Trang chủ Kinh tế và Kinh doanh Lý thuyết thương mại và chính sách thương mại quốc tế

Lý thuyết thương mại và chính sách thương mại quốc tế

by Ngo Thinh
171 views

Finger – chuyên gia nổi tiếng từng làm việc tại Ngân hàng Thế giới, người đã động viên, chỉ dẫn và cố vấn cho nhiều thế hệ nhà phân tích chính sách thương mại –  đưa ra ý kiến: “Lý thuyết thương mại nhằm xác định ai đang đút tay vào túi của ai. Chính sách thương mại nhằm xác định ai nên nhấc tay đó ra” (Finger, 1981). Theo ý kiến của nhiều chuyên gia kinh tế, lý thuyết và chính sách thương mại quốc tế đều quan trọng. Để có một chính sách thương mại phù hợp đáp ứng yêu cầu phát triển của mỗi quốc gia, các thương nhân, nhà nghiên cứu và nhà hoạch định chính sách cần phải hiểu về các lý thuyết thương mại quốc tế.

1. Lý thuyết thương mại quốc tế

Câu hỏi đặt ra ở đây, lý thuyết thương mại quốc tế là gì? Đó là những lý thuyết giải thích cơ sở khoa học hình thành thương mại quốc tế và lợi ích đạt được của các chủ thể tham gia quá trình này. Lý thuyết thương mại phát triển từ đơn giản đến phức tạp và ngày càng hoàn thiện. Theo thời gian và theo tiến trình phát triển có thể chia thành ba nhóm lý thuyết: lý thuyết thương mại cổ điển, lý thuyết thương mại tân cổ điển và lý thuyết thương mại hiện đại. Lý thuyết thương mại mang tính khách quan; tuy nhiên khách thể được nhìn nhận hay được phát minh qua lăng kính của các nhà kinh tế nên  tùy theo mức độ có cả tính chủ quan. Việc nghiên cứu các lý thuyết thương mại quốc tế có ý nghĩa đối với mỗi quốc gia cả trên phương diện lý luận và thực tiễn.

2. Chính sách thương mại quốc tế

Theo Từ điển Chính sách thương mại quốc tế  (Walter  Goode,  1997),  chính  sách  thương mại (trade policy)  là “Một hệ thống hoàn chỉnh  bao gồm luật lệ, quy định, hiệp định  quốc tế và các quan điểm đàm phán được chính phủ thông qua để đạt được mở cửa thị trường hợp pháp cho các công ty trong nước. Chính sách thương mại cũng nhằm xây dựng luật lệ giúp cho các công ty có khả năng dự đoán trước và đảm bảo an toàn cho mình. Thành phần chính của chính sách thương mại là đãi ngộ tối huệ quốc, đãi ngộ quốc gia, tính công khai và trao đổi ưu đãi. Để phát huy được hiệu lực, chính sách thương mại cần có sự hỗ trợ của chính sách trong nước để khuyến khích đổi mới và nâng cao tính cạnh tranh quốc tế, và cần có độ linh hoạt và thực dụng trong quá trình thực hiện.”

Theo Hoekman và Kostecke (1995), chính sách thương mại là chính sách quốc gia dùng để phân biệt đối xử đối với các nhà sản xuất nước ngoài. Nói cách khác, chính sách thương mại đại diện cho quy mô quốc tế của chính sách quốc gia vì lý do nội địa. Căn cứ vào nguyên tắc, các công cụ mà các nước sử dụng, các hiệp định giữa các nước đã được ký kết để điều tiết hoạt động thương mại quốc tế và các quan điểm của các quốc gia đối với hoạt động xuất nhập khẩu, có thể phân chính sách thương mại quốc tế đi theo hai xu hướng: xu hướng tự do thương mại và xu hướng bảo hộ thương mại. Những quan điểm, công cụ, biện pháp khuyến khích, tạo điều kiện cho thương mại phát triển gọi là chính sách tự do thương mại. Còn những quan điểm, công cụ, biện pháp hạn chế nhập khẩu nhằm bảo hộ sản xuất trong nước gọi là chính sách bảo hộ thương mại.

Trong thực tế, không có một quốc gia nào hoàn toàn tự do thương mại và bảo hộ thương mại mà kết hợp đan xen với nhau tùy theo bối cảnh quốc tế, quan hệ đối tác và điều kiện cụ thể của từng nước. Theo xu hướng tự do hóa và vì lợi ích của chính các quốc gia, các nước buộc phải mở cửa thị trường, đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu ra thị trường nước ngoài.

5/5 - (1 bình chọn)

Có thể bạn quan tâm

123123

Lytuong.net – Contact: [email protected]