Trang chủ Kinh tế và Kinh doanh Mục tiêu hoạt động của doanh nghiệp

Mục tiêu hoạt động của doanh nghiệp

by Ngo Thinh
252 views

Một doanh nghiệp tồn tại và phát triển vì nhiều mục tiêu khác nhau, ví dụ trong lĩnh vực Marketing mục tiêu của doanh nghiệp là quảng bá sản phẩm, ghi dấu ấn trong tâm trí người tiêu dùng; trong lĩnh vực kinh doanh mục tiêu của doanh nghiệp là giữ vững thị phần, xâm lấn thị trường… Dưới góc độ tài chính doanh nghiệp, mục tiêu của doanh nghiệp là nhằm tối đa hóa giá trị tài sản của chủ sở hữu. Tuy nhiên, mục tiêu này không phải diễn ra trong chân không mà trong môi trường kinh doanh, do đó nó phải được xem xét trong mối quan hệ với các vấn đề khác như quan hệ lợi ích giữa chủ sở hữu và người điều hành doanh nghiệp, giữa lợi ích của doanh nghiệp và lợi ích của xã hội  nói chung. Suy cho cùng mục tiêu của doanh nghiệp là gia tăng tài sản cho chủ sở hữu. Muốn vậy, mọi quyết định tài chính cần chú ý đến khả năng tạo ra giá trị. Một quyết định nếu không tạo ra được giá trị sẽ không làm tăng mà làm giảm giá trị tài sản của các chủ sở hữu.

1. Tối đa hóa giá trị tài sản của chủ sở hữu

Đứng trên góc độ tạo ra giá trị, tối đa hóa lợi nhuận là mục tiêu chính của công ty. Mục tiêu này nhằm không ngừng gia tăng giá trị tài sản cho chủ sở hữu doanh nghiệp. Mục tiêu tối đa hóa lợi nhuận được cụ thể và lượng hóa bằng các chỉ tiêu sau:

– Tối đa hóa chỉ tiêu Lợi nhuận sau thuế EAT – Earning After Tax

Dưới góc độ quản lý nhà nước, đây là bộ phận lợi nhuận thuộc về doanh nghiệp. Tuy nhiên, trên thực tế đây thực sự đã là phần tiền mà doanh nghiệp được bỏ vào túi mình hay chưa?

Để trả lời câu hỏi này chúng ta xem xét sơ đồ phân phối thu nhập sau đây:

Trong đó

  • Chi phí không được trừ bao gồm: Chi nộp các sai phạm như: vi phạm giao thông, vi phạm hợp đồng, nộp chậm thuế… Doanh nghiệp phải dùng lợi nhuận sau thuế để trang trải các khoản chi phí này.
  • Lỗ lũy kế chưa được trừ là các khoản lỗ lũy kế nằm ngoài 5 năm liền kề (nếu có).
  • Lập quỹ đầu tư phát triển công nghệ (nếu có)
  • Lãi ròng: Đây mới là phần tiền mà doanh nghiệp thực sự được bỏ vào túi của mình.

Mặt khác, nếu chỉ đặt mục tiêu tối đa hóa lợi nhuận sau thuế thì chưa hẳn đã gia tăng được giá trị cho chủ sở hữu. Chẳng hạn, doanh nghiệp có thể gia tăng lợi nhuận bằng cách phát hành cổ phiếu thường mới huy động vốn, sau đó dùng số vốn huy động được để đầu tư vào trái phiếu kho bạc thu lợi nhuận. Trong trường hợp này lợi nhuận vẫn gia tăng về số tuyệt đối nhưng cổ tức chưa chắc đã cao hơn thậm chí là giảm vì số lượng cổ phần phát hành tăng. Như vậy, chưa thỏa mãn yêu cầu của chủ sở hữu. Do đó, chỉ tiêu tối đa hóa lợi nhuận cần được bổ sung bằng chỉ tiêu tối đa hóa tỷ suất lợi nhuận ròng của mỗi cổ phần thường (EPS).

– Tối đa hóa chỉ tiêu EPS – Tỷ suất lợi nhuận ròng của mỗi cổ phần thường

Chỉ tiêu này có thể bổ sung những hạn chế của chỉ tiêu tối đa hóa lợi nhuận sau thuế.

Chỉ tiêu EPS được tính bằng công thức sau:

Như vậy, khi EPS tăng, giá trị tài sản của mỗi cổ đông sẽ tăng và ngược lại, khi EPS giảm giá trị tài sản của mỗi cổ đông sẽ giảm.

Tuy nhiên, trong công ty cổ phần, trừ các nhà đầu tư mua đi bán lại cổ phiếu để hưởng chênh lệch giá, còn lại các cổ đông khi đầu tư vào công ty đều mong muốn lợi ích kinh tế của họ tăng lên. Nhưng nếu chỉ nhìn vào chỉ tiêu EPS thì chỉ thấy được phần tiền trên mỗi cổ phần của cổ đông tăng hay giảm, còn không thể thấy được phần tiền của các cổ đông trong công ty cổ phần là nhiều hay ít. Mặt khác, nhìn vào đây chỉ thấy được phần lãi trên sổ sách chứ chỉ tiêu này không xét đến:

  • Yếu tố thời giá tiền tệ và độ dài của lợi nhuận kỳ vọng;
  • Chưa xem xét đến yếu tố rủi ro: Nhà đầu tư sẽ chỉ đầu tư vào cổ phiếu khi thấy có lợi. Ví dụ: Nếu tỷ suất sinh lời của cổ phiếu là 15%, tỷ lệ lạm phát là 16% thì tỷ suất sinh lời thực là – 1% và nhà đầu tư sẽ không mua cổ phiếu. Nếu nhà đầu tư mua cổ phiếu thì giá cổ phiếu tăng. Ngược lại, nếu nhà đầu tư bán cổ phiếu thì giá cổ phiếu sẽ giảm.
  • Không cho phép sử dụng chính sách cổ tức để tác động đến thị giá cổ phiếu: Nếu công ty trả cổ tức năm nay cao hơn năm trước và trả bằng tiền thì thị giá cổ phiếu sẽ tăng lên. Còn nếu công ty trả cổ tức thấp và trả bằng tài sản thì thị giá cổ phiếu sẽ giảm do các cổ đông không được thỏa mãn sẽ bán ồ ạt cổ phiếu ra thị trường.

Vì những lý do trên, tối đa hóa thị giá cổ phiếu được xem như là mục tiêu thích hợp nhất của công ty vì nó kết hợp được nhiều yếu tố như độ dài thời gian, rủi ro, chính sách cổ tức và các yếu tố khác ảnh hưởng đến giá cổ phiếu.

– Tối đa hóa thị giá cổ phiếu

Khi thị giá cổ phiếu tăng cho biết kết quả kinh doanh của doanh nghiệp là tốt và ngược lại nếu doanh nghiệp làm ăn thua lỗ hoặc lãi ít thì thị giá cổ phiếu sẽ giảm hoặc không tăng.

Tóm lại, tối đa hóa thị giá của cổ phiếu chính là tối đa hóa giá trị tài sản của các chủ sở hữu hiện tại của doanh nghiệp, quá trình này đáp ứng yêu cầu hợp lý của doanh nghiệp, nó đã được đánh giá cả ở góc độ thời gian, rủi ro và một số yếu tố khác. Nếu quy các loại hình doanh nghiệp khác theo góc độ của công ty cổ phần và thị trường chứng khoán, các chủ sở hữu là các cổ đông thì tối đa hóa giá trị tài sản của các cổ đông cũng là tối đa hóa giá trị thị trường cổ phần của doanh nghiệp. Tối đa hóa giá trị thị trường của doanh nghiệp cũng chính là tối đa hóa lợi ích của chủ sở hữu, đây là mục tiêu bao quát nhất.

2. Giải quyết tốt vấn đề mâu thuẫn giữa chủ sở hữu và người điều hành

Do đặc điểm của công ty cổ phần là có sự tách rời giữa chủ sở hữu và người điều hành hoạt động của công ty. Trong công ty cổ phần những người điều hành như tổng giám đốc, giám đốc… có thể chỉ là những người làm công ăn lương. Nếu những người điều hành này đặt lợi ích kinh tế của mình lên trên, họ có thể sẽ đưa ra các quyết định làm tổn hại đến lợi ích kinh tế của các cổ đông nhưng lại đem lại lợi ích cho họ. Vì vậy, để đạt được mục tiêu tối đa hóa giá trị tài sản của chủ sở hữu, cần giải quyết tốt mối quan hệ lợi ích giữa người sở hữu doanh nghiệp (chủ công ty) và người điều hành.

Để giải quyết được mối quan hệ này, chủ công ty nên xem người điều hành như là người đại diện cho cổ đông và cần khích lệ sao cho người điều hành nỗ lực điều hành công ty tốt hơn vì lợi ích của cổ đông cũng chính là lợi ích của mình. Bên cạnh việc tạo ra cơ chế giám sát và kiểm soát cần có chế độ khuyến khích để người điều hành hành xử vì lợi ích của cổ đông. Chế độ khuyến khích bao gồm tiền lương, tiền thưởng thỏa đáng. Ngoài ra, có thể biến người điều hành từ chỗ không phải là cổ đông trở thành cổ đông của công ty bằng cách tặng cổ phiếu, tặng quyền mua cổ phiếu (được ưu tiên mua trước, được mua với giá thấp hơn).

3. Thực hiện tốt trách nhiệm đối với xã hội

Tối đa hóa giá trị tài sản của cổ đông không có nghĩa là ban điều hành công ty lờ đi vấn đề trách nhiệm đối với xã hội vì doanh nghiệp để phát triển lâu dài cần đặt lợi ích của mình trong lợi ích của các tổ chức và cá nhân khác. Trách nhiệm đối với xã hội của doanh nghiệp bao gồm:

  • Bảo vệ người tiêu dùng: Không thổi phồng sản phẩm, có chế độ hậu mãi…
  • Trả lương công bằng cho người lao động: Đây cũng chính là để đảm bảo lợi ích kinh tế cho doanh nghiệp vì khi người lao động được trả lương thỏa đáng họ sẽ làm tốt hơn, có trách nhiệm hơn với công việc được giao sẽ làm cho doanh nghiệp phát triển hơn.
  • Quan tâm đến bảo đảm an toàn lao động: có các biện pháp đảm bảo an toàn lao động, mua các hợp đồng bảo hiểm…
  • Chú trọng đào tạo và nâng cao trình độ người lao động: giúp người lao động tiếp cận công nghệ mới.
  • Thực hiện các quy trình xử lý rác thải, bảo vệ môi trường.

(Lytuong.net – Nguồn: topica.edu.vn)

5/5 - (1 bình chọn)

Có thể bạn quan tâm

123123

Lytuong.net – Contact: [email protected]