Tuy truyền hình được thừa hưởng nhiều điểm mạnh của nền nghệ thuật thứ bẩy đặc biệt là về kỹ thuật Montage, cỡ cảnh, góc độ máy… nhưng truyền hình cũng có những nét riêng phân biệt để có bản sắc đặc thù của mình về mục đích và kỹ thuật quay dựng hình ảnh.
Về mặt hình thức, truyền hình và điện ảnh có cùng một phương thức truyền thông: Ngôn ngữ hình ảnh và âm thanh nhưng về bản chất, truyền hình điện ảnh là hai lĩnh vực khác nhau, do đó nội dung, mục đích đối tượng tác động, vai trò của hình ảnh và âm thanh giữa chúng cũng có những điểm khác biệt.
Cũng như bất kỳ một loại hình báo chí nào khác, truyền hình có chức năng chủ yếu là thông tin thời sự và xác thực về mọi sự kiện diễn biến xảy ra hàng ngày trong cuộc sống tới đông đảo quần chúng. Tính phổ cập là điều không thể thiếu được trong thông tin báo chí. Đối tượng phản ánh của truyền hình là bản thân sự phát triển của cuộc sống, là cuộc sống như chính nó có trên thực tế thông qua việc thể hiện những sự kiện hiện tượng, con người có thực, những vấn đề hết sức lớn lao, quan trọng được mọi người quan tâm.
Trong khi đó, điện ảnh lại là một loại hình nghệ thuật thường phản ánh cuộc sống thông qua những hình tượng nghệ thuật qua sự đề xuất và cảm xúc thẩm mỹ với khả năng hư cấu không hạn định. Nhiều thủ pháp điện ảnh ra đời nhằm phục vụ cho yêu cầu tái tạo một cách thẩm mỹ cuộc sống ở mọi khía cạnh, mọi ngóc ngách, ở dạng thái biểu hiện của hiện thực cuộc sống.
Ở điện ảnh, người xem thưởng thức tác phẩm nghệ thuật nắm được thông tin, ý đồ của đạo diễn thông qua câu chuyện kể trên màn ảnh người xem nhiều khi có cảm giác đứng cạnh sự kiện đang xảy ra khi người quay phim sử dụng góc độ chủ quan, nhưng giữa họ với nhân vật vẫn có một khoảng cách. Nhân vật trong phim không bao giờ nhìn vào khán giả (có thể nhìn vào ống kính quay phim, nhưng là vào đối tượng được chiếu lên những cảnh sau đó…) với mục đích tái tạo cuộc sống ở mức độ cao nhất có thể được để khán giả không có cảm tưởng đó là phim, mà là cuộc sống. Khi xem một bộ phim, khán giả có thể bị say mê, cuốn hút vào cốt truyện, vào những tình tiết và những mối quan hệ, những mâu thuẫn phức tạp. Họ dường như sống một cuộc sống khác, cuộc sống của những nhân vật trong phim, họ có thể yêu nhân vật này, ghét nhân vật kia…
Điện ảnh thuyết phục con người bằng tình cảm. Qua con đường tình cảm, điện ảnh thể hiện chức năng thẩm mỹ, chức năng giáo dục và chức năng giải trí của mình.
Truyền hình thì sao? Một tác phẩm truyền hình đến với công chúng là sự kể lại, tường thuật bằng hình ảnh và âm thanh những gì tác giả đã chứng kiến, cho nên phải có đối tượng để kể, đó là người xem. Cái mà người xem quan tâm không phải là cốt truyện hư cấu cùng với sự diễn xuất của người diễn viên trong điện ảnh, mà là những sự kiện, hiện tượng có thật trong đời thường có liên quan, ảnh hưởng trực tiếp tới đời sống người dân: những chỉ thị của Đảng, Chính phủ, tình trạng thiếu nước ở Hà Nội, vấn đề môi trường và ô nhiễm môi trường, vấn đề đê điều, vụ án Nguyễn Tùng Dương, chân dung cuộc đời người nữ anh hùng Nguyễn Thị Định… và việc đưa những thong tin này với những lỹ lẽ mang tính thuyết phục một cách nhanh chóng nhất, trực tiếp, kịp thời nhất.
Sự kế thừa ngôn ngữ điện ảnh của truyền hình là một tất yếu đã giúp cho truyền hình có một tầm ảnh hưởng vượt trội so với anh em của nó- báo in, báo phát thanh. Nhưng đó không phải là sự sao chép y nguyên bản gốc kể cả khi truyền hình có mối liên hệ mật thiết với điện ảnh chính luận (phim thời sự, tài liệu) về phương pháp và nội dung phản ánh (các bộ phim đầu tiên do anh em Luymiere thực hiện “Tàu vào ga”, “Bữa ăn sáng của em bé” mà trừ một và trường hợp ngoại lệ (chẳng hạn như phim “Người làm vườn nổi tiếng”), hầu hết các phim của Luymiere đều là phóng sự, tài liệu.
Việc chỉ ra sự khác biệt giữa hình ảnh truyền hình và chính luận không có một mục đích nào ngoài việc tăng hiệu quả tác động thông tin, truyền cảm đối với khán giả truyền hình, bởi vì áp dụng tiến bộ thủ pháp điện ảnh nhiều khi không làm cho hình ảnh truyền hình thêm phần nghệ thuật mà ngược lại là khác. Hơn nữa sự khác biệt ấy một phần nào chỉ ra đặc trưng của kịch bản phân cảnh điện ảnh và kịch bản phân cảnh truyền hình.
Về đặc tính kỹ thuật của hình ảnh: Hình ảnh điện ảnh trên phim nhựa (sau khi quá trình xử lý kỹ thuật hoá chất) là những hình ảnh mang tính quang học thuần tuý và sự truyền đạt chất lượng cao độ trung thực và sắc nét gần giống như cuộc sống.
Hình ảnh truyền hình chỉ là những hình ảnh được xử lý, tái tạo thông qua các tài liệu điện tử mà khả năng truyền đạt về độ sắc nét, trung thực về màu sắc còn kém so với điện ảnh.
Chính vì lý do đó nên hình ảnh truyền hình kém rõ ràng trong những cảnh quay xa, những vật nhỏ khó nhận ra hoặc không tìm thấy được, nhất là những hình ảnh truyền hình lại được xem trong phạm vi “màn ảnh nhỏ gia đình”. Ngoài ra độ đậm nhạt, tương phản của truyền hình cũng còn kém xa so với điện ảnh. Muốn khắc phục điểm yếu đó truyền hình không còn cách khác phải sử dụng phương pháp phóng to lên như là một nghệ thuật quan trọng hướng người xem tới những điểm chủ yếu, hiểu được sự việc đang diễn ra. Bởi vậy, người ta quan niệm truyền hình là nghệ thuật cận cảnh. Khái niệm cận cảnh trong truyền hình nên được hiểu một cách linh hoạt theo kiểu “những hình ảnh phóng to” chứ không nhất quán là cận cảnh điện ảnh, những hình ảnh ở dưới vai người trở lên.
Sự khác nhau về mục đích và yêu cầu: Một tác phẩm điện ảnh là một bộ phim kể bằng hình ảnh. Các cảnh, các trường đoạn không những phải được kết hợp logic, bám sát kịch bản phân cảnh mà còn phải thể hiện được tính nghệ thuật tới mức cao nhất bằng việc sử dụng các cách quay chủ quan, khách quan kết hợp với các xảo thuật trong điện ảnh.
Trong phim “khi đàn sếu bay qua” (Đạo diễn M.Kola tazop) “Nhà quay phim tài năng Urusepxki đưa ra khuôn mặt của Xamolova lên màn ảnh với kích thước lớn nhất mà ống kính cho phép. Ông ghi lại được tất cả những thay đổi tinh tế nét mặt người nghệ sỹ. Có thể nói, từ khuôn mặt Xamolova, nhà quay phim đã sáng tác ra một bài thơ về sức diễn cảm” . Sức mạnh của nghệ thuật điện ảnh chính là ở chỗ thể hiện sự vật một cách tinh tế nhất, biểu cảm nhất, chân thực nhất bằng hình ảnh.
Đối với báo hình, tính thông tin, tính thời sự của hình ảnh được đặt ra rất cao so với yêu cầu thẩm mỹ của hình ảnh. Nừu như ở phim truyện, để có một bộ phim thì phải mất nhiều thời giờ dàn cảnh, bố trí đạo cụ, phục trang, hoá trang… Một cảnh quay được thực hiện nhiều lần để cho ra một thước phim nghệ thuật, tính thẩm mỹ cao trong từng khuôn hình, bố cục ảnh, ánh sáng, lý tưởng thì trong truyền hình, cụ thể là những thể loại báo chí phóng sự tin, giá trị thông tin, tầm quan trọng của sự kiện, vấn đề được ghi lại trong những thước phim thời sự đặt lên hàng đầu, sau đó mới đến tính thẩm mỹ. Hơn nữa thông tin báo chí là thông tin sự kiện hiện tượng nóng hổi xảy ra, nếu chỉ chăm làm sao đạt được tính thẩm mỹ, nghệ thuật thì sự kiện đó vụt trôi qua mất rồi. Nhiều khi những hình ảnh “nhấp nhổm” không nuột mà lại tăng tính thuyết phục của phóng sự lên, nhất là những thước phim chiến sự. Để thu hình kịp mà không bỏ lỡ diễn biến sự kiện, người quay phim ít có điều kiện bố cục, khuôn hình chuẩn, góc độ lý tưởng, ánh sáng hoàn hảo để tạo hình mà cố gắng ghi cho được không sót một chi tiết nhỏ nhặt nhưng quan trọng của sự vật đang diễn ra. Nhờ ghi lại được những hình ảnh có giá trị tư liệu như vậy nên có thể cung cấp chất liệu cho các bài bình luận hàng tuần, cho các phim tài liệu.
Âm thanh: Nhờ có sự trợ giúp của âm thanh, hình ảnh trong chương trình truyền hình trở nên sống động như cuộc sống chứ không phải là những hình ảnh ghi chép khô khan không hiện thực. Âm thanh làm cho tính chân thực của truyền hình rõ nét hơn rất nhiều. Giới hạn phản ánh của báo hình chỉ dừng lại ở hiện thực cuộc sống chứ không nhào nặn, hư cấu chất liệu cuộc sống như trong phim truyện. Do vậy mục đích của truyền hình là ghi lại không chỉ hình ảnh mà còn hơi thở, động thái của cuộc sống trong thế giới hình ảnh và âm thanh biến động không ngừng của cuộc sống.
(Tài liệu tham khảo: Giáo trình Báo chí Truyền hình)