Trang chủ Văn hóa học Nhân học văn hóa là gì?

Nhân học văn hóa là gì?

by Ngo Thinh
519 views

Khái niệm nhân học – văn hóa:

Nhân học văn hóa là phương pháp nghiên cứu văn hóa chủ yếu dựa vào sự phân bố chủng người và thổ ngữ. Bằng cách gắn các phẩm chất văn hóa với chủ thể – người (vừa là vật mang, vừa là chủ thể, vừa là kết quả của văn hóa), phương pháp này đã khắc phục việc lệ thuộc vào hoàn cảnh địa lý, khi tiến hành lý giải các hiện tượng văn hóa.

Đặc trưng của văn hóa Việt Nam từ công cụ nhân học văn hóa:

Văn hóa Việt Nam là nền văn hóa thống nhất trong tính đa dạng. Tính đa dạng văn hóa là kết quả của sự đa dạng tộc người (hiện có 54 tộc người đang sinh sống tại Việt Nam), trong đó tộc người Kinh (Việt) đóng vai trò chủ thể (chiếm gần 90% tổng dân số). Bởi vậy, văn hóa Việt Nam tuy đa dạng song vẫn hướng tâm vào văn hóa chủ thể – văn hóa Việt.

Về mặt chủng, tộc người Việt (Kinh) là sự hoà huyết của các tộc người sinh sống tại khu vực Đông Nam Á (trong một vùng lãnh thổ trải dài từ nam sông Dương tử – Trung Quốc đến Bắc trung bộ của Việt Nam ngày nay). Đây là một khối dân cư hùng hậu bao gồm nhiều tộc người với tên gọi chung là người Bách Việt (Điền Việt, Dương Việt, Mân Việt, Nam Việt, Lạc Việt…). Tiếp đó, trong suốt thiên niên kỷ thứ nhất sau Công Nguyên – còn gọi là thời kỳ Bắc thuộc, người Việt còn hoà huyết với chủng người Hán và một số chủng khác vốn có nguồn gốc nằm sâu trong Trung Hoa Đại lục.

Về mặt ngôn ngữ, ngôn ngữ phổ thông hiện nay (Tiếng Việt – của tộc người Kinh) là kết quả của quá trình hoà hợp các thổ ngữ của các tộc người trong cộng đồng Bách Việt và quá trình Hán hóa.

Về mặt lịch sử, lúc đầu ngôn ngữ của người Kinh gồm các thổ ngữ của người Bách Việt. Cùng với sự hoà huyết và chung sống, và xuất phát từ nhu cầu giao tiếp, các thổ ngữ này bị biến đổi để trở thành một thứ ngôn ngữ chung cho cả cộng đồng; đó là ngôn ngữ Việt – Mường. Các yếu tố cơ bản cấu thành ngôn ngữ Việt – Mường là: Môn – Khơ me, Tày – Thái.

Quá trình giao lưu văn hóa với Hán ngữ, chủ yếu diễn ra vào giai đoạn Bắc thuộc. Trong bối cảnh đó, ngôn ngữ Việt – Mường đã hấp thụ Hán ngữ để làm giàu và phát triển.

Cuộc giao lưu với văn hóa phương Tây – từ thời Pháp thuộc đến nay, đã đem lại cho tiếng Việt một diện mạo mới, được đánh dấu bằng sự ra đời chữ quốc ngữ và một cấu trúc ngữ pháp cũng như vốn từ vựng ổn định như ngày nay.

Tóm lại, văn hóa Việt Nam là sự thống nhất trong đa dạng xét từ giác độ nhân học văn hóa.

5/5 - (1 bình chọn)

Có thể bạn quan tâm

123123

Lytuong.net – Contact: admin@lytuong.net