Trang chủ Tôn giáo học Quan điểm của Hồ Chí Minh với Phật giáo

Quan điểm của Hồ Chí Minh với Phật giáo

by Ngo Thinh
Published: Last Updated on 219 views

Phật giáo ra đời ở ấn Độ cuối thế kỷ VI trước Công nguyên và là một trong ba Tôn giáo lớn của thế giới. Phật giáo truyền đến Việt Nam từ thế kỷ thứ I. Thời Lý – Trần, Phật giáo Việt Nam đã trở thành như quốc giáo, đã xuất hiện nhiều vị sư giỏi có công lớn trong giữ nước và trị nước. Suốt chiều dài lịch sử dân tộc, Phật giáo thăng trầm khác nhau nhưng nói chung có đóng góp không nhỏ trong bảo vệ và xây dựng Tổ quốc. Thế giới quan Phật giáo là duy tâm. Nhưng nhân sinh quan Phật giáo Việt Nam xây dựng trên thế giới quan ấy luôn chứa đựng những nét nhân bản, nhân văn cao cả. Phật giáo Việt Nam trong gần 2000 năm phát triển đã xây dựng cho mình truyền thống yêu nước, gắn bó với dân tộc, là thành tố quan trọng chung dựng nên nền văn hoá Việt Nam. Ngày nay trong nội bộ Phật giáo có những đối trọng, nhưng cơ bản lối sống của Phật tử Việt Nam vẫn là vị tha, từ bi, hỷ xả, có tinh thần trách nhiệm với quốc gia, với đạo pháp

Cũng như đối với Công giáo, điều mà Hồ Chí Minh quan tâm lớn nhất vẫn là đại đoàn kết dân tộc vì một nước Việt Nam hoà bình thống nhất, độc lập, dân chủ, giàu mạnh. Trong thư gửi Hội Phật tử 1947, Người viết: “Đức Phật là đại từ, đại bi, cứu khổ, cứu nạn, muốn cứu chúng sinh ra khỏi khổ nạn người phải hy sinh tranh đấu, diệt lũ ác ma, Nay đồng bào ta đại đoàn kết, hy sinh của cải xương máu, kháng chiến đến cùng để đánh tan thực dân phản động, để cứu quốc dân ra khỏi khổ nạn, để giữ gìn thống nhất và độc lập Tổ quốc. Thế là chúng ta làm theo lòng đại từ đại bi của Đức Phật Thích Ca, kháng chiến để đưa giống nòi ra khỏi khổ ải nô lệ”52.

Trong thư gửi cho đồng bào theo đạo Phật nhân lễ Phật thành đạo năm 1957, Người khẳng định tôn chỉ của Đạo Phật là nhằm xây dựng một cuộc đời thuần mỹ, chí thiện, bình đẳng, yên vui và no ấm. Người cũng chỉ rõ những khó khăn của đất nước sau giải phóng với những sai lầm trong cải cách ruộng đất là một thực tế. Người khen ngợi về những đóng góp của đồng bào theo đạo Phật cho cuộc kháng chiến, đồng thời Người kêu gọi tăng, ni, Phật tín đồ đoàn kết góp phần xây dựng hoà bình, chấp hành đúng chính sách tôn trọng tự do tín ngưỡng.

Ngăn chặn âm mưu của bọn Mỹ – Diệm và bọn tay sai ra sức lợi dụng Tôn giáo để chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân vì sự nghiệp đấu tranh cho thống nhất nước nhà. Người viết: “Tôi có lời khen ngợi các vị tăng ni và tín đồ đã sẵn lòng nồng nàn yêu nước, hăng hái làm tròn nghĩa vụ của người công dân và xứng đáng là Phật tử… Trong cải cách ruộng đất, tuy có nơi đã phạm sai lầm trong việc thực hiện chính sách tôn trọng tự do tín ngưỡng. Nhưng Đảng và Chính phủ đã có chính sách kiên quyết sửa chữa. Hiện nay… đời sống nhân dân ta dần dần càng được cải thiện, cũng giống như tôn chỉ mục đích của đạo Phật nhằm xây dựng cuộc đời thuần mỹ, chí thiện, bình đẳng, yên vui no ấm… Tôi mong các vị tăng ni và đồng bào tín đồ đã đoàn kết thì càng đoàn kết hơn để góp phần xây dựng hoà bình chóng thắng lợi. Hãy ra sức giúp đỡ cán bộ, hăng hái thực hiện mọi công tác của Chính phủ, chấp hành đúng chính sách tôn trọng tự do tín ngưỡng, ngăn chặn âm mưu của Mỹ Diệm và bọn tay sai lợi dụng tôn giáo hòng chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân, hãy ra sức đấu tranh giành thống nhất đất nước”53.

Trong thư gửi Hội nghị đại biểu Hội Phật giáo thống nhất Việt Nam năm 1964, Người khẳng định Phật giáo đã có công trong kháng chiến chống Pháp, ngày nay đang cùng cả nước xây dựng miền Bắc giàu mạnh, đấu tranh yêu nước chống Mỹ xâm lăng tiến tới thống nhất nước nhà. Người kêu gọi Phật giáo cả nước đoàn kết, cùng toàn dân tộc, theo tinh thần của Phật mà góp phần xứng đáng vào sự nghiệp xây dựng nước Việt Nam: “Chúng ta tỏ lòng đoàn kết với đồng bào Phật giáo ở miền Nam đang hăng hái tham gia cuộc đấu tranh yêu nước và chống đế quốc Mỹ xâm lăng. Đồng bào Phật giáo cả nước, từ Bắc đến Nam, đều cố gắng thực hiện lời Phật dạy là “lợi lạc quần sinh, vô ngã vị tha” (cần hiểu là đem lợi ích và vui sướng cho mọi người, quên mình vì người khác). Chúc toàn thể tăng ni và đồng bào Phật giáo góp phần xứng đáng trong sự nghiệp xây dựng nước Việt Nam hoà bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh”54.

Trong xã hội Ấn Độ cổ đại với sự phân chia đẳng cấp nghiệt ngã, đầy rẫy bất công Đức Phật đã từ bỏ cuộc sống đầy đủ tiện nghi trong nhung lụa trong cung đình, một mình tu hành để tìm chân lý diệt trừ đau khổ cho chúng sinh. Trong xã hội hiện đại của phương Đông cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, cũng đầy rẫy bất công của sự áp bức, bóc lột tàn tệ bởi Chủ nghĩa thực dân gây nên, Hồ Chí Minh đã với đôi bàn tay trắng bôn ba khắp bốn biển năm Châu, “Nâng niu tất cả chỉ quên mình” đem tự do, bình đẳng, bác ái về cho nhân dân, cho Tổ quốc. Có phải vậy mà cuộc đời, sự nghiệp và tư tưởng của hai vĩ nhân ấy luôn có những nét tương đồng.

Hồ Chí Minh viết về Phật giáo không nhiều, nhưng cuộc đời và sự nghiệp của Người rất gắn bó với đạo Phật và để lại rất nhiều ấn tượng đẹp trong lòng Phật tín đồ cả nước và trên thế giới. Trong gia đình Người, bà Ngoại và Bố của Người là những người mến mộ đạo Phật. Những năm tháng hoạt động ở Thái Lan, Người đã từng cậy nhờ cửa chùa mà làm cách mạng. Khi đã là lãnh tụ cao nhất của Việt Nam, sang thăm Ấn Độ, Người đã đến nói chuyện với các nhà sư Ấn Độ và được các nhà sư gọi Người là vị Phật sống cứu khổ cứu nạn chúng sinh.

Hồ Chí Minh đã gạn lọc, kế thừa, cách mạng hoá những hạt nhân hợp lý trong triết lý đạo Phật, nhất là triết lý đề cao nếp sống đạo đức trong sáng, chủ trương bình đẳng, yêu thương đồng loại chống làm điều ác. Người nắm vững triết lý Phật giáo và đã nâng nó lên thành ngọn lửa hun đúc cho truyền thống yêu nước, nhân ái của dân tộc, động viên khích lệ đồng bào theo đạo Phật đồng lòng cùng Đảng và chính phủ đấu tranh giữ gìn và xây dựng đất nước.

Nếu Đức Phật là một truyền thuyết hiện thực đi ra với đời, thì Hồ Chí Minh không chỉ là một vị Chủ Tịch nước mà là một con người đã làm cho nhân dân và đất nước lớn lên cùng Người. Người là hiện thân sinh động của lòng yêu nước, yêu nhân loại, một hiền triết và là một chiến sĩ suốt đời đấu tranh cho tự do – bình đẳng – bác ái. Người là vị Phật sống đã phát huy được truyền thống yêu nước, đoàn kết dân tộc, cứu nhân độ thế, vị tha, hướng thiện,.. của Phật giáo Việt Nam vì mục đích dân giàu nước mạnh, xã hội công bằng văn minh.


  • 49 Xem Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb CTQG, Hà Nội 2000, Tập 1, tr 284, 285, 417; Tập 2, tr 101.
  • 50 Sđd, Tập 5, tr 333.
  • 53 Sđd – Tập VIII, tr 290 -291.52 Sđd – Tập V, tr 197.
  • 54 Sđd – Tập XI, tr 315.
5/5 - (1 bình chọn)

Có thể bạn quan tâm

123123

Lytuong.net – Contact: [email protected]