏi quan trọng đặt ra trong công tác quản trị hàng tồn kho là: Lượng đặt hàng nên là bao nhiêu? Khi nào thì tiến hành đặt hàng?
4.1. Mô hình sản lượng đặt hàng kinh tế cơ bản – EOQ (The Basic Economic Order Quantity Model)
Mô hình lượng đặt hàng kinh tế cơ bản EOQ (The Basic Economic Order Quantity Model) là một trong những kỹ thuật kiểm soát hàng dự trữ truyền thống và phổ biến nhất. Mô hình này thường được áp dụng cho bên mua hàng trong trường hợp nhận hàng một lần nhằm khắc phục tình trạng dự trữ hoặc quá thừa hoặc quá thiếu, qua đó góp phần giảm chi phí do thừa hay thiếu hàng gây ra, đảm bảo mức độ dịch vụ và đáp ứng tốt nhu cầu khách hàng.
Mục đích và điều kiện áp dụng:
Mục đích của mô hình dự trữ này là xác định lượng đặt hàng tối ưu cho mỗi đơn hàng. Để áp dụng mô hình EOQ cần đảm bảo một số điều kiện sau:
- Nhu cầu (lượng cầu) phải biết trước, độc lập và không đổi theo thời gian;
- Thời gian chờ giao hàng (Lead time) – nghĩa là thời gian từ lúc đặt hàng đến lúc nhận hàng đã biết và không đổi;
- Lượng hàng trong mỗi đơn hàng được thực hiện trong một chuyến hàng và được thực hiện ở một thời điểm đã định trước;
- Sự thiếu hụt dự trữ hoàn toàn không xảy ra nếu như đơn hàng được thực hiện đúng hạn và không được chiết khấu theo số lượng.
Xây dựng mô hình:
Với những điều kiện để áp dụng mô hình trên đây, đồ thị việc sử dụng hàng dự trữ được biểu diễn như trong hình 4:
Để xây dựng mô hình ta gọi:
+ D: Tổng nhu cầu hàng dự trữ trong một khoảng thời gian xác định (hàng năm);
+ S: Chi phí cho mỗi lần đặt hàng;
+ Cđh: Chi phí đặt hàng;
+ Clk: Chi phí lưu kho (chi phí tồn trữ);
+ H: Chi phí lưu kho tính cho một đơn vị hàng dự trữ trong một giai đoạn nhất định (hàng năm);
+ Q*: Lượng hàng tối ưu cho một đơn hàng (EOQ);
+ Q: Số lượng của một đơn hàng;
+ Qmax= Q*: Lượng hàng tối đa trong kho;
+ Qmin= 0: Lượng hàng tối thiểu trong kho;
+ Q (trung bình) = (Qmax +Qmin ) / 2= Q* /2 : Lượng dự trữ trung bình.
OA = AB là khoảng thời gian kể từ khi nhận hàng đến khi sử dụng hết hàng của một đợt dự trữ.
Mục tiêu của hầu hết mô hình dự trữ là giảm thiểu tổng chi phí. Với các giả định (điều kiện áp dụng) đã cho, thì chi phí có ý nghĩa là chi phí đặt hàng (Cđh) và chi phí lưu kho (Clk). Các chi phí khác, chẳng hạn như chi phí mua hàng dự trữ (Cmh) được xem như không đổi. Vì thế, nếu chúng ta giảm thiểu chi phí đặt hàng và chi phí lưu kho sẽ giảm thiểu tổng chi phí. Ta xây dựng các đường chi phí lưu kho, chi phí đặt hàng và đường tổng chi phí được mô tả như là một hàm số của biến Q (Hình 5).
Xác định điểm đặt hàng lại (ROP – Reorder point):
Chúng ta đã trả lời được câu hỏi đầu tiên trong quản trị hàng dự trữ “Lượng đặt hàng tối ưu của một đơn hàng là bao nhiêu?”. Bước tiếp theo là cần phải trả lời được câu hỏi còn lại “Khi nào thì tiến hành đặt hàng?”. Mô hình tồn kho EOQ giả định rằng chúng ta có thể nhận được một đơn hàng tức thì.
Tuy nhiên, thời gian giữa lúc đặt hàng cho đến khi nhận hàng, còn gọi là thời gian chờ hay thời gian đặt hàng (Lead time), có thể là vài giờ cho đến vài tháng. Do đó, quyết định thời điểm đặt hàng thường được biểu diễn theo điểm đặt hàng lại (Reorder Point – ROP) – tức là mức tồn kho mà tại đó chúng ta sẽ đặt hàng (xem hình 9.6).
Điểm đặt hàng lại (ROP): mức tồn kho đủ cho nhu cầu sử dụng trong thời gian đặt hàng. Mức tồn kho đó gọi là điểm đặt hàng lại (ROP).
Nhu cầu tiêu dùng hàng dự trữ hàng ngày (d): được xác định bằng nhu cầu hàng năm chia cho số ngày làm việc trong năm.
d = Nhu cầu hàng năm / Số ngày làm việc trong năm = D/N
ROP = (Nhu cầu hàng ngày) x (Thời gian đặt hàng)
ROP = d x L
Nếu doanh nghiệp muốn có một lượng dự trữ an toàn (dự trữ bảo hiểm) thì điểm đặt hàng lại sẽ cộng thêm lượng dự trữ an toàn (safety stock – SS).
ROP = (d x L) + SS
Ví dụ: Một công ty đóng tàu, phải dùng một loại thép tấm tiêu chuẩn loại A với nhu cầu 1500 tấm/năm. Chi phí đặt hàng là 1.000.000 VNĐ/1 đơn hàng. Chi phí lưu kho là 75.000 VNĐ/tấm/năm. Hãy xác định lượng đặt hàng tối ưu cho mỗi đơn hàng? Điểm đặt hàng lại? Số lần đặt hàng trong năm? Khoảng cách giữa hai lần đặt hàng liên tiếp? Và tổng chi phí dự trữ (tổng biến phí dự trữ) hàng năm? Cho biết thời gian làm việc một năm 300 ngày, thời gian từ lúc đặt hàng đến khi nhận được hàng 5 ngày.
4.2. Mô hình lượng đặt hàng theo sản xuất – POQ (Production Order Quantity Model)
Trong mô hình EOQ giả định toàn bộ lượng hàng của một đơn hàng nhận được ngay trong một lần. Tuy nhiên, có những trường hợp doanh nghiệp nhận hàng dần dần và kéo dài trong một thời gian nhất định, hoặc trong trường hợp doanh nghiệp vừa sản xuất vừa bán hoặc doanh nghiệp tự sản xuất lấy vật tư để dùng thì mô hình EOQ không còn phù hợp nữa. Do đó, cần một mô hình khác không phải đòi hỏi giả định nhận toàn bộ đơn hàng trong một chuyền hàng. Trong trường hợp này cần sử dụng mô hình lượng đặt hàng theo sản xuất – POQ (Production Order Quantity Model), mô hình này có thể áp dụng trong những điều kiện sau:
Điều kiện áp dụng:
- Khi đặt hàng, lượng hàng dự trữ trong một đơn hàng được chuyển về làm nhiều lần, hàng được đưa về liên tục đều đặn kéo dài trong một khoảng thời gian, cho đến khi lượng hàng trong đơn hàng được tập kết hết.
- Khi các đơn vị sản phẩm được sản xuất (hay được chuyển về) và và sử dụng (hay bán ra đồng thời).
Ngoài hai điều kiện áp dụng trên là khác biệt với mô hình EOQ, còn các điều kiện khác cũng giống như mô hình EOQ.
Xây dựng mô hình:
Với các điều kiện áp dụng trên, trong mô hình POQ chúng ta phải xét đến tốc độ sản xuất (hay mức cung ứng hoặc mức chuyển về) hàng ngày và lượng cầu (hay mức sử dụng) hàng ngày đối với hàng dự trữ. Hình 9.7 biểu diễn các mức tồn kho dưới dạng hàm số theo thời gian.
Nếu ta gọi:
- + p: Mức sản xuất hàng ngày (Mức cung ứng hàng ngày);
- + d: Nhu cầu sử dụng hàng ngày (Mức sử dụng hàng ngày);
- + t: Thời gian của đợt sản xuất tính bằng ngày. Thời gian sản xuất để có đủ số lượng cho 1 đơn hàng (hoặc thời gian cung ứng) – hay còn gọi là độ dài thời kỳ sản xuất (cung ứng) để tạo đủ số lượng đơn hàng;
- + T: Chu kỳ cung cấp.
Bằng phương pháp giống như EOQ có thể tính được lượng đặt hàng tối ưu Q*.
Trong mô hình POQ này cũng liên quan đến hai loại chi phí là chi phí đặt hàng và chi phí lưu kho:
- Chi phí đặt hàng trong năm Cđh: Cdh = (D/Q).S
- Chi phí lưu kho trong năm Clk: Clk = (Qmax /2).H
Chú ý rằng, chi phí lưu kho sẽ tính được khi tính được mức tồn kho bình quân trong năm Qmax/2 và biết chi phí lưu trữ 1 đơn vị hàng dự trữ trong năm.
4.3. Mô hình khấu trừ theo số lượng – QDM (Quantity Discount Model)
Để tăng doanh số bán hàng, nhiều doanh nghiệp thường áp dụng chính sách chiết khấu khi lượng mua tăng lên, đó chính là chính sách khấu trừ theo số lượng. Khi lượng mua hàng tăng lên mỗi lần, doanh nghiệp mua hàng sẽ được hưởng mức giá mua một đơn vị sản phẩm thấp hơn và chi phí đặt hàng giảm, nhưng dự trữ trong kho sẽ tăng lên làm cho chi phí lưu kho tăng do đơn hàng lớn hơn. Cho nên, khi xem xét chính sách chiết khấu theo số lượng, doanh nghiệp phải cân nhắc sự đánh đổi giữa chi phí mua sản phẩm giảm và chi phí lưu kho tăng lên. Như vậy, vấn đề đặt ra là cần tính toán cân nhắc chọn mức đặt hàng mua ở mức nào để vừa được hưởng giá chiết khấu vừa có tổng chi phí dự trữ hàng năm là nhỏ nhất.
Để thực hiện mục tiêu đó người ta sử dụng mô hình khấu trừ theo số lượng QDM (Quantity Discount Model). Trong mô hình này có tính tới chi phí mua hàng tại từng mức giá. Mục tiêu đặt ra là chọn mức đặt hàng sao cho tổng chi phí hàng dự trữ hàng năm (bao gồm chi phí mua, chi phí đặt hàng, chi phí lưu kho) là nhỏ nhất.
Trong đó Pr – giá mua một đơn vị hàng.
Nên nhớ giá mua sẽ thay đổi theo sản lượng đặt hàng. Nhưng giá thay đổi không liên tục theo sản lượng. Vì có nhiều mức chiết khấu khác nhau nên ta tiến hành xác định lượng đặt hàng tối ưu cho một đơn hàng theo các bước sau:
Nguồn: Tài liệu học tập Quản trị sản xuất, Trường Đại học kinh tế kỹ thuật công nghiệp, 2019