1. Tiểu sử George Frideric Handel (Thân thế sự nghiệp)
Năm 1685, Handel chào đời ở Halle Đức cùng năm sinh với Johann Sebastian Bach. Từ khi còn bé, Händel đã thể hiện mình là một tài năng âm nhạc; 7 tuổi đã là một nhạc công điêu luyện, 9 tuổi cậu bắt đầu soạn nhạc.
Bố Hendel muốn ông học luật nhưng mẹ ông lại đồng ý cho ông học nhạc, nhờ đó, Handel được phép học đàn và sáng tác.
Năm 1702, chiều ý cha, Handel đến học luật tại Đại học Halle, nhưng ngay trong năm sau, khi thân phụ qua đời, cậu liền bỏ ngành luật để theo học âm nhạc, và trở thành người đàn phong cầm cho Đại Giáo đường Kháng Cách ở Halle. Năm 1704, Handel đến sống tại Hamburg, nhận đàn violon và hapsichord cho dàn nhạc của nhà hát opera. Hai vở opera đầu tiên của Handel, Almira và Nero, hoàn thành năm 1705; còn hai vở opera khác, Daphne và Florindo, viết xong năm 1708.
Năm 1706, Handel đến Ý. Khi ấy do nhạc opera bị cấm đoán theo lệnh của giáo hoàng, Handel quay sang sáng tác nhạc thánh; và Dixit Dominus nổi tiếng ra đời trong thời gian này (1707). Handel viết nhiều bản cantata mang âm hưởng opera.
Năm 1710, Handel đến Luân Đôn và sống ở đó cho đến năm 1712, Nữ hoàng Anne ban cho ông khoản tiền 200 bảng Anh mỗi năm. Trong những năm ở Luân Đôn, một trong những người bảo trợ quan trọng nhất của Handel là nhà quý tộc trẻ tuổi và giàu có Richard Boyle, Bá tước Burlington, một trong những người đầu tiên yêu thích âm nhạc của Handel. Ông vui hưởng những ngày hạnh phúc ở đây, và sáng tác một vài tuyệt phẩm âm nhạc cho bá tước.
Năm 1723, Handel dời đến ngôi nhà mới xây dựng ở số 25 Đường Brook, Luân
Đôn, và sống ở ngôi nhà thuê này cho đến khi từ trần năm 1759. Những sáng tác nổi tiếng của Handel – Messiah, Zadok the Priest, và Music for the Royal Fireworks – ra đời tại đây. Ngôi nhà trở thành Bảo tàng Nhà Handel, mở cửa cho công chúng vào những dịp trình diễn nhạc Baroque.
Năm 1726, Handel cho ra mắt vở opera Scipio, năm sau ông trở thành thần dân nước Anh. Handel nhận làm giám đốc Nhạc viện Hoàng gia từ năm 1720-1728.
Tháng 4 năm 1737, tay phải của Handel bị liệt nên ông phải tạm dừng các cuộc trình diễn. Sau khi sức khỏe được phục hồi, Handel tập trung soạn các bản oratoria (nhạc Kinh Thánh) thay vì viết nhạc opera. Handel chưa bao giờ kết hôn, và luôn giữ kín các chi tiết trong cuộc sống riêng tư. Không giống các nhà soạn nhạc khác, sau khi chết ông để lại một tài sản trị giá 20 000 bảng Anh (một số tiền khổng lồ thời ấy), phần lớn được di chúc cho một cô cháu gái đang sống ở Đức, cùng các món quà cho những người thân, người giúp việc, bạn hữu và các tổ chức từ thiện.
2. Ngôn ngữ Âm nhạc.
Handel đưa vào sáng tác của ông các loại nhạc cụ ít được bết đến: viola d’amore và violetta marina (Orlando), đàn lute (Ode for St. Cecilia’s Day), ba loại kèn trombone (Saul), clarinet hoặc cornet (Tamerlano), đàn dây theorbo, kèn đồng French horn (Water Music), lyrichord, double bassoon, viola da gamba, bell chimes, positive organ, và harp (Giulio Cesare, Alexander’s Feast).
3. Thể loại sáng tác và tác phẩm tiêu biểu.
Handel soạn 42 vở opera; 29 oratorio; hơn 120 cantatas, trio và duet; nhiều aria; nhạc thính phòng; một khối lượng lớn nhạc tôn giáo; ode và serenata; và 16 concerto đàn organ. Tác phẩm nổi tiếng nhất của ông, Messiah với bài hợp xướng “Halleluja”, là một trong những bài hợp xướng được yêu thích nhất, trở thành một tuyệt tác trong các mùa Giáng sinh. Cũng được yêu thích là Opus 3 và 6 Concerti Grossi, cũng như “The Cuckoo and the Nightingale”, và 16 tổ khúc keyboard, nhất là The Harmonious Blacksmith.
Sau khi mất, các vở opera Ý của Handel bị rơi vào quên lãng, ngoại trừ những hợp tuyển aria như Serse, “Ombra mai fu”. Danh tiếng của Handel xuyên suốt thế kỷ 19 và thượng bán thế kỷ 20, nhất là ở các quốc gia nói tiếng Anh, được vun đắp bởi các oratio tiếng Anh, thường được trình diễn trong các dịp lễ lớn bởi các ca đoàn lớn quy tụ những ca sĩ nghiệp dư.
Cũng được hồi sinh trong những năm gần đây là các bản cantata thế tục, và những vở oratiorio thế tục. Handel chọn các câu truyện thần thoại làm chủ đề cho các vở oratorio thế tục của mình.
Cho đến nay, Handel là một tên tuổi lớn được các nghệ sĩ sáng tác nể trọng. Bach từng thổ lộ, “Handel là người duy nhất tôi mong ước được gặp mặt trước khi chết, và là người duy nhất tôi muốn trở thành, nếu tôi không là Bach.” Mozart đưa ra nhận xét, “Handel thấu hiểu hiệu quả âm nhạc hơn bất kỳ ai trong chúng ta. Một khi đã chọn lựa, ông khiến chúng tác động mạnh mẽ như sấm rền, còn đối với Beethoven, Handel là “thầy của tất cả chúng ta… nhà sáng tác vĩ đại nhất từng sống trên đất. Tôi sẽ ngả mũ và quỳ trước phần mộ ông.