1. Cách tiếp cận hệ thống và con người trong môi trường
Trong công tác xã hội, mỗi cá nhân được xem là một hệ thống và nằm trong hệ thống lớn hơn đó là gia đình, và gia đình lại là một yếu tố (hệ thống) trong cộng đồng, cộng đồng cũng được xem là một hệ thống bao gồm nhiều thành phần như gia đình, các thiết chế xã hội như trường học, bệnh viện và nhiều cơ quan tổ chức khác trong cộng đồng. Thuyết hệ thống sử dụng trong công tác xã hội chú ý nhiều tới các quan hệ giữa các hệ thống nhỏ như đề cập ở trên.
Trong công tác xã hội đã từ lâu người ta nhấn mạnh mục đích của công tác xã hội là hướng tới giúp các nhóm đối tượng phục hồi, duy trì và tăng cường chức năng xã hội thông qua các biện pháp can thiệp không chỉ hướng tới thay đổi cá nhân mà thay đổi cả môi trường, hoàn cảnh mà họ tương tác trong đó.
Cá nhân là một trong những đối tượng tác động của nhân viên công tác xã hội. Khi cá nhân có nhu cầu không được đáp ứng, rơi vào tình huống khó khăn, chức năng xã hội của họ bị suy giảm. Cá nhân luôn gặp phải những vấn đề trong cuộc sống như vấn liên quan đến công việc, học tập, vấn đề liên quan đến các mối quan hệ trong xã hội, sức khoẻ, tinh thần… Và khi họ không có khả năng tự giải quyết được vấn đề thì họ cần đến sự giúp đỡ của xã hội.
Con người sống không chỉ cần có không khí, có nước uống, đồ ăn mà họ rất cần tới sự tương tác trong các nhóm xã hội như gia đình, bạn bè, đồng nghiệp, cơ quan tổ chức trong môi trường họ sống. Nhu cầu này cũng quan trọng không kém gì so với nhu cầu sinh lý hay vật chất thiết yếu như không khí, nước uống và đồ ăn. Môi trường xã hội làm cho con người sống khác với loài vật. Chất lượng tương tác của cá nhân với môi trường xung quanh họ nói lên chất lượng của cuộc sống của mỗi cá nhân cũng như xã hội mà họ tồn tại. Do vậy, một trong những mục tiêu của công tác xã hội cá nhân là tạo nên sự tương tác tích cực giữa cá nhân và môi trường xã hội, giúp cá nhân và gia đình tiếp cận được những nguồn lực trong cộng đồng, đồng thời phát huy những yếu tố trong môi trường để tạo nên sự tương tác giữa cá nhân, gia đình, cộng đồng và môi trường.
Môi trường bao gồm ba cấp độ:
- Cấp độ vi mô bao gồm các quan hệ trực tiếp của từng cá nhân. Ví dụ gia đình là nơi cá nhân sinh ra và lớn lên có ảnh hưởng trực tiếp; lớp học là nơi cá nhân tham gia hàng ngày để thu thập kiến thức kỹ năng; cơ quan là nơi cá nhân cống hiến sức lao động và sự sáng tạo để khẳng định mình…
- Cấp độ trung mô bao gồm mối liên lạc giữa gia đình và nhà trường, gây nên sự ảnh hưởng trực tiếp tới học sinh, nơi làm việc, công việc của cha, mẹ… có thể ảnh hưởng đến thái độ của họ với con cái
- Cấp độ vĩ mô bao gồm những yếu tố là bản chất hay quy định của xã hội, cộng đồng có ảnh hưởng đến cá nhân nằm trong đó, như chính sách, văn hóa, tôn giáo, kinh tế, chính trị… đã tác động tới cuộc sống các thành viên
Thuyết hệ thống là một lý thuyết rất quan trọng trong nền tảng triết lý của ngành công tác xã hội nó nói lên sự liên hệ giữa các hệ thống (các tổ chức nhóm) và vai trò của cá nhân trong môi trường sống. Lý thuyết này dựa trên giả thiết rằng, mỗi cá nhân đều trực thuộc vào môi trường và hoàn cảnh sống. Cả cá nhân và môi trường đều được coi là một sự thống nhất, mà trong đó các yếu tố liên hệ và trực thuộc lẫn nhau rất chặt chẽ. Vì vậy, trong công tác xã hội bất cứ một việc can thiệp hoặc giúp đỡ một cá nhân của một tổ chức nào đó đều có liên quan và ảnh hưởng đến toàn bộ hệ thống đó.
Do vậy, nhân viên xã hội cần trợ giúp cá nhân, gia đình, nhóm trong khuôn khổ bối cảnh môi trường rộng lớn vì tất cả những yếu tố đều quan trọng trong việc trợ giúp cá nhân tăng cường năng lực.
Trong lý thuyết này, tất cả các vấn đề của con người phải được nhìn nhận một cách tổng thể trong mối quan hệ với các yếu tố khác, chứ không chỉ nhìn nhận và tác động một cách đơn lẻ. Mọi người trong hoàn cảnh sống đều có những hành động và phản ứng ảnh hưởng lẫn nhau, và một hoạt động can thiệp hoặc giúp đỡ với một người sẽ có ảnh hưởng đến những yếu tố xung quanh. Vì thế, trong các hoạt động công tác xã hội, chúng ta phải nhìn vấn đề cần thay đổi trên nhiều phương diện và ở nhiều mức độ khác nhau, trên lĩnh vực cá nhân, gia đình, cộng đồng, xã hội và thế giới.
2. Cách tiếp cận dựa trên thuyết về nhu cầu con người
Để tồn tại, con người cần phải được đáp ứng các nhu cầu thiết yếu cơ bản cần cho sự sống, như: ăn, mặc, nhà ở và chăm sóc y tế…; để phát triển, con người cần được đáp ứng các nhu cầu cao hơn, như: nhu cầu được an toàn, được học hành, được yêu thương, được tôn trọng và khẳng định.
Theo thuyết động cơ của A.Maslow, con người là một thực thể sinh – tâm lý xã hội. Do đó, con người có nhu cầu cá nhân cần cho sự sống (nhu cầu về sinh học) và nhu cầu xã hội. Theo đó, ông chia nhu cầu con người thành 5 thang bậc từ thấp đến cao:
- Nhu cầu sống còn, bao gồm: Nhu cầu về không khí, nước, thức ăn, quần áo, nhà ở, nghỉ ngơi…
- Nhu cầu an toàn: Nhà ở, chăm sóc sức khỏe, đảm bảo an ninh
- Nhu cầu thuộc vào một nhóm nào đó: Như có gia đình, thuộc về nhóm xã hội nào đó
- Nhu cầu được tôn trọng
- Nhu cầu hoàn thiện: Được học hành, được phát triển những tiềm năng cá nhân.
Khi trợ giúp các nhóm đối tượng, nhân viên xã hội cần xem xét những nhu cầu nào của họ chưa được đáp ứng và cần giúp họ làm gì để đáp ứng được nhu cầu đó để đảm bảo cho cá nhân được tồn tại và phát triển.
3. Tiếp cận dựa trên thuyết về quyền con người
Tiếp cận dựa trên quyền con người là một khung lý thuyết có chứa đựng các nguyên tắc, tiêu chuẩn và mục tiêu của hệ thống quyền con người trong quá trình lập kế hoạch và tiến trình thực hiện các hoạt động công tác xã hội.
Cách tiếp cận dựa trên quyền lấy nền tảng cơ bản chính là hệ thống quyền con người đã được pháp luật quốc tế bảo vệ. Với cách tiếp cận theo quyền, nhân viên xã hội cần dựa trên hệ thống quyền con người để xây dựng các phương pháp và hoạt động của những mô hình phát triển xã hội.
Theo cách tiếp cận này, nhân viên xã hội thực hiện việc trao quyền cho con người thực hiện các quyền của mình đồng thời đảm bảo những bên có nghĩa vụ thực hiện nghĩa vụ của mình.
Trên phương diện vĩ mô, cách tiếp cận dựa trên quyền có bàn đến tầm quan trọng của nhà nước và chính phủ trong mối quan hệ tương quan với công dân của họ về mặt quyền và nghĩa vụ. .
Cũng giống như những cách tiếp cận khác, tiếp cận dựa trên quyền nhằm hướng đến việc cải thiện hoàn cảnh của con người, tập trung vào nhu cầu, vấn đề và tiềm năng của họ. Theo cách này, cách tiếp cận dựa trên quyền có đề cập đến những vấn đề luôn được coi là trọng yếu đối với sự phát triển, như là thực phẩm, nước, nhà ở, y tế, giáo dục, an toàn, tự do.
Với cách tiếp cận dựa trên quyền, nhân viên xã hội là người thực hiện vai trò biện hộ, ngay cả khi đối tượng có hoặc chưa nhận thức được những quyền của họ. Ví dụ, nhân viên xã hội thực hiện vai trò biện hộ trên nền tảng tiếp cận dựa trên quyền trẻ em: Trẻ em có quyền được đến trường. Trẻ nhiễm HIV/AIDS hoặc trẻ bị ảnh hưởng bởi HIV/ AIDS cũng có các quyền được đi học như những trẻ khác.
4. Tiếp cận dựa trên thế mạnh và khả năng phục hồi trong trợ giúp giải quyết vấn đề
Quan điểm thế mạnh là trong quá trình trợ giúp thân chủ giải quyết vấn đề hãy chú trọng tới thế mạnh của họ (các nguồn lực của cá nhân cũng như của môi trường).
Với quan điểm này NVXH luôn được định hướng tới việc xác định nguồn lực, tiềm năng và dựa trên thế mạnh của thân chủ và khích lệ họ thay đổi.
Quan điểm của thuyết này như sau:
- Mọi cá nhân, nhóm, gia đình và cộng đồng có đề có những mạnh. Nhiệm vụ của người NVXH công tác xã hội nhằm giúp thân chủ xác định các thế mạnh và xây dựng dựa trên chúng
- Những tình huống khó khăn vừa là thách thức và cơ hội
- Không ai có thể biết chắc chắn giới hạn năng lực của một người để phát triển, thay đổi, và vượt qua khó khăn trong cuộc sống
- Mọi người xung quanh và cộng đồng đều chứa đựng nguồn tài nguyên có sẵn và có thể được huy động nếu họ sáng tạo và kiên trì
- Thân chủ thường biết điều gì sẽ có hiệu quả và không hữu ích trong quá trình giải quyết vấn đề. NVXH cố gắng cộng tác với thân chủ và thực hiện mục tiêu, nguyện vọng và đề xuất về cách tốt nhất để tiến hành.
Một yếu tố khác cũng cần chú ý trong can thiệp đó là tin vào khả năng phục hồi của thân chủ. Khả năng phục hồi được định nghĩa là khả năng chịu đựng, vượt qua và thậm chí là phát triển của thân chủ sau những trải nghiệm tiêu cực (sau những sang chấn, khủng hoảng hay tình huống có vấn đề). Khi trợ giúp thân chủ, NVXH cần luôn tin tưởng rằng họ có khả năng vượt qua khó khăn và phục hồi lại tình trạng như trước đây.
5. Tiếp cận dựa trên thuyết phát triển xã hội, phát triển cộng đồng
Ngày nay, tiêu chí để đánh giá trình độ phát triển của các quốc gia không chỉ thuần tuý dựa vào yếu tố phát triển kinh tế mà quan trọng hơn là yếu tố phát triển xã hội, chỉ số phát triển con người. Liên hợp quốc đưa ra ba yếu tố cơ bản liên quan và tương hỗ với nhau của phát triển bền vững là: Phát triển kinh tế, phát triển xã hội và bảo vệ môi trường.
Các nhóm chỉ số cơ bản của phát triển của một quốc gia:
- Nhóm chỉ số tăng trưởng kinh tế, đặc biệt là bình quân thu nhập đầu người so sánh giữa các vùng.
- Nhóm chỉ số phát triển xã hội, đặc biệt người ta quan tâm nhiều đến chỉ số dịch vụ xã hội, trong đó có hai dịch vụ cơ bản nhất là dịch vụ y tế và giáo dục. Chỉ số phát triển con người là chỉ số tổng hợp kinh tế- xã hội của sự phát triển, bao gồm: Thu nhập bình quân đầu người, tuổi thọ trung bình, trình độ học vấn trung bình.
- Chỉ số phát triển cơ sở hạ tầng (điện, đường, trường, trạm…)
- Chỉ số phát triển bền vững. Đây là một quan niệm đề cập tới quan hệ giữa con người và xã hội với tự nhiên.
Như vậy, để đạt đến sự phát triển một cách toàn diện, cần phải có một chiến lược và kỹ năng phát triển xã hội và phát triển cộng đồng.
(Lytuong.net – Tài liệu tham khảo: Nhập môn công tác xã hội, UNICEF, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, Trường Đại học Lao động – Xã hội, 2016)