Trang chủ Báo chí truyền thông Phóng sự truyền hình là gì? Đặc trưng và phân loại

Phóng sự truyền hình là gì? Đặc trưng và phân loại

by Ngo Thinh
1,3K views

Khái niệm Phóng sự truyền hình

Phóng sự truyền hình cũng như các thể ký truyền hình khác, đều thông tin về người thật, việc thật trong một quá trình phát sinh và phát triển. Không chỉ dừng lại ở việc thông tin, phóng sự còn cố gắng thẩm định hiện thực, trả lời những câu hỏi mà hiện thực đặt ra. Phóng sự cớ đầy đủ khả năng nêu rõ những mâu thuẫn nảy sinh trong quá trình diễn biến, bối cảnh của sự kiện và cách giải quyết các mâu thuẫn để làm cho người xem có khả năng hình dung khá đầy đủ những biến cố xảy ra như chính họ chứng kiến.

Trong phóng sự truyền hình dấu ấn chủ quan của tác giả thể hiện rõ nét, đó là “cái tôi” vừa lôgic , lý trí giàu lý lẽ và ở một chừng mực nào đó và sử dụng sức mạnh của cảm xúc. Trong nhiều trường hợp, cảm xúc thẩm mỹ trở thành một động lực đưa tác phẩm đạt tới những phẩm chất khác lạ. Cái tôi nhân chứng khách quan khiến cho công chúng luôn tin tưởng rằng họ đang tiếp xúc với sự thật hoàn toàn. Ở khía khác, cái tôi còn góp phần tạo ra giọng điệu và thể hiện khuynh hướng của tác phẩm. Đối tượng phản ánh của phóng sự truyền hình là những “hoàn cảnh có vấn đề” đang được đông đảo công chúng quan tâm. Cuộc sống vô vàn những sự kiện, tình huống mới nảy sinh, nhưng phóng sự truyền hình chỉ lựa chọn những cái tiêu biểu nhất nằm trong dòng thời sự chủ lưu. Tuy nhiên không phải sự kiện tiêu biểu nào cũng có thể trở thành phóng sự truyền hình. Chỉ khi nào cuộc sống xuất hiện những câu hỏi , những hiện tượng cần giải đáp thì phóng sự mới xuất hiện. Trong thực tế, phóng sự truyền hình thường gắn liền với những thời điểm mà ở đó đời sống của xã hội đang có những chuyển biến mạnh mẽ. Hoàn cảnh của sự kiện trong phóng sự truyền hình thường được giới thiệu đầu tiên, nhằm giúp cho công chúng có một bức tranh toàn cảnh, một đối tượng ban đầu về sự kiện và những vấn đề phát sinh từ sự kiện đó.

Ngôn ngữ trong phóng sự truyền hình gần gũi với ngôn ngữ văn học. Nó cho phép tác giả sử dụng khả năng miêu tả, tự thuật, nghị luận, trữ tình….

Phóng sự truyền hình còn có thể sử dụng yếu tố văn học nghệ thuật, (tuỳ thuộc vào cá tính, tài năng của tác giả) và nhấn mạnh về mặt thông tin, mặt xử lý chất liệu cụ thể.

Qua những điều trên có thể đưa ra một khái niệm chung về phóng sự truyền hình như sau: Phóng sự truyền hình là một thể loại báo truyền hình thuộc nhóm chính luận nghệ thuật, phản ánh các sự kiện, con người, tình huống, hoàn cảnh điển hình trong quá trình phát sinh , phát triển, đồng thời thẩm định hiện thực đó qua cái tôi trần thuật vừa tỉnh táo lý trí, vừa cảm xúc với bút pháp giàu chất văn học bằng phương tiện kỹ thuật truyền hình.

Đặc trưng của phóng sự truyền hình

Về mặt thể loại , phóng sự truyền hình cũng mang những đặc điểm chung của thể loại báo chí ,ngoài ra phóng sự truyền hình còn có những đặc điểm riêng góp phần tạo nên thế mạnh của nó. Đó là ngôn ngữ hình ảnh- âm thanh, thủ pháp Montage, phỏng vấn và phóng viên trước ống kính.

a. Ngôn ngữ phóng sự truyền hình

Ngôn ngữ phóng sự truyền hình là sự kết hợp của hai yếu tố hình ảnh và âm thanh:

Hình ảnh trong phóng sự truyền hình vừa là phương tiện vừa là nội dung thể hiện ý đồ tư tưởng của tác giả. Khác với hình ảnh trong phim truyện, hình ảnh của truyền hình nói chung , của phóng sự nói riêng phải mang tính thời sự và tính xác thực. Nó không chỉ mô tả hoạt động của con người, mà còn giúp khán giả “tham gia” hoặc “đứng trên” nhìn vào sự kiện. Các cỡ cảnh chính thường dùng trong phóng sự truyền hình là: toàn cảnh, trung cảnh, cận cảnh, đặc tả. Với các cỡ cảnh này, phóng sự truyền hình có thể thoả mãn nhu cần muốn biết cái gì đang xảy ra, xảy ra như thế nào của khán giả. Mặt khác qua các cỡ cảnh , các góc quay cao thấp , chính diện , 3/4…Góc độ chủ quan và khách quan, tác giả có thể bộc lộ thái độ tâm lý của con người trong sự kiện đó.

Truyền hình là phương tiện quan sát trực tiếp cuộc sống của mỗi gia đình. Khả năng trực quan có ảnh hưởng rất lớn tới quá trình nhận thức của con người. Trong phóng sự truyền hình, mỗi hình ảnh đều phải bao hàm một ý nghĩa, một nội dung nào đó (hoặc là nguyên nhân, diễn biến hoặc là kết quả của quá trình phát triển của sự kiện trong cuộc sống).

Khả năng biểu hiện của hình ảnh trong phóng sự truyền hình còn thể hiện ở mối liên kết giữa các hình ảnh với nhau theo tuyến tính thời gian của quá trình vận động sự kiện. Qua phương pháp Montage, nội dung tự thân của mỗi hình ảnh phối hợp lại, tạo ra nội dung thông tin mới mang tính tổng thể.

Âm thanh : Truyền hình kế thừa kinh nghiệm xử lý âm thanh của phát thanh. Nhờ có sự trợ giúp của âm thanh phóng sự truyền hình trở nên sống động như chính cuộc sống. Bởi mục đích của phóng sự truyền hình là ghi lại hơi thở, động thái của cuộc sống bằng hình ảnh và âm thanh nên tính xác thực của âm thanh rất cao. Đó là âm thanh từ cuộc sống thực tế, không dàn dựng, giả tạo là yêu cầu bắt buộc đồng thời cũng là sức mạnh của phóng sự truyền hình.

Âm thanh trong phóng sự truyền hình gồm ba yếu tố: lời bình, tiếng động hiện trường, âm nhạc.

Lời bình: Là sự bổ sung cho những gì mà người xem nhìn thấy trên màn hình, giúp người xem tổng hợp, khái quát được ý nghĩa của sự kiện được phản ánh trong tác phẩm truyền hình. Lời bình được tiến hành song song với hình ảnh. Ý đồ lời bình hình thành ngay từ trong giai đoạn xây dựng kịch bản .

Tiếng động hiện trường : Bao gồm âm thanh của thiên nhiên, âm thanh do sinh hoat của con người tạo nên. Tiếng động sẽ làm tăng sự gợi cảm , tính chân thực của phóng sự truyền hình, tác động vào nhận thức, tình cảm của công chúng. Việc sử dụng tiếng động hiện trường từ cương độ, cao độ đúng lúc cũng phải được dự kiến trong kịch bản.

-Âm nhạc: Là một trong ba yếu tố quan trọng của phóng sự truyền hình. Âm nhạc có tác dụng làm tôn vinh thêm sự kiện. Mỗi bản nhạc khi sử dụng phải phù hợp với kết cấu, ý đồ cũng như chủ đề tư tưởng của phóng sự truyền hình .

Mối quan hệ giữa hình ảnh và âm thanh trong phóng sự truyền hình: Ngôn ngữ phóng sự truyền hình là ngôn ngữ tổng hợp của hình ảnh và âm thanh. Hai yếu tố này luôn hỗ trợ và bổ sung cho nhau, cùng tạo nên hiệu quả thông tin của phóng sự. Nếu như hình ảnh thuyết phục người xem bằng người thật, việc thật thì lời bình giúp họ tổng hợp, khái quát và hiểu được bản chất của sự việc, sự kiện phản ánh trong tác phẩm phóng sự. Lời bình có ưu thế phản ánh những khía cạnh trừu tượng của vấn đề.

Tuy nhiên ở mỗi dạng phóng sự truyền hình khác nhau, vai rò của mỗi yếu tố này cũng khác nhau. Trong phóng sự sự kiện , phóng sự vấn đề, phóng sự chân dung, phóng sự điều tra hình ảnh dù chi tiết bao nhiêu thì cũng chỉ có giá trị thông tin “bề nổi”, thông tin “bề sâu”, phải nhường cho lời bình. Ví dụ trong phóng sự tài liệu “Bình Dương – chân dung một vùng cát” của đạo diễn Trí Trung, Đài truyền hình Đà Nẵng vừa phản ánh cái nghèo của người dân vùng này bằng hình ảnh những ruộng khoai lang trải dài trên vùng cát, những bữa ăn lấy khoai thay cơm, thay luôn cả thức ăn… vừa đi sâu vào tính triết lý, chất tư tưởng bằng lời bình sắc sảo và biểu cảm: “ Nếu ở đâu đó có nền văn minh lúa nước thì ở đây có nền văn minh khoai lang. Tối ăn khoai đi ngủ, sáng ăn củ đi làm”… “Nếu như văn hoá chính là sự thích nghi cao nhất với môi trường của con người sống trong đó thì con người ở đây cũng thích nghi, nhưng sự thích nghi đó cũng giống như cây xương rồng: muốn tồn tại được phải thoái hoá đi những gì của cây: như cành, như lá, để chỉ còn cái thân quắt queo và gai nhọn” … Ngược lại đối với phóng sự du lịch, hình ảnh lại giữ vai trò chính. Kịch bản phim phóng sự “Ai về Kinh Bắc” là một ví dụ . Bản thân những cảnh nối tiếp nhau được soạn ra trong kịch bản cũng là một bài văn , bài thơ bằng hình ảnh.

Tóm lại, tuy mối quan hệ hình ảnh và âm thanh có thể khác nhau, nhưng điều cốt yếu nhất là chúng bổ sung cho nhau, nâng đỡ nhau để truyền đạt ý đồ tư tưởng của tác giả phóng sự truyền hình.

b. Thủ pháp Montage:

Truyền hình là phương tiện thông tin bằng cách truyền hình ảnh và âm thanh theo tuyến tính thời gian. Vì thế, đặc trưng nổi bật của phóng sự truyền hình cũng là Montage. Các thủ pháp Montage góp phần làm tăng hiệu quả phản ánh của phóng sự, rút ngắn độ dài thời gian xảy ra sự kiện trên màn ảnh. Montage là sự kết hợp hài hoà hai yếu tố hình ảnh và âm thanh theo ý đồ sáng tạo của tác giả theo một trật tự nhất định, nối tiếp trong thời gian nhằm phản ánh, lý giải sự kiện, vấn đề trong cuộc sống.Montage là phương tiên trợ giúp đắc lực và không thể thiếu đối với tác giả trong quá trình hoàn thiện tác phẩm của mình. Montage có vai trò quan trọng trong việc tạo ra tư tưởng chủ đề, tiết tấu ẩn dụ, liên tưởng của phóng sự truyền hình.

c. Phỏng vấn:

Phỏng vấn ngoài chức năng là một thể tài độc lập của báo chí trong quá trình thực hiện phóng sự truyền hình. Phỏng vấn được sử dụng như một phương tiện để thu thập và khai thác thông tin từ nhân chứng phục vụ đắc lực cho chủ đề của phóng sự truyền hình. Thông thường có các phương pháp sau để khai thác thông tin:

Thứ nhất là phương pháp quan sát, đó là phóng viên bằng con mắt nghề nghiệp của mình ghi nhận các chi tiết , diễn biến của sự kiện , vấn đề một cách khách quan. Phương pháp này có sức thuyết phục lớn nhưng thiếu tính hệ thống, vì chỉ thực hiện được một phần của hiện thực.

Thứ hai là phương pháp nghiên cứu tài liệu. Phóng viên khai thác thông tin sự kiện bối cảnh thông qua tư liệu lưu trữ. Ưu điểm là tính toàn diện không phụ thuộc vào bối cảnh. Tuy nhiên, phương pháp này được sử dụng trong phóng sự truyền hình thường mang ít tính sống động.

Các phương pháp phỏng vấn khác như qua điện thoại, hộp thư truyền hình, toạ đàm… cũng trở thành công cụ đắc lực bổ sung cho hai phương pháp trên. Thông qua phỏng vấn, phóng sự truyền hình có thể cho khán giả biết ý kiến thái độ, tình cảm của con người đối với sự kiện , vấn đề. Phỏng vấn nhân chứng là một hình thức thu thập nguồn “tư liệu sống” , đặc biệt hữu ích đối với phóng sự truyền hình. Khán giả có thể trực tiếp nghe người được phỏng vấn trả lời ở dạng lời nói sống động, thông tin được nắm bắt không chỉ ở nội dung, lời nói mà còn qua giọng điệu, vẻ mặt, trạng thái tâm lý của người đó biểu hiện qua hình ảnh của phóng sự truyền hình.

Phỏng vấn xuất hiện trong phóng sự truyền hình dưới các dạng:

Thứ nhất, là phóng viên đặt câu hỏi và người được phỏng vấn trả lời. Dạng này được sử dụng trong phóng sự điều tra, phóng sự ngắn. Phóng viên chất vấn những người có trách nhiệm khi vấn đề nảy sinh. Tuy nhiên nêu phóng viên sử dụng nhiều dạng phóng sự nhiều dạng phỏng vấn này, hiệu quả phóng sự sẽ giảm xuống vì kết cấu ý đồ tác phẩm bị loãng, không chặt chẽ.

Thư hai, ý kiến của người được phỏng vấn được xen vào lời bình một cách khéo léo , nhằm thuyết phục cho những luận điểm mà phóng viên nêu ra trong phóng sự truyền hình. Người xem không có ý thức phân biệt rạch ròi giữa lời bình và phỏng vấn mà cảm giác đó là chỉnh thể nhuần nhuyễn. Ưu điểm của dạng phỏng vấn này là ý đồ, chủ thể của phóng sự truyền hình được thể hiện rõ nét, tập trung hơn, tiết kiệm thời gian phát sóng, do đó dung lượng của phóng sự truyền hình loại này ngắn gọn nhưng thông tin vẫn cao.

Ưu thế của phỏng vấn trong phóng sự truyền hình rất lớn, nhưng làm thế nào để biểu hiện thành công ưu thế đó trong tác phẩm của mình là một vấn đề cần được quan tâm. Bởi phỏng vấn không chỉ là hỏi – đáp hoặc tham – vấn mà còn là một nghệ thuật.

d. Phóng viên trước ống kính

Sự xuất hiện của phóng viên trước ống kính máy quay phim tại bối cảnh của sự kiện, vấn đề sẽ làm tăng tính thuyết phục của những thông tin được phóng sự đưa ra. Việc xuất hiện của phóng viên trước ống kính có bối cảnh làm nền sẽ tăng cảm giác nóng hổi, thời sự của sự kiện và thể hiện sự nhanh nhạy của phóng viên. Đây cũng là thế mạnh của báo truyền hình so với báo in về tính thời sự và báo phát thanh về hình ảnh. Phóng viên tại hiện trường nhìn vào khán giả, nói trực tiếp với khán giả về sự kiện đang diễn ra, khoảng cách giữa người truyền và người nhận thông điệp được “thu hẹp lại”, sự chú ý của khán giả đối với phóng sự truyền hình sẽ tăng thêm.

Tuy nhiên, thủ pháp này được sử dụng hay không còn tuỳ theo tính chất của từng sự kiện, vấn đề và khả năng diễn đạt của từng phóng viên. Đối với những vấn đề thời sự nóng hổi, được toàn thể công chúng quan tâm chú ý tới, ví dụ như phóng sự điều tra “Chia đất dự án 327 tại Tây Ninh” và “Những vấn đề cần nhìn nhận lại từ sự phát triển ồ ạt của dự án nuôi tôm”,….của nhóm phóng viên Bùi Hồng Phúc, Lại Ngọc Tình,… Sự xuất hiện của phóng viên trước ống kính đã làm tăng tính thuyết phục của phóng sự truyền hình lên rất nhiều.

Tất cả những yếu tố trên góp phần làm nên đặc trưng riêng của phóng sự truyền hình, đồng thời cũng cho ta thấy sự phức tạp khi tiến hành thực hiện một phóng sự truyền hình. Điều quan trọng là phải có một kịch bản tốt, trong đó chứa đựng nội dung, hình thức thể hiện tác phẩm dẫn dắt chỉ đường cho tập thể làm phim bám sát chủ đề tư tưởng, là kim chỉ nam xuyên suốt quá trình làm phóng sự.

Các loại phóng sự truyền hình

Phóng sự truyền hình là một thể loại báo chí truyền hình thuộc loại khó. Do vậy, khi thực hiện đòi hỏi phóng viên phải có năng lực trình độ nhất định. Việc phân chia các loại phóng sự truyền hình có thể tuỳ theo hình thức kỹ thuật hoặc nội dung của phóng sự truyền hình. Phóng sự truyền hình có các loại sau: phóng sự truyền thẳng, phóng sự hậu kỳ

Phóng sự truyền thẳng là loại phóng sự được truyền trực tiếp tới người xem ngay khi sự kiện đang diễn ra. Việc thu thẳng, xử lý thông tin diễn ra trong quá trình phát sóng. Phóng viên đi theo sự kiện. Công việc quan trọng nhất đối với phóng viên là khâu chuẩn bị. Quan trọng là kịch bản, số người giúp việc và phải dự tính trước các tình huống có thể xảy ra.

Phóng sự hậu kỳ là dạng phóng sự được phát đi sau khi sự kiện đã xảy ra. Phóng viên thực hiện dạng phóng sự này phải tuân thủ theo các bước của quy trình sản xuất một tác phẩm truyền hình. Tính hợp lý của phóng sự tuỳ thuộc vào bản thân sự kiện và cách xử lý của phóng viên. Khi dựng hình phóng sự cũng quan trọng như khi chuẩn bị và ghi hình.

Trong phóng sự truyền hình, có thể căn cứ vào đối tượng phản ánh để chia các loại phóng sự:

  • Phóng sự sự kiện
  • Phóng sự vấn đề
  • Phóng sự chân dung
  • Phóng sự điều tra

Phóng sự sự kiện: là loại phóng sự được phát đi khi đang xảy ra hoặc nó đã kết thúc hoàn toàn. Loại phóng sự này có yêu cầu là phải hết sức nóng hổi, sinh động, đề cập đến những sự kiện thu hút sự chú ý của nhiều người. Việc thu thập và xử lý thông tin tuỳ thuộc vào năng lực và cách nhìn nhận của phóng viên. Người thực hiện phải lựa chọn các chi tiết để làm rõ chủ đề sau khi đã xác định được góc độ xử lý. Nhóm làm phim phải có mặt ngay tại hiện trường khi sự kiện xảy ra, đây là công việc quan trọng nhất trong quá trình thực hiện loại phóng sự này.

Sau khi ghi hình, người thực hiện cần khẩn trương làm hậu kỳ để chuyển nhanh đến công chúng. Điều cần lưu ý, phóng sự sự kiện được thực  hiện một cách thường xuyên trong các chường trình truyền hình cũng giống như tin tức, nó cung cấp cho khán giả những thông tin nóng hổi, tỷ mỷ, có đánh giá, phân tích và bình luận của phóng viên về ảnh hưởng của những xu hướng vận động của sự kiện

Phóng sự vấn đề: đối tượng của loại phóng sự này là những vấn đề sự kiện có ý nghĩa quan trọng được xã hội quan tâm. Những vấn đề về chủ trương đường lối của Đảng được thể hiện qua loại phóng sự này giúp quần chúng hiểu rõ hơn đây là loại phóng sự có tính chính luận cao.

Những vấn đề mà phóng sự đề cập thường có nội dung phong phú, được thực hiện khi sự kiện hoặc vài sự kiện có cùng tính chất đã kết thúc, dư luận xã hội đòi hỏi có một sự hiểu biết cặn kẽ, tỷ mỷ. Loại phóng sự này là một bức tranh toàn cảnh về vấn đề mà nhà báo truyền hình cần đề cập tới, ví dụ: vấn đề môi trường, an toàn thực phẩm, cải cách hành chính, dịch cúm gia cầm, tăng học phí… Có thể nói rằng, loại phóng sự vấn đề giải quyết tốt những vấn đề bức xúc dư luận đang đòi hỏi được xã hội quan tâm, từ sự phát sinh, xu thế vận động đến cách giải quyết vấn đề đó.

Phóng sự chân dung: loại phóng sự này thường đi sâu vào khắc hoạ hình ảnh, chân dung một con người với những tính cách, vị trí, vai trò khác nhau trong xã hội. Như chân dung một anh hùng, bác sĩ, một nhà khoa học, một doanh nhân,…

Phóng sự chân dung cũng đề cập đến cuộc đời của những người hoặc một nhóm người mà vai trò của họ có ảnh hưởng lớn đối với xã hội. Đặc điểm ngoại hình, tính cách nhân vật, tâm lý, tiểu sử, những cống hiến của nhân vật hoặc nhóm nhân vật được tập trung chú ý khai thác. Những chi tiết đó phải chân thực, cụ thể, đặc sắc và có sức gợi cảm để tăng tính thuyết phục cho người xem.

Phóng sự chân dung có thể đề cập đến cuộc đời của một con người nhưng cũng có thể đề cập đến khoảng khắc đời thường của họ.

Điều quan trọng trong phóng sự chân dung là cần có sự sinh  động,  không đước sử dụng thủ pháp nhân cách hoá, điển hình hoá của nghệ thuật điện ảnh. Khi thực hiện phóng sự chân dung có thể có dàn cảnh nhưng phải dựa trên cơ sở của sự thật, phản ánh những chi tiết có thật, chính xác, khách quan để làm bộc lộ tính cách của đối tượng phản ánh.

Phóng sự điều tra: loại phóng sự này được thực hiện khi trong xã hội nảy sinh những vấn đề, trong đó có những mâu thuẫn gay gắt hay vấn đề đang gây nhiều tranh cãi, nhằm lý giải, phân tích để đưa ra những phương pháp giải quyết những mâu thuẫn đó.

Phóng sự điều tra thường bắt đầu từ một kết quả tốt hoặc xấu. Để làm rõ nguyên nhân, phóng viên phải xuống hiện trường để thu thập tài liệu từ nhiều nguồn khác nhau, từ đó có đủ căn cứ, lý lẽ để phân tích và chứng minh các vấn đề mà mình đưa ra.

Trong quá trình thực hiện phóng sự điều tra, nhà báo phải coi đó là vấn đề lương tâm, trách nhiệm của mình. Không được chủ quan hoặc coi đây là nói để khoe trí tuệ, ngôn từ, để lên gân hoặc để khẳng định mình. Đây là loại phóng sự khó thực hiện, vì thế phải có những phương án để vượt qua các trở ngại trong việc thu thập tài liệu, phỏng vấn nhân chứng cũng như về tâm lý. Phóng sự điều tra truyền hình là loại tác phẩm mang lại sức nặng đối với dư luận, đồng thời là nơi để phóng viên thể hiện bản lĩnh, đạo đức nghề nghiệp, trình độ, năng lực của mình.

(Tài liệu tham khảo: Giáo trình Báo chí Truyền hình)

5/5 - (1 bình chọn)

Có thể bạn quan tâm

123123

Lytuong.net – Contact: [email protected]