Trang chủ Tài chính Tiền tệ Môi giới chứng khoán là gì? Khái niệm và chức năng

Môi giới chứng khoán là gì? Khái niệm và chức năng

by Ngo Thinh
Published: Last Updated on 195 views

Khái niệm và chức năng của hoạt động môi giới chứng khoán

1. Khái niệm

Theo nghĩa rộng, hoạt động môi giới trong lĩnh vực chứng khoán bao gồm một số hoạt động như tiếp thị, tư vấn đầu tư chứng khoán, kí kết hợp đồng cung cấp dịch vụ cho khách hàng, mở tài khoản chứng khoán cho khách hàng, nhận các lệnh mua bán của khách hàng, thanh và quyết toán các giao dịch, cung cấp các giấy chứng nhận chứng khoán.

Theo nghĩa hẹp, môi giới chứng khoán là hoạt động kinh doanh chứng khoán (KDCK) trong đó Công ty chứng khoán (CTCK) đứng ra làm đại diện cho khách hàng tiến hành giao dịch thông qua cơ chế giao dịch trên sở giao dịch chứng khoán, hoặc thị trường OTC mà chính khách hàng sẽ phải chịu trách nhiệm đối với kết quả giao dịch đó. Người môi giới chỉ thực hiện giao dịch theo lệnh của khách hàng để hưởng phí dịch vụ, họ không phải chịu rủi ro từ hoạt động giao dịch đó. Nghiệp vụ môi giới còn được hiểu là làm đại diện – được ủy quyền thay mặt khách hàng mua bán một hoặc một số loại chứng khoán.

Ở Việt Nam theo Luật chứng khoán thì nghiệp vụ môi giới chứng khoán là hoạt động trung gian hoặc đại diện mua bán chứng khoán cho khách hàng để hưởng hoa hồng. Theo quy định này thì hoạt động môi giới chỉ bao gồm các hoạt động của nhân viên giao dịch. Đó là: hướng dẫn và mở tài khoản cho khách hàng, nhận lệnh và sơ kiểm lệnh, truyền lệnh vào SGD và TTGDCK, nhận kết quả từ SGD & TTGDCK, lập báo cáo kết quả giao dịch định kì, thực hiện các dịch vụ hỗ trợ khác như cho vay cầm cố, ứng trước tiền bán chứng khoán, thu xếp tài chính…

Một số lưu ý trong hoạt động môi giới chứng khoán:

  • Quyết định mua bán do khách hàng đưa ra.
  • Nhà môi giới đứng tên mình thực hiện các lệnh mua bán của khách hàng.
  • Nhà môi giới không chịu rủi ro bởi quyết định mua bán của khách hàng, nhưng phải chịu trách nhiệm hành chính và pháp luật với công việc của mình tùy theo mức độ vi phạm, phải tự đền bù, khắc phục hậu quả do lỗi của mình (nhập sai lệnh, không kiểm soát cẩn trọng lệnh của khách hàng dẫn đến những vi phạm luật trong quá trình thực hiện lệnh…) gây ra.
  • Việc hạch toán các giao dịch được thực hiện trên các tài khoản thuộc sở hữu của khách hàng.
  • Người môi giới chỉ được thu phí dịch vụ theo thỏa thuận trong hợp đồng. Mức phí nhiều hay ít phụ thuộc vào giá trị chứng khoán được mua bán.

2. Chức năng của hoạt động môi giới

– Cung cấp dịch vụ với hai tư cách:

  • Nối liền khách hàng với bộ phận nghiên cứu đầu tư: cung cấp cho khách hàng các báo cáo nghiên cứu và các khuyến nghị đầu tư.
  • Nối liền những người bán và người mua: đem đến cho khách hàng tất cả các sản phẩm và dịch vụ tài chính.

– Đáp ứng những nhu cầu tâm lí của khách hàng khi cần thiết: trở thành người bạn người chia sẻ những lo âu căng thẳng và đưa ra những động viên kịp thời, giúp khách hàng có quyết định tỉnh táo.

– Khắc phục trạng thái xúc cảm quá mức (điển hình là sợ hãi và tham lam) để giúp khách hàng có những quyết định tỉnh táo.

– Đề xuất thời điểm mua và bán hàng có lợi cho khách hàng.

* Chức năng tiếp thị và bán hàng

Tiếp thị nhằm tìm hiểu về công chúng đầu tư ưa thích loại chứng khoán nào để từ đó đưa ra chiến lược sản phẩm phục vụ khách hàng.

* Chức năng “sản xuất”

Khi nhà môi giới tiến hành một thương vụ thì quy trình giao dịch được tiến hành. Một giao dịch được xử lí như thế nào (quá trình sản xuất) là rất quan trọng vì nó chứng minh cho khách hàng thấy tính chuyên nghiệp của CTCK.

* Chức năng hành chính, hỗ trợ

Chức năng này trợ giúp , hỗ trợ, duy trì việc giao dịch hàng ngày của công ty. Ở các nước, để thực hiện một lệnh giao dịch thông thường có các bộ phận chức năng chủ yếu sau:

  • Bộ phận thực hiện lệnh (Order room): có trách nhiệm xử lí các lệnh mua bán và ghi chép chính xác việc thực hiện các lệnh đó.
  • Bộ phận mua và bán (Purchase and Sale): xây dựng kế hoạch mua bán chứng khoán và định hướng, điều hòa khách hàng với môi giới.
  • Bộ phận kí quỹ (Margin): đảm bảo tài khoản của khách hàng luôn trong trạng thái phù hợp với các quy định của pháp luật đầu tư kinh doanh chứng khoán và chính sách của công ty.
  • Bộ phận thủ quỹ (Cashiering): thực hiện công việc giao nhận, kho quỹ…
  • Bộ phận quản lí hồ sơ (Stock Record): lập số hiệu và mã tài khoản, kiểm toán, luân chuyển chứng khoán.
  • Bộ phận kế toán (Accounting): thực hiện công việc hạch toán kế toán.
  • Bộ phận quản lí cổ tức và tiền lãi trái phiếu.
  • Bộ phận ủy quyền (Proxy): bỏ phiếu cho khách hàng, thông tin cho khách hàng.
  • Bộ phận chứng khoán (Sale)
  • Bộ phận quản lí tài khoản mới (New Accounts)
5/5 - (1 bình chọn)

Có thể bạn quan tâm

123123

Lytuong.net – Contact: [email protected]