1. Quan điểm về thế giới trong tư tưởng của Khổng Tử
Khổng Tử (551 – 479 tr. CN) tên là Khâu, tự là Trọng Ni. Ông là nhà triết học, nhà chính trị và là nhà giáo dục nổi tiếng ở Trung Quốc cổ đại. Tổ tiên Khổng Tử người nước Tống dời sang nước Lỗ. Ông được sinh ra từ nước Lỗ – nơi bảo tồn được nhiều di sản văn hóa nhà
Thời đại của Khổng Tử là thời đại “vương đạo” suy vi, “bá đạo” nổi lên, chế độ tông pháp nhà Chu đảo lộn, đạo lí nhân luân suy đồi. Khổng Tử muốn đem tài sức của mình ra giúp vua, chủ trương lập lại trật tự, lễ nghĩa nhà Chu, với nội dung được cải biến cho phù hợp với điều kiện lịch sử mới, nhưng không được vua nước Lỗ trọng dụng. Ông rời nước Lỗ đi đến đâu cũng không thành công. Cuối đời, nhận thấy thực sự bất lực trong công việc chính trị, ông san định Kinh Thi, Kinh Thư, Kinh Dịch, Kinh Lễ, soạn Kinh Xuân thu. Môn đệ của ông chép lại những lời ông dạy làm thành bộ “Luận ngữ”. Ông hệ thống hoá những tri thức, tư tưởng đời trước và quan điểm của ông thành học thuyết đạo đức – chính trị nổi tiếng, gọi là Nho giáo.
Trong quan điểm về thế giới, xuất phát từ tư tưởng của “Kinh Dịch”, Khổng Tử cho rằng, vạn trong vũ trụ luôn sinh thành, biến hoá không ngừng theo đạo của nó. Sự vận động và biến đổi ấy của vạn vật bắt nguồn từ mối liên hệ, tương tác giữa hai lực “âm” và “dương” trong một thể thống nhất “Thái Cực”. Cái lực vô hình, mạnh mẽ giữa âm – dương, trời – đất “tương thôi”, trung hoà để vạn vật sinh hoá không ngừng ấy. Khổng Tử gọi là “Đạo”, là “Thiên lí”. Đó là thịnh đức, chi thành của trời đất, là cái gốc của thiên hạ. Do cái gốc ấy mà “bốn mùa vận hành, vạn vật sinh hoá mãi, Trời có nói gì đâu”, “cũng như dòng nước chảy, mọi vật đều trôi đi, ngày đêm không ngừng, không nghỉ”.
Nhưng vì “Đạo” hay “Thiên lí” là lí huyền vi, sâu kín, mầu nhiệm, mạnh mẽ, lưu hành khắp vũ trụ, định phép sống cho vạn vật, con người ta không thể cưỡng lại được, nên Khổng Tử gọi đó là “Thiên mệnh” và vì thế ông cho là Trời có ý chí, làm chủ tể vũ trụ, để chi phối mọi sự biến hoá cho hợp lẽ điều hoà. Khổng Tử nói : “Đạo của ta thi hành ra được cũng do mệnh Trời, mà bị bỏ phế vong cũng là do mệnh trời”. Đã tin có mệnh, biết mệnh, thì phải sợ mệnh và thuận mệnh. Đó là cái đức của người quân tử. Khổng Tử khuyên : “Người quân tử có ba điều sợ : sợ mệnh trời, sợ bậc đại nhân, sợ lời thánh nhân”. Do quan niệm như vậy, nên Khổng Tử tin vào số mệnh và ông đã nói : “Sống chết có mệnh, giàu sang ở trời”.
Tuy nhiên, Khổng Tử lại không tán thành quan điểm cho rằng, con người cứ nhắm mắt dựa vào “Thiên mênh”. Ông luôn luôn yêu cầu con người phải chú trọng vào sự nỗ lực học tập, làm việc tận tâm, tận lực, còn việc thành bại như thế nào, lúc đó mới là tại ý trời.
Khổng Tử cũng tin có quỷ thần và cho rằng, thần quỷ là do khí thiêng trong trời đất tạo thành, tuy mắt ta không nhìn thấy, tai ta không nghe thấy…, nhưng “dường như lưu động trên đầu ta, ở bên phải ta, bên trái ta, đâu đâu cũng có”. Song ông lại cho rằng, quỷ thần không có tác dụng chi phối đời sống con người. Ông phê phán mê tín sùng bái quỷ thần, kêu gọi mọi người hãy chú trọng vào việc làm của mình, bởi vì : “Đạo thờ người chưa biết thì sao biết được đạo quỷ thần. Không hiểu được con người sống, thì không có tư cách hỏi chuyện sau khi chết”. Theo ông, trí thông minh, khôn ngoan của con người đối lập với mê tín quỷ thần. Ông dạy bọn thống trị hãy từ bỏ sùng bái quỷ thần, ra sức nghiên cứu chính sách cai trị cho hợp lí.
Như vậy, trong quan điểm về thế giới, tư tưởng của Khổng Tử luôn có những tính chất mâu thuẫn. Khi chống lại chủ nghĩa thần bí, tôn giáo đương thời, ông thừa nhận sự vật, hiện tượng trong tự nhiên luôn luôn vận động, biến hoá không phụ thuộc vào mệnh lệnh của Trời. Đó là yếu tố duy vật chất phác và tư tưởng biện chứng tự phát – một bước tiến so với quan điểm duy tâm, thần bí, tôn giáo phổ biến thời Thương, Chu. Nhưng mặt khác, ông lại cho rằng, Trời có ý chí và có thể chi phối vận mệnh con người, đó lại là một bước lùi trong tư tưởng triết học của ông.
Cũng như thế, một mặt Khổng Tử tuyên truyền sức mạnh của quỷ thần, nhưng mặt khác, ông lại nhấn mạnh đến vai trò quan trọng của hoạt động con người trong đời sống. Thực chất những mâu thuẫn trong tư tưởng, tâm trạng và thái độ của Khổng Tử phản ánh những mâu thuẫn của đời sống hiện thực. Xu thế phát triển của lịch sử xã hội, đã giúp cho Khổng Tử có những quan điểm tiến bộ, thoát li chủ nghĩa thần bí, tôn giáo, đặt vấn đề con người lên hàng đầu để giải quyết. Nhưng do hiện trạng xã hội và hạn chế của lợi ích giai cấp, Khổng Tử hoang mang, dao động và quay lại với chủ nghĩa duy tâm, tuyên truyền cho sức mạnh của Trời, thần thánh hoá quyền lực của thế lực cầm quyền trên mặt đất, nhằm duy trì trật tự xã hội theo lễ nghĩa nhà Chu.
2. Chữ Nhân trong triết học Khổng Tử
Cùng với quan điểm về vũ trụ và con người, học thuyết về luân lí, đạo đức, chính trị xã hội là một trong những vấn đề cốt lõi và là thể thống nhất hữu cơ trong triết học của Khổng Tử trên tư tưởng “Thiên nhân tương đồng”. Những nguyên lí đạo đức căn bản nhất trong học thuyết đạo đức của Khổng Tử là : nhân, lễ, trí, dũng… cùng với một hệ thống quan điểm về chính trị – xã hội như “nhân trị”, “chính danh”, “thượng hiền”, “quân tử”, “tiểu nhân” của ông. Trong những phạm trù đạo đức ấy của Khổng Tử, chữ “nhân” được ông đề cập với ý nghĩa sâu rộng nhất. Nó được coi là nguyên lí đạo đức cơ bản quy định bản tính con người và những quan hệ giữa người với người từ trong gia tộc đến xã hội. Nó liên quan đến các phạm trù đạo đức, chính trị khác như một hệ thống triết lí chặt chẽ, nhất quán, tạo thành bản sắc riêng trong triết lí nhân sinh của ông.
Khổng Tử lấy chữ “nhân” làm nguyên lí đạo đức cơ bản trong triết học của mình, có thể lí giải bằng hai căn nguyên : thứ nhất, về mặt lí luận, theo Khổng Tử, do sự chi phối của “Thiên lí”, của “Đạo” các sự vật hiện tượng trong vũ trụ luôn biến hoá không ngừng. Sự sinh thành biến hoá ấy của vạn vật bao giờ cũng nhờ sự “trung hoà” giữa âm – dương, trời – đất… “Trung” là cái gốc lớn của thiên hạ, mọi vật đều do nơi đó mà nảy sinh, tiến hoá. “Hoà” là đạo thông đạt của thiên hạ, mọi vật đề nhờ đó mà thông hành. Con người là kết quả bẩm thụ tinh khí của âm – dương, trời – đất mà sinh thành, tuân theo “Thiên lí”, hợp với đạo “trung hoà”. Đạo sống của con người là phải “trung dung”, “trung thứ”, nghĩa là sống đúng với mình và sống phải với người – đó chính là chữ “nhân” ; Thứ hai, là do yêu cầu của thực tiễn lịch sử xã hội. Xã hội thời Xuân Thu là thời kì đang trải qua những biến động lịch sử sâu sắc nên yêu cầu lịch sử đặt ra là ổn định và cải biến xã hội đó. Khổng Tử đã chủ trương dùng nhân đức để giáo hoá con người, cải tạo xã hội.
Chính trong quan điểm đó, Khổng Tử cũng lại bộc lộ tính chất hai mặt trong học thuyết của mình. Dùng “nhân” để giáo hoá con người, cải biến xã hội từ loạn thành trị là biểu hiện tính tích cực, tính nhân bản của ông. Nhưng do chưa hiểu rõ nguyên nhân sâu xa của các biến lịch sử và bị những quyền lợi giai cấp quy định, nên phương pháp cải biến con người và xã hội của ông chỉ dừng lại ở tính chất cải lương và duy tâm, chứ không phải bằng cách mạng hiện thực. Do vậy, dù tận tâm, đầy nhiệt huyết với chính trị, nhưng khi học thuyết và chủ trương của mình không đạt được kết quả, thì ông tỏ ra bi quan về lịch sử, nuối tiếc quá khứ… “Ta đã suy rồi ; đã lâu rồi ta chẳng còn nằm mơ thấy Chu Công!”.
Trong việc giáo dục đạo đức, nhân nghĩa cho con người, một mặt Khổng Tử chủ trương “hữu giáo vô loại”, và đây chính là quan điểm, là ý hướng tiến bộ, là đóng góp hữu ích của ông vào việc hoàn thiện và làm phong phú kho tàng lí luận giáo dục đạo đức cho nhân loại. Đứng ở phương diện này, ông không chỉ là nhà lí luận mà còn là nhà giáo dục lớn. Nhưng mặt khác, vì hạn chế của điều kiện lịch sử và sự ràng buộc của lợi ích giai cấp, ông lại khẳng định rằng, đức nhân chỉ có thể có được ở người “quân tử” – mẫu người lí tưởng, những kẻ có địa vị xã hội. Vì thế, Khổng Tử luôn luôn phân biệt rõ sự đối lập giữa hai hạng người trong xã hội : “quân tử” và “tiểu nhân” cả về tri thức, đạo đức, nhân cách, thái độ, hành động ứng xử và địa vị xã hội… Ông khẳng định rằng, “có thể có người quân tử bất nhân, nhưng chưa hề có người tiểu nhân có nhân”.
Chữ “nhân” trong triết học Khổng Tử có ý nghĩa rất rộng, bao hàm nhiều mặt trong đời sống con người, có lúc trừu tượng, có lúc cụ thể, tuỳ theo trình độ, hoàn cảnh mà ông diễn đạt nội dung của nó một cách khác nhau. Nhan Uyên hỏi về nhân, Khổng Tử đáp : “Sửa mình theo lễ là nhân”. Phan Trì hỏi về nhân, ông giảng giải : “Khi ở nhà thì giữ gìn cho khiêm cung, khi làm việc thì kính cẩn, khi giao tiếp với người thì trung thành. Dù đi tới các rợ Di, Dịch cũng không thể bỏ qua được ba cái đó”. Người có đức nhân còn là người làm được năm điều trong thiên hạ : “Cung, khoan, tín, mẫn, huệ”.
“Cung thì không khinh nhờn, khoan thì được lòng người, tín thì người tin cậy, mẫn thì có công, huệ thì đủ khiến được người”. Nhân còn là biết “thương người” (ái nhân) và biết ghét người. Người có đức nhân, theo Khổng Tử, phải là người “trước làm những điều khó sau đó mới nghĩ tới thu hoạch kết quả”. Người “nhân”, không xa rời “nhân” dù chỉ trước sau một bữa ăn, vì “nhân đâu phải xa, bởi bản tính con người là thiện. Nhưng vì con người quen thói đời, mê vật dục nên thấy nhân xa mình đó thôi”.
Như vậy, “nhân” là đức tính hoàn thiện, là cái gốc đạo đức của con người, nên “nhân” chính là đạo làm người. Đạo làm người hết sức phức tạp, phong phú, nhưng theo Khổng Tử, chung quy lại chỉ là những điều sống đối với mình và đối với người ; là “sở kí bất dục vật thi ư nhân” ; là “mình muốn lập thân thì cũng giúp người lập thân, mình muốn thành đạt thì cũng giúp người thành đạt”.
Chính Khổng Tử đã nói : “Đạo ta là do nơi một lẽ mà thông suốt tất cả… chỉ gom vào một chữ “trung thứ” mà thôi”. “Trung” là hết lòng hết dạ, thành tâm thật ý, “thứ” là suy lòng ta ra lòng người, thương mình như thương người, việc gì mình không muốn chớ đem cho người.
Đức “nhân” theo Khổng Tử, có thể yên lặng, vững chãi như núi, bao nhiêu đức tính khác đều bởi đó mà sinh ra. Con người có phẩm chất chất phác, tình cảm chân thực là điều kiện cần thiết để trau dồi đức “nhân”. Còn những kẻ thích trau chuốt, hình thức, ăn nói khéo léo là ít đức “nhân”.
Người muốn đạt đức “nhân”, theo Khổng Tử phải là người có “trí” và “dũng”. Có thể có người “trí” mà không có “nhân”, nhưng không thể là người “nhân” mà thiếu “trí”. Nhờ có trí, con người mới có sự sáng suốt, minh mẫn để hiểu biết được đạo lí, xét đoán được sự việc, phân biệt được phải trái, thiện ác, để trau dồi đạo đức và hành động hợp với “Thiên lí”. Nếu không có trí sáng suốt thì chẳng những không giúp được người mà còn làm hại đến thân mình nữa. Nhưng vì tin theo “Thiên mệnh”, nên trong quan niệm về “trí”, một mặt, Khổng Tử tin rằng, “con người sinh ra tự nhiên biết được đạo lí, là hạng người cao thượng” ; mặt khác, ông lại quan niệm trí không phải ngẫu nhiên mà có, nó chỉ được hình thành khi người ta trải qua quá trình học tập tu dưỡng. Nếu không học thì dù có thiện tâm, nhân đức, trung tín đến đâu cũng bị cái ngu muội, phóng đãng, phản loạn… che mờ. Người quân tử học “để trí vào cái đạo lí, giữ gìn lấy cái đức hạnh, tựa vào nhân”.
Mục đích cao nhất của học, theo Khổng Tử không chỉ để biết đạo, “khắc kỉ phục lễ vi nhân”, mà để ra làm quan, tham gia việc chính trị quốc gia. “Trong lúc xã hội rối ren, không ra làm quan không phải là kẻ trí, không ra giúp đời không phải là người nhân”.
Với Khổng Tử, người muốn đạt “nhân” chỉ có “trí” thôi chưa đủ, mà cần phải có dũng khí nữa. Ông nói : “Kẻ nhân tất hữu dũng, nhưng người dũng chưa chắc có nhân”. Người có dũng ở đây theo Khổng Tử không phải là kẻ ỷ vào sức mạnh, vì lợi mà suy nghĩ và hành động bất chấp đạo lí, “Đức Khổng Tử không giảng luận về bốn việc : quái dị, dũng lực, phản loạn, quỷ thần”. Người nhân có dũng phải là người “có thể tỏ rõ ý kiến của mình một cách cao minh, có thể hành động một cách thanh cao minh, có thể hành động một cách thanh cao” khi vận nước loạn lạc, khi người đời gặp phải hoạn nạn. Người nhân có dũng mới tự chủ được mình, mới quả cảm xả thân vì nhân nghĩa, “lập nhân” và “đạt nhân”. Trong cơn thiếu thốn, cực khó không nao núng làm ngả nghiêng, xa rời đạo lí. Hơn thế, người nhân có dũng sẽ sẵn sàng “vì nhân mà sát thân, chứ không phải giữ mạng sống của mình mà hại nhân”.